Đêm tri ân “Nhân vật và Sự kiện” lần thứ 2

10:53 | 08/11/2014

902 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Ngày 07/11/2014, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn thanh niên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức chương trình Đêm tri ân “Nhân vật và Sự kiện” lần thứ 2.

Tham dự chương trình, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình có ông Phạm Văn Xuyên Phó Chủ tịch, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình; đồng chí Ngô Thị Mịn, Bí thư Huyện ủy Thái Thụy, lãnh đạo các Sở ban ngành địa phương.

Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, Cảnh sát Biển Việt Nam có Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Sơn, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Hải Quân; Đại tá Trần Trung Kiên, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển.

Về phía PVN có ông Nguyễn Thanh Liêm, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng Thành viên PVN; ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn; bà Nghiêm Thùy Lan, Phó Chủ tịch Công đoàn DKVN; ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 cùng lãnh đạo các nhà thầu, hơn 500 CBCNV đang tham gia xây dựng dự án và bà con nhân dân các xã Mỹ Lộc, Thái Đô, Mỹ Thọ.

Khách mời đặc biệt của chương trình có Anh hùng Lực lượng vũ trang (AHLLVT) Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc VietnamAirline; AHLLVT, Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ 505 – nhân chứng trận Hải chiến đảo Gạc Ma năm 1988; Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Ngô Thường San, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Đài tiếng nói Việt Nam và 8 AHLLVT tại Thái Bình. 

Ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 khai mạc chương trình.

Khai mạc chương trình, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 khẳng định, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm về công nghiệp điện do PVN đầu tư tại Thái Bình, được Chính Phủ đưa vào là một trong những dự án điện cấp bách của quốc gia. Thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn, Chương trình Tri ân “Nhân vật và Sự kiện” lần thứ 2 với chủ đề “Khi Tổ quốc cần họ biết hy sinh” thể hiện lòng tự hào về truyền thống yêu nước, những trang sử hào hùng, vẻ vang của các thế hệ đi trước. Đây là dịp để cán bộ công nhân viên Ban QLDA, các nhà thầu đang thi công trên công trường học tập, nâng cao nhận thức triển khai thành công dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2.   

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình.

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã bày tỏ lòng trân trọng về công tác an sinh xã hội của PVN dành cho Thái Bình trong những năm qua. Ông Phạm Văn Xuyên khẳng định, Thái Bình với truyền thống anh hùng vẻ vang đang liên tục học tập, chiến đấu trên khắp mọi miền tổ quốc, hải đảo. Thái Bình đang ngày càng vươn lên không chỉ cấy lúa trồng khoai mà còn học tập khoa học kỹ thuật, công nghệ để xây dựng đất nước. Tỉnh Thái Bình đã, đang và sẽ luôn sát cánh cùng lực lượng Hải Quân, Cảnh sát biển, ngành Dầu khí bảo vệ tổ quốc.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, TV HĐTV PVN phát biểu trong chương trình Đêm tri ân "Nhân vật và Sự kiện" lần thứ 2.

Phát biểu trong Chương trình, ông Nguyễn Thanh Liêm, Thành viên Hội đồng Thành viên PVN đã khẳng định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có xuất thân từ những người lính. Truyền thống chiến đấu, hy sinh tiếp bước cha anh trên “mặt trận dầu khí” luôn được CBCNV ngành Dầu khí tiếp nối, phát huy mạnh mẽ. trong những năm qua PVN luôn nỗ lực, kiện toàn và đổi mới phát triển thành một trong những trụ cột kinh tế quốc gia, đóng góp đến 30% GDP của cả nước. Ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 là một trong những đơn vị làm tốt công tác an sinh xã hội của Tập đoàn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Chương trình giao lưu hôm nay đã ôn lại những ký ức hào hùng, giúp chúng ta thêm yêu, thêm tự hào về dân tộc Việt Nam anh dũng, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc.  

AHLLVT Đại tá Vũ Huy Lễ (áo trắng) và AHLLVT Nguyễn Thành Trung mở đầu phần giao lưu.

Mở đầu chương trình là cuộc giao lưu với AHLLVT Nguyễn Thành Trung và AHLLVT Vũ Huy Lễ. Đây là lần đầu tiên, AHLLVT Nguyễn Thành Trung kể lại cuộc hải chiến Hoàng Sa và bí mật chiến dịch sử dụng máy bay chiến đấu F5 để chiếm lại Hoàng Sa vào tháng 11/1974. Những ký ức hào hùng của những người Việt Nam ở bên kia vĩ tuyến 17, lòng yêu nước sục sôi trong những con người Việt Nam khi đất nước bị xâm lăng đã làm hàng trăm người chứng kiến cảm động.

Còn AHLLVT Vũ Huy Lễ thì tái hiện lại về trận hải chiến giữ đảo Cô Lin, Gạc Ma năm 1988. Đại tá Vũ Huy Lễ, một trong những nhân chứng hiếm hoi của trận Hải chiến đảo Gạc Ma đã mưu trí, anh dũng khi quyết định lái tàu HQ 505 thẳng lên đảo, quyết tử để giữ từng tấc đất biển đảo của tổ quốc.

Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Ngô Thường San (thứ 2 bên phải) và Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Ngô Thường San là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng Nhà giàn DK1, dựng cột mốc trên biển đầu tiên đánh dấu chủ quyền của Việt Nam tại bãi đá Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa. Là một trong những người lính giữ biển đầu tiên của ngành Dầu khí, Tiến sĩ Ngô Thường San đã không kìm được tự hào cho biết các ông đã quyết tâm thành công xây dựng giàn DK1. Mặc dù khi đó, tại khu vực bãi Tư Chính: "Chúng ta hoàn toàn không có tư liệu gì về địa chất, luồng lạch. Khi khảo sát khu vực này các chuyên gia Liên Xô lúc bấy giờ và chúng tôi đã rất khó tìm vị trí để đặt giàn bởi đất có độ sâu 30-40m rất ít, dòng nước chảy lại rất xiết. Trong khi đó, Trung Quốc đã cử nhiều máy bay ra uy hiếp, gây hấn nhưng tinh thần của anh em luôn vững vàng, không hề nao núng. Đến ngày 17/6/1989, chúng tôi đã hoàn thành giàn DK1. Giàn DK1 là nhà giàn đầu tiên của chúng ta trên biển đông để khoan và tìm hiểu địa chất, có mục đích mở rộng hoạt động dầu khí trên Biển Đông. Giàn DK1 khẳng định chủ quyền, đặc quyền kinh tế và cũng là những chốt tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài các công trình Dầu khí của nước ta".

Đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đã trực tiếp chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại Quần đảo Trường Sa, những ký ức sống động của chiến sĩ, nhân dân nơi địa đầu tổ quốc luôn khắc sâu trong tâm hồn qua những bài báo, bài thơ của ông về Trường Sa. Thời gian khó của những người lính những năm đầu giữ đảo, xây dựng mở mang vùng địa đầu trên biển của tổ quốc được Nhà thơ Trần Đăng Khoa khắc họa rất cụ thể như chuyện thiếu nước ngọt nên lính phải cạo trọc đầu, không mặc quần áo…  

Ông Đinh Văn Sơn, TV HĐTV PVN (ngoài cùng bên trái), trao quà cho thân nhân 64 liệt sĩ trận hải chiến Gạc Ma.

Chương trình đã trao tặng 64 phần quà có giá trị 192 triệu đồng cho 64 gia đình thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, trong đó có 8 gia đình tại Thái Bình và tặng lực lượng cảnh sát biển 150 triệu đồng.

Thành Công  

DMCA.com Protection Status