Cổ phiếu DPM, DCM hấp dẫn nhà đầu tư

07:20 | 21/02/2017

1,211 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau một thời gian dài tích lũy đi ngang và có xu hướng giảm giá vào cuối năm 2016, cổ phiếu ngành phân bón đang có dấu hiệu phục hồi và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi những tín hiệu lạc quan đến từ đầu năm 2017.  

Kỳ vọng vào chính sách mới

Năm 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành phân bón gặp không ít khó khăn khi giá urê thế giới và trong nước xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá FOB urê hạt đục Trung Đông thực tế năm 2016 là 207USD/tấn, thấp hơn 27% so với năm 2015 (285USD/tấn) kéo theo giá bán urê ở thị trường trong nước cũng giảm mạnh. Đồng thời, tác động tiêu cực từ El Nino khiến hạn hán, xâm nhập mặn trên quy mô lớn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, làm nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm mạnh so với mọi năm.

Bên cạnh đó, việc không áp dụng thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón, thay vì mức 5% của năm 2014 khiến các DN không được khấu trừ thuế đầu vào, làm tăng chi phí ảnh hưởng đến lợi nhuận.

co phieu dpm dcm hap dan nha dau tu
Người lao động làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Các DN còn đối mặt với tình trạng phân bón giả và kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ và sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập từ Trung Quốc, ASEAN, gây khó khăn cho tiêu thụ nội địa.

Tình hình này đã tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động của các DN trong năm vừa qua, khiến kết quả kinh doanh của DN bị giảm sút so với năm 2015, cũng như tình hình giá cổ phiếu trong ngành trầm lắng.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2017, cổ phiếu ngành phân bón đã được sự hỗ trợ từ nhiều thông tin tích cực; Đại diện nhóm cổ phiếu phân bón như: DPM, BFC, DCM cũng đã có diễn biến tốt hơn mặt bằng chung và liên tục tăng mạnh.

Sự khởi sắc này một phần do tâm lý kỳ vọng vào các chính sách mới sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho ngành phân bón. Nhất là từ khi Bộ Công Thương có đề xuất lên Chính phủ về việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%, thay vì miễn thuế như hiện nay. Nếu đề xuất này được chấp thuận sẽ giúp giảm đáng kể chi phí và giá thành, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các DN sản xuất phân bón trong nước.

Cùng với đó là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc bãi bỏ chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động và không quy định cửa nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón urê, phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa ba nguyên tố cấu thành là nitơ, phốt pho và kali. Điều này sẽ giúp hạn chế sự dư thừa nguồn cung phân bón và giảm áp lực cạnh tranh với phân bón giá rẻ Trung Quốc trong thời gian tới.

Đặc biệt, tình trạng khan hiếm nguồn hàng khiến giá phân bón thế giới tăng mạnh vào đầu năm 2017, kéo theo thị trường DAP, urê nội địa cũng liên tục được điều chỉnh tăng. Sự khan hiếm nguồn hàng xuất phát từ việc các nhà máy Trung Quốc duy trì việc cắt giảm sản lượng, chỉ hoạt động với trung bình 50% công suất, không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, khiến cho lượng hàng xuất khẩu cũng bị giới hạn và tăng giá, mặc dù Chính phủ Trung Quốc vừa cắt giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng này.

Lợi thế từ thương hiệu

Ngoài các yếu tố bên ngoài thì các yếu tố nội tại đã góp phần không nhỏ hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu của các DN phân bón thời gian qua. Trong đó, hầu hết DN phân bón đang niêm yết đều là những thương hiệu lớn, có thị phần rộng, hoạt động kinh doanh ổn định, tỷ suất lợi nhuận cao, chi trả cổ tức hấp dẫn và ổn định. Tuy gặp khó khăn trong tăng trưởng thời gian qua nhưng các DN này vẫn duy trì khả năng thanh toán tốt với mức an toàn cao.

Đơn cử, một số lợi thế của mã chứng khoán DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) như: nhà máy urê hiện tại được xây dựng từ năm 2003 và dự kiến sẽ hết khấu hao trong năm 2017, qua đó làm giảm chi phí, bù đắp cho sự sụt giảm của doanh thu. Với hệ thống phân phối mạnh, thương hiệu DPM được bà con nông dân chấp nhận giúp DN duy trì thị phần trên 40%. DPM có điểm mạnh về cơ cấu tài chính lành mạnh, vay nợ thấp, tiền mặt dồi dào, chi trả cổ tức đều đặn.

Mức P/E thị trường hiện nay của DPM là 8x, tương đối thấp so với P/E của thị trường Việt Nam và nhiều công ty cùng ngành tại Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, vốn là các nước có sản lượng sản xuất urê hàng đầu châu Á. DPM cũng là DN được đánh giá có hoạt động Quan hệ với nhà đầu tư (Investor Relations - IR) rất tốt. Trong năm 2016, công ty được vinh danh Top 5 DN niêm yết có hoạt động IR tốt nhất, giúp định giá đúng giá trị DN, nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu trên thị trường và đảm bảo lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2018, Dự án NH3-NPK được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cho DN.

Một thương hiệu lớn khác trên thị trường phân bón là Đạm Cà Mau của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), mã cổ phiếu DCM cũng đã và đang có nhiều hoạt động nổi bật để nâng cao năng lực cạnh tranh. Như việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kiện toàn, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt, nâng cao chất lượng dịch vụ để hướng đến sự thỏa mãn khách hàng, xây dựng định vị “người nuôi dưỡng” trong tâm trí khách hàng bằng việc chú trọng chăm sóc đến người tiêu dùng cuối cùng là bà con nông dân.

Đặc biệt, việc nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển những dòng sản phẩm có hiệu quả cao, nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mới thân thiện với môi trường trên nền tảng cốt lõi là urê hạt đục được xem là một trong những dịnh hướng chiến lược lâu dài của DCM, nhằm đáp ứng trọn bộ sản phẩm dinh dưỡng cho cây trồng, nâng cao giá trị gia tăng, giúp công ty tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài sản phẩm urê hạt đục, năm 2015 DCM đã cho ra đời sản phẩm mới N.Humate+Te và đang tiếp tục sản xuất thương mại sản phẩm này để giữ chân khách hàng. Trong tháng 12-2016, công ty tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới N46 Plus tiết kiệm phân bón và tăng năng suất cho cây trồng.

DCM đang nghiên cứu, triển khai dự án sản xuất phân bón phức hợp NPK cao cấp, một dự án được đánh giá có nhiều tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Với dự án này DCM kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong thời gian tới cũng như cơ hội cho xuất khẩu.

Có thể thấy, với sự hỗ trợ từ chính sách, dự báo khởi sắc của thị trường phân bón thời gian tới và những nỗ lực vượt bậc của DN để nâng cao năng lực nội tại, cổ phiếu ngành phân bón đang được xếp vào nhóm cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư trong năm 2017 và dài hạn.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status