DMC định hướng phát triển sản xuất hóa phẩm

07:00 | 17/02/2013

1,035 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các loại hóa chất, hóa phẩm phục vụ cho ngành Dầu khí, Tổng Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) khẳng định, sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ hóa kỹ thuật là 3 chân kiềng vững chắc cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty.

Nhằm nâng cao uy tín và kinh nghiệm của một đơn vị sản xuất kinh doanh hóa chất, hóa phẩm đầu tiên trong ngành Dầu khí và triển khai thực hiện kế hoạch theo chiến lược sản xuất kinh doanh giai đoạn 2011-2015 đã được Tập đoàn phê duyệt, DMC quyết tâm chú trọng phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, trong đó hóa chất phục vụ khai thác Dầu khí là một trong các mảng sản phẩm chiến lược của DMC từ 2010 đến nay.

Tổng giám đốc DMC Tôn Anh Thi cho biết, lĩnh vực sản xuất tại các đơn vị thành viên đạt doanh thu khoảng 300 tỉ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu hợp nhất của DMC. So với doanh thu năm 2012 đạt 3.200 tỉ đồng thì con số trên quả là khiêm tốn. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận từ khối sản xuất không cao song đã mang lại việc làm cho gần 400 lao động đang làm việc tại các đơn vị thành viên của DMC bao gồm: DMC Miền Bắc; DMC Miền Trung; DMC Miền Nam. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống của DMC như: barite, bentonite, xi măng G.... DMC đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, thay thế dần các sản phẩm hóa chất nhập khẩu phục vụ khoan, khai thác dầu khí tại Việt Nam.

Sản phẩm của Nhà máy Hóa phẩm Dầu khí Cái Mép

Xác định mục tiêu ưu tiên

Tốc độ phát mỏ giai đoạn 2012-2015 kéo theo nhu cầu hóa chất phục vụ khai thác Dầu khí tại Việt Nam tăng cao là cơ hội thị trường lớn đối với DMC để thực hiện mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng hóa chất khai thác và dịch vụ kỹ thuật lên tầm quốc tế. Bởi bản chất của việc cung cấp hóa chất cho khai thác Dầu khí đòi hỏi nhà cung cấp phải đầu tư rất lớn về mặt nghiên cứu và phát triển sản phẩm, phải tổ chức chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ tối ưu đi kèm các giải pháp tư vấn kỹ thuật chuyên sâu nên hiện tại phần lớn thị phần vẫn do các công ty nước ngoài có bề dày kinh nghiệm như Baker Hughes, Nalco, Champion Technologies (CTI), Ceca, Behn Meyer… chiếm lĩnh.

Đại diện Ban Kinh doanh của DMC cho biết: “Với lợi thế là đơn vị sản xuất kinh doanh hóa chất trong ngành Dầu khí, đã có uy tín và kinh nghiệm cung cấp hóa chất đi kèm dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn các giải pháp kỹ thuật, đã xây dựng được mạng lưới đối tác mạnh trong và ngoài nước nên DMC vẫn có thể tự tin để tham gia cạnh tranh trong mảng thị trường này. Để giảm chi phí nhập khẩu, giảm giá thành và gia tăng lợi nhuận trong chuỗi cung ứng hóa chất và dịch vụ kỹ thuật cho khách hàng, DMC đang triển khai đầu tư dây chuyền pha trộn hóa chất phục vụ khai thác dầu khí tại Vũng Tàu. Thế mạnh và sự khác biệt của DMC là tập trung sản xuất được các hóa chất khai thác đi từ các nguyên liệu hóa chất gốc. Sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất phù hợp với yêu cầu đặc thù từng mỏ và mục tiêu tối ưu hóa chất cho khai thác nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất cho khách hàng”.

Những cơ sở bước đầu

Đón đầu cơ hội thị trường cung cấp hóa chất phục vụ khai thác dầu khí giai đoạn 2012-2015, trong thời gian qua, DMC đã có sự chuẩn bị tích cực về cơ sở vật chất, nhân lực và không ngừng nâng cao năng lực, kinh nghiệm cung cấp. Hiện nay, cơ sở vật chất của DMC tại Vũng Tàu có thể cơ bản đáp ứng dịch vụ logistic cũng như đầu tư dây chuyền pha trộn hóa chất trong chuỗi cung ứng dịch vụ và hóa chất khai thác của DMC. DMC hiện đang có một  căn cứ hóa chất tại 24/8 Lê Thánh Tông, phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu cách cảng PTSC khoảng 2km và một Nhà máy Hóa phẩm Dầu khí tại cảng Cái Mép, cách Vũng Tàu khoảng 20km.

Ở hai căn cứ hóa chất này, ngoài cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ sản xuất, DMC còn đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm dung dịch khoan, hóa chất khai thác.

Trong công tác phát triển khách hàng đối với lĩnh vực này, được sự ủng hộ, tin tưởng từ Tập đoàn và các khách hàng trong ngành, DMC bước đầu đã triển khai cung cấp một số loại hóa chất khai thác như demulsifier, biocide, flocculant, corrosion inhibitor phục vụ khai thác tại mỏ Đại Hùng; demulsifier cho thử nghiệm công nghiệp tại các mỏ thuộc Vietsovpetro.

Đối với công tác nghiên cứu, phát triển và dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, DMC đã thành lập 1 Chi nhánh DMC-RT với vai trò nhiệm vụ là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật của Tổng Công ty DMC nhằm  tạo ra sự biến đổi về chất trong công tác nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm mới, dịch vụ mới.

DMC xác định đây là khâu quan trọng, then chốt trong chuỗi hoạt động cung cấp của DMC bởi việc tạo ra lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, cũng như các giải pháp tư vấn kỹ thuật tối ưu. Do vậy con người là yếu tố được đặc biệt quan tâm đầu tư từ việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến việc đưa ra các chính sách thu hút nhân lực lao động chất xám để tiếp tục cống hiến cho mục tiêu phát triển của Tổng Công ty.

Hiện nay, DMC đã và đang đưa vào ứng dụng thực tế một số sản phẩm nghiên cứu, pha trộn trong nước như Demulsifier, hệ hóa phẩm xử lý vùng cận đáy giếng, nâng cao hệ số thu hồi dầu tại các mỏ thuộc Vietsovpetro và mỏ Đại Hùng; đồng thời đang tiếp tục xúc tiến thử nghiệm công nghiệp thêm một số hóa phẩm như PPD, biocide, corrosion inhibitor, deoiler… tại các mỏ này.

Tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2012 của DMC, Chủ  tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực đánh giá cao nỗ lực và những kết quả ban đầu trong việc chú trọng nội địa hóa các sản phẩm hóa chất phục vụ khoan, khai thác Dầu khí của DMC. Đồng chí Phùng Đình Thực đề nghị DMC cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để lĩnh hội thêm các kiến thức khoa học, công nghệ mới; đồng thời chú trọng công tác thị trường, bám sát khách hàng; chủ động về nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm hóa chất  phục vụ khoan, khai thác dầu khí. Bởi chỉ có tự lực mới phát triển bền vững.

Nếu như doanh thu của PVN năm 2012 đến từ xuất bán dầu thô (1/3), sản xuất điện, đạm, khí (1/3) và dịch vụ dầu khí (1/3) thì DMC cũng đang có doanh thu từ 3 lĩnh vực kinh doanh (48%), sản xuất (10%) và dịch vụ (42%); tuy nhiên tỷ lệ không đều. Với một tập thể ý chí, giàu quyết tâm, DMC sẽ đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất hóa phẩm và tương lai không xa, doanh thu từ mảng sản xuất hóa phẩm sẽ vững như “kiềng 3 chân” cho DMC.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status