Cảng Vietsovpetro - 35 năm nhìn lại

06:54 | 27/11/2017

4,497 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cách đây hơn 35 năm, nơi rừng sú vẹt và đầm lầy hoang hóa ven cửa sông Dinh, thành phố Vũng Tàu, một sự nghiệp lớn của đất nước được manh nha trong muôn vàn khó khăn, thử thách...

Giai đoạn 1981-1990 là giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật tiền đề cho một loạt các hoạt động lâu dài, bền vững của Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô (sau là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) trong công cuộc thăm dò và khai thác dầu khí khu vực thềm lục địa phía Nam. Lúc bấy giờ, việc xây dựng một căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ được xem là nhiệm vụ tối quan trọng hàng đầu, được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, được các bộ, ngành và các địa phương nhiệt tình ủng hộ. Việc Quốc hội quyết định tách thị xã Vũng Tàu ra khỏi tỉnh Đồng Nai, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo vào năm 1979 cũng chính là tạo điều kiện để Đặc khu xây dựng các ngành dịch vụ dầu khí. Đây là giai đoạn kiến tạo nên những cơ sở vật chất - kỹ thuật nền tảng đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động và phát triển của một ngành công nghiệp mới - ngành công nghiệp dầu khí ở Việt Nam.

cang vietsovpetro 35 nam nhin lai

Chuyên gia Liên Xô và cán bộ Việt Nam cùng chỉ đạo xây dựng Cảng Vietsovpetro (năm 1981)

Với một một lực lượng đông đảo bộ đội, cán bộ, công nhân từ nhiều ngành đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, Vũng Tàu trở thành một đại công trường dầu khí. Ở đó, những lớp người làm dầu khí đầu tiên đã xây dựng nên một căn cứ khổng lồ phục vụ công tác xây lắp các công trình biển, xây dựng cảng dầu khí cùng các cơ sở hạ tầng của một nền công nghiệp hiện đại chưa từng có trên đất nước ta.

Trong điều kiện kinh tế còn nghèo, đất nước đang bị bao vây cấm vận, để thực hiện được nhiệm vụ đó là vô cùng khó khăn, bởi lẽ việc xây dựng căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ đòi hỏi một khoản đầu tư rất lớn, hàng trăm triệu đôla Mỹ. Nhưng vì tương lai của ngành Dầu khí, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương xây dựng khu căn cứ thật hoàn chỉnh để phục vụ cho các hoạt động dầu khí sau này. Điều đó đã thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Dự phát triển ngành Dầu khí của đất nước.

Bác Lê Quang Thành - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo nhớ lại: “Lúc đấy, trong khi các công ty tư bản nước ngoài lần lượt rút đi thì chúng tôi phải lo chuẩn bị cơ sở vật chất để đón công nhân, chuyên gia dầu khí Việt Nam và Liên Xô đến sống và làm việc tại Vũng Tàu. Trước đây, các công ty tư bản nước ngoài hoạt động chủ yếu trên biển, họ dựa vào dịch vụ của các nước lân cận, đặc biệt là Singapore, vì ta chưa có điều kiện cung cấp dịch vụ. Giờ đây chuyên gia, công nhân dầu khí Việt Nam và Liên Xô sẽ đến ăn, ở, làm việc ngay trên đất Vũng Tàu, ta gần như phải phục vụ hoàn toàn từ A đến Z. Đặc khu ủy được Trung ương chỉ định về nhận nhiệm vụ mới, đang trong tâm trạng băn khoăn lo lắng thì nhận được tin “Hai chính phủ Việt Nam - Liên Xô hợp tác, quyết tâm thăm dò và khai thác dầu khí cho Việt Nam”, đã mang lại cho chúng tôi một niềm phấn khởi, tin tưởng vô hạn”.

cang vietsovpetro 35 nam nhin lai

Binh đoàn 318 tham gia xây dựng bãi lắp ráp tại Cảng Vietsovpetro (năm 1981)

Bác Lê Quang Thành nhớ lại, ngày đầu xây dựng căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Đơn giản nhất như dịch vụ đời sống, ăn uống, phương tiện đi lại, trụ sở làm việc của Vietsovpetro, chỗ ở cho chuyên gia Liên Xô… đều thiếu. Khi đó các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Tổng cục Dầu khí, của các bộ, ngành đã thường xuyên làm việc với Vietsovpetro, với lãnh đạo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để kịp thời giải quyết những khó khăn ách tắc trong công việc. Đồng chí Đỗ Mười, với cương vị khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi vào Vũng Tàu thị sát đã ký quyết định cấp toàn bộ khu Khách sạn Lam Sơn cho Công ty Dịch vụ Du lịch Dầu khí (OSC) để phục vụ chuyên gia Liên Xô. Bộ trưởng phụ trách Dầu khí Đinh Đức Thiện cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi toàn bộ những khu nhà và đất mà quân đội đang quản lý như Khu Thông tin, Khu Chí Linh, Trường Thiếu sinh quân… để cấp cho Dầu khí. Để có lực lượng xây dựng, Chính phủ đã điều động một số đơn vị sang giúp dầu khí thiết kế, xây dựng như Công ty 12 Bộ Xây dựng, Công ty Xây dựng phục vụ Dầu khí TP Hồ Chí Minh, Công ty X4 của Bộ Giao thông chuyên thiết kế xây dựng cảng. Các khu công nghiệp lớn như Khu gang thép Thái Nguyên, Khu Công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai, các nhà máy Trung quy mô, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Xí nghiệp Xây lắp điện Vinh, trước những khó khăn của Dầu khí đã chuyển hàng trăm kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao sang ngành Dầu khí.

Có thể nói, chưa bao giờ ngành Dầu khí lại gặp khó khăn, thiếu thốn như lúc đó, nhưng cũng chưa bao giờ ngành Dầu khí lại nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả đến như vậy. Thiếu lái xe, xin bên quân đội.

Thiếu thợ bậc cao chuyên ngành Dầu khí, đề nghị Tổng cục Dầu khí điều động từ Công ty Dầu khí I Thái Bình sang, tất nhiên số lượng cũng không có nhiều. Để có lực lượng xây dựng Cảng, đồng chí Đinh Đức Thiện đã đề nghị Bộ Quốc phòng trợ giúp. Thế là một cuộc tuyển quân rầm rộ lập tức được thực hiện. Cả Sư đoàn 318 thuộc Quân khu 4 ở Nghệ An được lệnh chuyển vào Vũng Tàu để giải phóng bãi sú vẹt, xây dựng căn cứ dầu khí. Sư đoàn 336 đang làm nhiệm vụ ở bên nước bạn Lào cũng được lệnh chuyển về.

Năm 1981, Vũng Tàu ví như điểm đến trong cuộc chuyển binh rầm rộ của hàng vạn con người. Hình ảnh hàng nghìn sĩ quan, chiến sĩ Binh đoàn 318 ngâm mình dưới sình lầy, nhổ từng cây sú vẹt, san lấp xây dựng mặt bằng khu vực Cảng vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí mọi người về một tinh thần lao động quên mình vì tương lai ngành Dầu khí của đất nước. Đến cuối năm 1983, rừng sú vẹt và đầm lầy rộng mênh mông ven cửa sông Dinh (nay là khu Đại An, Bến Đình - Vũng Tàu) đã được bàn tay của những người lính Binh đoàn 318 dọn dẹp, cải tạo; một phần của cảng cũng đã hoàn tất việc san lấp mặt bằng, để rồi sau này mọc lên trên đó là những công trình dầu khí hiện đại ngang tầm thế kỷ.

Từng bước khắc phục những khó khăn, nhân dân Vũng Tàu cũng đã bắt đầu dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, lao động cải tạo, xây dựng lại thành phố, chuẩn bị đón tiếp chuyên gia Liên Xô, đón tiếp lực lượng cán bộ, công nhân dầu khí từ miền Bắc vào Vũng Tàu xây dựng Vietsovpetro.

Trên cơ sở Nghị quyết Kỳ họp thứ II của Hội đồng Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro vào tháng 9-1982, Cục Dịch vụ nhanh chóng được thành lập để đáp ứng kịp thời các dịch vụ hậu cần cho Vietsovpetro (sau này đổi tên thành Xí nghiệp Cung ứng vật tư và Đồng bộ hóa thiết bị và từ tháng 10-1994 đổi tên thành Xí nghiệp Dịch vụ cảng và Cung ứng vật tư thiết bị, gọi tắt là Xí nghiệp Dịch vụ). Giai đoạn 1981-1990, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận vật tư thiết bị từ Liên Xô, Xí nghiệp Dịch vụ đã bốc xếp được 1.488.016 tấn hàng hóa, vật tư các loại phục vụ cho công tác xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, khoan và khai thác dầu khí. Cùng trong giai đoạn này, Xí nghiệp Dịch vụ cũng là đơn vị chủ chốt thực hiện việc xây dựng Cảng Vietsovpetro, đưa chiều dài cầu cảng từ chỗ ban đầu chỉ có 210m lên thành cầu cảng có chiều dài 1.400m. Giai đoạn 1991-1994, từ Cảng Vietsovpetro, Xí nghiệp Dịch vụ tiếp tục tập trung tiếp nhận hơn 3,2 triệu tấn hàng hóa vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác xây dựng các giàn khoan, vật tư hàng hóa phục vụ cho công tác khoan và khai thác dầu khí của Liên doanh.

cang vietsovpetro 35 nam nhin lai

Cảng Vietsovpetro giai đoạn 1981-1985

Hệ thống cầu cảng lúc này được sử dụng để lắp ráp và hạ thủy các công trình dầu khí, cũng như để xếp dỡ các loại hàng hóa, thiết bị siêu trường siêu trọng. Có thể khẳng định, Cảng Vietsovpetro là một đầu mối cực kỳ quan trọng của Vietsovpetro trong công tác dịch vụ hàng biển, đã thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, cung cấp hàng hóa vật tư thiết bị ra các công trình biển và tiếp nhận toàn bộ hàng hóa từ các công trình biển về bờ phục vụ sản xuất của Vietsovpetro.

Nhờ căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ mà trong giai đoạn 1981-1990, Vietsovpetro đã khoan được trên 300.000m khoan các loại, kết thúc thi công 81 giếng khoan, trong đó có 22 giếng khoan thăm thăm dò, gia công 75.000 tấn kết cấu kim loại, xây dựng 7 giàn cố định, 1 trạm rót dầu không bến và trên 56km đường ống ngầm nội mỏ. Có thể nói, căn cứ dịch vụ tổng hợp này là nền tảng quan trọng đảm bảo cho Vietsovpetro hoàn thành các nhiệm vụ thăm dò, khai thác, không những cho giai đoạn 1986-1990, mà còn cho cả các giai đoạn tiếp theo.

Đến nay, tại Cảng Vietsovpetro, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng hoàn hảo, an toàn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phục vụ ngành dầu khí cũng như làm dịch vụ thương mại, trở thành thành viên của Hiệp hội Cảng biển Quốc tế. Hiện tại, cảng có hệ thống cầu cảng dài 1.450m, bao gồm 10 cầu cảng từ cầu số 0 đến cầu số 9, chia làm 3 khu vực là bến thượng lưu, bến hạ lưu và bến trung tâm. Trong đó, khu các bến thượng lưu và hạ lưu là bến cảng liền bờ có tổng chiều dài 1.200m, mặt cầu bê tông cốt thép rộng 20m, tải trọng mặt bến 10T/m2, bến cảng trung tâm là cầu nhô dài 125mx2, tải trọng mặt bến 5T/m2, cùng một thời điểm có thể tiếp nhận 2 tàu thương mại có chiều dài lên đến 150m, 10.000DWT, mớn nước -8,5m. Bến cảng thượng lưu dùng cho việc tiếp nhận tàu dịch vụ và cung ứng hàng hóa bao gồm vật tư, hàng hóa, nước ngọt v.v… phục vụ cho các công trình biển. Bến cảng hạ lưu được sử dụng chủ yếu hạ thủy các cấu kiện siêu trường siêu trọng trọng lượng đến 10.000T phục vụ xây dựng và lắp ráp các công trình ngoài mỏ.

Trên toàn bộ 10 cầu cảng được xây dựng đồng bộ hệ thống đường ống cung cấp nước sinh hoạt và cung cấp điện sản xuất cho các tàu thuyền. Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại 21 họng cấp nước đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của các tàu và công trình biển với công suất 2.000m3/ngày. Ngoài ra hệ thống có trang bị kèm theo các bể chứa nước dự phòng và hệ thống bơm tăng áp đảm bảo cung cấp nước xuống tàu khi có nhu cầu khẩn cấp với công suất lên đến 200m3/giờ. Hệ thống cung cấp điện với 14 điểm đấu nối dọc các cầu cảng có tổng công suất 3.000KVA, đảm bảo cung cấp điện 3 pha liên tục cho các tàu thuyền và nhu cầu sản xuất khác của khách hàng. Ngoài ra, hệ thống bơm vật liệu rời (xi măng, barite, betonite, hóa phẩm) xuống tàu được trang bị nhiều máy nén khí và bồn chứa chuyên dụng, đảm bảo cung ứng vật liệu rời xuống tàu với công suất đạt 100 tấn/giờ.

cang vietsovpetro 35 nam nhin lai

Một góc Cảng Vietsovpetro ngày nay

Ngoài ra, cảng có hệ thống kho kín với diện tích 22.558m2, kho bán mái 1.800m2, hệ thống bãi cảng trên 63.377m2. Hệ thống kho bãi đảm bảo cung ứng dịch vụ cho khoan gần 100 nghìn mét khoan/năm cũng như cung ứng vật tư thiết bị cho các công trình dầu khí trong và ngoài Vietsovpetro. Hệ thống kho kín có đủ tiêu chuẩn về an toàn và môi trường để chứa các loại chất thải nguy hại. Trạm xử lý nước thải có khả năng xử lý nước thải công nghiệp nhiễm dầu, nhiễm axit/kim loại nặng và nước tráng rửa phim được thu gom từ các cơ sở sản xuất trên bờ của Vietsovpetro, công suất 30m3/ngày. Được trang bị nhiều loại thiết bị xếp dỡ chuyên dùng hiện đại như cẩu tự hành lên tới 110T, cẩu bờ 5-50T, xe nâng 2,5-25T, xe tải trên 8T, xe đầu kéo 15-40T, cùng với đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề, Cảng Vietsovpetro hiện đảm bảo công suất xếp dỡ cho 6 tàu dịch vụ/ngày, năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng trung bình trong 3 năm gần nhất đạt 1,5 triệu tấn/năm.

Đồng hành cùng sự phát triển của Vietsoveptro, với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành dịch vụ cảng và cung ứng vật tư thiết bị ngành Dầu khí, Xí nghiệp Dịch vụ luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất hằng năm. Để tận dụng những tiềm năng hiện có, tăng nguồn thu cho Vietsovpetro, trong những năm gần đây, Xí nghiệp Dịch vụ cũng đã phát triển và không ngừng đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các phương tiện kỹ thuật hiện đại đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ cảng và hậu cần cho Vietsovpetro; đồng thời tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh cung cấp dịch vụ đến các tổ chức kinh tế ngoài ngành nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị.

Bác Lê Quang Thành vẫn nhớ mãi lời dặn dò của Ban Bí thư Trung ương Đảng khi giao nhiệm vụ: “Vì sự nghiệp dầu khí mới thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đảng bộ và nhân dân Đặc khu phải hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ dầu khí, phải chân thành hợp tác với Liên Xô, làm việc vì tương lai dầu khí của đất nước”.

Nguyên Phương

DMCA.com Protection Status