Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa:

Con người là giá trị cốt lõi của sự thành công

08:00 | 09/11/2014

2,714 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau 33 năm phát triển, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tiếp tục giữ vững vị thế “anh cả” trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Góp phần tạo nên sự ổn định và thành công như ngày hôm nay, theo Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa chính là sự linh hoạt trong chính sách tuyển dụng, sử dụng và giữ chân người giỏi của Vietsovpetro trong quá trình phát triển. Đây cũng là một trong những chiến lược cực kỳ quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Năng lượng Mới số 372

PV: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro được cho là một trong những đơn vị tuyển dụng và giữ được nhiều người giỏi ở lại làm việc. Ông có thể chia sẻ về cơ chế, chính sách riêng của đơn vị trong lĩnh vực này?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Như các bạn biết, Vietsovpetro là liên doanh khai thác dầu khí đầu tiên của Việt Nam, được thành lập năm 1981 trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Liên Xô cũ). Trong suốt hơn 33 năm phát triển, Vietsovpetro đã và đang là cánh chim đầu đàn, là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Để có được vị trí như ngày hôm nay thì chính sánh tuyển dụng, dùng và giữ chân người giỏi đóng một vai trò rất quan trọng.

Ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro

Trước hết nói về vấn đề tuyển dụng nhân lực. Việc tuyển dụng nhân lực ở Vietsovpetro được thực hiện công khai, minh bạch, có quy trình rõ ràng. Việc tuyển dụng được thực hiện trên cơ sở nhu cầu lao động thực tế hằng năm, phù hợp với các tiêu chuẩn về chức danh mà người lao động (NLĐ) sẽ đảm nhận sau khi tuyển dụng (ở Vietsovpetro mỗi chức danh đều có quy chế chức danh, quy định rõ yêu cầu về trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm công tác). Ngoài việc xem xét hồ sơ phù hợp, các ứng viên phải trải qua kỳ kiểm tra sát hạch do Hội đồng tuyển dụng của các đơn vị thực hiện. Căn cứ vào kết quả kiểm tra (được quy ra điểm) NLĐ sẽ được bố trí vào các chức danh phù hợp với trình độ, năng lực và kinh nghiệm của mỗi người.

Ví như cùng là kỹ sư mới ra trường nhưng tùy theo trình độ của mỗi người mà họ được xếp vào thang lương kỹ sư với các bậc khác nhau, từ bậc 1 đến bậc 5 (có thang điểm quy định cho từng bậc kỹ sư).

Song song với đó là chính sách sử dụng và giữ chân người giỏi của Vietsovpetro. Hiện tại Vietsovpetro có hệ thống thang bảng lương chức danh nhiều bậc cho kỹ sư (9 bậc), chuyên viên chính (8 bậc) và chuyên viên cao cấp (5 bậc). Khi tuyển dụng vào làm việc cũng như hằng năm, căn cứ theo kết quả công việc, những người giỏi sẽ được xem xét và bố trí vào các chức danh có mức lương tương ứng với trình độ. Một số người rất giỏi chuyên môn nhưng không thể đề bạt vào các chức danh lãnh đạo được do không còn chức danh hoặc do họ không phù hợp với các chức danh lãnh đạo, đối tượng này, Vietsovpetro khuyến khích và giữ họ bằng cách bố trí vào các chức danh chuyên viên cao cấp với mức lương cao, có thể còn cao hơn cả trưởng phòng và giám đốc các xí nghiệp.

Bên cạnh việc bố trí lương chức danh phù hợp, Vietsovpetro áp dụng hệ thống thưởng theo kết quả công việc hằng tháng với mức trung bình bằng 24% lương chức danh. Việc áp dụng hệ thống thưởng theo kết quả công việc hằng tháng nhằm gắn thu nhập của NLĐ với kết quả công việc của họ, kịp thời động viên những chuyên gia giỏi (người giỏi có thể nhận thưởng với mức hơn 2 lần mức thưởng trung bình, ngược lại có những người sẽ không được thưởng).

PV: Bên cạnh những chính sách “cứng” trong việc sử dụng và giữ chân người giỏi nói chung thì Vietsovpetro có những chính sách “mềm” trong việc giữ chân họ trong các lĩnh vực cốt lõi  như thế nào, thưa ông?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Ngoài ra, để động viên khuyến khích và giữ được những người giỏi, làm việc trong các lĩnh vực cốt lõi (core business), Vietsovpetro còn áp dụng hệ thống phụ cấp cá nhân giỏi với mức đến 50% lương chức danh, trong một số trường hợp đặc biệt, Tổng giám đốc có thể quyết định mức phụ cấp cá nhân giỏi cao hơn nữa. Ngoài ra, để dùng và giữ được những người giỏi Vietsovpetro còn thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo cho cán bộ trong quy hoạch...

Theo định hướng của Petrovietnam đến năm 2025 và Vietsovpetro là một công ty liên doanh trong lĩnh vực dầu khí thì tất nhiên lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò, khoan, khai thác là những lĩnh vực cơ bản, cốt lõi (core business) của Vietsovpetro và trên thực tế Vietsovpetro đã, đang và sẽ luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các lĩnh vực này.

Chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này: Các đơn vị XN Khoan & Sửa giếng, XN Khai thác Dầu khí, Viện Nghiên cứu Khoa học & Thiết kế được xếp vào nhóm I (mức lương và thưởng cao nhất). Các chuyên viên giỏi trong các đơn vị này được xếp lương cao hơn các đơn vị khác (chuyên viên chính xếp đến bậc 7, trong khi các đơn vị khác chỉ đến bậc 4). Phụ cấp cá nhân giỏi như tôi đã đề cập trên đây được tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực này. Bên cạnh chính sách đối với NLĐ thì Vietsovpetro tập trung đầu tư khoa học, công nghệ, trang thiết bị cũng tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực này.

Chuyên viên Rov và thiết bị Rov (là thiết bị robot khảo sát) trợ giúp lắp đặt các công trình ngầm dưới biển

PV: Còn đối với lực lượng cán bộ trẻ thì chính sách được thể hiện ra sao, thưa ông?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Vietsovpetro luôn chú trọng công tác đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ trẻ. Và điểm khác biệt của Vietsovpetro so với các công ty dầu khí khác là luôn luôn tạo cơ hội cho các kỹ sư trẻ được thể hiện tư duy sáng tạo, được trải nghiệm những ý tưởng mới, độc đáo của mình vào trong thực tiễn sản xuất. Trong đó, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất do các kỹ sư, công nhân kỹ thuật trẻ tự nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất rất thành công, tiết kiệm nhiều chi phí cho liên doanh. Qua những chính sách khuyến khích hợp lý như vậy đã tạo thêm sự tự tin, nguồn cảm hứng cho các kỹ sư trẻ trong việc sáng tạo ra giá trị mới, có ích, không ngừng cải tiến công việc để đạt được hiệu quả cao hơn.

Phải khẳng định rằng, chính sự đột phá trong công tác cán bộ của Vietsovpetro đã giúp đơn vị ngày càng phát hiện nhiều tài năng trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Họ đã thể hiện năng lực của bản thân qua rèn luyện trong sản xuất, có thể được đề bạt vượt cấp, như năm 2012 có 23 người, năm 2013 có 32 người và năm 2014 có 25 người.

PV: Bên cạnh cơ chế riêng thì chính sách lương - thưởng Vietsovpetro cũng phải theo một số khung quy định trong luật pháp Việt Nam, vậy Vietsovpetro có gặp khó khăn, rào cản về mặt cơ chế trong vấn đề này không, thưa ông?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Bên cạnh việc tuân thủ các chính sách chung về lương và thưởng của luật pháp Việt Nam thì Vietsovpetro có những chính sách riêng được quy định trong các văn bản quản lý kèm theo Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga, đó là các quy định có lợi hơn cho NLĐ so với quy định chung của luật pháp Việt Nam.

Ví như hệ thống lương chức danh do Vietsovpetro tự phê duyệt tính bằng USD phù hợp với các công việc được giao, thay vì hệ thống thang bảng lương cứng của Nhà nước; mức phụ cấp làm việc trên các công trình biển cao hơn nhiều so với quy định của Nhà nước nhằm thu hút và động viên CBCNV làm việc trên các công trình biển; trợ cấp thôi việc khi kết thúc hợp đồng lao động để nghỉ hưu ở Vietsovpetro nhằm tạo động lực gắn bó lâu dài của NLĐ đối với Vietsovpetro. Do vậy, ở Vietsovpetro, nhìn chung là không có khó khăn hay rào cản nào về mặt cơ chế cả.

PV: Thưa ông, trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 30 năm qua, có bao giờ Vietsovpetro bị “chảy máu chất xám” nhiều đến mức gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Hơn 33 năm qua, chưa có khi nào Vietsovpetro bị chảy máu chất xám đến mức độ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm số cán bộ kỹ thuật của Vietsovpetro chuyển ra làm việc tại các công ty dầu khí khác của Việt Nam hơi nhiều. Đó là các giai đoạn năm 2005-2007, do mức lương của các chuyên gia Vietsovpetro thấp hơn nhiều so với các công ty điều hành chung (JOC) và trong các năm 2008-2009, khi Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga sắp sửa kết thúc vào cuối năm 2010, lúc đó chưa xác định được tương lai của Vietsovpetro sẽ tiếp tục hoạt động theo mô hình nào. Qua hai thời điểm đó, chúng tôi càng có cơ sở để khẳng định, hai yếu tố cơ bản là thu nhập của người lao động và sự phát triển ổn định của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ.

Tại các thời điểm nêu trên, ban lãnh đạo Vietsovpetro luôn kịp thời đưa ra những chính sách điều chỉnh hữu hiệu giúp đơn vị luôn là nơi thu hút và dừng chân của lực lượng lao động tay nghề cao. Cụ thể, năm 2006, hai phía tham gia và đặc biệt là Petrovietnam đã ủng hộ phương án tăng lương cho CBCNV, đặc biệt là các chức danh chủ chốt lên ngang với mức lương của các công ty dầu khí khác ở Việt Nam. Đến ngày 27-12-2010, hai phía đã ký hiệp định mới về việc tiếp tục hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trên cơ sở Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đến năm 2030.

Người lao động Vietsovpetro trong giàn công nghệ trung tâm 3 mỏ Bạch Hổ

PV: Hiện nay Vietsovpetro có bao nhiêu kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu đàn, thưa ông?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Vietsovpetro là doanh nghiệp khai thác dầu khí đầu tiên của Việt Nam và chúng tôi luôn tự hào rằng mình là đơn vị đầu tàu, chủ lực của Petrovietnam không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, đóng góp cho ngân sách Nhà nước mà còn là cái nôi đào tạo cán bộ cho ngành Dầu khí Việt Nam. Trong suốt quá trình hơn 33 năm xây dựng và phát triển Vietsovpetro, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật của Vietsovpetro đã không ngừng phát triển và trưởng thành.

Nếu như trong giai đoạn đầu khi mới thành lập, toàn bộ các chức danh lãnh đạo và các chức danh kỹ thuật quan trọng của Vietsovpetro đều do chuyên gia phía Liên Xô (LB Nga) đảm nhận, thì chỉ sau 10 năm đội ngũ cán bộ của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, dần vươn lên làm chủ trong quản lý, trong nghiên cứu khoa học, vận hành các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất trong công nghiệp tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên biển. Vietsovpetro đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo các cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực như tìm kiếm thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác dầu khí. Từ năm 1991, khi thấy được lực lượng CBCNV phía Việt Nam đã trưởng thành, phía bạn (Liên Xô) đã dần chuyển giao các chức danh trưởng và các vị trí quản lý kỹ thuật quan trọng cho phía Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết các chức danh trong Ban Tổng giám đốc, giám đốc các xí nghiệp thành viên, các trưởng phòng, ban bộ máy điều hành đều do phía Việt Nam đảm nhận, trong đó, Ban Tổng giám đốc có 13 chức danh, Việt Nam đảm nhận 10 chức danh. Cấp giám đốc, phó giám đốc các đơn vị; trưởng phó các phòng ban bộ máy điều hành là 134 chức danh, người Việt Nam đảm nhận 95 chức danh. Lực lượng cán bộ quản lý từ cấp trưởng, phó phòng ban các đơn vị trực thuộc và các chức danh tương đương như xưởng trưởng, xưởng phó, giàn trưởng, giàn phó 666 chức danh, người Việt Nam đảm nhận 488 chức danh. Các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực Địa chất, Địa vật lý giếng khoan, Khoan, Khai thác dầu khí… có khoảng 3.403 người (trong đó có 44 tiến sĩ, 274 thạc sĩ, đại học: 3.085 người). Công nhân kỹ thuật lành nghề là 3.822 người.

Ngoài ra, Vietsovpetro còn là cái nôi đào tạo cán bộ cho ngành Dầu khí Việt Nam. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Petrovietnam đã từng làm việc và trưởng thành từ Vietsovpetro. Tôi có thể kể ra một vài ví dụ: ông Ngô Thường San, ông Trần Ngọc Cảnh, ông Phùng Đình Thực nguyên là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam; ông Nguyễn Quốc Thập, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Phó tổng giám đốc Petrovietnam… Và rất nhiều các tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị thành viên, các JOC trong Tập đoàn, trưởng, phó các ban của Tập đoàn đã từng làm việc và trưởng thành từ Vietsovpetro.

PV: Được biết, hiện nay mỏ Bạch Hổ đang trên đà suy giảm mạnh, tuy nhiên Vietsovpetro vẫn luôn về đích sớm, hoàn thành nhiệm vụ của Tập đoàn giao, bí quyết nào để Vietsovpetro đạt được điều này, thưa ông?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Đúng vậy, hiện nay sản lượng của 2 mỏ chính của Vietsovpetro là Bạch Hổ và Rồng đang trong giai đoạn giảm sút sản lượng khai thác, tuy nhiên Vietsovpetro vẫn thu hút và giữ chân được lực lượng lớn cán bộ giỏi trong ngành, đủ khả năng hoàn thành các nhiệm vụ được hai phía tham gia và đặc biệt là Petrovietnam giao cho. Bí quyết của Vietsovpetro trong việc thu hút và giữ chân những người tài là gì? Như trên tôi đã trình bày, để giữ chân những người tài Vietsovpetro đã có những chính sách phù hợp như: Áp dụng cơ chế đãi ngộ về thu nhập, lương, thưởng, phụ cấp xứng đáng cho những chuyên gia giỏi; Giữ được sự phát triển ổn định và bền vững của Vietsovpetro: với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Petrovietnam, trong các năm vừa qua Vietsovpetro đã ngăn được đà suy giảm sản lượng khai thác; 3 năm liền giữ được sản lượng ở mức trên 6 triệu tấn dầu/năm; hiện nay đang cố gắng giữ cho sản lượng không xuống dưới 5 triệu tấn/năm (theo sơ đồ công nghệ sản lượng hiện nay là dưới 4 triệu tấn), phấn đấu tăng dần trong các năm tới. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân người giỏi ở lại với Vietsovpetro. Vietsovpetro còn là nơi có môi trường làm việc tốt: tập thể đoàn kết, đời sống văn hóa tinh thần của CBCNV luôn được quan tâm đầy đủ.

Bên cạnh đó, việc mở rộng sản xuất, kể cả trong lĩnh vực dịch vụ ngoài và từ nay đến năm 2020, Vietsovpetro có trên 1.800 CBCNV đến tuổi về hưu đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến cho lớp cán bộ trẻ.

PV: Với cương vị là Tổng giám đốc Liên doanh Vietsovpetro, theo ông trong vấn đề tuyển dụng, dùng và giữ chân người giỏi, bên cạnh chuyện lương - thưởng thì những yếu tố nào đảm bảo người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp?

TGĐ Từ Thành Nghĩa: Ngoài việc đảm bảo chế độ lương, thưởng xứng đáng với vị trí, vai trò của họ, Vietsovpetro đã luôn chú ý tới các yếu tố cần thiết như: Giữ được sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Vietsovpetro luôn hướng tới xây dựng một môi trường làm việc thân thiện trong doanh nghiệp. Người giỏi cảm thấy được đánh giá công bằng; quan tâm tới đời sống văn hóa tinh thần của CBCNV. Vietsovpetro luôn có các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo quy hoạch cán bộ, nhằm tạo cơ hội thăng tiến cho người tài. Phải khẳng định, bên cạnh những nhân tố khác thì nguồn nhân lực chính là giá trị cốt lõi trong sự thành công của mỗi doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thiên Thanh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status