Đại tá Phan Tử Quang - “Khai quốc công thần” của ngành Dầu khí

10:00 | 30/04/2016

6,171 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
30-4-1975, sau khi giải phóng miền Nam, công cuộc tái thiết đất nước Việt Nam thống nhất được bắt đầu, thực hiện mong ước của Bác Hồ. Đảng và Nhà nước đã bắt tay ngay vào việc xây dựng ngành công nghiệp dầu khí bằng việc điều động từ quân đội sang những sĩ quan năng động nhất, những cán bộ nhiều kinh nghiệm trong khoa học kỹ thuật cũng như thực tiễn cuộc sống.

Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách dầu khí. Từ khoảng năm 1977 đến năm 1981, đã có rất nhiều cán bộ quân đội được điều sang ngành Dầu khí, trong đó có Trung tướng Nguyễn Hòa, Thiếu tướng Tô Ký, Đại tá Đặng Quốc Tuyển, Đại tá Phạm Văn Diêu, Đại tá Phan Tử Quang, Đại tá Trần Sanh, Đại tá Trần Thái Vĩnh, Thượng tá Hoàng Lộc, Trung tá Đỗ Ngọc Ngạn…

dai ta phan tu quang khai quoc cong than cua nganh dau khi
Ông Phan Tử Quang

Đặc biệt, một cuộc chuyển quân rầm rộ được thực hiện, nhiều đơn vị quân đội được điều động, tập hợp thành Binh đoàn 318 Dầu khí với gần 20.000 quân do Bộ Quốc phòng quản lý quân số, con người, còn nghiệp vụ thì do Tổng cục Dầu khí chỉ đạo. Bộ tư lệnh Binh đoàn này gồm: Tư lệnh là Đại tá Nguyễn Cận; Chính ủy là Đại tá Trần Nguyên Độ (sau đó ông Trần Nguyên Độ được phong Thiếu tướng, Tư lệnh kiêm Chính ủy); Phó tư lệnh là Đại tá Nguyễn Cư, Đại tá Trương Chí Công. Binh đoàn có nhiệm vụ xây dựng căn cứ đầu tiên cho ngành Dầu khí ở Vũng Tàu.

Đại tá Phan Tử Quang, Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần, người đặc trách chỉ đạo thi công vượt “tam giác lửa”, vượt Trường Sơn… được bổ nhiệm làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) từ tháng 11-1975.

Sinh ngày 19-10-1924 tại Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ anh Phan Tử Quang đã tỏ ra là người ham học hỏi, thông minh nhanh nhẹn, hơn 10 tuổi, được bố mẹ cho ra Hà Nội học ở Trường trung học Thăng Long. Tại đây, những bài giảng của thầy Võ Nguyên Giáp về truyền thống của dân tộc đã nuôi dưỡng lòng yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc trong cậu. Mười tám tuổi, sau khi học hết trung học, tự nguyện tham gia vào các nhóm học sinh yêu nước, chuyển tài liệu bí mật cho cách mạng; sự thông minh, gan dạ đã giúp chàng thanh niên Phan Tử Quang nhiều lần vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những thành tích tiêu biểu đó, thanh niên ưu tú Phan Tử Quang được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1944.

dai ta phan tu quang khai quoc cong than cua nganh dau khi
Bộ trưởng Đinh Đức Thiện (thứ 3 bên trái) thị sát Vũng Tàu trước khi quyết định đặt căn cứ Dịch vụ Dầu khí Tổng hợp tại đây

Cách mạng Tháng Tám thành công, cuối năm 1946, đồng chí được cử về Hà Nội học chính trị khóa đầu tiên. Sau đó, đồng chí được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Phó giám đốc Nha Công an Trung Bộ. Đến năm 1947, đồng chí được điều động vào quân đội, làm Trưởng phòng Thanh tra, Cục Quân nhu, tiếp đó là Giám đốc Sở Quân nhu Quân khu 10 rồi Trưởng phòng Chính trị Cục Quân nhu. Chàng thanh niên trẻ Phan Tử Quang thông minh đầy nhiệt huyết mang theo trong hành trang của mình lòng yêu nước và ý chí cách mạng được giác ngộ nên mỗi nhiệm vụ được giao đều ghi lại những dấu ấn khó quên trong lòng đồng đội. Có đồng đội ví đồng chí “giống như con dao pha có thể điều động đi bất cứ đơn vị nào và làm bất cứ nhiệm vụ gì”.

Vào năm 1967-1968, Đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trước tình hình cam go như vậy, việc tiếp xăng dầu cho chiến trường là một trong những nhiệm vụ cần kíp để tiếp sức cho bộ đội đánh Mỹ. Nhưng đưa xăng dầu vào chiến trường bằng cách nào dưới mưa bom, bão đạn của địch? Trong tình huống nguy cấp đó, với tài năng sáng tạo và ý chí kiên cường, đồng chí đã cùng với đồng đội của mình làm nên một công trình vĩ đại, đó là 5.000 km đường ống từ Lạng Sơn và Móng Cái vào đến Bù Gia Mập. Bản anh hùng ca của những người chiến sĩ xăng dầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi là niềm tự hào của ngành xăng dầu quân đội Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.

Trong những tháng ngày đầy khó khăn gian khổ và hiểm nguy khi làm đường ống vượt “tam giác lửa” (từ nam vĩ tuyến 19 trở vào), đồng chí Phan Tử Quang đã luôn sát cánh cùng đồng đội, đó là sự động viên rất lớn về tinh thần cho toàn thể anh em. Đặc biệt, sự tin tưởng vào trình độ, khả năng và sự sáng tạo đối với những đồng đội trẻ của người lãnh đạo tài trí Phan Tử Quang, càng củng cố thêm niềm tin của họ, cho họ thêm quyết tâm lao động, chiến đấu bên nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đất nước thống nhất, đồng chí Phan Tử Quang lại được điều động về ngành Dầu khí. Ở cái tuổi ngoài 50 với kinh nghiệm và độ chín của 25 năm theo dõi ngành xăng dầu quân đội, cùng với sự năng động sáng tạo vốn có, một lần nữa Đại tá Phan Tử Quang lại làm mọi người ngạc nhiên về những quyết định táo bạo của mình. Với vai trò phụ trách tài chính và xây dựng cơ bản của ngành, Đại tá Phan Tử Quang đã ngày đêm nghiên cứu những phương án tối ưu để tiết kiệm ngân sách cho đất nước. Trong chiến tranh tài năng sáng tạo của ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của đất nước, trong hòa bình tài trí của ông lại góp phần làm giàu cho đất nước.

Công trình Cụm cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu là minh chứng cho tinh thần tự lực, tự cường, niềm tin vào sức mạnh nội lực. Công trình này được xây dựng thành công chính là một phát hiện mới về năng lực của các đơn vị xây dựng trong nước, tạo thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục xây dựng các công trình sau này. Chính quyết định táo bạo của Đại tá Phan Tử Quang: “Việt Nam cố gắng tự làm, các đồng chí có kinh nghiệm hướng dẫn cho” - câu trả lời các chuyên gia Liên Xô đầy quyết tâm là một quyết định giúp cho chúng ta phát hiện được nội lực của chính mình. Có thể nói chính Đại tá Phan Tử Quang là người góp phần đánh thức những tiềm năng còn ẩn chứa, bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc, sự tự tin của con người Việt Nam vừa trải qua những mất mát, đau thương, nâng cao uy tín của Việt Nam khi làm ăn trên thương trường quốc tế.

Với những đóng góp và cống hiến của mình, đồng chí Phan Tử Quang đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cơ quan phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân Công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 30, 40, 50, 60, 70 năm tuổi Đảng; Huy hiệu Hồ Chủ tịch.

Là anh Bộ đội Cụ Hồ, 40 năm làm việc quên mình phục vụ nhân dân nói chung và sự nghiệp Dầu khí nói riêng, cho dù ở cương vị nào, đồng chí Phan Tử Quang chưa một lần lùi bước trước khó khăn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Người Dầu khí vẫn luôn nhớ về Đại tá - Doanh nhân Phan Tử Quang, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, công cuộc dựng xây ngành công nghiệp Dầu khí vẫn đang được những thế hệ những người chiến sĩ tiếp nối. Trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện có hơn 4.000 người là cựu chiến binh và cựu quân nhân. Mỗi khi gặp gian khó, thử thách, chất “Bộ đội Cụ Hồ” lại càng được thể hiện rõ ở tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, chịu khó, chịu khổ, sáng tạo, quyết đoán, can trường, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung... xây dựng, bảo vệ chủ quyền, thềm lục địa, bảo vệ tài nguyên và nguồn lực phát triển cho đất nước.

Ngân Hà (tổng hợp)

Năng lượng Mới 518+519

DMCA.com Protection Status