Cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc PVN: Ai được lợi?

08:00 | 27/07/2014

792 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng việc cổ phần hóa tại Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas là “sai lầm” và dẫn giải rằng PV Gas sẽ được hưởng lợi từ Nhà nước khi độc quyền kinh doanh khí nên mua khí đầu vào giá rẻ, bán ra giá cao và thu được lợi nhuận lớn chủ yếu từ chênh lệch này. Do đó, việc cổ phần hóa PV Gas sẽ đem lợi nhuận này chia cho cổ đông bên ngoài gây thiệt hại cho Nhà nước. Và khi cổ phần hóa PV Gas thì Nhà nước không điều tiết được lợi nhuận ở đơn vị này. Từ đó, đặt ra vấn đề có nên tiếp tục thực hiện cổ phần hóa PV Gas hay không?

Năng lượng Mới số 342

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những lập luận trên là hoàn toàn sai, thể hiện cái nhìn thiển cận về ngành Dầu khí nói chung cũng như PV Gas nói riêng. Bởi đây không phải là lần đầu tiên có nhận định rằng, những doanh nghiệp ngành Dầu khí chỉ “múc dầu, khai thác tài nguyên” lên bán, thu lợi nhuận cao. Thực tế, để có được lợi nhuận các doanh nghiệp phải trải qua một quá trình đầu tư đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong quản lý, điều hành và lao động sản xuất.

Trở lại câu chuyện PV Gas, chúng ta được biết 95% lượng khí của PV Gas là bán cho điện và đạm, trong đó Chính phủ đã quy định giá khí bán cho các đối tượng khách hàng này theo nguyên tắc chuyển chi phí (pass through) tức mua với giá bao nhiêu thì bán ra với giá bấy nhiêu chỉ được cộng thêm phí vận hành, nên PV Gas cũng chỉ được hưởng cước phí vận chuyển, phân phối mà thôi. 5% lượng khí còn lại là dành cho thấp áp, phát triển cho các hộ công nghiệp, đối tượng khách hàng rất tiềm năng trong tương lai về triển khai các dự án nhập khẩu khí của PV Gas. Giá khí cho các khách hàng này cũng được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt theo nguyên tắc cạnh tranh và theo lộ trình tiệm cận với giá khí thế giới. Không chỉ ở hoạt động mua bán khí, lợi nhuận PV Gas thu được còn từ việc chế biến các sản phẩm khí và nhiều hoạt động dịch vụ khác. Do đó, nói lợi nhuận PV Gas chỉ nhờ vào bán chênh lệch giá khí là hoàn toàn không đúng.

Cổ phần hoá doanh nghiệp thuộc PVN: Ai được lợi?

Tổng giám đốc PV Gas Đỗ Khang Ninh đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu GAS

Ngoài ra, việc cho rằng lợi nhuận của PV Gas đem chia hết cho các cổ đông bên ngoài cũng hoàn toàn sai, bởi với giá cổ phiếu PV Gas hiện nay thì việc chia cổ tức 30-40%/năm thì thực chất cổ đông chỉ được nhận 2-4% lãi suất hằng năm trên vốn bỏ ra. Thấp hơn nhiều so với việc đem số tiền đó ra gửi ngân hàng. Do đó, khách quan mà nói thì PV Gas đang được hưởng lợi nhiều hơn từ nguồn vốn các cổ đông đầu tư vào tổng công ty. Còn về khả năng điều tiết lợi nhuận của Nhà nước ở PV Gas thì khẳng định rằng việc này phụ thuộc nhiều vào Chính phủ bởi hiện nay tăng hay giảm giá khí đầu vào, đầu ra là do Nhà nước quyết định. Bên cạnh đó, hiện tại các công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Do đó, lợi nhuận trước khi chia cho các cổ đông thì công ty phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, không thể nói rằng Nhà nước không điều tiết được lợi nhuận của đơn vị.

Nói về quá trình cổ phần hóa của PV Gas, Tổng giám đốc PV Gas Ðỗ Khang Ninh giải thích: Hiện nay, tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ tại PV Gas là 97%. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa PV Gas thì tỷ lệ phần vốn Nhà nước tại PV Gas có thể giảm xuống 75%. Từ khi PV Gas lên sàn giao dịch chứng khoán năm 2011 đến nay thì giá trị doanh nghiệp đã tăng khoảng 20 lần so với so với giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa. Vốn hóa của PV Gas trên thị trường hiện nay khoảng 10 tỉ USD. Bên cạnh đó, thương hiệu của PV Gas ngày càng lớn mạnh trong và ngoài nước, tiếp tục là một trong số các đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như trên sàn giao dịch chứng khoán về lợi nhuận; đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, góp phần cùng PVN ổn định kinh tế vĩ mô.

Tạp chí Forbes cũng vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2013, trong đó đã xếp PV Gas là một trong hai doanh nghiệp Việt Nam lọt vào các công ty đại chúng hàng đầu thế giới, dựa trên tiêu chí đánh giá về doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường. Ðiều này cho thấy việc cổ phần hóa PV Gas rất thành công và đầy hứa hẹn. Và được hưởng lợi từ việc cổ phần hóa chính là Nhà nước!

Không riêng gì PV Gas, việc cổ phần hóa ở hầu hết các đơn vị thành viên trong PVN đều đạt thành công lớn. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn, vốn và lợi nhuận tăng cao, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Ðổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ đánh giá: PVN là một trong những tập đoàn thực hiện cổ phần hóa rất thành công, bởi việc triển khai cổ phần hóa đúng giai đoạn mà thị trường đang phát triển, đem lại hiệu quả thiết thực. Giá cổ phiếu dầu khí hầu hết đều tăng cao.

Cũng theo ông Dũng, những ý kiến cho rằng, cổ phần hóa làm thiệt hại cho Nhà nước là không đúng. Ngược lại, cổ phần hóa làm lợi cho đất nước rất nhiều. Bởi mục tiêu chính của cổ phần hóa là đổi mới quản trị doanh nghiệp, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, theo kịp với sự phát triển của khu vực và thế giới. Khi doanh nghiệp mạnh lên thì kinh tế đất nước mới phát triển tốt được.

Không riêng gì PVN, thành công của cổ phần hóa đã được khẳng định trên thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung. Số liệu khảo sát của Văn phòng Chính phủ với 2.400 doanh nghiệp được cổ phần hóa thì so với trước khi cổ phần hóa trung bình vốn điều lệ doanh nghiệp tăng 68%, doanh thu tăng 34%, lợi nhuận tăng 100%, nộp ngân sách tăng 47%, thu nhập của người lao động tăng 17%... Trong đó, có nhiều doanh nghiệp vốn điều lệ, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng hàng trăm lần so với trước khi cổ phần hóa.

Ðiều đó đã khẳng định việc cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn. Xác định cổ phần hóa là giải pháp trọng tâm trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nên Chính phủ và các bộ ngành địa phương đang quyết liệt triển khai thực hiện công tác này và khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Trên tinh thần sẽ cổ phần hóa triệt để, chủ trương của Chính phủ là chỉ giữ 100% vốn ở một số lĩnh vực trọng yếu như: an ninh quốc phòng, công ích thiết yếu, độc quyền tự nhiên.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước ta để tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần… nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Sau hơn 20 năm tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa thì hệ thống doanh nghiệp Nhà nước trở nên gọn nhẹ hơn, quy mô lớn hơn, năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, trọng yếu của nền kinh tế. Ðến thời điểm này không phải bàn cãi về việc có nên hay không nên cổ phần hóa nữa. Những ý kiến cho rằng cổ phần hóa không đúng là đang đi ngược lại với xu thế chung, với chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước và thực tiễn đã chứng minh.

Phương Mai

 

DMCA.com Protection Status