Công nghiệp khí Việt Nam: Sự phát triển thần kỳ

14:00 | 17/01/2013

1,322 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Vào ngày 15/10/2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt mốc khai thác m3 khí thứ 80 tỉ. Năm 2012 tiếp tục đạt sản lượng khai thác 9,30 tỉ m3 , tăng 6,9% so với năm 2011, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho đất nước và thực hiện chính sách phát triển bền vững.

Từ vai trò thúc đẩy nền kinh tế 

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên quan điểm phát triển đồng bộ, hiệu quả thông qua việc phát huy các nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp khí.

Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, ngành Công nghiệp Khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước và góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Petrovietnam đã và đang triển khai hàng loạt các dự án khí với quy mô lớn, đa dạng và phức tạp trên diện rộng nhằm không những đáp ứng nhu cầu khí cho điện mà còn đáp ứng các nhu cầu khí cho công nghiệp hóa chất, phân bón, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, sinh hoạt…

Một góc Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Tháng 5/1995, dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ, mở đầu cho sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp khí ở nước ta, đồng thời cũng mở ra một chương mới cho ngành Dầu khí Việt Nam. Kể từ đó, ngành công nghiệp khí không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành nguồn nguồn năng lượng không thể thiếu của quốc gia.

Đến nay cả nước đã có 3 hệ thống đường ống dẫn khí được đưa vào vận hành (Bạch Hổ - Phú Mỹ, Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau) và chúng ta đang tiếp tục xây dựng nhiều dự án khí khác cho mục tiêu phát triển đồng bộ ngành công nghiệp này. Lượng khí từ hai đường ống Bạch Hổ - Bà Rịa (công suất khoảng 2 tỉ m3) và Nam Côn Sơn (công suất khoảng 7 tỉ m3 khí/năm) được đưa vào bờ để cung cấp khí cho điện Bà Rịa và tổ hợp điện, đạm ở Phú Mỹ; cung cấp khí thấp áp cho các Khu Công nghiệp Phú Mỹ, Phú Mỹ Xuân, Gò Dầu, Nhơn Trạch. Ngoài ra, đường ống Bạch Hổ còn cung cấp khí hóa lỏng cho kho cảng Thị Vải, công suất khoảng 850 tấn/ngày… Hệ thống đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau có công suất khoảng 2 tỉ m3 khí/năm, cung cấp khí cho Nhà máy Đạm Cà Mau và các nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2, thúc đẩy sự hình thành và phát triển cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Hiện nay, sản lượng khí tự nhiên khai thác đạt từ 8,8-9 tỉ/m3/năm, đảm bảo được nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất trên 40% tổng sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm của cả nước, lượng khí hóa lỏng (LPG) mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 1 triệu tấn, đáp ứng hơn 70% nhu cầu LPG của cả nước. Trong đó, sản xuất điện được đánh giá là yếu tố chủ chốt nhất cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp khí vì phần lớn nguồn khí hiện nay đang được cung cấp cho điện, 90% lượng khí được thu gom vào bờ qua các hệ thống đường ống được cung cấp cho các nhà máy điện, 6% cung cấp cho các nhà máy đạm và 4% cung cấp cho các ngành công nghiệp khác. Việc sử dụng khí thay cho các nguyên liệu truyền thống để sản xuất điện cũng đã giúp ngành Điện tiết kiệm hàng chục tỉ USD mỗi năm và góp phần rất lớn vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường.

Những con số trên cho thấy đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp khí cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Do là một ngành công nghiệp năng lượng, nên công nghiệp khí có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, không riêng gì điện, đạm mà tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều cần đến năng lượng cho sự phát triển, cần đến nguồn khí. Vì vậy, các dự án khí được xem là các dự án có tính đột phá, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng kinh tế.

Đến một quy hoạch bền vững

Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng khai thác khí thiên nhiên là 14 tỉ m3/ năm, cung cấp 1,6-2,2 triệu tấn LPG/năm cho nhu cầu tiêu thụ trong nước đến năm 2015; giai đoạn 2015-2025, phấn đấu đạt sản lượng khai thác 15-19 tỉ m3/năm, cung cấp 2,5-4,6 triệu tấn LPG/năm. Điện vẫn là thị trường tiêu thụ chính của khí, 70-85% lượng khí được cung cấp để sản xuất điện và 15-30% còn lại cung cấp cho các ngành công nghiệp khác.

 Để thực hiện các mục tiêu trên, chúng ta hướng đến xây dựng, phát triển đồng bộ, hiệu quả ngành công nghiệp khí; phấn đầu hoàn thành hạ tầng công nghiệp khí ở miền Nam, hình thành và phát triển hạ tầng công nghiệp khí ở khu vực miền Bắc và miền Trung; vận hành an toàn, hiệu quả các hệ thống khí ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, kết nối đường ống Đông - Tây, từng bước hình thành đường ống khí quốc gia; đẩy mạnh xây dựng đầu tư các nhà máy xử lý khí; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn khí trong nước, phát huy nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm khí; tăng cường nhập khẩu LPG/LNG nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia vào thị trường quốc tế...

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2, một khách hàng lớn của công nghiệp khí

Thực hiện theo định hướng của Nhà nước, Petrovietnam cũng đã xác định “Tầm nhìn chiến lược” cho việc phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam trong những năm tới theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài về khí và các sản phẩm khí; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu từ ngành công nghiệp khí là 18-20%/năm đến năm 2015, đưa ngành công nghiệp khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước.

Trong thực hiện định hướng hoàn thiện hạ tầng công nghiệp khí tại khu vực miền Nam, dự án hệ thống đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đang được triển khai, công suất xây dựng dự kiến khoảng 7 tỉ m3 khí/năm. Hiện nay, chúng ta đã bước vào giai đoạn đàm phán giá khí, khi quá trình đàm phán kết thúc sẽ xây dựng đường ống dẫn khí vào Cà Mau rồi chuyển lên Ô Môn, cung cấp khí cho tổ hợp điện ở Ô Môn. Dự án này cùng với dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 sẽ tạo sự kết nối hệ thống đường ống khí ở miền Đông và Tây Nam Bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cung cấp khí trong khu vực và cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng công nghiệp khí khu vực Nam Bộ.

Hiện nay, tuy các mỏ khí được phát hiện trên thềm lục địa khắp cả nước, ở các bồn trũng (Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malaysia - Thổ Chu) nhưng hạ tầng cơ sở của ngành công nghiệp khí chỉ mới hình thành ở khu vực miền Nam. Do đó, trong thời gian sắp tới Nhà nước cũng có kế hoạch từng bước hình thành và phát triển hạ tầng công nghiệp khí ở miền Bắc và miền Trung. Khu vực Thái Bình và vùng biển ngoài khơi Thái Bình sẽ trở thành một trong những khu vực quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp khí của miền Bắc. Hệ thống đường ống dẫn khí từ mỏ khí Hàm Rồng, Hồng Long, Thái Bình... về Tiền Hải dự kiến sẽ được ưu tiên xây dựng và trở thành hệ thống xương sống để phát triển đường ống thu gom khí khu vực ngoài khơi Thái Bình.

Được biết, thời gian qua, nhiều tỉnh thành ở vùng duyên hải Bắc Bộ đã khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối với các dự án phát triển công nghiệp khí và đã có sự phối hợp tạo điều kiện, môi trường tốt cho các nhà đầu tư, chỉ đạo và phương án cụ thể trong các quy hoạch công nghiệp tại địa phương, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hiện có, tăng cường khả năng chuyển đổi sử dụng khí, nguồn năng lượng sạch, giá thành hạ, chất lượng cao.

Các mỏ khí được phát hiện ở miền Trung có trữ lượng tương đối lớn như: mỏ Báo Đen, trữ lượng khoảng 18 tỉ m3 khí, mỏ Báo Vàng trữ lượng 15,1 tỉ m3 khí và một số mỏ như: Sư Tử Biển, Cá Heo,… có trữ lượng khá lớn, nếu có thể đưa được vào bờ sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế khu vực miền Trung.

Có thể nói, ngành công nghiệp khí nước ta trong những năm qua đã có những bước tiến vững vàng, đầy thuyết phục và tương lai vẫn đang hứa hẹn những bước tiến mới đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài. 

Thành công của ngành công nghiệp khí có được nhờ vào sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Nhà nước, các bộ, ngành, của Petrovietnam và đặc biệt là đóng góp quan trọng của Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV Gas, đơn vị duy nhất sở hữu hệ thống hạ tầng công trình khí đồng bộ và hiện đại, đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí, có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh khí của Việt Nam. 

Được xác định là đơn vị tiên phong trong thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” với mục tiêu “Đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho đất nước”, Tổng Công ty Khí Việt Nam, đang phấn đấu hoàn thiện định hướng chiến lược nhằm phấn đấu đưa công nghiệp khí trở thành một trong những ngành công nghiệp đầu tàu của nền kinh tế, từng bước vươn ra thị trường quốc tế, xếp thứ hạng cao trong khu vực ASEAN và có tên trong các thương hiệu khí mạnh của châu Á.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status