Đã đủ điều kiện để cổ phần hóa BSR

10:07 | 16/07/2017

930 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức buổi trao đổi với các chuyên gia kinh tế về kinh nghiệm cổ phần hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Tại đây, các ý kiến đều khẳng định: “IPO BSR thời điểm này là đẹp nhất”.

Cổ phần hóa lúc này có hợp lý?

da du dieu kien de co phan hoa bsr
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính

Đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu và cũng thu hút nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhắc lại kỷ niệm hơn 20 năm trước. Thời ấy ông ở trong Ban Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chính ông là người hoài nghi về quyết định của Thủ tướng khi chọn Dung Quất để xây dựng nhà máy lọc dầu (NMLD). Và ông cũng là người phản đối. Nhắc lại chuyện cũ trong lúc này, “người phản đối” muốn lấy đó làm để làm cơ sở đặt câu hỏi: Đã đến lúc cổ phần hóa chưa. Nếu đến lúc thì phải làm gì?

Theo phân tích của TS Hiếu, dù có những vấn đề không lợi để cổ phần hóa bây giờ như: Doanh thu của NMLD Dung Quất chưa thật ổn định; Thị trường dầu thế giới bất ổn, bất thường, phần nhiều do các yếu tố chính trị gây ra; Nhà đầu tư có lý do để e ngại về tính hiệu quả của doanh nghiệp có vốn Nhà nước... Đấy là những điều bất lợi.

Tuy nhiên, BSR có những điểm thuận lợi cơ bản sau đây: Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương của Chính phủ, BSR triển khai lúc này vừa hợp chủ trương, vừa hợp lý; Chính phủ không thể nắm mãi các công ty lớn, hàng đầu. Vì BSR có nhiều chỉ số rất tốt. Trong đó có vốn chủ sở hữu của BSR ở một tỷ lệ tuyệt vời. Nhìn trong bảng cân đối kế toán trên 2 tỉ USD vào cuối năm 2016. Và vốn vay của BSR ở tỷ lệ 1/1, tỷ lệ đòn bẩy tài chính tốt.

da du dieu kien de co phan hoa bsr
Công nhân bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần 3

“Nói chung, lợi và bất lợi như đã phân tích. Song tôi nghĩ nên cổ phần hóa vào lúc này là hợp lý nhất”. Ông hiến kế: Muốn cổ phần hóa tốt thì BSR phải có chiến lược kinh doanh 3-5 năm. Trong chiến lược ấy phải làm dự báo tài chính trong 3-5 năm. Phải có quản trị rủi ro vì luôn đối diện với sự rủi ro của thị trường. Cần xác định giá bán cổ phiếu khởi điểm hợp lý và có cách tiếp cận với các đối tượng khách hàng khác nhau.

“Người đẹp” chưa được khoe ra

da du dieu kien de co phan hoa bsr
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có câu ví von khá hay, đại ý là: IPO quan trọng nhất là công tác truyền thông ra nước ngoài. Sản phẩm của mình như một nàng “công chúa” rất đẹp, nhưng không được giới thiệu, quảng bá, nên người ta không biết “công chúa” đó có đẹp hay không, đẹp đến mức độ nào!

Muốn cổ phần hóa tốt thì BSR phải có chiến lược kinh doanh 3-5 năm. Trong chiến lược ấy phải làm dự báo tài chính trong 3-5 năm. Phải có quản trị rủi ro vì luôn đối diện với sự rủi ro của thị trường. Cần xác định giá bán cổ phiếu khởi điểm hợp lý và có cách tiếp cận với các đối tượng khách hàng khác nhau.

Điều quan trọng là phải giới thiệu mạnh sản phẩm, giới thiệu mạnh về những thứ mình có. Không làm tốt công tác truyền thông, quảng bá về thực lực của mình, thì chẳng khác gì “áo gấm đi đêm”. Nhà đầu tư quan tâm về tỷ lệ giá trị, chuỗi giá trị, sự tham gia trong chuỗi giá trị gia tăng và trình độ khoa học công nghệ... Ông đề nghị BSR phải quan tâm chú ý đến lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, BSR phải xây dựng cho được thương hiệu, hình ảnh của mình ra ngoài biên giới lãnh thổ, trước mắt là trong khu vực. Ông cho đây là điểm còn hạn chế của BSR.

TS Lê Dăng Doanh cảnh báo, năm 2018, một số nước sẽ áp dụng chương trình “dấu chân carbon”. Nghĩa là một sản phẩm làm ra, thải bao nhiêu carbonic, dùng bao nhiêu lít nước. Nếu vượt quá giới hạn, thì không bao giờ họ mua.

da du dieu kien de co phan hoa bsr
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng

Trách nhiệm của BSR là phải làm cho nhà đầu tư hiểu BSR đã làm được những gì, chỉ số môi trường ra sao… càng minh bạch và cung cấp đầy đủ thông tin về bảo vệ môi trường cho nhà đầu tư chiến lược và định hướng doanh nghiệp là hiện đại, là hướng tới tương lai xanh, đấy là điều mà các nhà đầu tư quan tâm.

Đồng quan điểm với TS Lê Dăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập, gợi ý rằng: Sản phẩm lọc dầu hay hóa dầu phải so với doanh nghiệp cùng ngành nghề mới thấy sự cạnh tranh. BSR cũng cần lường trước các vấn đề như: Nếu thay đổi một số chính sách về thuế, đất đai… thì tương lai Lọc dầu Dung Quất sẽ như thế nào, cần có kịch bản để thích nghi.

Bước vào “cuộc chơi thật”

da du dieu kien de co phan hoa bsr
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo lý giải của TS Võ Trí Thành, trước đây Chính phủ quyết định xây dựng NMLD Dung Quất, với mục tiêu chính trị là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đã đến giai đoạn Chính phủ phải cải cách doanh nghiệp Nhà nước, là tái cơ cấu, là cổ phần hóa. Bước vào cổ phần hóa là bước vào “cuộc chơi thật”. BSR tiến hành cổ phần hóa thành công sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn, rất có ý nghĩa cho hình ảnh không chỉ của riêng mình mà của cả PVN.

Bước vào “cuộc chơi thật” này, vai trò của lãnh đạo là rất quan trọng. Nhà đầu tư trước khi mở két để mua cổ phiếu của doanh nghiệp, điều đầu tiên họ nhìn vào cách quản trị của doanh nghiệp. Nước láng giềng Thái Lan họ quản trị doanh nghiệp rất tốt, chúng ta cần học tập.

Vì vậy tư duy của CEO phải là tư duy theo thị trường chứ không phải tư duy công chức Nhà nước. “Cuộc chơi thật” này buộc người đứng đầu doanh nghiệp phải “thích ứng” nhanh với cơ chế mới. Ông nhấn mạnh, BSR phải xây dựng cho được 4 giá trị đó là: quản trị; thương hiệu; công nghệ và chiến lược.

Bà Phạm Chi Lan gợi ý: Vấn đề cạnh tranh trên thương trường, hiện nay ở Việt Nam chỉ có hai nhà sản xuất là BSR và Nghi Sơn và nhập khẩu là “nhân vật” thứ 3.

da du dieu kien de co phan hoa bsr
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Có thể trong tương lai sẽ có những NMLD nữa. Vì vậy ngay từ bây giờ BSR phải tính toán có bao nhiêu doanh nghiệp chi phối thị trường, ví dụ hiện nay có 3 doanh nghiệp thì mình có chiến lược khác, nhiều hơn thì có chiến lược khác. Điều này rất quan trọng khi cổ phần hóa, đưa ra được dự báo cho các nhà đầu tư chiến lược về sự cạnh tranh thì sẽ có tính thuyết phục tốt hơn nhiều.

da du dieu kien de co phan hoa bsr
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển “hiến kế”: Kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận là điểm mấu chốt nhà đầu tư quan tâm. Công tác mở rộng sản phẩm hiện có và các sản phẩm mới cũng phải có lộ trình cụ thể, ông cũng cho rằng: Phương pháp quản trị doanh nghiệp quyết định tính sống còn của doanh nghiệp sau IPO chứ không phải là tính chất của doanh nghiệp đó là của Nhà nước hay tư nhân.

Các chuyên gia như: Luật gia Nguyễn Gia Hảo, Phan Thế Ruệ, Vũ Thành Tự Anh… cũng tư vấn cho BSR ở các khía cạnh: lựa chọn nhà đầu tư hóa dầu, lựa chọn sàn chứng khoán, đẩy mạnh công tác truyền thông…

Buổi tọa đàm này, GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam làm “điều phối” và 3 vấn đề ông đặt ra là: Triển vọng IPO của BSR như thế nào trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới? IPO như thế nào để có kết quả cao nhất? Sau IPO, BSR phát triển với bức tranh gam màu gì?, đã được các chuyên gia phân tích, nhìn nhận khách quan.

GS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, tất cả những tư vấn này phải được thể hiện trên các kênh truyền thông báo chí để nhà đầu tư quan tâm, người dân giám sát, Chính phủ đồng hành.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên:

da du dieu kien de co phan hoa bsr

6 tháng đầu năm 2017, những chỉ số như tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 10,43% và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) đạt 9,17%.

Trong thời gian qua, NMLD Dung Quất vận hành liên tục, ổn định ở 105% công suất và mức tiêu hao năng lượng ngày càng giảm.

Chỉ số EII (tỷ lệ giữa tiêu thụ năng lượng thực tế và năng lượng tiêu chuẩn của NMLD) từ năm 2016 của nhà máy đã nằm trong nhóm 3 các nhà máy lọc dầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (trước đó thuộc nhóm 4).

Các chỉ số tin cậy thiết bị, tin cậy vận hành, hệ số lưu chuyển của dòng công nghệ trong hệ thống như MA, OA, OSF cũng tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tính từ năm 2010 đến nay, BSR đã tối ưu hóa sản xuất, thực hiện các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đã tiết kiệm chi phí khoảng 3.499 tỉ đồng.

Giá trị doanh nghiệp BSR 3,2 tỉ USD

da du dieu kien de co phan hoa bsr

Ngày 31-5-2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định xác định giá trị doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), tại thời điểm 31-12-2015 là: 72.879 tỉ đồng, tương đương 3,2 tỉ USD.

Với mức định giá này, BSR sẽ là doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay được cổ phần hóa, vượt qua hàng loạt tên tuổi trước đó như Vietnam Airlines, Petrolimex, Sabeco, Habeco…

Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để BSR thực hiện các công việc tiếp theo nhằm hoàn tất kế hoạch cổ phần hóa. Theo lộ trình, cuối năm nay BSR sẽ tiến hành IPO. Dự kiến sẽ bán khoảng 4% cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Các năm tiếp theo BSR tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để phát triển hóa dầu, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên, việc thực hiện chào bán cổ phiếu sẽ được chia làm hai giai đoạn. Trước hết, BSR sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ, nhân viên và IPO.

Bước tiếp theo sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần. BSR thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ nên Nhà nước không giới hạn tỷ lệ thoái vốn tại BSR.

Trung Hội - Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status