Cần tăng cường đánh giá rủi ro và đặc thù ngành để quản trị tốt hơn

21:19 | 10/03/2017

987 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã phát biểu tại hội thảo “Nâng cao công tác quản trị cho các doanh nghiệp khâu sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập”. Hội thảo được tổ chức ngày 10/3 tại TP Đà Nẵng.

Hội thảo còn có sự tham dự của Phó TGĐ PVN Nguyễn Sinh Khang; các ban chuyên môn PVN; đại diện lãnh đạo và ban nghiệp vụ các Công ty khâu sau trong ngành Dầu khí như BSR, PVFCCo, PVCFC, VPI; các học giả về quản trị doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

can tang cuong danh gia rui ro va dac thu nganh de quan tri tot hon
Toàn cảnh hội thảo.

Phó TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, trong ngành Dầu khí, các doanh nghiệp khâu sau có đặc thù là quy mô tài sản lớn. Có thể kể đến NMLD Dung Quất có giá trị hơn 3 tỷ USD; nhà máy Đạm Phú Mỹ là hơn 340 triệu USD; Đạm Cà Mau khoảng 700 triệu USD. Thứ hai là công nghệ kỹ thuật hiện đại và hết sức phức tạp; nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao. Cuối cùng là các đơn vị khâu sau có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường năng lượng, đặc biệt là dầu thô và khí thiên nhiên; và chính điều này làm cho các đơn vị khâu sau chịu tác động lớn bởi sự biến đổi công nghệ và môi trường.

can tang cuong danh gia rui ro va dac thu nganh de quan tri tot hon
Phó TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo.

“Vì vậy, muốn nâng cao công tác quản trị và phát triển bền vững, các đơn vị khâu sau của ngành Dầu khí cần đánh giá những đặc thù này để có giải pháp riêng biệt, bên cạnh các giải pháp quản trị doanh nghiệp nói chung”, Phó TGĐ Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Lê Xuân Huyên, Trưởng ban Chế biến Dầu khí PVN cũng chia sẻ, doanh thu, lợi nhuận lĩnh vực chế biến dầu khí chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, lợi nhuận của PVN. Cụ thể, năm 2011 là 18%, năm 2013 là 22,4%; năm 2015 là 30%, năm 2016 là 38%. Điều này đòi hỏi năng lực quản trị lớn và hợp lý đối với lĩnh vực này. PVN đã đề ra các giải pháp là tập trung công tác quản trị, áp dụng các công nghệ, ứng dụng đồng bộ trong quản trị (ERP, RBI, Shell, Mesc…); đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, đa dạng sản phẩm, tiết giảm chi phí. Đồng thời, đào tạo, quy hoạch cán bộ có trình độ cao. Cuối cùng, xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể, giám sát, quyết liệt trong đẩy nhanh các dự án.

can tang cuong danh gia rui ro va dac thu nganh de quan tri tot hon
TGĐ BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, định hướng của BSR là xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu.

Trình bày tham luận tại hội thảo, TGĐ BSR Trần Ngọc Nguyên cho rằng, BSR đã và đang phát triển mạnh khâu hóa dầu, trọng tâm là sản phẩm polypropylene; định hướng của Công ty là xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu. Đồng thời đẩy nhanh quá trình IPO để nâng cao năng lực tài chính; kiểm soát tồn kho, tỷ giá.

Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore trình bày tham luận “Hoạch định và thực thi chiến lược phát triển ngành hóa dầu – một số nguyên lý cơ bản và kinh nghiệm quốc tế”. PGS.TS Vũ Minh Khương là người có nhiều năm nghiên cứu về Singapore, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam nên có thể áp dụng nhiều phương pháp của họ vào việc quản trị tại Việt Nam.

can tang cuong danh gia rui ro va dac thu nganh de quan tri tot hon
PGS.TS Vũ Minh Khương trình bày tham luận.

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Singapore đã biến những điểm bất lợi như tài nguyên, diện tích, dân số... trở thành lợi thế nhờ tầm nhìn từ Chính phủ. Điều đó có thể áp dụng ở Việt Nam như nên biến Nghi Sơn thành trung tâm lọc hóa dầu, hóa chất cung cấp cho cả vùng Đông Nam Á. “Hội nhập trong ngành Dầu khí là mệnh lệnh sống còn, nên nắm bắt ngay. Nên biến Việt Nam là điểm tựa để thế giới đến đây khai thác sự bùng nổ ở châu Á”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhận định.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện Phó Viện phát triển Kinh tế Quốc gia cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc triển ngành hóa dầu ở Việt Nam. Theo TS Võ Trí Thành, năng lượng có 2 vấn đề đặc thù là chính trị và an ninh quốc gia. Ông cho biết thêm, thời gian tới xu hướng năng lượng sạch sẽ lên ngôi. Nhu cầu năng lượng cũng tăng cấp số cộng và số nhân. Bài toán cho các doanh nghiệp PVN là cần thấm nhuần chiến lược hội nhập của Việt Nam là mở rộng thị trường, mở rộng sản phẩm, tăng cường bạn hàng, tăng cường kết nối giữa các nhà máy và được tự chủ.

can tang cuong danh gia rui ro va dac thu nganh de quan tri tot hon

TS Võ Trí Thành trình bày tham luận tại hội thảo.

Tổng kết hội thảo, Phó TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị khâu sau cần thực hiện một số nhiệm vụ như cập nhật diễn biến, nhận định chính xác các xu hướng, đồng thời tăng cường hệ thống quản trị rủi ro. “Tôi giao cho Viện Dầu khí làm công tác đánh giá rủi ro của các doanh nghiệp khâu sau để từ đó hoàn thiện hơn công tác quản trị”, Phó TGĐ PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status