Bài 1: “Đi nhanh” trong gió đổi mới

10:19 | 11/03/2016

686 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày nay, ngành dầu khí đã khẳng định vị trí đầu tàu của nền kinh tế. Nếu coi GDP như một kho thóc “của ăn của để” của quốc gia thì phân nửa “thóc” trong kho ấy được làm nên từ dầu khí. Nhưng ít ai biết rằng...

Ngày nay, ngành dầu khí đã khẳng định vị trí đầu tàu của nền kinh tế. Nếu coi GDP như một kho thóc “của ăn của để” của quốc gia thì phân nửa “thóc” trong kho ấy được làm nên từ dầu khí. Nhưng ít ai biết rằng, để có được ngành công nghiệp dầu khí giữ vai trò đầu tàu đâu phải chỉ múc dầu dưới biển lên mà là cuộc trường chinh đầy mồ hôi và nước mắt để xây dựng một nền công nghiệp dầu khí độc lập, tự chủ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc hành trình đến một số đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để phác thảo đôi nét về hành trình đổi mới ấy…

Đi nhanh–chỉ đạo của Tổng Bí thư

Thành phố biển Vũng Tàu, một chiều cuối thu. Trong căn phòng họp của Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro), chúng tôi được các Phó tổng giám đốc Vũ Nam Cường, Cao Tùng Sơn kể lại câu chuyện Vietsovpetro hôm qua và hôm nay.

“Nhắc đến ngành dầu khí, không thể không nhắc đến tình hữu nghị Việt-Xô, Việt –Nga, đến Vietsovpetro. Nhưng trong quan hệ hợp tác tốt đẹp ấy, chưa chắc đã tìm ra dầu, nếu như không có “cách đánh Việt Nam”, sự kiên trì Việt Nam”–ông Vũ Nam Cường cho biết.

bai 1 di nhanh trong gio doi moi
Hoạt động khai thác dầu khí ở mỏ Bạch Hổ hiện nay. Ảnh: NGUYỄN MINH

Để tìm dầu, ngành dầu khí đã trải qua những bước đi thế kỷ lên rừng, xuống biển, suốt mấy chục năm trời từ năm 1961 mà vẫn chưa ra dầu. Xa hơn, kết quả tìm kiếm của chế độ cũ cùng nhiều công ty Mỹ mới dừng lại ở một số tài liệu, một số mẫu dầu ít ỏi khoan được mang về.

Đất nước vừa tắt ngọn lửa chiến tranh, gian khó bộn bề nhưng khát vọng tìm dầu đã cháy cùng tư duy đổi mới. Là một trong những lãnh đạo đầu tiên của Vietsovpetro, TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kể: “Sau khi đất nước thống nhất, Tổng bí thư Lê Duẩn đã có tầm nhìn rất rộng khi chủ trương vừa hợp tác với Liên Xô vừa quan hệ đa phương và tự lực để đẩy nhanh tiến độ khai thác dầu khí. Ông yêu cầu dành một số lô trên thềm lục địa để Việt Nam tự lực, còn các lô khác mời quốc tế tham gia, nếu Mỹ quay lại cũng sẵn sàng hợp tác”.

Trong năm 1976, ta đã tiếp xúc vòng đầu với 17 công ty và Nhà nước Pháp, Ôx-trây-li-a, Ca-na-đa, Nauy, I-ta-li-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Anh. Theo ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thì ta còn mời cả tiến sĩ kinh tế năng lượng Michael Tanzer (người Mỹ) tư vấn. Một chuyên gia Việt kiều ở Pháp cũng được mời tư vấn cho dù ngày ấy, việc làm ăn với “Tây” còn là điều lạ lẫm, đầy sự hoài nghi khi giao tiếp với nước ngoài.

Thử thách chí bền

Đúng lúc này, ngày 3-7-1980, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định về việc hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Ông Lê Quang Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro kể: “Trước 1975, Công ty Mobil của Mỹ đã khoan ở mỏ Bạch Hổ, gặp dầu và họ đã lấy 5 thùng dầu thô đưa về đất liền. Trên cơ sở những tài liệu ấy, ngày 31-12-1983 tàu khoan Mirchin, Liên Xô bắt đầu khoan thăm dò ở giếng Bạch Hổ 5 nằm gần Bạch Hổ 1X mà Mobil từng khoan thấy dầu năm 1975. Khoan ròng rã mấy tháng trời, đến sáng 26-4-1984, mũi khoan đạt đến độ sâu 2.775m mà dầu vẫn chưa thấy. 20 giờ đêm 30-4-1984, mũi khoan đến độ sâu 2.828m: Có dầu!

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Biển khơi thăm thẳm vẫn thử thách chí bền. TS Ngô Thường San nhớ lại: “Tin vui có dầu khiến ta hối hả xây dựng hạ tầng ở đất liền và đầu tư hai giàn khai thác trị giá hàng chục triệu USD. Nhưng lượng dầu tìm thấy ở Bạch Hổ vẫn rất thấp, chỉ 20 tấn/ngày, bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố trước năm 1975. Đã có người nghi vấn chính quyền Sài Gòn đã làm tài liệu giả để tuyên truyền?”. Đã có nhiều cuộc họp nảy lửa, phê bình việc đầu tư phiêu lưu, mạo hiểm. Biết ăn nói sao với Đảng, Nhà nước và nhân dân khi cả nước dù nghèo đói phải dè sẻn từng hạt gạo để đầu tư hàng trăm triệu USD tìm kiếm dầu nay...ném tiền xuống biển? Có cả tranh cãi giữa ta và các chuyên gia Liên Xô. Làm tiếp hay dừng?

Ông Seremeta (Trưởng tổ chuyên viên kỹ thuật) có lần trao đổi đã gay gắt nói: “Thế các anh có muốn Việt Nam sớm có dầu không? Các anh thử chỉ cho xem ở Việt Nam còn cấu tạo nào triển vọng hơn Bạch Hổ để phía Liên Xô có thể đầu tư khai thác sớm?”. Rồi bạn nhắc đến lịch sử xây dựng khu “Neftianư Kamni” sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trong hoàn cảnh rất khó khăn, khi còn chưa có một tài liệu địa chấn tin tưởng nào. Nhưng Liên Xô vẫn mang đá ra đổ ngoài biển để xây dựng để rồi “Neftianư Kamni” đã trở thành thành phố dầu lửa giữa biển ở Adécbaigian. Bạn rất tự tin ở triển vọng mỏ Bạch Hổ…

Những cú khoan viết lại lịch sử dầu khí

TS Ngô Thường San kể tiếp: “Ngay chọn giếng cũng phức tạp. Có người muốn khoan gần giếng Bạch Hổ 5 để chắc ăn. Chúng tôi lại tính khoan phía bắc, cách đó khoảng 10km. Sự việc phải báo lên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười và được chuẩn thuận”. Ngày 15-2-1985, sau hơn nửa năm khoan tìm, dầu đã phun lên với lưu lượng khoảng 1.200 tấn/ngày. Khi đó biển động dữ dội nhưng đích thân Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Phó chủ tịch Đỗ Mười vẫn đi tàu ra tận giàn khoan chúc mừng.

Vậy mà đoạn trường vẫn chưa qua. Sản lượng khai thác tụt nhanh. “Chỉ sau 4 tháng sản xuất, áp suất ở giếng BH-1 đã mất đi một nửa; sản lượng toàn bộ giàn sản xuất MSP1 chưa đến 100 tấn/ngày. Nhìn ngọn lửa cháy leo lét ở đuốc giàn MSP mà không khỏi bùi ngùi! Lúc ấy, tôi đã suy nghĩ bi quan nghĩ trữ lượng dầu quá nhỏ không đáng đầu tư”- TS Ngô Thường San hồi tưởng.

Nhưng những người tìm lửa không bỏ cuộc. Họ tiếp tục đánh giá trữ lượng, khoan giếng Bạch Hổ-6 tới các tầng Oligocen và tầng 23 ròng rã chín tháng trời. Kết quả: Tầng 23 bị sét hóa, ít triển vọng. Khoan tiếp tầng sét đen, đến tầng móng. Ngày 11-5-1987, kết quả thử giếng thật bất ngờ khi thấy dòng dầu có lưu lượng đạt tới 500 tấn/ngày từ đáy giếng. Kinh ngạc vì dầu ở đâu? Chưa tài liệu nào trên thế giới nói có dầu trong tầng đá móng?

Theo lý thuyết địa chất, trong tầng đá móng là không thể có dầu, nên khi khoan tới tầng móng người ta thường dừng lại, không khoan tiếp nữa. Trước đó đã có nhiều công ty tư bản khoan thăm dò cũng đã bỏ cuộc khi tới tầng đá móng. Giếng BH-1 được sửa chữa vì sản lượng giảm nhanh. Trong tiến trình sửa chữa có ý kiến cho rằng sâu dưới tầng 23 thử gần 2 năm trước không cho dòng dầu là vì đã dùng quá nhiều trấu bít nhét, đề nghị khoan lại tầng móng. Đoạn cuối thật bất ngờ, một dòng dầu lên mạnh, ước lượng tới 2000 tấn/ngày. Có một mạch dầu mới, sản lượng cao trong tầng móng nứt nẻ!

TS Ngô Thường San đánh giá: “Tên Bạch Hổ đã đi vào văn liệu dầu khí thế giới, được ghi nhận là mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, sản lượng cao trên 12 triệu tấn/năm từ tầng chứa là đá móng nứt nẻ. Phát hiện nhờ sự kiên trì này đã làm thay đổi nhận thức về khai thác dầu khí, mở ra triển vọng khai thác từ hàng chục mỏ khác cũng từ tầng đá móng. Đặc biệt, nó tạo sức hút cho hàng loạt công ty lớn từng bỏ đi nay quay lại hợp tác, mở ra một kỷ nguyên đầy sôi động trên thềm lục địa. Ngoài mỏ Bạch Hổ và Rồng, hàng chục mỏ khác đã được phát hiện và sản xuất từ tầng đá móng như Rạng Ðông, Hồng Ngọc, Sư Tử Ðen/Vàng/Nâu, Cá Ngừ Vàng, Ðồi Mồi... “. Tính đến nay, riêng tầng đá móng đã cho hơn 200 triệu tấn dầu (khoảng 80% của cả nước), 26 tỉ mét khối khí, 6 triệu tấn LPG và condensate, trị giá tổng cộng hơn 50 tỉ đô-la. Riêng Vietsovpetro, năm 2015 đầy khó khăn do giá dầu thế giới giảm vẫn đạt doanh thu ước khoảng 2,17 tỷ USD, lợi nhuận phía Việt Nam trên 900 triệu USD.

Sau này, khi gặp đại diện Hãng Mobil, có lần ông Ngô Thường San nói vui: “Chỉ có Việt Nam kiên nhẫn mới phát hiện ra dầu ở tầng đá móng”. Gần đây, cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

“Không hiểu rằng ngày ấy, nếu không thấy dầu ở tầng đá móng thì tình hình kinh tế đất nước sẽ còn khốn khó đến mức nào. Vỉa dầu của ta áp suất rất cao, việc khai thác lúc đầu cứ như là trời cho của. Từ năm 1988 đến 1992 không phải khai thác mở rộng mà mỗi năm cứ nâng đều đặn 1 triệu tấn”-Ông Trần Lê Đông, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học của Vietsovpetro, người chủ trì đề tài này xúc động hồi tưởng.

Từ năm 1993, ta lại nghĩ ra công nghệ bơm nước vào vỉa để ép dầu. Sáng kiến này đã tiết kiệm được rất nhiều. Cứ lấy được 1m3 dầu thì phải bơm xuống 1,5m3 nước. Việc bơm nước xuống vỉa dầu đã giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có thể khai thác dầu tối đa đến hệ số 40-45%, trong khi các mỏ dầu trên thế giới thường chỉ khai thác được trên 15-20%. Ấy thế mà sau này, vì thiếu hiểu biết công nghệ, có đại biểu Quốc hội còn phát biểu phê phán ngành dầu khí quá lãng phí tài nguyên.

“Hệ số thu hồi dầu khi khai thác dưới biển 40-45% đã là ở tốp cao nhất thế giới nhưng chúng tôi chưa thỏa mãn, sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hơn. Làm được chính là nhờ chúng ta đã được đầu tư xây dựng bài bản, có cả một ngành công nghiệp khai thác dầu khí, có Viện nghiên cứu rồi “viện trong công ty”. Bài toán “cần câu” và “con cá” đã được triển khai sớm, hiệu quả”–ông Cao Tùng Sơn, Phó tổng giám đốc Vietsopetro khẳng định.

Trong chuyến thăm Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) vào thập niên 90 của thế kỷ XX, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu: Sau năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ thì Việt Nam nhờ có hai chân trụ vững là dầu khí và nông nghiệp mà đất nước ổn định và phát triển đến ngày nay. Những cú khoan dầu khí đã khơi dậy được tiềm lực kinh tế cho đất nước, góp phần to lớn bảo vệ thể chế, phát triển đất nước.

Nguyên Minh

Quân đội nhân dân

DMCA.com Protection Status