Dấu ấn khoa học ở Vietsovpetro

07:57 | 20/08/2012

1,183 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Với vai trò là “đầu não” khoa học cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro, Viện Nghiên cứu Khoa học & Thiết kế Dầu khí biển đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng và không thể thiếu trong guồng máy hoạt động hiệu quả của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro…

Bám sát mỗi mét khoan

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển động của Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí Biển (NCKH&TK) trong 27 năm qua (1985-2012) có thể khẳng định rằng, từ những mét khoan thăm dò dầu khí đầu tiên cho đến những tấn dầu khai thác hiện nay của Vietsovpetro (VSP) luôn ghi đậm dấu ấn của Viện.

Nói về vai trò khoa học công nghệ của Viện NCKH&TK, Viện trưởng Nguyễn Văn Đức cho biết: Viện có vai trò đặc biệt quan trọng được thể hiện và minh chứng thông qua các nhiệm vụ chính như: Thiết lập chính sách kỹ thuật và công nghệ cho VSP nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả trong công tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí. Soạn thảo và hoàn thiện cũng như ứng dụng một cách hiệu quả công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu khoa học, khảo sát thiết kế và thiết kế thử nghiệm trong mọi lĩnh vực hoạt động của VSP.

Bên trong Phòng thí nghiệm mẫu lõi (core) của Viện NCKH&TK

Với một đội ngũ các nhà khoa học được đào tạo bài bản, có tâm huyết, Viện NCKH&TK đã đóng vai trò “đầu não” khoa học của VSP, là bộ phận tư vấn khoa học công nghệ, tính toán thiết kế, lập các văn liệu kinh tế kỹ thuật và đề xuất tất cả các giải pháp công nghệ - kỹ thuật trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí cho VSP. Bằng những giải pháp khoa học công nghệ tối ưu được đề xuất và áp dụng, Viện đã bảo đảm vận hành mỏ một cách an toàn, đảm bảo duy trì sản lượng khai thác hàng năm theo đúng kế hoạch của Liên doanh VSP.

Hơn nữa, Viện còn lập toàn bộ hồ sơ thiết kế công nghệ và dự toán, các luận chứng kinh tế - kỹ thuật và nghiên cứu phương án khả thi cho việc tổ chức triển khai các công trình lớn và quan trọng của VSP, bao gồm từ dự án tìm kiếm thăm dò, dự án khai thác mỏ, dự án xây dựng các công trình biển… Ngoài ra, Viện tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu mỏ, tính toán trữ lượng, đề xuất và áp dụng công nghệ mới trong khoan giếng, khai thác, vận chuyển và xử lý vỉa, xử lý giếng. Tổ chức nghiên cứu giám sát toàn bộ quá trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác mỏ…

Có thể nói Viện NCKH&TK là nơi hội tụ của gần 450 cán bộ nghiên cứu khoa học dầu khí (trong đó Việt Nam chiếm 371 người, Nga có 76 người) là nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao của VSP nói riêng và ngành Dầu khí nói chung. Trong đó gồm 278 kỹ sư, 45 thạc sĩ và 1 tiến sĩ khoa học, 24 tiến sĩ là những chuyên gia đầu ngành Dầu khí có uy tín ở Việt Nam và trên thế giới. Càng hãnh diện hơn khi nhiều vị lãnh đạo cấp cao trong ngành Dầu khí và các công ty dầu khí chủ lực đã từng làm việc tại Viện NCKH&TK. Chức năng của Viện NCKH&TK là yếu tố tiên quyết, quyết định đến hoạt động của các bộ phận khác nên có thể coi Viện là một đầu mối thông tin chứa đựng các thông số về Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Các chuyên gia của Viện tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động tư vấn và thẩm định thầu trong cơ cấu của Petrovietnam. Một trong những công trình đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí mà Viện đã làm trong giai đoạn 1996-2000 chính là “Báo cáo chính xác hóa sơ đồ công nghệ, khai thác và xây dựng mỏ Bạch Hổ”, đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là công trình mang tính chiến lược, làm cơ sở cho hầu như toàn bộ các hoạt động của Liên doanh VSP cho đến năm 2020. Mặt khác, ứng dụng các ưu điểm công nghệ trong “Chính xác hóa sơ đồ công nghệ…” đã mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước rất to lớn.

Trong giai đoạn 2001 đến nay, Viện đã hoàn thành soạn thảo “Báo cáo sơ đồ công nghệ điều chỉnh mới khai thác và xây dựng mỏ Bạch Hổ” để làm cơ sở cho các hoạt động của Liên doanh. Viện cũng hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ khai thác dầu, tăng cường thu hồi dầu và tối ưu hóa hoạt động của hệ thống bơm ép nước giữ áp suất vỉa trên các mỏ của VSP. Không những vậy, Viện còn tổ chức khảo sát, thiết kế công trình đường ống dẫn khí PM-3 - Cà Mau (dài 326km), đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thủ Đức (dài 61km); thiết kế khai thác sớm mỏ Thiên Ưng - Mãng Cầu và nhiều công trình thăm dò khai thác dầu khí khác…

Gắn khoa học với sản xuất

Điều độc đáo của mô hình Viện NCKH&TK trong hoạt động sản xuất kinh doanh của VSP là các hoạt động khoa học công nghệ của Viện luôn gắn liền với thực tế sản xuất kinh doanh của VSP. Mọi tư vấn khoa học công nghệ, đề xuất các giải pháp kỹ thuật - công nghệ của Viện đều được áp dụng và kiểm chứng vào thực tế sản xuất kinh doanh. Vì vậy nên thời gian trình duyệt đề tài cũng hết sức nhanh chóng, để đáp ứng kịp thời công việc sản xuất trong những trường hợp cấp thiết.

“Cũng chính từ môi trường này mà khoa học công nghệ được ứng dụng và kiểm chứng một cách triệt để, tức thời và hiệu quả nhất, là cơ sở và môi trường tốt nhất cho những định hướng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí của VSP nói riêng và của ngành Dầu khí nói chung”, Viện trưởng Nguyễn Văn Đức khẳng định.

Hàng năm, Viện NCKH&TK thực hiện khoảng 35-38 đề tài nghiên cứu khoa học và 32-34 bộ hồ sơ khảo sát thiết kế thực nghiệm và triển khai 14-16 giải pháp khoa học công nghệ mới. Các đề tài tập trung theo định hướng: Công tác địa chất thăm dò, trữ lượng và tài nguyên dầu khí; khai thác mỏ, kỹ thuật và công nghệ khai thác dầu khí; nâng cao thu hồi dầu; xây dựng và sửa chữa lớn giếng khoan; giải pháp kỹ thuật mới, nâng cao tin cậy, khảo sát và thiết kế sửa chữa các công trình biển và lĩnh vực kinh tế, đảm bảo thông tin và các hướng nghiên cứu khác. Các báo cáo khoa học được trình bày và nghiệm thu thông qua Hội đồng Khoa học của Liên doanh VSP hoặc Hội đồng Khoa học của Viện. Các kết quả nghiên cứu đều được đưa áp dụng vào thực tế sản xuất của VSP.

Theo Viện trưởng Nguyễn Văn Đức, để phát huy vai trò khoa học công nghệ thì nhân tố con người luôn giữ một vị trí độc tôn, nhân lực khoa học công nghệ phải có tâm và tầm. “Tâm có sáng, tầm có cao và vượt trội thì mới mong rằng khoa học công nghệ phát huy hết được vai trò của nó”, Viện trưởng Nguyễn Văn Đức bộc bạch.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện tại và định hướng cho những năm tiếp theo của Viện NCKH&TK là khai thác một cách an toàn và hiệu quả mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng, đặc biệt đối với thân dầu trong móng mỏ Bạch Hổ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện phải khẩn trương hoàn thành chính xác hóa mô hình địa chất, tính toán trữ lượng và điều chỉnh sơ đồ công nghệ khai thác mỏ. Bên cạnh đó, việc định hướng nghiên cứu phát triển mỏ nhỏ, nghiên cứu đánh giá tiềm năng chứa dầu khí của các lô dầu tự do, triển khai bổ sung công tác tìm kiếm thăm dò các lô 04-1, 04-3, 09-1… là những định hướng quan trọng mà Viện cũng đặc biệt quan tâm trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng khác mà Viện cũng đặt ra là tổ chức nghiên cứu và đề xuất phương án nghiên cứu khả thi đưa hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí của VSP ra thị trường thế giới, trước mắt là Liên bang Nga và các nước SNG…

Thế Vinh

(Năng lượng Mới số 147, ra thứ Sáu ngày 17/8/2012)

DMCA.com Protection Status