Doanh thu nghìn tỉ trên dòng sông nghèo

16:09 | 28/08/2018

1,470 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Thủy điện Đắkđrinh được xây dựng trên địa bàn 2 huyện nghèo: Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi và Kon Plong của tỉnh Kon Tum. Bản thân Đắkđrinh cũng là một con sông nghèo với nguồn lợi thủy sản ít ỏi. Từ khi có Thủy điện Đắkđrinh, con sông này đẻ ra hàng nghìn tỉ đồng doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Tháng 3/2017, trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập của Công ty CP Thủy điện Đắkđrinh (PV Power DHC), lãnh đạo công ty đã vui mừng thông báo rằng, từ khi nhà máy đi vào vận hành chính thức vào tháng 9/2014 đến tháng 3/2017, Đắkđrinh đã hòa lưới điện quốc gia trên 1,5 tỉ kWh, doanh thu đạt 1.500 tỉ đồng, nộp ngân sách trên 300 tỉ đồng. Năm 2015, công ty được Tổng cục Thuế tặng giấy khen vì chấp hành tốt chính sách thuế.

doanh thu nghin ti tren dong song ngheo
Đập thủy điện Đắkđrinh

Ngoài hiệu quả phát điện, Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh đã góp phần quan trọng vào việc cấp nước tưới tiêu cho vùng hạ du vào mùa khô và điều tiết lũ vào mùa mưa rất hiệu quả.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện của Thủy điện Đắkđrinh đạt 300,2 triệu kWh, bằng 150% kế hoạch 6 tháng và bằng 57% kế hoạch năm 2018; nộp ngân sách 74,7 tỉ đồng, bằng 62% kế hoạch năm 2018. Ở Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh, đa phần các hoạt động sản xuất là tự động. Dữ liệu từ các hệ thống công nghệ sẽ truyền về phòng điều khiển trung tâm. Các công nhân, kỹ sư chỉ dựa vào các nguyên tắc để giám sát vận hành nhà máy.

Thời gian qua, Thủy điện Đắkđrinh đang tiến hành duy tu, bảo dưỡng định kỳ 2 tổ máy. Khối Tổ máy số 1 được bảo dưỡng bắt đầu từ ngày 11/7/2018, dự kiến hoàn thành vào ngày 9/8 nhưng đến 30/7 đã hoàn thành. Khối Tổ máy số 2 hiện đang được bảo dưỡng, bắt đầu từ ngày 10/8, kế hoạch đến ngày 10/9 sẽ hoàn thành, nhưng dự kiến hoàn thành trước 10 ngày.

Điểm đặc biệt ở Thủy điện Đắkđrinh là tổ máy sau ống dẫn, các thiết bị luôn phải làm việc với áp lực nước cao nên các thiết bị khi đại tu phải bảo đảm được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

Đối với các thủy điện khác, các tổ máy phát điện được đặt ngay sau thân đập, nhưng Thủy điện Đắkđrinh thì các tổ máy lại được đặt sau đường hầm dẫn nước dài 10,7km (một trong những đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam). Áp suất tại phần dẫn chảy tổ máy khoảng 33AT, trong khi thông thường chỉ 6-7AT. Vì vậy, các tổ máy của Thủy điện Đắkđrinh phải chịu nhiều áp lực, đồng nghĩa với việc phải bảo đảm được các tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe.

Chỉ riêng các con số kỹ thuật của việc bảo dưỡng hầm dẫn nước này đã khá thú vị. Thể tích nước trong hầm dẫn là 120.000m3, để tháo nước ra phải mất 6 ngày, bơm nước vào mất 3 ngày. Và, chỉ để tháo nước ra thôi cũng phải tuân thủ các biện pháp kỹ thuật chặt chẽ của hội đồng kiểm tra. Nhưng do địa chất tại khu vực khoan hầm tương đối tốt nên sau 4 năm vận hành, hầm không bị xuống cấp nhiều, chỉ là trong quá trình nước chảy, bê tông bị xói mòn nhỏ, chỉ cần trám lại…

doanh thu nghin ti tren dong song ngheo
Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh

Chiếc xe Win vào số 2 mới ì ạch leo được con dốc dẫn lên thân đập Thủy điện Đắkđrinh. Ở chiều ngược lại, những người chở cá đổ dốc ầm ầm cho kịp chuyến chợ sớm ở thị trấn. Cá đó được khai thác từ lòng hồ Thủy điện Đắkđrinh.

Bắt chuyện với một thanh niên ở chợ, chúng tôi biết anh là người miền xuôi lên miền ngược này mưu sinh. Và chiều hôm đó, tôi và một người bạn được người thanh niên ấy dẫn về căn lều nhỏ, cũng ở một đảo nhỏ giữa mênh mông sóng nước hồ Đắkđrinh. Người thanh niên đó tên là Hạ Văn Minh, quê tận Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).

Minh cùng hai người anh trai của mình là Hạ Văn Tĩnh và Hạ Văn Trưởng lên miền ngược này để đánh cá mưu sinh. Người đầu tiên trong ba anh em làm nghề này là Hạ Văn Trưởng, từng đi học trung cấp tàu thủy nhưng không xin được việc. Ở nhà nghèo đói nên Trưởng theo người quen tới các hồ thủy điện đánh cá. Từng lưu lạc khắp các hồ thủy điện trên Tây Nguyên nhưng vì xa nhà, nhớ vợ, nhớ con không chịu nổi, Trưởng lại bỏ về nhà buôn gà vịt, lời lãi chẳng bao nhiêu.

Thấy Quảng Ngãi có hồ thủy điện Đắkđrinh mới hoàn thành, hai anh em Trưởng và Tĩnh bỏ quê miền ngược này, sắm lưới, sắm thuyền lập nghiệp. Rồi họ kéo cả cậu út Hạ Văn Minh lên luôn. Đó là những câu chuyện của anh em họ, tôi cóp nhặt được trong bữa cơm tối nhập nhoạng ánh đèn ắc quy nơi hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ. Bữa cơm ấy toàn cá rô phi lưỡng tính, loại cá nhiều nhất ở hồ này.

2 giờ, Minh và hai người anh của mình dậy đi gỡ cá. Giữa mùa hè mà trên hồ Thủy điện Đắkđrinh đầy sương giá, chảy tràn từ bốn bề vách núi xuống lòng hồ. Chiếc thuyền nhỏ rẽ nước đi, vệt nước dài ở đuôi thuyền như chia đôi mặt hồ tĩnh lặng. Tôi đứng từ trong căn lều của Minh nhìn ra, chỉ thấy cái bóng đèn nơi đầu thuyền ẩn hiện trong sương sớm, rồi mất hút bên hồ ở phía tỉnh Kon Tum.

Thủy điện Đắkđrinh là dự án có công suất lớn nhất trong quy hoạch bậc thang thủy điện sông Trà Khúc và là một dự án trọng điểm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án do Công ty CP Thủy điện Đắkđrinh, doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư. Hồ thủy điện Đắkđrinh rộng khoảng 900ha, nằm trên địa phận 2 huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và Kon Plong (Kon Tum). Vậy nên chuyện buổi chiều Minh đánh cá ở Quảng Ngãi, nhưng buổi tối đánh cá ở Kon Tum là bình thường.

Cái lều của ba anh em Minh ở nhỏ xíu, nằm chon von ở một hòn đảo nhỏ giữa hồ. Lúc chúng tôi lên ở cùng, Minh và hai anh của mình phải mắc võng ngủ, nhường cái sàn nứa trong lều cho khách. Đêm xuống, từng cơn gió nhẹ thổi từ phía lòng hồ, mang theo sương giá rồi luồn từ dưới sàn nứa thổi ngược lên, lạnh buốt. Người ở xa đến như tôi có lẽ chưa quen, cả đêm giấc ngủ cứ chập chờn đứt quãng cả chục lần.

Một ngày của ba anh em Minh cứ quay tròn trong chu kỳ chiều đi thả lưới, tối về nấu ăn, ăn xong thì gọi điện hỏi thăm vợ con, rồi đi ngủ, 2 giờ dậy gỡ lưới, đến khoảng 5 giờ thì đem cá vào thị trấn bán cho người dân, bán không hết thì lại chạy xe vào các khu tái định cư bán cho bà con đồng bào dân tộc. Một cân cá rô khoảng 30 nghìn đồng, một cân cá chép 40 nghìn đồng, trước đó còn có cá tràu, nhưng nhiều người đánh bắt quá, cũng đã hết. “Mỗi ngày một người kiếm được bao nhiêu?”, tôi hỏi Minh. Minh bảo, một ngày mỗi anh em kiếm được từ trăm rưỡi đến hai trăm nghìn đồng, cuộc sống trên này không tốn kém mấy, chủ yếu tiền này để dành gửi về gia đình.

Những người như ba anh em Hạ Văn Minh ở lòng hồ này không phải ít. Từ khi Thủy điện Đắkđrinh hoàn thành, ngoài việc đóng góp vào điện lưới quốc gia, đền bù cho bà con, xây dựng các công trình phụ trợ và dân sinh..., lòng hồ này còn tạo công ăn việc làm cho khá nhiều con người. Số tiền Minh kiếm được mỗi ngày không phải nhiều, không giúp Minh làm giàu được, nhưng ít nhất cũng góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình Minh, gia đình anh Tĩnh, anh Trưởng và nhiều gia đình khác. Đó là những lợi ích tuy nhỏ, nhưng thiết thực mà Thủy điện Đắkđrinh đem lại.

Ngoài hiệu quả phát điện, Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh đã góp phần quan trọng vào việc cấp nước tưới tiêu cho vùng hạ du vào mùa khô và điều tiết lũ vào mùa mưa rất hiệu quả.
doanh thu nghin ti tren dong song ngheo Nhà máy Thủy điện Đakdrinh: Vận hành ổn định và hiệu quả
doanh thu nghin ti tren dong song ngheo Thủy điện Đăkdrinh: Nạp nước đường hầm dài nhất Việt Nam

Hà Anh

DMCA.com Protection Status