Trần Nhật Huy - Giám đốc Công ty Khí Cà Mau:

Đáng sợ nhất là sự tự mãn…

07:20 | 17/04/2013

1,105 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Đã có nhiều bài viết về anh, nhưng với tôi, Trần Nhật Huy - Giám đốc Công ty Khí Cà Mau vẫn luôn là một ẩn số. Một người còn trẻ như thế, không những liên tục có nhiều sáng kiến làm lợi hàng tỉ đồng, mà còn đảm đương tốt vai trò người đứng mũi chịu sào ở một công ty có doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Đằng sau vóc dáng không thật cao lớn đó ẩn chứa điều gì? Đằng sau nụ cười hồn hậu đó, là một lối tư duy như thế nào để đi nhanh và đi một cách chắc chắn đến thế ở tuổi tam thập nhi lập, trong một lĩnh vực có thể nói là bất cứ thành công nào cũng phải đổi bằng lao động thật sự, trí tuệ thật sự như dầu khí?

PV: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển từng nói: Tư duy mạnh hơn kinh nghiệm. Cá nhân anh thì sao? Tư duy hay kinh nghiệm mới là yếu tố làm nên thành công của anh cho đến lúc này?

Trần Nhật Huy: Thực ra khó mà nói tư duy hay kinh nghiệm mạnh hơn, tùy theo từng công việc và từng ngành nghề. Có công việc lao động trí óc phức tạp, đòi hỏi tư duy phải sâu sắc, nhưng có những công việc cần phải trải qua thực tiễn rèn luyện nhiều lần mới trở thành kỹ năng, kỹ xảo, ví dụ như tay nghề thợ giỏi hay các kỹ năng như đàm phán, thuyết trình… Với tôi thì tư duy là điều kiện cần, nhưng thực tiễn là điều kiện đủ, nhiều khi qua thực tiễn thì tư duy sẽ được mài dũa, càng trở nên sắc bén hơn. Có những vấn đề mình nghĩ đơn thuần dùng tư duy để giải quyết, nhưng thực ra tư duy, hiểu biết đó chỉ hình thành sau những năm trải nghiệm trong thực tiễn.

PV: Anh được xem là cây sáng kiến của PV Gas, bí quyết để có được sáng kiến, nhất là những sáng kiến hàng nghìn tỉ của anh là gì?

Trần Nhật Huy: Với riêng tôi, tôi thấy, để có được sáng kiến trong công việc hằng ngày thì cần có các yếu tố sau: Điều đầu tiên là phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, vì có bột mới gột nên hồ được. Thứ hai, phải có tâm huyết và đam mê, luôn muốn công việc được cải tiến tốt hơn, không bằng lòng với hiện tại. Thứ ba là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tâm lý con người ngại thay đổi và mọi thay đổi đều tiềm ẩn những rủi ro. Tuy nhiên, một môi trường làm việc công bằng và khuyến khích sự sáng tạo mới chính là yếu tố then chốt để hình thành và phát triển ba yếu tố trên.

PV: Trong thực tiễn của ngành công nghiệp khí, nhiều sáng kiến chỉ được hình thành nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, các nhóm chuyên ngành với nhau. Kinh nghiệm làm việc theo nhóm của anh là gì?

Trần Nhật Huy: Thực ra một vài năm nay, sau khi làm Giám đốc Công ty Khí Cà Mau thì tôi ít phải trực tiếp làm kỹ thuật, vì anh em kỹ thuật bây giờ nhiều người vững lắm rồi. Còn kinh nghiệm làm việc theo nhóm của tôi là: Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mọi người, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, nêu vấn đề đang cần giải quyết để mọi người cùng thảo luận dựa trên những căn cứ thuyết phục (tài liệu, kinh nghiệm thực tiễn…) để phát triển, tìm ra cách giải quyết tối ưu; phát huy vai trò của người trưởng nhóm, tránh biến cuộc thảo luận thành cãi vã (do quá dân chủ vì thực tế nhiều người nói thì hay nhưng chẳng có căn cứ hay logic gì cả, chỉ lý thuyết suông mà thiếu thực tế) hoặc không ai dám đưa ra ý kiến gì (vì trưởng nhóm độc đoán). Nên, làm việc theo nhóm rất cần có một người trưởng nhóm có trình độ chuyên môn, biết tổng hợp, phân tích, biết gợi mở, lắng nghe, biết cách điều hành một buổi họp hay thảo luận.

PV: Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, anh khẳng định quyền lực hay tài chính chưa phải là thứ mà bạn trẻ cần đạt được bằng mọi cách. Vậy, một người trẻ cần đạt tới điều gì trước tiên? Và như thế nào thì được xem là một người trẻ thành công?

Trần Nhật Huy: Theo tôi, tuổi trẻ trước hết cần tạo dựng và khẳng định được giá trị, năng lực thực sự của cá nhân mình, bằng trình độ chuyên môn (trong thực tế công việc chứ không phải bằng cấp), bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc, với tập thể, dám dấn thân và rèn luyện mình trong thực tiễn và chịu khó quan sát, học hỏi. Còn quyền lực hay tiền bạc sẽ tự đến sau khi những nỗ lực, đóng góp của chúng ta được tập thể và xã hội ghi nhận.

PV: Làm quản lý khi tuổi còn trẻ hẳn cũng có những khó khăn riêng, nhất là khi người Việt mình vẫn còn có lối suy nghĩ kính trên nhường dưới. Trên cương vị hiện tại của mình, anh hành xử như thế nào đối với những cấp dưới nhiều tuổi hơn, thậm chí có người bậc cha chú?

Trần Nhật Huy: Tôi đặt cho mình vài nguyên tắc khá đơn giản để quản lý một tập thể. Trước hết, phải làm cho cấp dưới phục mình về kiến thức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, thấy được tâm huyết của mình với công việc chung, với sự phát triển của tập thể để có sự đồng cảm (thực tế làm quản lý chắc chắn sẽ có nhiều quyết định ảnh hưởng đến người này người khác, không thể tròn vo được, nhưng nếu mọi người hiểu mình hoàn toàn vì công việc chung thì mọi quyết định sẽ dễ dàng triển khai hơn mà ít bị phản ứng). Sau đó, phải làm cho mọi người nể và quý mình vì cách sống, cách cư xử (đàng hoàng, tôn trọng con người, hòa đồng, khiêm tốn, không vụ lợi, không hách dịch với cấp dưới, nịnh bợ cấp trên…). Đặc biệt, phải luôn công bằng và khách quan, đánh giá nhân viên theo hiệu quả công việc cũng như mức độ cống hiến xây dựng tập thể, không được phân biệt thân quen hay ưu tiên ai hơn ai. Cuối cùng, phải quản lý theo hệ thống, mọi thứ phải rõ ràng, cụ thể, chứ không cảm tính. Người quản lý chỉ là người xây dựng hệ thống quản lý, giám sát quá trình vận hành của hệ thống đó rồi tìm cách cải tiến mà thôi. Tôi nghĩ, nếu làm được như thế thì dù cấp dưới có nhiều hay ít tuổi hơn cũng không phải là vấn đề gì khó khăn.

PV: Vậy còn nhường dưới? Nếu một cán bộ cấp dưới tỏ ra vượt trội hơn anh ở một lĩnh vực nào đó, hay một thời điểm nào đó?

Trần Nhật Huy: Đó là điều rất đáng mừng. Vì tôi quan niệm con người là nguồn lực quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp, người quản lý giỏi là người quản lý được những người giỏi hơn mình. Cấp dưới càng có nhiều người giỏi và phối hợp tốt với nhau thì chứng tỏ tập thể mà mình xây dựng càng có khả năng phát triển bền vững.

PV: Thời xưa vẫn có quan niệm: Thiếu niên đăng khoa là một trong ba điều… kém may mắn. Cá nhân anh thấy mình thành đạt hay chưa? Và điều đó có tạo nên áp lực gì đối với anh không? Tại sao?

Trần Nhật Huy: Tôi đang được làm những việc mình thích và tạm hài lòng với những gì đã đạt được cũng như đang cố gắng, hy vọng và hình dung một kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai. Tuy nhiên, áp lực trong công việc và trong cuộc sống cũng lớn vì mỗi hành động, việc làm của mình đều ảnh hưởng ít nhiều đến tập thể và các cá nhân liên quan, cũng như luôn có nhiều người quan sát, đánh giá. Tuy nhiên, đáng sợ nhất vẫn là tâm lý tự mãn, an phận của chính bản thân mình.

PV: Vậy một kết quả tốt hơn trong tương lai gần của anh là gì? Ở trên cả hai góc độ: cá nhân và tập thể?

Trần Nhật Huy: Tiếp tục xây dựng tập thể Công ty Khí Cà Mau ngày một phát triển bền vững, có văn hóa đặc trưng với 4 giá trị cốt lõi “chuyên nghiệp, trách nhiệm, sáng tạo, kết nối”, trở thành một đơn vị lớn, quan trọng trong Tổng Công ty Khí Việt Nam, là nòng cốt để phát triển các dự án khí, công nghiệp khí tại khu vực Tây Nam Bộ trong thời gian tới.

PV: Xin chúc cho những dự định của anh sớm thành công!

Thành Lê (thực hiện)

DMCA.com Protection Status