Nhà máy thủy điện Nậm Cắt:

Bé hạt tiêu

11:04 | 11/03/2016

684 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
 Trong số các nhà máy thủy điện của ngành Dầu khí, Thủy điện Nậm Cắt (Công ty Điện lực Dầu khí Bắc Kạn - PV Power Bắc Kạn) có công suất nhỏ nhất, chỉ 3MW. Và cũng chính bởi có công suất khiêm tốn như vậy nên trong 1 năm thời tiết nắng hạn kéo dài như năm 2015, Thủy điện Nậm Cắt gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, với bản lĩnh, trí tuệ người Dầu khí, Nậm Cắt vẫn xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu được giao và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn.  

“Con cưng” của tỉnh

Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, ông Đàm Đức Thông - Giám đốc PV Power Bắc Kạn cho hay, nếu xét về quy mô thì với công suất 3MW, Nậm Cắt chiếm một tỉ trọng quá bé nhỏ trong tổng công suất nguồn điện của ngành Dầu khí. Tuy nhiên, nếu xét về ý nghĩa và tầm quan trọng thì Nậm Cắt lại giữ vai trò rất lớn đối với việc đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Nhà máy hiện đang đóng góp tới 30% sản lượng điện và góp phần với tăng trưởng công nghiệp khoảng 18%/năm của Bắc Kạn. Cũng chính bởi giữ vai trò như vậy, Đảng ủy, ban lãnh đạo PV Power Bắc Kạn luôn xác định phải nỗ lực khai thác, vận hành Thủy điện Nậm Cắt một cách hiệu quả nhất. Việc này không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của công ty mà còn với cả sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn.

be hat tieu
Kỹ sư PV Power Bắc Kạn hiệu chỉnh thông số kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Tràng Định

Với vai trò như vậy nên theo ông Thông, trong năm 2015, để ứng phó với tình trạng mưa ít, hạn hán kéo dài, lượng nước đổ về hồ Thủy điện Nậm Cắt thấp kỷ lục, một loạt các giải pháp kỹ thuật, quản lý, vận hành… đã được công ty đề ra và quyết liệt triển khai thực hiện. Đó là việc chủ động xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết bị máy móc vào những tháng đầu năm 2015. Đó là những ngày không ăn, không ngủ, trắng đêm tranh thủ từng giờ, từng phút bảo dưỡng, duy tu nhà máy. Vậy nên, kết thúc năm 2015, Nậm Cắt đã đặt được nhiều kết quả quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Sản lượng điện thương mại đạt 15,7 triệu kWh, bằng 121,1% kế hoạch năm, doanh thu đạt 17,9 tỉ đồng, bằng 132% kế hoạch năm…

Đây có thể xem là những kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt với một nhà máy thủy điện nhỏ, hoạt động trên địa bàn hết sức khó khăn, đường sá đi lại cách trở như Nậm Cắt. Và trong câu chuyện với phóng viên, ông Thông đã nói rằng, Nậm Cắt đúng là một nhà máy nhỏ, công suất thuộc vào hàng bé nhất của ngành Dầu khí nhưng là “bé hạt tiêu”!

Tìm hiểu ra thì được biết, để có thể chủ động với việc duy tu, bảo dưỡng nhà máy là cả một quá trình nỗ lực, quyết tâm rất lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên người lao động (CBCNV-NLĐ) PV Power Bắc Kạn. Năm 2014, thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đảng ủy, ban lãnh đạo PV Power Bắc Kạn đã xác định, tiết giảm không phải là cắt giảm lao động chỗ này, tiết giảm chi phí chỗ kia… mà vẫn với những con người ấy phải làm sao để phát huy cao nhất năng suất lao động của họ, đồng thời mở mang thêm lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới.

Trên tinh thần đó, chỉ trong một thời gian ngắn, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, với bản lĩnh, trí tuệ của những người lao động dầu khí, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của PV Power Bắc Kạn đã hoàn toàn làm chủ công nghệ ở Nậm Cắt. Các đợt duy tu, bảo dưỡng hầu như do chính người của Nậm Cắt thực hiện. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu, chế tạo được bộ kích điện dùng cho các nhà máy thủy điện nhỏ mà trước đó, khi có vấn đề, các nhà máy phải “cầu cứu” các chuyên gia, nhà cung cấp nước ngoài. Và việc này, theo ông Thông không chỉ giúp công ty tiết giảm chi phí thuê chuyên gia hay các đơn vị sửa chữa bên ngoài mà còn giúp Nậm Cắt chủ động thời gian sửa chữa, tận dụng được tối đa thời gian phát điện vào giờ cao điểm.

“Nếu phải thuê chuyên gia, công ty ngoài vào bảo dưỡng, duy tu nhà máy thì ngoài chi phí thuê, mình còn phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho họ. Thời gian sửa chữa có khi cũng kéo dài, làm giảm công suất phát điện của nhà máy. CBCNV-NLĐ phải nghỉ… Nhưng nếu cán bộ, kỹ sư của mình làm được thì rõ ràng sẽ không có những chi phí phát sinh trên. Thời gian duy tu, bảo dưỡng, mình cũng tự chủ động được, có thể tranh thủ những giờ thấp điểm, giá điện thấp để thực hiện. Hiệu quả kinh tế như vậy là rất lớn. Và thực tế đã chứng minh, chính sức mạnh nội lực đã giúp Nậm Cắt đạt được những kết quả ấn tượng như những năm vừa qua” - ông Thông nhấn mạnh.

Vì một hướng đi mới

Như đã đề cập ở trên, những người lao động điện lực dầu khí ở Nậm Cắt đã làm chủ được nhà máy, làm chủ được công nghệ và đây chính là chìa khóa đưa PV Power Bắc Kạn gặt hái thành công. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu, là nền tảng cho hướng phát triển mới của PV Power Bắc Kạn. Việc cán bộ, kỹ sư của Nậm Cắt làm chủ công nghệ, thiết bị nhà máy đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nhà máy là lắp đặt thiết bị cho các nhà máy thủy điện. Với định hướng như vậy, ngay từ đầu năm, lãnh đạo công ty đã chủ động tìm kiếm các dự án về lắp đặt, bảo dưỡng các công trình trạm điện, nhà máy thủy điện… Và đến ngày 27-7-2015, công ty đã chính thức ký hợp đồng lắp đặt thiết bị cho Nhà máy Thủy điện Bắc Khê 1 (Tràng Định, Lạng Sơn).

Anh Nguyễn Viết Cường - Quản đốc Phân xưởng vận hành (Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt) bảo: Vì đây là lần đầu tiên ký hợp đồng lắp đặt trọn bộ thiết bị một nhà máy thủy điện mà thủy điện trục đứng, trong khi Nậm Cắt là nhà máy thủy điện trục ngang nên anh em cũng có phần băn khoăn, lo ngại. Ở Nậm Cắt, anh em mới được “thực tế” 2 lần. Lần 1 là khi lắp nhà máy và lần 2 là khi nhà máy bị nhấn chìm trong lũ vào tháng 5-2013. Còn những lần anh em được cử đi tham gia lắp đặt các công trình thủy điện khác thì cũng là thủy điện trục ngang...

Tuy nhiên, vượt lên trên những băn khoăn, lo lắng ban đầu đó, với sự ủng hộ, giúp đỡ cao nhất của lãnh đạo công ty, cùng với nhiệt tình, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư nhà máy, sau 3 tháng triển khai, 2 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Tràng Định có công suất 2,4MW đã hoàn thành và bắt đầu quá trình chạy không tải (ngày 19-11-2015); lắp đặt, đấu nối hoàn chỉnh toàn bộ các thiết bị điện, tủ điện của nhà máy, hệ thống nước kỹ thuật, hệ thống dầu và khí cho 2 tổ máy.

Nhưng điều đáng nói nhất ở đây, theo anh Cường là trước khi PV Power Bắc Kạn nhận lắp đặt thiết bị ở Thủy điện Tràng Định thì đã có 2 nhà thầu đã ký hợp đồng lắp đặt nhưng không thành công. Một loạt các chi tiết kỹ thuật như hệ thống tủ điều khiển, tủ điều tốc, tủ kích từ đều lắp đặt sai kỹ thuật, toàn bộ cáp lực, cáp tín hiệu, đấu nối các thiết bị điện chưa thực hiện. Cùng với đó, phần bản vẽ thiết kế lắp đặt, đấu nối hệ thống điện của chủ đầu tư sai sót và thiếu rất nhiều... Vậy nên, sau khi ký hợp đồng lắp đặt với chủ đầu tư Thủy điện Tràng Định, các cán bộ, kỹ sư của PV Power Bắc Kạn đã chỉnh sửa và thiết kế bổ sung toàn bộ hệ thống đấu nối các thiết bị điều khiển, tủ điện và kết hợp với đội ngũ lắp đặt thiết bị điện đã hoàn thành công tác lắp đặt, đấu nối thiết bị điện vào ngày 20-9-2015 và nghiệm thu bàn giao cho đơn vị thí nghiệm điện.

Giám đốc Đàm Đức Thông khẳng định, việc PV Power Bắc Kạn lắp đặt thành công hoàn chỉnh một nhà máy thủy điện chính đã khẳng định năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư nhà máy. Và từ đây, PV Power Bắc Kạn sẽ mở ra một hướng đi mới, thi công lắp đặt các công trình điện.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 503

DMCA.com Protection Status