Đắkđrinh - Nơi dòng sông phát sáng

22:07 | 25/03/2017

1,243 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Dự án Thủy điện Đắkđrinh được đầu tư xây dựng tại hai huyện Sơn Tây - tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plong - tỉnh Kon Tum. Với mục tiêu khai thác thủy năng trên sông Trà Khúc để phát điện lên hệ thống điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, điều tiết dòng chảy, đảm bảo yêu cầu chống lũ cho hạ du về mùa mưa và cấp nước về mùa khô…

Đổi thay nhờ thủy điện

Tháng 11-2014 chúng tôi lên Đắkđrinh, khi ấy Tổ máy số 2 đã vận hành ổn định được gần 3 tháng. Song nhà máy vẫn còn ngổn ngang lắm, nhiều tuyến đường còn phải tiếp tục thi công, nhà ở cho công nhân cũng chưa hoàn chỉnh. Duy nhất chỉ các khu tái định cư (TĐC) cho nhân dân ở hai huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và Kon Plong (Kon Tum) là đã xây dựng gần xong.

Nói gần xong, bởi còn một số khu đang tiếp tục hoàn thiện. Ngày ấy, từ trụ sở nhà máy tại xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây sang huyện Kon Plong, chúng tôi phải đi thuyền qua lòng hồ mất hơn nửa tiếng, sau đó đi xe ôm gần “chục cây” nữa mới đến UBND xã Đắk Nên.

Đường bê-tông mới làm uốn lượn theo sườn núi như sợi chỉ trắng luồn dưới tán rừng. Trên những khu đất bằng phẳng liền kề bên suối mọc lên những khu nhà mới, với lối kiến trúc truyền thống, nhưng được xây dựng khang trang.

Được biết, công tác TĐC cho nhân dân khu vực phải giải tỏa là công việc của chính quyền hai tỉnh. Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh chỉ phối hợp và giải ngân theo tiến độ. Nhưng ngày ấy, từ lãnh đạo, đến cán bộ thuộc Phòng Đền bù của nhà máy, hầu như ngày nào cũng có mặt ở hai huyện Sơn Tây và Kon Plong để cùng với địa phương lo nơi ở cho dân.

dakdrinh noi dong song phat sang
Đập dâng bằng công nghệ RCC của Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh

Nói không ngoa, các khu TĐC thuộc dự án này mà chúng tôi đã đến đều được quy hoạch xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, chẳng khác gì những khu phố mới ở đồng bằng. Anh Trần Văn Thuần, cán bộ Phòng Đền bù, cho chúng tôi biết, lãnh đạo nhà máy làm việc với hai địa phương bàn bạc phương án tối ưu nhất, với tinh thần bà con chuyển đến nơi ở mới, ngoài nơi ở khang trang, hợp vệ sinh, phải bảo đảm đủ diện tích canh tác để việc sản xuất không gián đoạn.

Những người công nhân thủy điện, ngoài việc lo vận hành nhà máy, còn lo phương tiện, nhân lực khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu sản xuất mới cho nhân dân. Bằng tinh thần trách nhiệm ấy, Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh đã cùng với hai địa phương làm thay đổi toàn diện bộ mặt các khu TĐC mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi hộ dân đến khu TĐC mới, ngoài ngôi nhà được xây dựng theo “mẫu” đã được người dân lựa chọn, mỗi hộ còn được cấp đất vườn liền kề khoảng 1.000m2. Vườn rau quanh nhà, mùa nào thức ấy xanh ngát quanh năm. Ngoài ra mỗi hộ còn được cấp 1ha đất rẫy, 4 sào lúa nước gần khu TĐC. Toàn bộ khung nhà cũ sau khi đã được đền bù, người dân được toàn quyền sử dụng tháo dỡ về để xây dựng nhà kho và các công trình cần thiết khác.

Chúng tôi đã gặp nhiều người dân ở các khu TĐC hỏi chuyện về đời sống từ khi đến nơi ở mới, ai cũng nở nụ cười mãn nguyện. Anh Đinh Văn Thìn, ở thôn Đắk Lai, xã Đắk Nên cho hay: Ngay vụ đầu gia đình anh thu hoạch lúa rẫy được chừng 20 bao (mỗi bao chừng 50kg), nhẩm tính cũng được cả tấn thóc. Đấy là chưa kể đến sản lượng sắn, bắp trồng xen canh.

Đất rộng, vườn quanh nhà ngoài trồng rau, anh còn thả gà, nuôi vịt. Thìn kể, số tiền đền bù, ngoài việc mua sắm vật dụng cần thiết, anh mua được đàn bò 5 con, dư được 80 triệu, anh gửi ngân hàng lấy lãi để giải quyết những việc phát sinh. Khuôn mặt rạng ngời của chủ ngôi nhà mới, với số tài sản, nói như anh là “như mơ” đã nói lên tất cả.

Thôn Đức Vương, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), là thôn nghèo nhất tỉnh. Trước đây, người dân sống trong những cái chòi quây qua quýt bằng lá rừng, trông xa như những tổ chim neo vào sườn núi. Giờ thì thôn này chuyển lên khu TĐC mới như một khu phố. Người dân lam lũ khi xưa giờ là chủ nhân những ngôi nhà khang trang. Đã chấm dứt cái cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai”, với bản chất cần cù, bàn tay người nông dân đã biến những khu đất ven nhà trở thành “vườn rau, bể cá”. Nếp sống văn minh, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm “du nhập” nhanh chóng bằng các chương trình truyền hình và phát thanh, mà cách đó chưa lâu điện thắp sáng, máy thu hình, thu thanh đối với người dân ở đây là điều không tưởng.

Lão nông Đinh Văn Huyết sở hữu ngôi nhà to nhất làng kể rằng: Làng ông ngày chưa xa, tuy gọi là làng nhưng nhà nọ liên lạc với nhà kia bằng tiếng hú gọi nhau. Mỗi nhà sống một nẻo, đường giao thông không có, nên vài tháng trời mới đến nhà nhau một lần. Cuộc sống “khép kín” của người dân nơi đây âu cũng là do nghèo khó mà ra. Tiếng là làng nhưng người trong làng không biết hết mặt nhau, trẻ con thất học, người ốm đau bệnh tật không biết bệnh viện, bệnh xá là gì. Giờ thì đổi đời hẳn rồi, nhà nào cũng có của ăn của để, có tiền gửi ngân hàng.

Nhớ lại ngày chưa xa

Có thể nói, Thủy điện Đắkđrinh là công trình có quy mô lớn nhất trên hệ thống bậc thang lưu vực sông Trà Khúc. Nhà máy có tổng công suất 125MW, gồm 2 tổ máy, mỗi năm dự kiến sản xuất 540,9 triệu kWh cung cấp điện năng cho điện lưới quốc gia. Đây là công trình trọng điểm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài nhiệm vụ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia, dự án còn góp phần giảm lũ trong mùa mưa và tăng lưu lượng chống hạn trong mùa khô phía hạ du.

dakdrinh noi dong song phat sang
Một kíp trực vận hành nhà máy

Ngày 23-1-2011, ngày các đơn vị thi công “bổ nhát cuốc” đầu tiên đánh dấu cho sự ra đời một nhà máy phát điện trên vùng “rừng sâu núi thẳm”. Ngày ấy cánh phóng viên báo chí trong khu vực được mời tham dự lễ khởi công đã tranh thủ trao đổi nhanh với lãnh đạo Tổng Công ty LICOGI, đơn vị tổng thầu xây dựng nhà máy, được biết, để triển khai xây dựng công trình này LICOGI đã thành lập Ban Điều hành, với những cán bộ có năng lực dạn dày kinh nghiệm. Đồng thời huy động gần như tổng lực các đơn vị mạnh tham gia thi công các hạng mục quan trọng.

Có thể kể ra đây những đơn vị đã từng tham gia xây dựng nhiều công trình thủy điện lớn của đất nước. LICOGI 9 đảm nhiệm thi công bê-tông, đập dâng, đào hố móng, cửa nhận nước… LICOGI 10 thi công đường hầm chính dẫn nước và các hầm phụ… LICOGI 16.M gia công lắp đặt thiết bị cơ khí. LICOGI Quảng Ngãi chuyên làm nhiệm vụ cung ứng cát cho thi công.

Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều đơn vị. Chỉ tính riêng Tổng Công ty Sông Đà, có sự góp mặt của các công ty: Sông Đà 5, Sông Đà 10, Sông Đà 505, Sông Đà 11, Someco Sông Đà. Tổng Công ty Lũng Lô điều Công ty Lũng Lô 9 tham gia thi công đường hầm…Với một lực lượng thi công hùng hậu, dưới sự chỉ huy của tổng thầu LICOGI, trong hơn ba năm trời ròng rã thi gan cùng “mưa rừng, bão biển”, Đắkđrinh đã về đích đúng hẹn.

Không thể kể hết được khối lượng công việc mà các nhà thầu đã thi công. Chỉ biết rằng, tại nhà máy này có hồ chứa nước với dung tích lên đến 248 triệu m3. Có đường hầm xuyên qua lòng núi dài đến 11km, với đường kính từ 3,5 đến hơn 4m. Một con đập dài 415m, mặt đập rộng 7m, được thi công bằng công nghệ bê-tông đầm lăn (RCC)…

Chỉ riêng việc thi công tuyến đường hầm dài 11 cây số. Đây được coi là một trong những tuyến đường hầm thủy điện thuộc loại dài và phức tạp nhất Việt Nam. So với các hầm thủy điện khác, hầm Đắkđrinh có đường kính nhỏ. Hơn thế, theo thiết kế và do yếu tố địa hình, mỗi hướng mũi thi công hầm rất sâu, có mũi lên đến trên 2km (thông thường, mỗi mũi hầm chỉ sâu trên 1km). Chỉ riêng yếu tố đặc thù này cũng đã gây ra biết bao khó khăn, vất vả cho lực lượng thi công. Lao động trong môi trường vừa chật chội, vừa nóng, đặc biệt là thiếu không khí nghiêm trọng.

Vượt lên trên khó khăn, bằng những sáng kiến và giải pháp thi công hợp lý. Trong hai năm trời ròng rã thi công đường hầm này, các đơn vị thi công đã không để xảy ra bất cứ vụ tai nạn nào. Đây có thể coi là một kỳ tích, khẳng định trình độ, năng lực của đội ngũ chuyên nghiệp thi công đường hầm thủy điện của LICOGI, mà trong đó LICOGI 10 là đơn vị chủ lực.

Cũng như LICOGI 10, LICOGI 9, lần đầu tiên thi công đập dâng bằng công nghệ RCC không chỉ bảo đảm đúng tiến độ, mà quan trọng hơn cả là chất lượng. Đây được coi là công trình quan trọng bậc nhất về tính bền vững có tính vĩnh cửu. Nếu không nắm vững công nghệ, không đủ năng lực làm chủ khoa học, kỹ thuật thì hậu quả khôn lường. Tổng giám đốc LICOGI 9 Nguyễn Văn Cửu, sau khi chỉ huy thi công xong công trình này đã từng thốt lên rằng: “Thành công lớn nhất của LICOGI 9 sau khi thi công xong công trình này, chính là thương hiệu LICOGI 9 đã được khẳng định”.

Khi dòng sông phát sáng

Kể từ ngày 31-5-2014, ngày Tổ máy số 1 phát điện thương mại đến nay, Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh đã trải qua gần 3 năm vận hành liên tục, thời gian chưa phải là dài. Song 1.000 ngày qua là 1.000 ngày chịu nhiều thử thách áp lực. Những người công nhân vận hành nhà máy này đã bắt dòng nước sản xuất trên 1,5 tỉ kWh điện hòa vào lưới điện quốc gia. Đồng nghĩa với sản lượng điện đã sản xuất là số tiền từ nước đem lại trên 1.500 tỉ đồng.

dakdrinh noi dong song phat sang
Một khu tái định cư mới của đồng bào vùng bị giải tỏa để xây dựng Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh

Phó giám đốc Vương Quý Thạch, xuất thân là cán bộ đoàn. Anh lăn lộn với vùng sâu, vùng xa, lăn lộn với núi rừng từ khi khoác trên mình tấm áo màu xanh tình nguyện. Giờ lại tiếp tục với công việc quản lý của người cán bộ nhà máy. Những năm xây dựng dự án này, anh cùng với ban lãnh đạo công ty “bám trụ” tại công trình. Nhiều cái tết, dù chỉ cách nhà mấy chục cây số, mà không thể nào “dứt” công việc được để về sum họp với gia đình.

Anh hào hứng kể với chúng tôi rằng, kể từ khi vận hành thương mại đến nay, nhà máy đã phát huy tối đa năng lực, tham gia thị trường điện cạnh tranh với mục tiêu sử dụng nguồn nước đạt hiệu quả cao nhất. Ngay từ những ngày đầu, năm đầu nhà máy đã hoạt động hết sức hiệu quả. Trong 3 năm liền (2014-2016), Công ty Thủy điện Đắkđrinh đều có lãi trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, năm 2016, mặc dù Ennino gây hạn hán, cùng với đó là tỷ giá biến động với nhiều bất lợi nhưng công ty vẫn đạt lợi nhuận trên 87 tỉ đồng.

Còn nhớ, năm 2012 khi cả công trường xây dựng nhà máy đang hối hả về đích. Quảng Ngãi gặp trận mưa lớn, hạ lưu sông Trà Khúc ngập nặng. Người ta nghĩ ngay đến Thủy điện Đắkđrinh “xả lũ”. Ý kiến tới tấp gửi về các cơ quan chức năng “đòi” xử lý nhà máy này. Trận lũ bất ngờ và gây “tiếng oan” ấy cho Công ty Thủy điện Đắkđrinh, lại chính là chứng cứ “minh oan” đầy sức thuyết phục.

Bây giờ sau 3 năm đi vào vận hành chính thức và làm nhiệm vụ cấp nước trong mùa hạn cho sản xuất nông nghiệp, điều tiết lũ vào mùa mưa cho hạ lưu. Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh đã khẳng định được vai trò của mình. Cả Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Trần Hồng Thắng và Giám đốc Đàm Đức Thông đều khẳng định rằng: Nhà máy đã và đang phát huy rất tốt vai trò của mình. Trong những năm qua công ty đã ký và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi về cấp nước trong mùa hạn cho hạ du, đặc biệt là ưu tiên cho công tác chống hạn. Nhất là phát huy tốt vai trò vận hành nhằm giảm lũ cho hạ du trong các mùa mưa lũ. UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao tinh thần hợp tác đầy trách nhiệm của công ty, bằng tấm bằng khen ghi nhận thành tích này.

Tháng 4-2012, khi đến kiểm tra tiến độ xây dựng nhà máy và làm việc với lãnh đạo hai tỉnh: Quảng Ngãi và Kon Tum, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lúc đó là ông Đỗ Văn Hậu đã cam kết ưu tiên dành phần vốn trong Quỹ An sinh xã hội của PVN để đầu tư các hạng mục ở khu vực TĐC của hai địa phương. Thực hiện sự cam kết đó, trong những năm qua Công ty Cổ phần Thủy điện Đắkđrinh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của PVN và hai địa phương, tổ chức xây dựng nhiều công trình dân sinh với tổng mức đầu tư lên đến 14,3 tỉ đồng (Quảng Ngãi 2,5 tỉ và Kon Tum 11,8 tỉ đồng). Nhờ vậy nhiều điểm trường mới ở các khu TĐC được xây dựng khang trang. Trẻ em vùng sâu, vùng xa huyện Kon Plong có những điểm trường mới…

Dòng Đắkđrinh phát sáng đã làm đổi thay một vùng đất, làm đổi đời biết bao phận người. Dấu ấn ấy đang tỏa sáng và bừng lên sức sống mới ở nơi xa xôi trập trùng đồi núi.

Dự án Thủy điện Đắkđrinh được xây dựng tại lưu vực sông Đắkđrinh, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách thành phố Quảng Ngãi về phía tây khoảng 90km. Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng toàn dự án là 1.657,97ha.

Đây là dự án có công suất lớn nhất trong quy hoạch bậc thang Thủy điện sông Trà Khúc và là một dự án trọng điểm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án do Công ty CP Thủy điện Đắkđrinh, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư. Công suất 125MW/ 2 tổ máy.

Dự án được khởi công vào tháng 1-2011. Vào lúc 16h10’ ngày 13-1-2014, Công ty Cổ phần Thủy điện Đắkđrinh đã tổ chức thả rotor Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh thành công. Nhà máy hoàn thành phát điện thương mại Tổ máy số 1 vào tháng 5-2014 và Tổ máy số 2 vào tháng 9-2014

Dự án hoàn thành sẽ góp phần làm tăng lưu lượng cấp nước về mùa hè cho vùng hạ du và cắt lũ cho hạ lưu về mùa lũ lụt. Đặc biệt sẽ tạo nguồn nước ngọt phục vụ ổn định cho Khu kinh tế Dung Quất. Nhà máy có công suất lắp máy 125MW. Tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức BOO, Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh được thiết kế 2 tổ máy và trạm phân phối 110kV. Diện tích chiếm đất của dự án khoảng 2.000ha, trong đó diện tích ngập lòng hồ hơn 900ha. Khi dự án hoàn thành sẽ phát điện hòa vào lưới điện quốc gia với lượng điện bình quân 540 triệu kWh/năm.

Đây là nhà máy thủy điện có đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam (11km). Có khối lượng thi công hết sức đồ sộ, khởi công lần đầu từ năm 2009, giai đoạn cao điểm có lúc huy động trên 4.000 nhân công. Đường kính hầm chỗ rộng nhất khoảng 4,5m, nhỏ nhất khoảng 2m đi lắt léo trong lòng núi vô cùng phức tạp. Việc hoàn thành đường hầm này niềm tự hào của những người làm thủy điện, thể hiện trình độ kỹ thuật đào hầm của những người thợ Việt Nam.

Lâm Quý

DMCA.com Protection Status