Cơ khí Dầu khí sẽ vươn ra thế giới

06:53 | 06/05/2011

446 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
"Ngành cơ khí dầu khí đã vươn lên đáp ứng yêu cầu chế tạo lắp đặt các giàn khoan trên khắp thềm lục địa Việt Nam để mai này vươn ra thế giới".

Tổ hợp công nghệ khai thác dầu khí mơ Tê giác trắng do PTSC chế tạo.

Cách đây 30 năm, khi liên doanh khai thác dầu khí Việt – Nga ra đời, Xí nghiệp Vietsovpetro đã phải di chuyển chân đế giàn khoan từ Ba-cu (Azebaigian) sang lắp đặt ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, chế tạo giàn khoan của nước ngoài, đến nay ngành dầu khí đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật chuyên ngành chế tạo chân đế – giàn khoan có trình độ chuyên môn cao, không chỉ là những giàn khai thác ở gần bờ, mà còn vươn lên chế tạo chân đế giàn khoan xa bờ, với độ sâu trên 110 m nước. Khẳng định chủ trương đúng đắn: Phát huy nội lực, thực hiện các dự án có quy mô lớn về khối lượng, phức tạp về kỹ thuật đúng với mục tiêu: ‘Vươn xa tìm dầu, biển sâu tìm dầu’.

Từ chân đế giàn khoan…

Dọc theo cảng hạ lưu Vũng Tàu, trên chiều dài bến bãi gần ba km là các mô-dun, dàn ống thép khổng lồ đang được những người thợ cơ khí của Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và Công ty cổ phần dịch vụ Cơ khí Hàng hải (thuộc Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí PTSC) khẩn trương hoàn thiện. Kỹ sư Lâm Quang Chiến, Tổng chỉ huy việc thi công chân đế giàn Ðại Hùng 02 cho biết: ‘Giàn khai thác Ðại Hùng 02 là dự án giàn khai thác vùng nước sâu (110 m) đầu tiên được triển khai tại Việt Nam với 100% vốn của PVN, bao gồm khối lượng tầng 1.064 tấn, chân đế 4.832 tấn và 2.000 tấn cọc, xây lắp tại Việt Nam do chính Tổng thầu Vietsovpetro và các nhà thầu phụ trong nước thực hiện’.

Chúng tôi thực sự choáng ngợp trước những kết cấu thép vừa to, vừa lớn, nằm dài trên sà-lan chờ ngày ra lắp đặt ở mỏ Ðại Hùng. Làm việc với Tổng Giám đốc Vietsovpetro, Anh hùng lao động Nguyễn Hữu Tuyến, chúng tôi được biết: Trong 30 năm qua, Xí nghiệp liên doanh (XNLD) Vietsovpetro đã chế tạo và xây dựng hơn 30 giàn khoan các loại để khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên XNLD chế tạo, xây dựng giàn khoan ở vùng nước sâu xa bờ hơn 110m với chân đế có chiều cao 128 m, trọng lượng 4.832 tấn, 2.000 tấn cọc và khối thượng tầng 1.064 tấn, với giá trị hợp đồng hơn 66 triệu USD. So với các giàn ở mỏ Bạch Hổ, với chân đế có chiều cao 68 m, trọng lượng 800 tấn và khoảng 800 tấn cọc, thì mới thấy được quy mô đặc biệt về kích thước và khối lượng của giàn Ðại Hùng 02.

Khối lượng và kích thước lớn của công trình chân đế Ðại Hùng 02 đã yêu cầu thay đổi hoàn toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị để chế tạo, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt chân đế ngoài biển. XNLD đã sử dụng đồng thời đến 7 cần cẩu để nâng các pa-nen, trong quá trình chế tạo chân đế trên bãi xây dựng, đã cải tạo đường trượt chịu được tải trọng đến 14.000t/m để hạ thủy chân đế.

Công trình giàn Ðại Hùng 02 rất lớn và phức tạp, nhưng thời gian triển khai lại ngắn, yêu cầu rất khẩn trương, đòi hỏi tổng thầu phải tính toán các khâu: mua sắm, đặt hàng vật tư thiết bị phải hết sức nhịp nhàng. Ngày 12-11-2009, XNLD bắt đầu chế tạo các kết cấu đầu tiên và đến nay, sau 17 tháng thi công, với 1.350.000 giờ làm việc an toàn, công tác chế tạo trên bờ đã hoàn tất, chân đế giàn Ðại Hùng 02 đã được hạ thủy an toàn.

Trong quá trình triển khai công trình, XNLD gặp rất nhiều khó khăn, phải tiến hành đồng thời các công việc thiết kế, mua sắm vật tư và thi công; phải sử dụng các vật tư, thiết bị cùng chủng loại hiện có của XNLD để thi công thay cho vật tư, thiết bị về chậm và đặc biệt phải huy động một lực lượng lao động rất lớn, có lúc đến 600 người từ XNLD và các nhà thầu phụ PVC-MS, PVC-IC, LILAMA 18-3, Anpha ECC Getraco và các nhà thầu khác… để tham gia các hạng mục của công trình.

Công trình giàn công nghệ khai thác Ðại Hùng 02 được PVEP POC lựa chọn, đề nghị đăng ký và đã được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ra Quyết định là một trong các công trình trọng điểm trong năm 2011 được gắn biển chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành dầu khí Việt Nam.

Thành công của XNLD Vietsovpetro trong việc chế tạo chân đế cho vùng nước sâu, lần đầu triển khai tại Việt Nam, một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Ðảng ủy và Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong việc phát huy nội lực dịch vụ trong ngành dầu khí. Ðồng thời qua đây cũng cho thấy sự vươn lên mãnh liệt và sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ và kỹ thuật của XNLD Vietsovpetro trong việc tổ chức và thực hiện các dự án có quy mô lớn về khối lượng, phức tạp về kỹ thuật, đúng với mục tiêu ‘Vươn xa tìm dầu, biển sâu tìm dầu’ mà XNLD Vietsovpetro đang hằng nung nấu và theo đuổi.

Trong ngày vui gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm ngành dầu khí, đồng chí Ðinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: ‘Cách đây hơn hai năm, tôi có hỏi anh Nguyễn Hữu Tuyến, Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro liệu chúng ta có làm được giàn khai thác dầu khí không? Anh Tuyến khảng khái trả lời hoàn toàn làm được’, và bây giờ ước mơ ấy đã thành hiện thực.

Ðến thượng tầng giàn khai thác

‘Mới đấy mà đã hơn một năm’, kỹ sư Nguyễn Hùng Dũng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí nói: ‘Hôm ấy là ngày gắn biển Công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ ngành dầu khí cũng là lễ khởi công tổ hợp công nghệ khai thác dầu khí cho mỏ Tê Giác Trắng. Ngày ấy cảng hạ lưu Vũng Tàu chỉ là một bãi đất trống, thế mà giờ đây đã ngạo nghễ giàn khai thác cho mỏ Tê Giác Trắng. Tổ hợp công nghệ khai thác trông như một tòa nhà 5, 6 tầng được chế tạo bằng những khối thép lớn với đầy đủ thiết bị kỹ thuật như giàn nén khí, điều hòa trung tâm, sân đỗ máy bay lên thẳng, cần cẩu, thiết bị khoan, v.v…’.

Ðây là công trình do tập thể CBCNV Công ty Cổ phần Dịch vụ Cơ khí Hàng Hải thực hiện với một khối lượng công việc rất lớn bao gồm: Mua sắm, chế tạo, tiền chạy thử, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt, tổng khối lượng khoảng 7.000 tấn; giá trị lên đến 150 triệu USD. Ðến nay dự án đã hoàn thành phần chế tạo trên bờ và chuẩn bị cho việc vận chuyển và lắp đặt ngoài khơi, hoàn toàn đáp ứng được chất lượng, tiến độ theo tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu của chủ đầu tư. Ðể đến quý III – 2011 sẽ đón dòng dầu đầu tiên với công suất khai thác 40.000 thùng/ngày.

Mặc dù phải thi công liên tục 2, 3 ca, dự án đã đạt hơn hai triệu giờ lao động an toàn không xảy ra bất kỳ sự cố nào, điều rất đáng tự hào đối với một dự án có quy mô lớn và tính chất phức tạp như dự án Tê Giác Trắng. Trong suốt quá trình thi công, dự án đã được giám sát nghiêm ngặt, tuân thủ theo các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của khách hàng cũng như tiêu chuẩn của thế giới, kỹ sư Phan Thanh Tùng, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Hàng Hải nói với chúng tôi: ‘Trong quá trình triển khai dự án chế tạo giàn khai thác mỏ Tê Giác Trắng, mặc dù PTSC còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, trang thiết bị, con người. Tuy nhiên với sự định hướng đúng đắn, sự quan tâm theo dõi hỗ trợ chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, sự hợp tác hiệu quả của phía chủ đầu tư – Công ty Hoàng Long JOC cùng sự quyết tâm, đoàn kết của tập thể cán bộ và người lao động, phát huy hết tiềm năng trí tuệ, sáng tạo chủ động trong công việc, vừa làm vừa học hỏi, đúc rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích, thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nên thời gian hoàn thành dự án đã được rút ngắn, bảo đảm chất lượng tiến độ và hiệu quả kinh tế đặt ra’.

Trong suốt quá trình thi công dự án, tập thể người lao động của PTSC đã có nhiều sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, khắc phục các khó khăn để hoàn thành dự án bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả điển hình trong các quá trình thực hiện dự án như: hệ thống cẩu kéo, hạ thủy,… và hàng loạt các sáng kiến cải tiến của người lao động nhằm tăng năng suất lao động. Ngoài ý nghĩa tiết kiệm nguồn ngoại tệ cho đất nước, Tổng Giám đốc PTSC Nguyễn Hùng Dũng còn tự hào: ‘Ðiều này chứng tỏ sự thành công trong việc xây dựng và phát triển nguồn lực chất lượng cao cũng như khả năng tiếp cận và làm chủ các công nghệ cao trong chế tạo giàn khai thác của PTSC nói chung và PTSC MC nói riêng’.

Liên doanh Vietsovpetro có bề dày 30 năm, còn PTSC – ME mới chỉ có 8 năm xây dựng nhưng đội ngũ những người làm cơ khí Hàng Hải đã thực hiện thành công 30 dự án cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Trong ngày vui mừng đất nước thống nhất và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 PVN đã gắn biển hai công trình chào mừng 50 năm Ngày Truyền thống ngành dầu khí cho chân đế giàn Ðại Hùng và thượng tầng giàn Tê Giác Trắng, cán bộ, công nhân viên trong ngành phấn khởi tự hào trước những bước tiến vượt bậc về khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật, quản lý dự án, đồng chí Ðinh La Thăng đánh giá: ‘Ðây là những dự án đánh dấu bước tiến mới của ngành công nghiệp chế tạo cơ khí còn non trẻ khi chúng ta có được một đội ngũ công nhân kỹ thuật hoàn toàn làm chủ khả năng xây dựng các công trình kỹ thuật khai thác dầu khí không chỉ ở vùng nước nông mà còn ở vùng nước sâu – xa bờ’. Ðiều đó thêm một lần khẳng định: ‘ngành cơ khí dầu khí đã vươn lên đáp ứng yêu cầu chế tạo lắp đặt các giàn khoan trên khắp thềm lục địa Việt Nam để mai này vươn ra thế giới’.

Theo Nhân Dân

DMCA.com Protection Status