Bản lĩnh Việt tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

06:35 | 16/02/2013

995 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn trong suốt 4 năm qua kể từ khi cho ra dòng sản phẩm đầu tiên năm 2009, đã liên tục cung cấp xăng dầu cho đất nước, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Để đảm bảo cho hàng chục ngàn máy móc, thiết bị tại hơn 30 hạng mục phân xưởng công nghệ, phụ trợ và hạng mục ngoại vi trải rộng trên diện tích hơn 330ha hoạt động liên tục 24/24 giờ và 365 ngày trong năm, công việc vận hành và đặc biệt là bảo dưỡng, sửa chữa hết sức phức tạp, đòi hỏi chuyên sâu về chuyên môn. Tuy còn non trẻ về kinh nghiệm trong một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, những người kỹ sư, thợ bảo dưỡng Việt Nam đã không ít lần thể hiện bản lĩnh mà các chuyên gia nước ngoài phải khâm phục.

Một ví dụ là vào tháng 10/2012, một bể dầu thô với đường kính 69m, sức chứa 85.000m3 (tương đương 6.500 xe bồn) tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất xảy ra sự cố. Khi mùa mưa bão đến gần, nhiệm vụ xác định nguyên nhân hư hỏng để khắc phục và đưa bể vào hoạt động trở lại được đặt ra rất cấp bách. Những cuộc họp liên tiếp diễn ra ngay tại công trường nhà máy với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế: Từ nhà thầu tư vấn QUAD O&M, nhà thầu thiết kế và chế tạo bồn bể TKK (Nhật Bản). Các chuyên gia tư vấn nước ngoài đề xuất giải pháp xưa nay vẫn thường áp dụng trên thế giới là làm sạch toàn bộ bể, sau đó tiến hành kiểm tra đồng loạt bên trong để tìm ra điểm hư hỏng rồi tiến hành sửa chữa. Phương pháp “đại phẫu” để “kiểm tra sức khỏe tổng quát” này dự kiến tốn hàng triệu USD và kéo dài hằng tháng trời do phải huy động máy móc thiết bị cũng như chuyên gia có kinh nghiệm từ nước ngoài.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Độc lập với các chuyên gia tư vấn nước ngoài, các kỹ sư trẻ Việt Nam có quan điểm khác. Một bể dầu thô mới đưa vào vận hành khoảng 3 năm giống như một cơ thể còn cường tráng, hỏng hóc có thể chỉ xảy ra ở một điểm nào đó bên trong. Một cuộc “đại phẫu” để “kiểm tra sức khỏe tổng quát” lúc này là chưa cần thiết lại vừa tốn kém và mất nhiều thời gian. Ban Lãnh đạo Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tin tưởng và mạnh dạn giao cho Công ty CP Bảo dưỡng và Sửa chữa các công trình dầu khí (PMS), một đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC) trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.

PV EIC là đơn vị được Tập đoàn giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa trong ngành. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các kỹ sư trẻ giữa PMS và BSR trong việc phân tích các số liệu kỹ thuật, bản vẽ các chi tiết bên trong cũng như tham khảo các trường hợp tương tự trên thế giới, họ đã dự đoán việc hư hỏng nằm ở các khớp nối mềm trên đường thoát nước mái nằm sâu trong bể. Từ “chẩn đoán bệnh” này, họ mạnh dạn đề xuất phương án bơm cạn dầu trong bể rồi chui vào kiểm tra để xác định chính xác tình trạng hỏng hóc rồi tiến hành sửa chữa mà không cần làm sạch bể chứa (phương pháp này giống như cách mổ nội soi trong y học, đi ngay vào điểm nghi vấn để kiểm tra và xử lý thay vì phải làm sạch toàn bộ bể để kiểm tra tổng thể bên trong như các chuyên gia tư vấn nước ngoài đề xuất).

Với phương pháp này, các kỹ sư và công nhân phải làm việc trong hơi dầu để tiến hành các thao tác bên trong bể nên phải đeo các thiết bị hỗ trợ thở chuyên dụng cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn trong ngành Dầu khí. Những cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi, có lúc gay gắt để tìm ra phương án tối ưu. Cuối cùng, phương án của các kỹ sư trẻ Việt đã thuyết phục những chuyên gia khó tính nhất. Một bộ quy trình để thực hiện công việc đặc biệt do các kỹ sư trẻ Việt biên soạn được xem xét, bàn bạc cẩn thận đến từng chi tiết với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Trong ngành Dầu khí, sự thận trọng là cần thiết vì bất cứ một sai sót nhỏ nào trong quá trình thực hiện cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Vật tư, thiết bị được huy động khẩn trương đến nhà máy để tiến hành công việc. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ cửa hàng đồ tre tại đường Núi Thành, Đà Nẵng kể lại: Nửa đêm mưa gió, ông bị một người mặc quần áo bảo hộ lao động sặc mùi dầu từ Dung Quất dựng dậy hỏi mua 30 cái thang tre rồi chuyển đi ngay trong đêm mà ông chưa kịp hỏi để làm gì. Ít ai ngờ những chiếc thang tre, những tấm ván gỗ, những cuộn dây thừng lại được sử dụng vào một công việc đòi hỏi kỹ thuật rất cao tại nhà máy lọc dầu.

Những người thợ của PV EIC vào bể chứa dầu thô để kiểm tra

Tại các công trường, các công nhân và kỹ sư diễn tập dưới cái nắng gay gắt: Diễn tập sử dụng thiết bị hỗ trợ thở chuyên dụng, diễn tập thao tác bên trong bể, diễn tập ứng cứu khi có sự cố. Mồ hôi nhễ nhại, nhưng ai cũng hiểu các thao tác phải chắc chắn và chính xác tuyệt đối. Công việc chuẩn bị được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia an toàn Việt Nam và quốc tế. Một cây đinh bé tí lút sâu trong ván gỗ cũng được yêu cầu tháo ra để tránh va chạm giữa các chi tiết kim loại gây phát sinh tia lửa.

Khi các lỗ thông của bể được mở ra, mọi điều kiện đã sẵn sàng, kỹ sư trẻ Nguyễn Hồng Liên - người đã có kinh nghiệm giám sát lắp đặt và chạy thử thiết bị cho nhà thầu Technip trước đây, cùng với một cán bộ an toàn xung phong vào trước để kiểm tra. Những chiếc thang tre trở thành chiếc cầu tiến vào tâm bể, nơi điểm nghi vấn đang nằm đó. Họ thở phào khi thấy những “chẩn đoán bệnh” của mình là hoàn toàn chính xác: Hư hỏng tại ba khớp nối mềm. Việc tiếp theo là thay thế bộ phận bị hỏng. Các công việc này được thực hiện bên trong bể, chỉ có thể làm vào ban đêm khi nhiệt độ môi trường xuống thấp. Đội ngũ kỹ sư và công nhân tinh nhuệ nhất đã được lựa chọn và phải đảo đồng hồ sinh học: Lấy đêm làm ngày.

Chưa thật sự yên tâm với cách làm của các kỹ sư trẻ Việt Nam, ông Nimrod V. Garcia, một chuyên gia tư vấn người Philippines dày dạn kinh nghiệm về bồn bể, đích thân chui vào bồn lúc nửa đêm để kiểm tra việc cân chỉnh và cố định các đầu ống - một bước rất quan trọng trong quá trình thay khớp nối. Vốn rất kiệm lời, khi ra khỏi bể chứa ông chỉ đưa ngón tay lên ra hiệu và nói: “Very good!” (Rất tốt).

Ba khớp nối bị hỏng được thay thế trong vòng 6 đêm. Cuộc “mổ nội soi” đã thành công. Nhiều tỉ đồng được tiết kiệm. Niềm vui thấy rõ trong ánh mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ của những người công nhân Việt. Những cái bắt tay, những lời chúc mừng từ các chuyên gia quốc tế. Ông J.C Kim - Phó giám đốc kỹ thuật từ nhà tư vấn GS (Hàn Quốc) nói: “Việc các bạn làm được đáng khâm phục. Chúng tôi sẽ học hỏi cách làm này cho các trường hợp tương tự”. Còn ông Hea Tan, chuyên gia tư vấn từ nhà thầu thiết kế và chế tạo bồn bể TKK (Nhật Bản) thú nhận: “Các bạn đã làm được việc mà lúc đầu tôi nghĩ là không thể làm được”. Ông Đinh Văn Ngọc - Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nhận xét: “Cách làm của các kỹ sư PMS là rất sáng tạo, thành công này đã tiết kiệm nhiều tỉ đồng cho nhà máy, rút ngắn thời gian, tiến độ, khắc phục sự cố, nhanh chóng đưa bể vào hoạt động trở lại”.

Từ những thành công như vậy, những người kỹ sư, thợ bảo dưỡng dầu khí Việt cảm thấy tự tin hơn trên con đường làm chủ hoàn toàn công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa trong ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao rất đặc thù này.

Trần Việt

DMCA.com Protection Status