Câu chuyện về lưu niệm và giáo dục truyền thống

09:05 | 15/07/2017

1,038 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Một ngày cuối tháng 6-2017, đoàn công tác của lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam và Chi hội Dầu khí Hà Nội về dự Đại hội Chi hội Dầu khí Thái Bình.

Gặp gỡ tại phòng khách của Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Thái Bình (Thái Bình PSC) - một công ty con của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), nơi vốn là trụ sở của Liên đoàn Địa chất 36, sau này là Công ty Dầu khí I. Câu chuyện đầu tiên chúng tôi trao đổi xoay quanh Phòng Lưu niệm mà Thái Bình PSC đang xây dựng. Bất ngờ Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - TS Ngô Thường San - nét mặt ưu tư, giọng đầy xúc động nói: “Mỗi lần về đây, mình có cảm giác như về quê nội!”.

Hơn chục người ngồi trong phòng gồm nhiều thế hệ khác nhau đều lặng đi.

Riêng tôi chợt cảm thấy xấu hổ, ân hận. Là người quê gốc sống trên mảnh đất này, lại có trên nửa thời gian làm dầu khí tại đây và cũng vào nghề từ đây sau khi ra trường (năm 1971), vậy mà mình không có được cảm giác ấy. Chủ tịch Ngô Thường San chưa một ngày làm việc ở mảnh đất này và theo tôi nhớ là chỉ khi về Hà Nội làm lãnh đạo tổng công ty ông mới về đây thăm.

cau chuyen ve luu niem va giao duc truyen thong
Lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam tham quan Phòng Truyền thống tại Thái Bình PSC

Chính ông cách đây 3 năm đã đề xuất xây dựng Khu Lưu niệm Thăm dò Khai thác Dầu khí Đồng bằng sông Hồng ở ngay vị trí này, nơi được coi là “cái nôi” của ngành Dầu khí. Ông giao cho Chi hội Dầu khí Thái Bình, do tôi làm Chủ tịch lập đề án trình Hội Dầu khí Việt Nam và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Được biết, Chủ tịch Ngô Thường San cũng đã trao đổi cặn kẽ việc này với lãnh đạo Tập đoàn. Chi hội Dầu khí Thái Bình cũng đã làm tất cả những gì có thể, nhưng tiếc thay chưa được ủng hộ. Tuy nhiên, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) lúc đó dù khó khăn nhưng vẫn đầu tư tu bổ, nâng cấp khu vực trạm xử lý khí khai thác mỏ khí Tiền Hải và miệng giếng khoan đầu tiên phát hiện khí.

Nhiều người cho rằng, muốn xem lịch sử, lưu niệm về ngành Dầu khí cứ về Phòng Truyền thống ở trụ sở Tập đoàn, 18 Láng Hạ, Hà Nội là có đủ cả. Chúng tôi đã trình bày suy nghĩ của mình với so sánh đơn giản thế này: Phòng Truyền thống ở 18 Láng Hạ như Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, còn Khu vực Liên đoàn 36 như an toàn khu Định Hóa, như cây đa Tân Trào... và mỏ khí Tiền Hải như Điện Biên Phủ... So sánh thế quả cũng hơi khập khiễng, nhưng về vai trò và vị trí của những di tích này đối với Dầu khí Việt Nam không khác xa là mấy.

cau chuyen ve luu niem va giao duc truyen thong
Một số “cổ vật” quý được trưng bày

Cách đây ít lâu, Giám đốc Thái Bình PSC mời tôi vào gặp và thông báo rằng, Hội đồng Quản trị công ty đã có nghị quyết và giám đốc đã có quyết định triển khai xây dựng Phòng Truyền thống Thăm dò Khai thác Dầu khí Đồng bằng sông Hồng, đồng thời đề nghị Chi hội tham gia, hỗ trợ công việc này. Tôi thật sự ngỡ ngàng. Giám đốc Trần Đình Thành vào ngành Dầu khí năm 1995 và mới được bổ nhiệm giám đốc công ty có 2 năm. Công ty lại rất nhỏ, chỉ sản xuất nước khoáng. Có lẽ đây là công ty vào loại nhỏ nhất trong hệ thống của Tập đoàn, khó khăn đầy rẫy khó khăn, vậy mà Giám đốc Thành đã dám bắt tay vào làm công việc này.

Một trong những lý do thôi thúc Giám đốc Thành quyết tâm xây dựng Phòng Truyền thống là vì đã tận mắt chứng kiến nhiều cuộc “về nguồn”, thăm lại nơi làm việc, nơi ghi dấu ấn cuộc đời công tác… của các bậc tiền bối, lão thành từng “đi tìm lửa”, đã cảm nhận được niềm xúc động hiện trên gương mặt, trong trái tim của các bô lão mà quỹ thời gian còn lại trên đời này không còn là bao.

Tại Đại hội Chi hội Dầu khí Thái Bình, ông Nguyễn Quyền, năm nay 82 tuổi, lưng đã còng, bước đi không còn vững muốn lên phát biểu, thành viên Đoàn Chủ tịch đã phải đỡ ông bước lên bục, giọng nói không còn mạch lạc lại nghẹn đi vì xúc động. Ông tâm sự: “Không chỉ tôi, mà tất cả các đồng đội ngày nào, mỗi lần về đây đều ước ao được nhìn thấy dòng lịch sử, dấu ấn của ngành Dầu khí đã để lại nơi đây. Đó cũng chính là dấu ấn cuộc đời chúng tôi đã cống hiến cho sự nghiệp Dầu khí để có Tập đoàn Dầu khí hôm nay. Có lẽ, nếu không nhìn thấy được điều đó, lúc ra đi, vuốt 3 lần chưa chắc mắt đã nhắm được”. Cả hội trường lặng đi. Với tôi, thế hệ đàn em, có thể gọi là “thê đội 2” của Dầu khí, đây đó đã coi là lão thành rồi, mà vẫn chưa làm được, chưa đáp ứng được nguyện vọng của lớp đàn anh thì thật là xót xa. Giám đốc Thành cho biết, sau hơn một tuần gửi thư kêu gọi thu thập tư liệu, hiện vật cho Phòng Truyền thống, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1kg ảnh, tài liệu và nhiều hiện vật. Có bác đã một mình rong ruổi từ Thái Bình sang Nam Định - nơi công tác xưa - để tìm tài liệu, hiện vật.

cau chuyen ve luu niem va giao duc truyen thong
Lãnh đạo Hội DKVN và Chi hội DK Thái Bình trao đổi về việc củng cố và xây dựng phòng truyền thống

Nhiều lúc ngồi ngẫm thấy cũng hơi lạ: “Vì sao hằng năm Tập đoàn và các tổng công ty trong ngành từng tài trợ, làm công tác an sinh xã hội nhiều trăm tỉ đồng, vậy mà một công trình ghi lại lịch sử, tri ân quá khứ của chính mình lại chưa được quan tâm xứng đáng? Đành rằng những việc đã làm cũng cần và rất có ý nghĩa”.

Nhìn lại lịch sử thì chính khu vực chợ Gạo, Hưng Yên mới là căn cứ đầu tiên của Liên đoàn 36, nhưng nay ở đó không còn dấu tích gì và nhất là nó đã trở thành khu dân cư. Ta có muốn ghi lại dấu ấn kỷ niệm cũng là bất khả thi. May thay khu vực chợ Đậu của Liên đoàn 36 vẫn còn được ít nhiều đất đai, nay là khu vực trụ sở của Thái Bình PSC. Cách đây 2 năm, Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức họp Ban Chấp hành tại Thái Bình. Chủ tịch Ngô Thường San coi đây là chuyến đi về nguồn. Lúc đó, mọi người đã được nhìn thấy một số hình ảnh, khá nhiều hiện vật xưa kia sử dụng trong công tác thăm dò khai thác dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng. Thế nhưng tiếc thay sau đó không ai quan tâm nên chủ nhân của những vật dụng đó đã mang bán nhiều thứ cho đồng nát, ve chai. Tôi còn nhớ, khi nghe tin ấy, Chủ tịch Ngô Thường San kêu trời, sao lại thế được? Chúng tôi không trách các vị chủ nhân ấy mà chỉ tự trách mình...

Tôi nhớ lại đã nhiều lần các em, các cháu có hỏi việc này, việc kia liên quan tới lịch sử ngành, tới bác A, bác B... Tôi biết gì kể nấy và hiểu ra rằng, các thế hệ sau luôn tìm về quá khứ, họ hiểu rằng, có quá khứ mới có hôm nay. Việc làm tri ân quá khứ của Giám đốc Trần Đình Thành, của tập thể cán bộ, công nhân viên rất trẻ Công ty Thái Bình PSC là một ví dụ sinh động.

cau chuyen ve luu niem va giao duc truyen thong
Nhiều tư liệu có một không hai được lưu giữ tại “cái nôi” dầu khí Thái Bình

Những năm trước đây, PVN đã đầu tư khá nhiều công sức để hoàn thành công trình bộ sách Lịch sử ngành Dầu khí. Đây là một công trình lớn, với sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của nhiều thế hệ “Những người đi tìm lửa”; đã hoàn thành xây dựng Phòng Truyền thống của ngành Dầu khí. Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) cũng đã hoàn thành xây dựng một phòng truyền thống hoành tráng tương xứng với tầm cỡ của mình và PVEP đã đầu tư xây dựng bia lưu niệm Giếng khoan 61. Mọi người gọi là Giếng khoan Tổ với ý nghĩa đây là giếng khoan đầu tiên phát hiện mỏ khí đầu tiên của Việt Nam và cũng là giếng khoan khai thác khí đầu tiên của Việt Nam đưa khí vào sử dụng. Thật là tiếc vì những di tích thực địa lại không nhiều.

Khi trao đổi về việc này, ông Nguyễn Văn Đắc, vị giám đốc cuối cùng làm công tác thăm dò khai thác dầu khí của Công ty Dầu khí, mà tiền thân của nó là Liên đoàn 36, người được chúng tôi gọi là “cháu đích tôn” của PVN đã đề nghị Chủ tịch Ngô Thường San nên có cuộc trao đổi, bàn bạc kỹ việc này với lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn ngành, bởi đây là việc không thể không làm, không làm là sẽ muộn và đang muộn rồi.

cau chuyen ve luu niem va giao duc truyen thong
Phòng Trưng bày truyền thống hiện vẫn còn rất đơn sơ

Với cá nhân mình tôi cho rằng, đây là ý kiến rất nghiêm túc, rất xác đáng. Dù biết rằng, hiện nay PVN rất khó khăn về tài chính, nhưng không phải vì thế mà có thể bỏ qua công việc rất có ý nghĩa này, bởi lẽ huy động một vài chục tỉ từ PVN không phải là khó, mà cái khó chính là cái “tâm” cho việc bắt tay vào hành động.

Cũng là một thành viên của các thế hệ “Những người đi tìm lửa” đầu tiên, qua bài viết này thể hiện nguyện vọng thiết tha của chúng tôi và nhiều thế hệ kế tiếp về việc cần có một Khu Lưu niệm Thăm dò Khai thác Dầu khí Đồng bằng sông Hồng xứng tầm với PVN, tại nơi gọi là “cái nôi” của ngành Dầu khí Việt Nam.

Nguyễn Xuân Nhự

DMCA.com Protection Status