“Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”

13:32 | 02/06/2017

1,934 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong buổi hội thảo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và ứng dụng vào các nhà máy chế biến dầu khí để nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng nhận định, cuộc CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và PVN “không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà quản lý, các chuyên gia của PVN đã đưa ra nhiều ý kiến về cuộc CMCN 4.0 và việc ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.  

Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ - TS Lý Hoàng Tùng: Nhận thức đúng về CMCN 4.0 sẽ giúp Việt Nam có điều kiện vươn lên

chung ta khong the dung ngoai cuoc cach mang cong nghiep 40

Trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0, một số ngành, lĩnh vực đã có sự định hướng tiếp cận. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp thì vấn đề then chốt là việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với ngành dịch vụ, thương mại thì cần kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc gia, cần ứng dụng mô hình quản trị hiện đại. Ngành này cũng sẽ có một sự thay đổi lớn, đó là việc các hoạt động thanh toán phi truyền thống sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Đối với các ngành giáo dục, đào tạo, lao động thì cần yêu cầu người lao động phải có những kỹ năng mới, nhân lực phải tư duy đa ngành. Đồng thời cần linh hoạt ngành đào tạo và tái đào tạo nghề.

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 đã nhấn mạnh đây là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo.

Trong các nhóm giải pháp chiến lược, việc tạo sự bứt phá về công nghệ thông tin - truyền thông chiếm một vai trò quan trọng. Chỉ thị này cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường cạnh tranh, kinh doanh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của quốc gia. Đồng thời nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về cuộc CMCN 4.0.

chung ta khong the dung ngoai cuoc cach mang cong nghiep 40

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đánh giá xu hướng vận động của cuộc CMCN 4.0 để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng các nhiệm vụ, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng địa phương.

Các địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như xây dựng thí điểm mô hình thành phố thông minh, đầu tư xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa có sản lượng và chất lượng cao.

Công nghệ thông tin chiếm một vai trò quan trọng trong cuộc CMCN 4.0. Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tham mưu về chủ trương, chiến lược, tham gia xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho triển khai CMCN 4.0.

Việc nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng; chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tránh tụt hậu và có điều kiện vượt lên.

Phó tổng giám đốc PVN - TS Lê Mạnh Hùng: Ngành Dầu khí không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0

chung ta khong the dung ngoai cuoc cach mang cong nghiep 40

Các nhà máy chế biến dầu khí có đặc thù là quy mô tài sản lớn. Ví dụ như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD; Đạm Phú Mỹ là 340 triệu USD; Đạm Cà Mau có tài sản khoảng 700 triệu USD. Các nhà máy này có công nghệ kỹ thuật hiện đại và hết sức phức tạp; đồng thời có nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao; có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường năng lượng, đặc biệt là dầu thô và khí thiên nhiên; và chịu tác động lớn bởi sự biến đổi công nghệ môi trường.

Các nhà máy chế biến dầu khí cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong ngành Dầu khí Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang được tiến hành, việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất là hết sức cấp thiết. Đây là một trong những vấn đề then chốt của Tập đoàn trong khoảng thời gian tới. Hiện nay, trong các nhà máy chế biến của PVN, các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 3 đã được áp dụng triệt để. Đối với nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm... các hệ thống công nghệ, hệ thống thiết bị máy móc và con người đã được kết nối với nhau nhuần nhuyễn thông qua các hệ thống quản trị.

Tuy nhiên, mối liên hệ chặt chẽ giữa các hệ thống này với nhau chỉ đang được tổ chức theo chiều ngang, còn theo chiều dọc ở phân tầng trên thì tính kết nối vẫn còn lỏng lẻo, chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề phải làm. Có thể thấy điều đó qua việc toàn bộ hệ thống vận chuyển trong nhà máy vẫn còn sử dụng con người. Chúng ta vẫn chưa sử dụng, chưa áp dụng, chưa kết nối các tài nguyên này với nhau một cách chặt chẽ. Dẫn đến việc khai thác vẫn còn hạn chế.

Vì vậy rất cần sự lắng nghe, chia sẻ những chính sách, kinh nghiệm từ những nhà quản lý, những chuyên gia, học giả về cuộc CMCN 4.0. Trên cơ sở đó, PVN và các đơn vị thành viên sẽ xây dựng kế hoạch, chủ động đón đầu những thành tựu công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. PVN và các đơn vị thành viên chắc chắn không đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. PVN thống nhất nhận thức rằng, CMCN 4.0 có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải coi đây là cơ hội và cũng là thách thức để có giải pháp tận dụng cơ hội đặc biệt này. Đổi mới, sáng tạo là yếu tố vô cùng quan trọng. Điều này sẽ mang lại sức cạnh tranh mới trong tương lai.

Phó trưởng Ban Chế biến Dầu khí Bùi Ngọc Dương: Việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 là khả quan

chung ta khong the dung ngoai cuoc cach mang cong nghiep 40

Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí, việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 là vô cùng cần thiết. Trước khi nghiên cứu khả năng áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0, chúng ta cần nhìn lại thực trạng áp dụng công nghệ thông tin tại các nhà máy chế biến dầu khí.

Trong lĩnh vực tự động hóa thì mức độ áp dụng là rất cao. Hầu hết đều áp dụng các hệ thống tự động điều khiển phân tán và các hệ thống bảo vệ an toàn, hệ thống tự động phát hiện rò rỉ, báo cháy... với công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay. Còn đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì hầu hết các nhà máy đều đã và đang đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản trị, điều hành và sản xuất, kinh doanh với các phần mềm hiện đại. Ngoài ra, các hệ thống quản trị khác như ISO, KPI, quản lý an ninh, an toàn... đều được áp dụng một cách tối ưu.

Tuy nhiên, việc ứng dụng này cũng bộc lộ một số hạn chế như tính đồng bộ chưa cao, mức đầu tư khác nhau, mục tiêu và thời gian đầu tư khác nhau giữa các đơn vị. Mục đích áp dụng chỉ phục vụ quản lý nội bộ, chưa có sự liên kết với bên ngoài. Đồng thời, các nhà máy nhận diện về CMCN 4.0 chưa rõ nét, chưa hiểu và đánh giá đúng bản chất của cuộc cách mạng này. Chưa nhận diện rõ nét nên hầu hết chưa có định hướng chiến lược mang tính tổng thể về CMCN 4.0.

Về việc áp dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào lĩnh vực chế biến dầu khí thì khá khả quan. Trong đó, việc nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy lọc hóa dầu sẽ cần nâng cao việc áp dụng các phần mềm dự báo tình trạng thiết bị, lập kế hoạch bảo dưỡng... để nâng cao năng suất vận hành, giảm thời gian shutdown. Việc này cũng sẽ giúp quản lý an toàn hơn nhờ đánh giá, kiểm tra được tình trạng an toàn của máy móc, thiết bị, quá trình làm việc của từng người tại từng thời điểm cụ thể.

Ngoài ra, còn có thể áp dụng CMCN 4.0 vào việc mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh nhờ các công cụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng dịch vụ, sản phẩm thông minh. Việc này có thể thực hiện bằng các phương pháp nâng cấp chất lượng sản phẩm, công suất, hiệu suất các nhà máy hiện hữu thông qua cải tiến kỹ thuật. Cũng có thể thông qua mạng lưới Internet để tìm hiểu hoạt động của khách hàng. Từ đó mở rộng sản xuất các sản phẩm mới theo nhu cầu thực tế.

Với cơ cở đã có sẵn nền tảng tốt từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, trình độ quản lý; nguồn lực tài chính mạnh và thị trường tốt; kinh nghiệm triển khai thực tế sơ bộ đã có... thì cơ hội áp dụng thành công các thành tựu của CMCN 4.0 vào lĩnh vực chế biến dầu khí là rất khả quan. Thế nhưng, vẫn cần có một chiến lược tổng thể trong toàn Tập đoàn. Ngoài ra, các yếu tố như chi phí đầu tư lớn, cần tính toán tính đồng bộ trong quá trình thực hiện; rủi ro về an ninh, an toàn khí kết nối với bên ngoài... sẽ là những thách thức không nhỏ đối với việc áp dụng CMCN 4.0 vào thực tế.

Để vượt qua những thách thức này, Tập đoàn cần có chỉ đạo tổng thể về kế hoạch triển khai; chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành. Ngoài ra, Tập đoàn cũng cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo hành lang phát triển. Đối với các đơn vị thành viên, cần rà soát, nghiên cứu ứng dụng CMCN 4.0 phù hợp với đặc thù từng đơn vị và chiến lược chung của Tập đoàn. Tiếp tục tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng, phân phối. Nghiên cứu sử dụng robot thay thế con người vào các công việc lặp lại, phổ thông như đóng bao, bốc xếp trong nhà máy đạm, lấy mẫu tự động trong các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí... và tại các khu vực có mức độ nguy hiểm cao, khó tiếp cận.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên: Sẽ triển khai IT Master Plan đúng lộ trình

chung ta khong the dung ngoai cuoc cach mang cong nghiep 40

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nhận thức rõ được tầm quan trọng của công nghệ và tự động hóa trong sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Việc áp dụng các thành tựu của CMCN 3.0 vào nhà máy đã và đang được tiến hành. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam với công nghệ hiện đại theo bản quyền các phân xưởng công nghệ cũng như máy móc thiết bị của Mỹ và châu Âu. Nhà máy được thiết kế chi tiết và xây dựng, chạy thử bởi Tổ hợp nhà thầu Technip (Pháp), JGC (Nhật) và các nhà thầu phụ có năng lực khác. Nhà máy cũng được trang bị hệ thống điều khiển vận hành DSC, hệ thống bảo vệ an toàn công nghệ ESD, hệ thống phát hiện rò rỉ và báo cháy... Tất cả đều là những hệ thống hiện đại bậc nhất. Ngoài ra, còn có hệ thống an ninh, an toàn và quản lý theo ISO khá hoàn thiện, đồng bộ đảm bảo quản trị hiệu quả, tối ưu.

Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn, mức độ trưởng thành doanh nghiệp của BSR thuộc mức trung bình so với nhóm dẫn đầu của các công trình lọc hóa dầu hàng đầu thế giới. Việc đánh giá này dựa vào các yếu tố: Con người và tổ chức; quy trình và chính sách; công nghệ và dữ liệu; quản lý hiệu quả hoạt động. Cụ thể, về yếu tố con người và tổ chức, BSR đạt 2.6 điểm so với mô hình dẫn đầu là 4.2. Tương tự như vậy, yếu tố quy trình và chính sách là 2.3 so với 4.3; yếu tố công nghệ và dữ liệu là 2.0 so với 4.6; yếu tố quản lý hiệu quả hoạt động là 2.0 so với 4.5. Điểm số trung bình của BSR là 2.2 so với 4.4 của mô hình dẫn đầu.

Để triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho CMCN 4.0, BSR sẽ tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các hạng mục công việc theo lộ trình IT Master Plan. Đồng thời trình duyệt và thành lập Ban Công nghệ thông tin nhằm tập trung nguồn lực và đội ngũ chuyên trách để chủ động thích ứng với CMCN 4.0. Năm 2016, BSR đã hoàn thành xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển tổng thể công nghệ thông tin (IT Master Plan) cho BSR giai đoạn 2016-2021 và định hướng đến 2025. Chương trình này sẽ đưa ra 42 hạng mục giải pháp cần thực hiện theo 6 cấp độ ưu tiên từ cao đến thấp giai đoạn 2016-2021 nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho BSR.

Mục đích của kế hoạch này nhằm đồng bộ lộ trình triển khai các giải pháp công nghệ thông tin với chiến lược sản xuất kinh doanh; áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của công ty giai đoạn 2016-2021; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp của BSR; tăng tính minh bạch thông tin, đáp ứng yêu cầu thực hiện cổ phần hóa.

BSR sẽ tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các hạng mục công việc theo lộ trình IT Master Plan đã được xây dựng nhằm nhanh chóng thích ứng và bắt kịp với cuộc CMCN 4.0.

CMCN 4.0 - thuật ngữ bắt đầu sử dụng từ tháng 4-2011 - là chủ đề của Hội chợ Công nghiệp lớn nhất thế giới, được tổ chức thường niên tại Hannover (Đức). Thuật ngữ này trong tiếng Đức là “Industrie 4.0”. Thuật ngữ này sau đó xuất hiện trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013 với mô tả là kết nối các hệ thống và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

Theo ông Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì “CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc CMCN thứ 4 đang nảy nở từ cuộc CMCN lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Trong tiến trình lịch sử thế giới, cuộc CMCN lần thứ nhất (thế kỷ XVIII) diễn ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Cuộc CMCN lần thứ 2 (thế kỷ XIX) là thời điểm loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước.

Cuộc CMCN lần thứ 3 (thập niên 70 của thế kỷ XX) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những thành quả từ cuộc cách mạng này.

Hiện CMCN 4.0 đang diễn ra tại một số nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.

Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối - Internet of Things và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status