Chuyện về phòng thí nghiệm dầu khí tầm cỡ khu vực

07:00 | 09/02/2017

2,059 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ít ai biết rằng, ngay trong Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu số 1 của Việt Nam - có một phòng thí nghiệm tầm cỡ khu vực về chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị và giá trị cống hiến. Đó là phòng thí nghiệm, hay quen gọi là Phòng Lab.

“Pro" từ thiết bị đến... con người

Trực thuộc Ban Quản lý Chất lượng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Phòng Lab có 176 thiết bị chính và 162 thiết bị phụ do 74 kỹ sư, kỹ thuật viên vận hành, quản lý. Dẫn chúng tôi vào một căn phòng đặc biệt, ông Nguyễn Phú Dung, Trưởng ban Quản lý chất lượng BSR cho biết, ở đây có hai thiết bị đặc biệt là True Boiling Point (TBP) và Potstill (chưng cất điểm sôi thực dầu thô) do Hãng ROFA (CHLB Đức) cung cấp, nhằm khảo sát thuộc tính các loại dầu thô trước khi nhập về nhà máy để chế biến. Nhờ những thiết bị và con người này mà BSR đã tự cấp chứng thư chất lượng từ quý II/2014 cho các sản phẩm xăng, dầu DO, JetA1...

Theo kỹ sư Nguyễn Thanh, người trực tiếp vận hành hai thiết bị này, các loại dầu thô sau khi phân tích trên thiết bị TBP và Potstill sẽ biết được thuộc tính loại dầu thô. Từ đó, công ty sẽ lựa chọn các loại dầu thô phù hợp với cấu hình công nghệ nhưng giá rẻ hơn, nguồn cung dồi dào hơn cho NMLD Dung Quất. Đồng thời, các kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm cho các dòng sản phẩm sau khi chưng cất trên thiết bị này là những dữ liệu quý giá để kỹ sư thay đổi các thông số vận hành tại các phân xưởng công nghệ sao cho phù hợp để tối ưu hóa nhất về phụ gia, hóa chất, xúc tác… cho nhà máy. Ví dụ, với loại dầu ngọt Bạch Hổ có hàm lượng lưu huỳnh ở mức thấp thì phụ gia, hóa chất chế biến cần ít hơn. Ngược lại với dầu chua, phụ gia, hóa chất cần nhiều hơn…

chuyen ve phong thi nghiem dau khi tam co khu vuc
Kỹ sư Võ Tấn Phương làm việc với nhiều thiết bị hiện đại

Thiết bị TBP, Potstill là loại mô hình chưng cất cho phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) và phân xưởng Cracking (RFCC) của nhà máy. Thiết bị sau khi được nạp dầu thô, việc chưng cất sẽ được điều khiển bởi phần mềm cài đặt trên máy tính. Kỹ sư Thanh cài đặt, thay đổi các thông số vận hành phù hợp cho từng loại dầu thô, nhiệt độ sôi của các dòng sản phẩm dầu chưng cất để thu được các phân đoạn dầu có nhiệt độ sôi tương ứng với phân xưởng CDU và phân xưởng RFCC, có tính chất hóa lý thích hợp cho các quá trình chế biến tiếp theo trong nhà máy.

Dầu thô sau khi gia nhiệt thích hợp trên thiết bị TBP, Potstill được điều khiển bởi các thông số vận hành thích hợp trên phần mền máy tính, để tách ra các phân đoạn dầu sau khi chưng cất bao gồm như: LPG (C3, C4), Full Range Naphtha (C5÷ 1650C, gồm Naphtha nhẹ, Naphtha nặng), Kerosene (165:2050C), Light Gas oil (LGO) (205:3400C), Heavy Gas oil (HGO) (340:÷ 3700C), Residue (> 3700C), Light Vacuum Gas oil (370: 4500C), Heavy Vacuum Gas oil (450:5650C), Residue Vacuum (> 5650C).

Hai thiết bị được nhập về từ cuối 2013, giá trị hai thiết bị này khoảng hơn 1 triệu USD. Nhờ có chuyên gia Đức đào tạo 6 kỹ sư về quá trình vận hành, phân tích mẫu, kiểm tra, hiệu chuẩn, bảo dưỡng và xử lý sự cố về thiết bị trong vòng 3 tuần. Bây giờ, anh Thanh và 2 kỹ sư nữa là những người thường trực vận hành chính thiết bị này. Không chỉ làm chủ về công nghệ thiết bị các anh còn tham gia đào tạo nhân lực cho Nghi Sơn.

Tới đây, hai thiết bị này cũng đã tham gia vào quá trình nghiên cứu sản phẩm Jet A1K và DO L62 cho Bộ Quốc phòng tại phòng thí nghiệm trước khi sản xuất thử nghiệm tại các phân xưởng công nghệ trong nhà máy, đây là sản phẩm đặc chủng có yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt nhằm đáp ứng nhu cầu cho các thiết bị, động cơ, trang bị khí tài quân sự đặc biệt sử dụng trong lĩnh vực, quân sự, quốc phòng. Ngoài ra, thiết bị này còn phân tích thử nghiệm tính chất dầu thải nhằm tiết kiệm cho nhà máy nhiều triệu USD và thực tế, từ cuối năm 2016 các phân xưởng công nghệ đã chưng cất lại dầu thải, nhằm tiết kiệm nguồn nguyên liệu này, đồng thời bảo vệ môi trường.

Tính chuyên nghiệp, đẳng cấp của Phòng Lab có lẽ không chỉ dừng lại ở trang thiết bị mà còn bởi chính con người. Ở đây có chị Lê Thị Phương Trang, vừa được Lọc dầu Nghi Sơn "chuyển nhượng" về làm việc từ tháng 6-2015 đến tháng 6-2016.

Lê Thị Phương Trang kể: "Để chuẩn bị cho công tác chạy thử và vận hành thương mại Lọc dầu Nghi Sơn vào đầu năm 2017, khoảng giữa năm 2014 đến đầu 2015, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) nhiều lần cử cán bộ vào làm việc với BSR nhằm trao đổi, học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm vận hành nhà máy. Phía phòng thí nghiệm, tôi được Ban Quản lý chất lượng phân công tham gia các buổi làm việc này để hỗ trợ NSRP. Sau các đợt làm việc trực tiếp, đặc biệt phía ông Trưởng phòng Lab NSRP, ông Fukuda ghi nhận và đánh giá rất cao. Giữa tháng 5-2015, NSRP gửi công văn đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cử cán bộ biệt phái hiện đang công tác tại các đơn vị trong ngành, trong đó có BSR. Với mong muốn cọ sát, học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tôi đã nộp hồ sơ".

Quá ấn tượng bởi những lần làm việc trước đó, phía NSRP đã "chấm" chị và chị có hành trình 1 năm làm việc tại Thanh Hóa. Nhiệm vụ chính của Lê Thị Phương Trang tại NSRP là Phân tích tài liệu EPC phần liên quan đến phòng Thí nghiệm; Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng các sản phẩm của nhà máy, đặc biệt là nhiên liệu phản lực Jet A1; Xây dựng hệ thống quy trình/hướng dẫn công việc theo ISO/IEC 17025; Biên soạn tài liệu hướng dẫn phân tích và vận hành thiết bị cho các chỉ tiêu phân tích dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ; Hỗ trợ các công tác liên quan đến tính pháp lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu và đào tạo nhân viên. Những công việc ấy chỉ gói gọn trong vài dòng chữ, nhưng quả thực cần ở người kỹ sư một chuyên môn rất cao, ngoại ngữ giỏi và khả năng làm việc chuyên nghiệp.

Phó trưởng ban Quản lý chất lượng Trần Thị Lụa cho hay: Ban đã hoàn thành đào tạo và luân chuyển 7 vị trí trưởng nhóm. Đã hoàn thành việc đào tạo cho 5 trưởng ca thực hiện công việc phân tích của nhóm khí & sắc ký khí. Đến ngày 22-12-2014, các trưởng ca đã có thể vừa quản lý, điều hành công việc trong ca, vừa thực hiện công việc phân tích của nhóm khí & sắc ký khí. Đã hoàn thành việc đào tạo luân chuyển các nhóm phân tích cho 16 nhân sự kỹ thuật viên đi ca. Hiện nay, các kỹ thuật viên này đều đã có thể thực hiện phân tích các chỉ tiêu của 3 nhóm dầu thô & sản phẩm, khí & sắc ký khí, nước & nguyên tố.

Ngoài ra, Ban Quản lý chất lượng cũng tham gia đào tạo nhân sự 2 đợt cho Nghi Sơn; bao gồm đợt 1 có 34 kỹ sư và đợt 2 hơn 30 kỹ thuật viên.

Thí nghiệm ra… tiền

Trong quá trình làm việc, các kỹ sư phòng Lab đã tìm ra sáng kiến sử dụng thiết bị quang phổ hấp thụ nguyên tử-Graphit để phân tích natri (Na) hàm lượng thấp (ppb) trong mẫu nước lò hơi của phân xưởng RFCC và phân xưởng phụ trợ. Sáng kiến này giúp BSR tiết kiệm chi phí gửi mẫu đến phòng thí nghiệm quốc tế với số tiền gần 45.000USD mỗi năm.

chuyen ve phong thi nghiem dau khi tam co khu vuc
Kỹ sư Nguyễn Thanh vận hành thiết bị TBP

Theo ông Phạm Công Nguyên, Phó trưởng ban Quản lý chất lượng, thiết kế ban đầu của nhà máy, phòng thí nghiệm của BSR không thực hiện việc đo Natri hàm lượng thấp (ppb) trong các mẫu nước lò hơi của phân xưởng RFCC và phân xưởng phụ trợ. Hằng năm nhà máy cần phải gửi các mẫu này đến các phòng thí nghiệm trên thế giới để đo Natri hàm lượng thấp dùng để kiểm soát chất lượng nước lò hơi. Tuy nhiên, quá trình gửi đi, chờ đợi kết quả gây bất tiện trong quản lý sản xuất và làm chi phí sản xuất tăng cao.

“Sau khi rà soát các thiết bị hiện có của phòng thí nghiệm, chúng tôi nhận thấy thiết bị quang phổ hấp thụ nguyên tử - Graphit của Ban Quản lý chất lượng có khả năng và đặc tính kỹ thuật cao có thể dùng để phân tích được Na hàm lượng thấp. Đây cũng chính là lý do chúng tôi tiến hành nghiên cứu và phát triển phương pháp mới trên thiết bị quang phổ hấp thụ nguyên tử - Graphit để đáp ứng yêu cầu cấp bách này của nhà máy”, ông Phạm Công Nguyên cho biết.

Kỹ sư Võ Tấn Phương, đồng tác giả sáng kiến phân tích thêm: Trong thiết bị lò hơi, bộ phận các ống quá nhiệt đặc biệt quan trọng, nếu trên bề mặt các ống quá nhiệt bị đóng cặn sẽ gây nên các mối nguy tiềm ẩn đến thiết bị lò hơi nói riêng và nhà máy nói chung. Vì vậy, việc đánh giá, kiểm soát thường xuyên chất lượng nước lò hơi, trong đó Na là một nguyên tố đặc trưng ảnh hưởng đến quá trình tạo cặn trong ống quá nhiệt, là một công việc quan trọng trong quá trình vận hành lò hơi. Chính vì điều đó, hằng năm nhà máy cần gửi một lượng mẫu nước lò hơi của các phân xưởng đến các phòng thí nghiệm trên thế giới để đo Na hàm lượng thấp (ppb) trong điều kiện phòng thí nghiệm BSR chưa phát triển được phương pháp này. Điều này gây bất tiện trong quản lý sản xuất vì thời gian chờ kết quả lâu và góp phần làm gia tăng chi phí sản xuất.

Với mục đích kiểm soát chất lượng nguồn nước cung cấp cho các lò hơi của nhà máy, nâng cao năng lực chuyên môn cho các nhân sự BSR và đảm bảo nhà máy vận hành an toàn và ổn định, nhóm tác giả đã tham khảo ý kiến của nhà sản xuất thiết bị, tham khảo các phương pháp đo Na hàm lượng thấp hiện có trên thế giới. Đồng thời, tiến hành thực hiện nghiên cứu xây dựng chất chuẩn, cài đặt, hiệu chuẩn và kiểm tra phương pháp trên thiết bị quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS). Đo khảo sát các mẫu nước lò hơi để so sánh, đánh giá kết quả với các phòng thí nghiệm khác.

Theo kỹ sư Bùi Hoàng Nguyên - cha đẻ của sáng kiến - việc phân tích nguyên tố Na hàm lượng thấp rất phức tạp và làm đau đầu nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới vì Na là một nguyên tố rất phổ biến có mặt ở mọi nơi. Ngoài ra, còn có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng trong quá trình phân tích như chất chuẩn, chất nền, nhiệt độ, dụng cụ pha chế... Sau khi tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà cung cấp bản quyền, chúng tôi đã xây dựng thành công phương pháp phân tích Na và thống nhất áp dụng giải pháp vào sản suất của công ty..

Theo nhóm tác giả, sáng kiến rút ngắn thời gian trả kết quả do gửi mẫu đi phân tích bên ngoài. Đặc biệt theo như kế hoạch lấy mẫu phân tích hiện tại đang được áp dụng tại Lab là 12 mẫu/tuần, chi phí cho 1 mẫu khoảng 70USD. Như vậy ước tính 1 năm phải tiêu tốn cho việc này khoảng 44.520USD. Sáng kiến mới khi áp dụng sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào cho việc mời chuyên gia, gửi mẫu ra ngoài.

Các kỹ sư Phạm Công Nguyên, Bùi Hoàng Nguyên và Đặng Kim Hùng cũng đã nghiên cứu giải pháp phân tích hàm lượng các kim loại trong xúc tác phân xưởng RFCC (Unit 15) của NMLD Dung Quất nhằm tiết kiệm chi phí gửi mẫu bên ngoài.

Được biết, chất lượng dầu thô đầu vào của nhà máy có hàm lượng các kim loại (Fe, Ni, V, Ca, Na…) khá cao, điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt tính của xúc tác tác động nhiều đến quá trình cracking của phân xưởng RFCC cũng như chất lượng sản phẩm. Chính vì điều đó, nhà máy cần đánh giá thường xuyên chất lượng xúc tác. Những năm trước NMLD Dung Quất gửi mẫu xúc tác của phân xưởng RFCC (xúc tác mới và xúc tác qua sử dụng) đến các phòng thí nghiệm trong nước và trên thế giới để đo hàm lượng các kim loại, kích thước hạt và các chỉ tiêu khác dùng để kiểm soát quá trình công nghệ và bổ sung xúc tác mới. Thật tốn kém và mất nhiều thời gian.

Nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu xây dựng chất chuẩn, cài đặt, hiệu chuẩn và kiểm tra phương pháp trên thiết bị X-Ray. Tiến hành đo mẫu xúc tác thực để so sánh, đánh giá kết quả với các phòng thí nghiệm khác. Sau đó tổ chức họp đánh giá kết quả với các phòng liên quan và đi đến thống nhất sử dụng giải pháp này.

Kỹ sư Bùi Hoàng Nguyên nhìn nhận: “Chúng tôi đã rút ngắn thời gian trả kết quả phân tích từ 40 giờ gửi mẫu đi phân tích bên ngoài xuống còn 4 giờ đo tại BSR và đặc biệt hằng năm tiết kiệm cho BSR khoảng 870 triệu đồng chi phí gửi và phân tích mẫu, không tốn bất cứ chi phí nào cho việc mời chuyên gia, gửi mẫu ra ngoài và hóa chất tiêu hao”.

Phòng thí nghiệm BSR đã và đang đạt tới sự chuyên nghiệp và đẳng cấp tầm khu vực. Những cống hiến của phòng Lab là minh chứng người thợ Dung Quất đã làm chủ khoa học công nghệ lọc dầu, từng bước cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy lọc dầu trong nước và là tiền đề để BSR có thể “xuất khẩu chất xám”.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status