Bình minh Dầu khí

14:56 | 05/12/2011

877 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
 "... Tôi phóng tầm mắt nhìn biển khơi, ngắm nhìn tàu Bình Minh bé nhỏ như chiếc lá tre, lặng lẽ như đang trôi đi giữa biển xanh mênh mông sóng gió. Vậy mà nó đang cặm cụi đi tìm dầu cho những ngày mai sau, mà lòng không nói hết thành lời…”.

Trong khuôn viên Triển lãm Quốc tế Dầu khí Việt Nam lần thứ 9 diễn ra vừa qua, tại gian hàng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), có trưng bày một tấm ảnh đen trắng cỡ lớn của con tàu mang tên Bình Minh cùng dòng chú thích: "Tàu Bình Minh – tàu địa chấn đầu tiên của Việt Nam đã tiến hành nhiều khảo sát địa chấn ở vùng biển vịnh Bắc Bộ những năm 80 của thế kỷ XX”, khiến người xem không khỏi bồi hồi. Thoáng trong suy nghĩ, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa và giá trị lịch sử về con tàu này, có lẽ chỉ dừng lại một chút so sánh với con tàu Bình Minh 2 hiện đại.

"Lá tre” giữa trùng khơi

Hiện nay, tư liệu lịch sử về tàu Bình Minh không còn nhiều, những gì còn lại có lẽ bức ảnh đen trắng cũ này và một chút ít thông tin từ hồi tưởng của những người đã làm việc trên con tàu đó. May mắn thay, những người làm báo chúng tôi đã được trò chuyện cùng một trong những cán bộ đã làm việc trên tàu Bình Minh từ những ngày đầu. Trong số những người khách ghé thăm gian triển lãm, có một người dừng lại rất lâu để chiêm ngắm ảnh con tàu với ánh mắt xúc động, người khách có vóc dáng nhỏ, giọng nói mộc mạc nhiều cảm xúc, đó là ông Nguyễn Chí Dũng, hiện là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương (Petrotrans). Hỏi ra, được biết ông cùng với đồng chí Đỗ Văn Hậu hiện đang là Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã gắn bó 8 năm trên chiếc tàu thăm dò địa chấn đầu tiên của Việt Nam từ thế kỷ trước. Con tàu này vốn được cải tiến từ một tàu đánh bắt cá, phương tiện kỹ thuật trang bị thuở đó chưa hiện đại như bây giờ.

Câu chuyện dù chưa bao quát hết nhưng cũng đủ điểm lại một thời kỳ vẻ vang trong 8 năm hoạt động hoàn thành sứ mệnh để đi vào lịch sử của ngành Dầu khí. Như chính lời tâm sự của người kể chuyện: “Có lần đứng trên đỉnh ngọn núi cao nhất trên đảo Bạch Long Vĩ, nơi đặt trạm phát sóng định vị vô tuyến cho tàu Bình Minh hoạt động. Tôi phóng tầm mắt nhìn biển khơi, ngắm nhìn tàu Bình Minh bé nhỏ như chiếc lá tre, lặng lẽ như đang trôi đi giữa biển xanh mênh mông sóng gió. Vậy mà nó đang cặm cụi đi tìm dầu cho những ngày mai sau, mà lòng không nói hết thành lời…”.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Tổng giám đốc Petrotrans

Ngược dòng thời gian vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông Dũng hồi tưởng lại… Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỏ – Địa chất với chức danh kỹ sư trắc địa công trình, ngày 9/6/1981, Trung tướng Nguyễn Hòa – Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí đã ký Quyết định số 814/QĐ-TC điều động ông về công tác tại Đoàn Địa vật lý 36F (sau là Công ty Địa Vật lý – tiền thân của Tổng Công ty PTSC hiện nay, thời gian sau do đồng chí Đỗ Văn Hậu làm Giám đốc), trụ sở đóng tại huyện ven biển ở Giao Thủy, Nam Định. Tự hào và thuận lợi làm việc trên chính mảnh đất quê hương, rồi cái duyên của công việc đến, tháng 8/1981 ông nhận nhiệm vụ mới: Chuyển sang Đội 4 (sau là Đoàn địa vật lý biển) trực thuộc Đoàn 36F có trụ sở tại thị trấn Quán Toan, thành phố Hải Phòng. Công tác tại thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, được chứng kiến những con tàu cỡ lớn ra vào, đặc biệt là ngày con tàu lịch sử Bình Minh mới xuất xưởng, nước sơn mới tinh mà ông bảo ở thời kỳ đó là niềm khao khát của bất kỳ ai.

Ông tâm sự: “Quê hương có biển, biển có thuyền nhưng thiếu cảng, lần đầu tiên tôi được thấy một chiếc tàu lớn như thế. Vốn nhìn chiếc sà lan gắn máy thăm dò ven biển nông (cửa Ba Lạt, sông Hồng) quen thuộc, khi đứng trước bến cảng Vật Cách, Hải Phòng ngắm tàu Bình Minh cùng các chuyên gia Liên Xô, anh em thủy thủ đi lại tấp nập lên xuống mà lòng khấp khởi nghĩ về khoa học, chẳng màng đến gian truân. Bởi ngày ấy, không phải ai cũng có cơ hội được làm việc trên một con tàu mang sứ mệnh tìm kiếm thăm dò khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế biển của đất nước. Đó là một niềm vinh dự hết sức lớn lao”. Duyên nghiệp đến, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Chí Dũng vừa bước sang tuổi 22 đã theo tàu thực hiện nhiệm vụ thăm dò địa, vật lý khu vực biển sâu trong vai trò Đội phó, trưởng kíp đi biển thuộc Tổ Định vị dầu khí biển với gần 50 cán bộ, công nhân viên trong tổ.

Ngay từ năm 1978, lãnh đạo Tổng cục Dầu khí và Đoàn Địa vật lý đã có định hướng tổ chức công tác thu nổ địa chấn biển sâu để tìm kiếm Dầu khí. Ngày 7/8/1978, Hội nghị khoa học của Công ty Địa Vật lý tổ chức tại khách sạn Xuân Thủy, Nam Định. Tại đây, cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật Việt Nam cùng các chuyên gia Liên Xô, trưởng đoàn là đồng chí Astaphaev đưa ra chủ trương cần có một con tàu đi được ra biển sâu, lắp đặt các thiết bị định vị vô tuyến, thiết bị thu nổ phản xạ địa chấn, máy thu và búi dây thu nổ địa chấn biển cùng các thiết bị đồng bộ liên quan khác trên con tàu… Trước những khó khăn và yêu cầu bức thiết của nhiệm vụ, hội nghị lựa chọn phương án sẽ mua lại một tàu đánh cá có sẵn của Nhà máy Cá hộp Hạ Long, Hải Phòng sau đó hoán cải, lắp thêm các thiết bị khảo sát dầu khí như thiết bị vô tuyến Syledis mua của Pháp, các thiết bị còn lại sẽ do nước bạn Liên Xô cung cấp. Nhận thấy việc xây dựng cầu cảng cũng hết sức tốn kém và mất thời gian nên quyết định sẽ thuê cảng Vật Cách, anh em được bố trí ở tại khu nhà tập thể trong khu Quán Toan ngay gần bến cảng để thuận tiện cho việc đi lại làm việc.

Mọi phương án cuối cùng đã đi đến thống nhất, tàu được đặt tên Bình Minh (ЗAPЛ) – mang ý nghĩa của sự bắt đầu, ý tưởng mới, ánh sáng mới và chủ trương mới… Do yêu cầu đặt ra, Nhà máy Đóng tàu Bến Kiền, Hải Phòng bắt tay ngay vào việc cải tiến lắp đặt thiết bị dầu khí, có thời kỳ phải chuyển sang Nhà máy Hải quân X40 thực hiện. Lãnh đạo Tổng cục Dầu khí là đồng chí Trung tướng Nguyễn Hòa nhiều lần xuống thăm, trực tiếp đôn đốc anh em, chỉ đạo công tác hoán cải, lắp đặt thiết bị thu nổ địa chấn lên tàu.

Đến cuối năm 1981 tàu Bình Minh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, được trang bị thêm trạm thu nổ địa chấn CMOB (Smov, công nghệ analog) của Liên Xô và sau này nâng cấp lên trạm ПOTPГECC (Progress, công nghệ 2D kỹ thuật số) và thiết bị định vị vô tuyến điện Syledis mua của Cộng hòa Pháp. Sau khi đáp ứng yêu cầu hoạt động thăm dò địa chấn ngoài biển, tàu Bình Minh được giao nhiệm vụ khảo sát thăm dò, tìm kiếm dầu khí trên khu vực vịnh Bắc Bộ, hoạt động trên phạm vi rộng trải dài từ vùng biển đảo Bạch Long Vĩ đến vùng biển phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Ngày hạ thủy, trực tiếp lên tàu làm nhiệm vụ có người lãnh đạo 28 tuổi giàu nhiệt huyết – Đoàn phó Đoàn Địa vật lý biển phụ trách kỹ thuật Đỗ Văn Hậu cùng những người bạn Liên Xô khởi đầu hành trình thu nổ địa chấn đầu tiên trên biển, đi vào lịch sử dầu khí.

Tàu Bình Minh tại triển lãm Quốc tế Dầu khí lần thứ 9

Hơn 2.000 ngày tìm lửa trên biển

Từ năm 1982 đến 1983, tháng nào anh em cũng ra khơi, mỗi chuyến đi diễn ra trong khoảng từ 7 đến 10 ngày, hồi đó thành viên trên tàu có khoảng 20 người bao gồm 2 ê-kíp chính là nhóm hàng hải và nhóm kỹ thuật. Kíp hàng hải gồm: thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ, liên lạc viên và đầu bếp, bộ phận này chủ yếu là các sĩ quan hải quân về công tác trong ngành Dầu khí nên có nhiều kinh nghiệm cũng như sức khỏe làm việc trên biển. Còn kíp kỹ thuật thì có đồng chí Đỗ Văn Hậu làm Đoàn trưởng đi biển, còn ông Dũng phụ trách kíp kỹ thuật định vị. Tập thể cán bộ, thuyền viên cùng các chuyên gia Liên Xô thực hiện công việc dẫn đường, thu nổ địa chấn, đường dây, vận hành máy nén khí, súng hơi… Nhắc lại kỷ niệm của anh em kỹ thuật mà vẫn thấy hiện lên những khuôn mặt thân thiết, ngày ấy không lo về mặt chuyên môn, mà nỗi lo lớn nhất đó là khoản say sóng, theo kinh nghiệm cơn say sẽ ập đến khi tàu vượt qua phao số 0 luồng cảng Hải Phòng đi ra biển.

Do tính chất công việc, có thể hình dung các anh như người lái xe trên đường, phải quan sát bằng mắt, phải nghe bằng tai, phải luôn chân luôn tay xử lý mọi tình huống. Bởi vậy, phải có sự tập trung hết sức cao độ, để đảm bảo mọi số liệu thu nổ địa chấn được theo dõi và cập nhật liên tục, không ai dám rời vị trí. Ông Dũng nhớ có lần ngồi trên ca-bin điều khiển tàu, dưới trạm thu phát định vị Syledis, say đến mức phải nằm trên 2 chiếc ghế để nhập số liệu bằng… chân, còn đồng chí Nguyễn Văn Sơn (sau này là Phó TGĐ Kho xăng dầu B12 Petrolimex) phụ trách trạm SMOV ghi số liệu vào băng từ ở boong phía sau cứ chốc chốc lại “phi thân” ra lan can làm một “bãi” xuống biển, rồi lại chạy vào vị trí không chậm một nhịp thu nổ…

Chưa hiện đại như hệ thống định vị toàn cầu GPS hiện nay, thời đó để dẫn tuyến cho tàu Bình Minh phải đặt các trạm phát sóng trên các khu vực đảo Bạch Long Vĩ, Kiến Thụy – Đồ Sơn, Tiền Hải (Thái Bình); Đồng muối Hải hậu (Nam Định), Nông trường Rạng Đông khu cửa sông Đáy (Nam Định), sau này khi mở rộng vùng hoạt động thăm dò liên kết tài liệu với khu vực phía Nam còn đặt một số trạm ở Thanh Hóa, Nghệ An… mặc dù vậy nhưng gặp thời tiết không thuận lợi, hay khoảng cách xa vùng phủ sóng tàu Bình Minh nhiều lúc vẫn bị mất tín hiệu định vị, máy tính không tự động ghi được tọa độ điểm thu nổ địa chấn. Khi gặp sự cố mất sóng anh em định vị dù mệt mỏi, say sóng vẫn phải vận dụng kỹ năng trí óc tính toán tốc độ tàu, hướng tuyến bằng phương pháp nội suy xác định tọa độ vị trí con tàu tại điểm thu nổ, ngay sau đó phải ghi vào sổ tay đưa về Phòng Kỹ thuật đối chiếu, so sánh lập bản đồ đảm bảo kết quả, tài liệu thu nổ không bị gián đoạn.

Mặc dù trong thời kỳ bao cấp thiếu thốn, nhưng anh em được Nhà nước quan tâm bồi dưỡng rất chu đáo, theo tiêu chuẩn hàng tháng mỗi người được nhận 2,5kg thịt, 1kg đường, 21kg gạo. Rồi cứ mỗi ngày đi biển anh em được bồi dưỡng thêm một nửa hộp sữa Thống Nhất. Chưa kể đến chuyện người thuyền trưởng đầu tiên trên tàu là đồng chí Dương Xuân Tương, quê Hà Tĩnh nổi tiếng có biệt tài câu cá cực giỏi. Qua một đêm, khi tàu Bình Minh neo đậu tránh gió mùa ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ, ông Tương mang về cho anh em trung bình từ 1 đến 2 tạ cá, chủ yếu là loại cá song, loại cá đặc sản vùng biển này có con nặng đến cả tạ, nằm đầy cả vỏ xuồng cứu sinh, bây giờ các nhà hàng nổi tiếng chưa chắc đã có được.

Ông Dũng vẫn nhớ cảnh anh em trên tàu chia nhau cái phần ruột cá giòn thơm, ai có gia đình thì làm ruốc cá mang về cho vợ con tẩm bổ. Thỉnh thoảng anh em làm bữa liên hoan nho nhỏ trên tàu để ăn mừng hoàn thành nhiệm vụ. Để cho bữa “nhậu” thêm chút phong phú, thi vị, cái thiếu nhất có lẽ là chút men cay… Lại nhớ sáng kiến của đồng chí nào đó, trên tàu có hẳn một loại rượu tự chế, chưa nghe đã thấy say được chế từ… cồn công nghiệp 90 độ dùng để vệ sinh máy móc chống nước biển ăn mòn, cồn pha loãng với nước mưa cho bớt cay, bớt mùi hăng hắc. Cho nên bên cạnh nỗi vất vả, những người đi biển cũng có rất nhiều kỷ niệm thú vị, có lúc lại no dồn đói góp.

Thực phẩm có phần dư dả nhiều khi anh em không ăn nổi vì cảm giác mệt mỏi, say sóng. Nhưng cũng có đợt đi biển do thời tiết tốt kéo dài nên anh em quyết định chạy đua kế hoạch sản xuất, làm thêm ngày dù thực phẩm tươi sống trên tàu đã hết, bởi vậy, bánh mỳ khô, bánh biscuit được mang sử dụng, thậm chí có người cả ngày phải ngồi hút sữa hộp cầm hơi. Mỗi lần tàu về cập cảng Vật Cách, anh em lại thở phào nhẹ nhõm, nhưng đôi chân đi trên bờ vẫn cứ liêu xiêu, bồng bềnh như trên biển, mà theo cách gọi của anh em là hiện tượng “say đất”. Mặc dù vậy, tài liệu thu thập vẫn được khẩn trương đưa về Phòng Kỹ thuật xử lý rất đầy đủ và chính xác.

Đến khoảng thời gian năm 1985, tàu Bình Minh bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía Nam, vùng biển Thanh Hóa, nghệ An để liên kết tài liệu thăm dò địa vật lý với tài liệu do tàu Poisk (ПOЙCK) của Liên Xô thực hiện ở phía Nam, góp phần hoàn thiện tài liệu thăm dò địa vật lý biển dọc theo chiều dài đất nước. Thuở ấy, tàu Bình Minh không có tàu hộ tống như tàu Bình Minh 2 bây giờ, dường như “chỉ có thuyền và biển” lênh đênh làm việc dưới sự chỉ đạo tài tình của con người mà thôi.

Hồi đó, mỗi lần ra khơi thuyền phải giáp mặt với nhiều loại tàu đánh bắt cá, trong đó có cả tàu nước ngoài, trước khi ra khơi tàu phải làm thủ tục báo cáo chi tiết kế hoạch đi biển với lực lượng hải quân và cơ quan bảo đảm an toàn hàng hải. Để tránh những rủi ro va chạm với tàu khác, tàu Bình Minh chỉ có một cách duy nhất là dùng loa để thông báo cho tàu khác tránh đường. Tuy nhiên, suốt 8 năm hoạt động từ 1981-1988 tàu Bình Minh chưa gặp bất kì một sự cố an toàn đáng tiếc nào, duy chỉ có một lần tranh thủ thời tiết đẹp, tàu đi tắt từ Vịnh Cát Bà ra tuyến thăm dò, sượt qua bãi đá ngầm, con tàu nghiêng đi, anh em được một phen hú vía, người và đồ đạc xô nghiêng một bên, rất may tàu vẫn lướt qua và không bị sự cố hỏng hóc đáng kể nào.

Thời gian làm việc trên tàu Bình Minh anh em cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm về khí tượng thủy văn, không có công cụ dự báo chính xác bằng bây giờ, qua thời gian làm việc thường chỉ dựa vào những kinh nghiệm sẵn có. Tàu chỉ hoạt động dưới mức gió cấp 5, sóng cấp 4 vì nếu vượt quá mức đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thu nổ địa chấn và tính ổn định của tàu. Có kinh nghiệm, vào mùa Đông thường chọn thời điểm khi gió mùa Đông Bắc bắt đầu tràn về, cường độ gió đang mạnh là tàu ra khơi, thấy lạ, tôi vội ngắt lời ông Dũng và liền hỏi: “Nếu đúng như vậy, khi gió mùa về biển sẽ động, sao lại ra khơi, tàu sẽ gặp khó khăn, nguy hiểm chứ?”.

Thì ra, các anh đã dự liệu tàu vẫn đủ sức chống chọi với gió mùa, sau hành trình dài trên sóng to ra vùng thu nổ địa chấn say sóng nhưng ra đến tuyến thì cũng vào thời điểm gió mùa đã đi qua, thuận lợi cho việc thu nổ. “Nghĩa là đi từ “chỗ xấu” đến “chỗ đẹp”, ông Dũng giải thích một cách nôm na. Nhưng dù sao kinh nghiệm đôi khi cũng không lại với ông trời. Nhiều lần tàu gặp thời tiết không thuận lợi nằm ngoài dự báo, chỉ có cách tốt nhất là anh em phải bình tĩnh xử lý, đưa con tàu vào nơi trú ẩn gần nhất. Không nhớ có bao nhiêu lần tàu Bình Minh đã phải neo trú tại vịnh Cát Bà tránh bão, thời đó phong cảnh khu đảo với vịnh biển hoang sơ lãng mạn và đẹp hơn khu du lịch hiện nay rất nhiều. Nhưng với thủy thủ đoàn và cán bộ kỹ thuật tàu Bình Minh thì chẳng ai có tâm trạng thư thái ngắm cảnh dạo chơi cả, tất cả đều sốt sắng buồn bã vì công việc bị gián đoạn, chỉ mong trời nhanh yên, biển sớm lặng để lại cùng nhau ra khơi.

Gần một thập niên làm việc, tàu Bình Minh đã thực hiện nhiệm vụ rất to lớn, khảo sát một vùng biển rộng lớn trên vịnh Bắc Bộ, các tuyến địa chấn đan xen ngang dọc như những ô cờ ca rô, thu nổ hàng nghìn kilômét tuyến địa chấn. Tại khu vực vịnh Bắc Bộ đã phát hiện ra một số vỉa dầu khí có tiềm năng phát triển, mặc dù chưa khai thác thương mại, nhưng tài liệu khoa học thu thập được từ tàu Bình Minh đã trở thành tài liệu hết sức quan trọng, đặt nền tảng phục vụ cho công tác thăm dò khai thác sau này.

Với ông Dũng và các anh em tổ kỹ thuật định vị dầu khí biển, Đoàn Địa vật lý biển, Công ty Địa vật lý thì Quyết định điều động số 105/ĐVL-TC ngày 28/02/1989 do quyền Giám đốc Công ty Địa vật lý là đồng chí Đỗ Văn Hậu ký được xem là văn bản chính thức ghi nhận một thời lịch sử, khép lại một thời gắn bó với con tàu Bình Minh của những con người đi tìm lửa trên biển. Gần 8 năm trời với bao chuyến ra khơi, cùng với những người bạn Liên Xô, gần 100 cán bộ công nhân, người lao động Đoàn Địa vật lý biển đã gắn bó với con tàu bé nhỏ vươn ra biển rộng, hoàn thành một nhiệm vụ hết sức vẻ vang, góp phần thắp lên ngọn lửa thiêng liêng trên vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.

Mạnh Kiên

{lang: 'vi'}

DMCA.com Protection Status