Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC):

Cạnh tranh bằng chất lượng

07:00 | 16/12/2015

1,503 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
2015 được coi là năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành Dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối dịch vụ. Song bằng kinh nghiệm, khả năng quản trị tốt, Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) đã giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh và tìm ra những hướng đột phá mới. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi cùng Tổng giám đốc DMC Tôn Anh Thi về câu chuyện vượt khó này. 

PV: Thưa ông, trong bối cảnh giá dầu sụt giảm, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của DMC có ảnh hưởng như thế nào? DMC đã có giải pháp gì để vượt qua những thử thách ấy?

TGĐ Tôn Anh Thi: Trước tiên phải khẳng định rằng năm nay DMC đã có bước chuyển mình lớn. Ngay từ đầu chúng tôi xác định không chạy theo việc hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch về doanh thu mà hướng vào lợi nhuận, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên. Do đó, năm nay DMC không thực hiện điều chỉnh lại kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm. Chính vì thay đổi định hướng đó nên chúng tôi đã có được các giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mặt khác, với sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, hợp tác của các đơn vị trong ngành cùng nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên DMC, tính đến thời điểm này DMC đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2015.

canh tranh bang chat luong
Tổng giám đốc DMC Tôn Anh Thi

Có thể nói nguyên nhân tiên quyết giúp DMC đạt được kết quả trên là chúng tôi đã nhận ra nguy cơ khi giá dầu lao dốc từ khá sớm. Tháng 10/2014, khi giá dầu quay đầu xuống mức 80USD, với nhận định về tình hình giá dầu còn tiếp tục đi xuống, ngay lập tức chúng tôi đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong tổng công ty thực hiện ngay việc đàm phán với các nhà cung cấp đầu vào nhằm giảm giá dịch vụ. Bởi vậy đến cuối năm 2014 về cơ bản DMC đã hoàn tất việc đàm phán giảm giá các dịch vụ đầu vào, đảm bảo việc sản xuất và cung cấp dịch vụ chủ động nguồn cung cho khách hàng.

PV: Thưa ông, song song với việc chủ động đàm phán giảm giá các hợp đồng đầu vào, có phải cứu cánh cho DMC năm nay là việc tập trung cho một số lĩnh vực trên bờ?

TGĐ Tôn Anh Thi: Bên cạnh việc đầu tư phát triển mảng dịch vụ thế mạnh, các lĩnh vực dịch vụ như chống ăn mòn, làm sạch thiết bị công nghiệp, giàn giáo chất lượng cao, xử lý môi trường cũng được DMC đẩy mạnh phát triển. Năm 2015, các dịch vụ này đã có sự tăng trưởng đáng kể về cả lượng và chất, ký kết và triển khai thực hiện được nhiều hợp đồng lớn và đạt được một số kết quả khả quan mang lại doanh thu 259,6 tỉ, đạt 305% kế hoạch năm và bằng 305% so với năm 2014, góp phần “gánh vác” bớt khó khăn cho DMC trong năm 2015.

Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là các hóa phẩm, dung dịch khoan và dịch vụ phục vụ thăm dò khai thác dầu khí, DMC đang tập trung xây dựng hệ thống kinh doanh, phân phối theo chuẩn quốc tế. Chúng tôi thành lập mô hình quản lý chuỗi, đáp ứng các yêu cầu đặc thù về an toàn - sức khỏe - môi trường, đảm bảo khả năng cung cấp hóa chất cho toàn bộ các hoạt động dầu khí: khoan, khai thác, lọc dầu, hóa dầu, điện, đạm, nhiên liệu sinh học và các dự án phụ trợ khác của ngành.

PV: Nói về DMC phải nhắc đến công tác xử lý môi trường rất tốt, mục tiêu phát triển mở rộng mang tính xã hội hơn DMC tập trung vào những đâu, thưa ông?

TGĐ Tôn Anh Thi: Xác định trong thời gian tới, chúng tôi ấp ủ đầu tư vào cho các dự án nước sạch sinh hoạt và đầu ra cho các dự án nước thải công nghiệp. Năm 2014, chúng tôi đã hợp tác với đối tác Nhật Bản triển khai thử nghiệm thành công Dự án xử lý nước thải tại Thanh Trì (Hà Nội), hy vọng rằng, với lợi thế của mình, DMC sẵn sàng hợp tác với các cấp bộ, ngành, đối tác quốc tế trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo môi trường sống, nhất là tại các khu dân cư, trường học, bệnh viện, sông suối, các khu khách sạn, nghỉ dưỡng ven biển vốn trước đây chưa thực hiện tốt việc xử lý nước thải.

PV: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có ảnh hưởng gì đối với DMC không, thưa ông?

TGĐ Tôn Anh Thi: Vừa qua, chúng tôi đã thực hiện một hội thảo chuyên đề riêng về TPP đối với DMC. Tôi cho rằng, TPP có hai mặt khá cân bằng là thuận lợi và thử thách. Về thuận lợi, sản phẩm DMC có chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, tính cạnh tranh cao nên cơ bản ko có ảnh hưởng nhiều nhưng giá trị nguyên liệu, dịch vụ đầu vào của chúng tôi sẽ được giảm. Đồng thời các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nên sản phẩm của chúng tôi như barite, xi măng G-HSR cũng không bị ảnh hưởng vì mang tính cạnh tranh toàn cầu.

Nói về thách thức thì khi không còn hàng rào thuế quan thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ồ ạt vào đầu tư sẽ tăng áp lực cạnh tranh đối với DMC. Đặc biệt là phải đối mặt để giải bài toán về dịch chuyển lao động. Hiện nay, theo quy định của Chính phủ là hạn chế sử dụng lao động nước ngoài, ưu tiên trong nước. Tôi có thể thẳng thắn chia sẻ cùng các bạn rằng, lao động nước ngoài họ hơn lao động mình nhiều mặt như năng suất, kỷ luật. Vì vậy, khi lao động nước ngoài theo sự thông thoáng từ TPP sẽ khiến lãnh đạo các doanh nghiệp phải có trách nhiệm nặng nề khi cân đối đảm bảo công ăn việc làm cho đối tượng lao động trong nước.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là khi mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó nâng cao được sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại nếu không có sự hậu thuẫn thích hợp của Nhà nước. Đó là cơ chế bảo hộ trong nước còn nhiều bất cập, ví dụ như sản phẩm xi măng G-HSR đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của DMC khi đấu thầu chưa được ưu tiên. Nhà nước ta cần nhanh chóng ban hành hoặc sửa đổi những điều còn bất cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp dầu khí nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung được thuận lợi hơn nữa trong sản xuất kinh doanh ngay tại “sân nhà”.

PV: Thưa ông, để công tác quản trị doanh nghiệp tốt, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới DMC cần phải chuẩn bị những gì?

TGĐ Tôn Anh Thi: Có thể khẳng định quản trị doanh nghiệp và nhân lực là yếu tố sống còn mang tính quyết định cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhận thức rõ điều đó, chúng tôi đang tập trung rất nhiều cho vấn đề này, đặc biệt là sự thiếu hụt nhân lực trong khối kỹ thuật. Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã cử nhiều cán bộ, kỹ sư ra đào tạo ở nước ngoài để những kỹ sư của chúng tôi có thể thay thế dần kỹ sư nước ngoài. Song song với đào tạo chuyên sâu là nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Hiện chúng tôi đang triển khai đề án nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai phương án cơ cấu lại nguồn nhân lực trước mắt. Tăng tỷ trọng lao động kỹ thuật, thay đổi tỷ trọng lao động trực tiếp và gián tiếp để bộ máy lao động DMC được tinh gọn, hiệu quả. Đặc biệt thời gian tới chúng tôi sẽ chú trọng đào tạo, thu hút nhân tài về kinh doanh, marketting để có thể nhanh chóng tăng cao thị phần trong nước và quốc tế của các sản phẩm chủ lực về dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí qua đó dần đảm bảo hài hòa tỷ trọng ở cả ba lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ.

PV: Rất cảm ơn ông.

Kết quả một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2015: Tổng sản lượng sản xuất: đạt 38. 820 tấn, tổng doanh thu đạt 3.400 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của DMC đạt 224 tỉ đồng vượt 108% kế hoạch cả năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 173 tỉ đồng/161,5 tỉ đồng, đạt 107% kế hoạch. DMC nộp ngân sách Nhà nước hơn 185 tỉ đồng và thu nhập bình quân cán bộ, công nhân viên khoảng 16,3 triệu đồng/người/tháng.

Kiên Công

Năng lượng Mới 483

DMCA.com Protection Status