Các “Trưởng lão” hiến kế giúp lọc dầu Dung Quất

08:40 | 24/04/2016

2,124 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đã từ lâu, Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) luôn là địa chỉ tin cậy giúp tư vấn, phản biện để các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí tháo gỡ các khó khăn và hoạch định chính sách phát triển.

 Trong 3 ngày từ 13 đến 15-4, những bậc “tiền bối” từng nắm giữ các cương vị lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào tận Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để... bày kế cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

cac truong lao hien ke giup loc dau dung quat
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San phát biểu tại buổi làm việc với BSR

Không phải bây giờ, những “Trưởng lão” như ông Ngô Thường San, Hồ Sĩ Thoảng, Hoàng Xuân Hùng và những người “trẻ hơn” như ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Huy Quý mới vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Cách đây hơn nửa năm, chính các ông đã phản biện cho một đề tài của BSR khi chuẩn bị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ 2016. Và hôm nay, câu chuyện về đường hướng phát triển, về hội nhập kinh tế quốc tế của BSR được bày ra để bàn bạc.

Buổi họp sáng 13-4, các bậc “trưởng lão” yêu cầu BSR báo cáo 3 vấn đề chính: Thuế áp cho sản phẩm Dung Quất, cơ chế 3 - 5 - 7 và động lực cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn phát triển.

Thực tế, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu áp cho xăng dầu Dung Quất đã có sự điều chỉnh vào giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 48 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng dầu. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%; trong khi dầu diesel, mazut giảm từ 10% về 7%, dầu hỏa giảm từ 13% về 7%. So sánh cụ thể thì thuế xăng của Dung Quất vẫn cao hơn Hàn Quốc 10%; thuế dầu diesel, mazut cao hơn ASEAN là 7%; dầu hỏa cao hơn ASEAN là 7%, cao hơn Hàn Quốc 2%. Nghe đến đoạn này, các trưởng lão đều cho rằng: Doanh nghiệp cũng phải chia sẻ khó khăn của Chính phủ khi giá dầu thô giảm, ngân sách bị hụt thu. Tuy nhiên, BSR cũng nên kiến nghị tiếp để “công bằng” mức thuế nhập khẩu với bên ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chấp thuận việc lấy thuế nhập khẩu bình quân trong tính giá cơ sở xăng dầu thay vì thuế nhập khẩu ưu đãi. Bình luận về việc này, ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên Phó chủ tịch HĐTV PVN phân tích: Nên tính giá xăng dầu dựa trên giá sản xuất trong nước. Nếu lấy thuế nhập khẩu bình quân làm cơ sở tính giá xăng dầu thì một khi có biến động về thuế, các doanh nghiệp trong nước lại phải “gõ cửa” BSR để đàm phán lại giá bán, rất tốn thời gian cho doanh nghiệp.

Ông Hùng dẫn chứng, hiện nay Thái Lan đang tính giá xăng dựa trên cơ sở: Giá sản xuất từ nhà máy lọc dầu + thuế tiêu thụ nội địa + thuế đô thị + quỹ xăng dầu 1 + quỹ xăng dầu 2 + quỹ bảo tồn năng lượng + thuế giá trị gia tăng. Ông Hùng ủng hộ việc BSR đề xuất tính giá xăng trên cơ sở thực tế và đề xuất các cơ quan chức năng quyết định.

Tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị cũng ghi rõ: “PVN được đề xuất các chính sách để phát triển”. Vậy những đề xuất của BSR/PVN nên được triển khai nhanh và dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, có tham khảo thông lệ của một số nước láng giềng.

Theo Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang: Đến hết năm 2018, BSR sẽ không được áp dụng cơ chế này nữa; trong khi Lọc dầu Nghi Sơn được ưu đãi từ 2017 đến hết 2027 (BSR chỉ được ưu đãi 5 năm từ 2013 đến 2018). Hơn nữa, cơ chế này sinh ra để áp dụng cho Nghi Sơn - một dự án liên doanh mà Việt Nam chỉ chiếm 25,1% vốn, nhưng chưa kịp áp dụng cho Nghi Sơn nên áp dụng 5 năm cho Bình Sơn. BSR kiến nghị Chính phủ kéo dài cơ chế này đến năm 2027 để BSR có lợi thế trong cổ phần hóa, nâng cấp mở rộng nhà máy và cạnh tranh sòng phẳng với Lọc dầu Nghi Sơn.

Cũng cần nói thêm, nhiều năm qua, nhờ có cơ chế đã trợ lực tối đa để BSR hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Nhưng cho rằng nhờ có cơ chế mà BSR mới có lợi nhuận dương là chưa chính xác. Lợi nhuận năm 2015 của BSR là 5.690 tỉ đồng thì có khoảng gần 4.000 tỉ nhờ cơ chế 3 - 5 - 7 và gần 1.800 tỉ do nhà máy có chiến lược lưu kho, tối ưu sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Điều đó cho thấy, BSR đang thực sự tự đứng trên đôi chân của mình và tiệm cận mục tiêu đạt 9-10% tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - là căn cứ để các nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa BSR.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVN bình luận: Quan trọng nhất của bất cứ cơ chế nào áp dụng cho BSR đều hướng đến 2 mục tiêu là cổ phần hóa và nâng cấp mở rộng nhà máy. Thực tế của cơ chế 3 - 5 - 7 là giữ dòng tiền với số lãi tương ứng ở lại doanh nghiệp và Chính phủ có thể thu hồi hoặc sử dụng dòng tiền ấy bất cứ lúc nào. Cơ chế là để doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt hơn, tạo động lực để các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần. Khi BSR bán được cổ phần thì Nhà nước sẽ thu được một khoản tiền lớn. Vậy nên, việc áp dụng cơ chế 3 - 5 - 7 là hoàn toàn đúng đắn, hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Các bậc lão thành cũng chia sẻ, kinh tế nước ta đang khó khăn do hụt nguồn thu nhưng cũng phải xem xét một cách khách quan là từ năm 2009 đến nay, trung bình BSR đóng góp cho ngân sách Trung ương 1 tỉ USD/năm. Vậy nên rất cần những chính sách để BSR tiếp tục duy trì sức đóng góp cho Trung ương.

Những ý kiến đóng góp trên của các bậc “tiền bối” dầu khí là “nói thẳng” với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt các phòng chức năng BSR; còn buổi họp với Ban Chấp hành Chi hội Dầu khí chiều 16-4 tại Đà Nẵng, các trưởng lão tâm sự với các thế hệ đi sau như những lời khuyên trong không khí chân tình, ấm áp.

Chủ tịch VPA Ngô Thường San nói vui rằng, chắc chỉ 2 năm nữa thôi ông sẽ không duy trì được cường độ làm việc như bây giờ bởi sức khỏe không cho phép, nên hôm nay ông nói hết, dốc hết. Ông cho rằng, NMLD Dung Quất có phát triển bền vững hay không thì phải cổ phần hóa bên cạnh nhiệm vụ bắt buộc là phải nâng cấp mở rộng. Ông rất tâm đắc với ý tưởng BSR cần thành lập một trung tâm nghiên cứu với mô hình giống Viện NIPI của Vietsovpetro. Ông cho rằng, 90-93% doanh thu của lọc dầu phải đi mua dầu thô, chỉ còn 7-10% là các chi phí khác, giá trị dư dôi làm ra được nằm ở con số nhỏ đó.

Có thể hiểu nôm na là hiện nay Lọc dầu Dung Quất phải bỏ ra 3 tỉ USD mỗi năm để mua dầu thô (dầu ngọt) làm nguyên liệu đầu vào. Nếu có trung tâm nghiên cứu thì việc phối trộn dầu thô Bạch Hổ với dầu chua ngoại nhập với giá rẻ hơn sẽ là khả thi. Khi đó, BSR chỉ cần khoảng 2,7-2,8 tỉ USD để mua 6,5 triệu tấn dầu thô cho cả năm vận hành, tiết kiệm 200 triệu USD. Đó là giá trị sống còn nếu có thêm một trung tâm nghiên cứu phát triển cho Lọc dầu Dung Quất.

“Ngoài ra, khi có viện nghiên cứu, mọi đề tài, sáng kiến vài trăm nghìn USD đến hàng chục triệu USD của BSR đều đưa về đây. Thực tế, sức sáng tạo của BSR còn rất lớn” - ông Ngô Thường San nhấn mạnh. Ý tưởng của ông không phải là không có căn cứ. Tính từ năm 2009 đến nay, BSR đã áp dụng hàng trăm sáng kiến chỉ riêng ở hạng mục tiết kiệm đã tiết giảm cho công ty số tiền hơn 5.000 tỉ đồng.

Ông Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tâm huyết: Nếu BSR có viện nghiên cứu thì cần hỗ trợ của Viện Dầu khí Việt Nam và các trường đại học có chuyên ngành dầu khí hoặc lọc hóa dầu. Khi đó viện nghiên cứu là sân chơi khoa học cho người BSR, mà còn là lực hút để các nhân tài lĩnh vực lọc hóa dầu đến học tập.

Bộc trực mạnh mẽ, ông Nguyễn Huy Quý, Tổng thư ký VPA đưa ra ý tưởng qua việc Chi hội Dầu khí Quảng Ngãi cần đẩy mạnh giao lưu với các chi hội dầu khí ở các vùng, các tỉnh khác, ví dụ như Cà Mau, Vũng Tàu: Việc giao lưu sẽ giúp các bên tìm hiểu về doanh nghiệp thuộc hội đang cần gì, thiếu gì và mong muốn gì. Ví dụ, BSR rất giỏi về tự động hóa và điện. Nếu Chi hội Dầu khí Quảng Ngãi “chào hàng” 2 lĩnh vực này cho Đạm Cà Mau, Điện Cà Mau thì sẽ tạo ra được thị trường cho thuê kỹ sư giỏi. Được biết, cách đây 4 năm, Đạm Cà Mau có xuất khẩu 5 kỹ sư sang Venezuela để vận hành một dự án đạm bên đó. BSR xuất khẩu kỹ sư, tại sao không?

Phương Trà

Năng lượng Mới 516

DMCA.com Protection Status