Hội Dầu khí Việt Nam

Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Dầu khí

06:30 | 03/04/2018

893 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong nhiệm kỳ 2014-2017, Hội Dầu khí Việt Nam đã hoạt động tích cực, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Trước thềm Đại hội lần thứ III của Hội, phóng viên Báo Năng lượng Mới có bài phỏng vấn TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) về hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua và phương hướng nhiệm kỳ tới.

PV: Thưa Chủ tịch, với vai trò là người đứng đầu Hội Dầu khí Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 2014-2017, xin Chủ tịch cho biết một số kết quả nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua?

dong gop quan trong vao su nghiep xay dung va phat trien nganh dau khi
TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

TS Ngô Thường San: Là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập với mục đích tập hợp những người làm công tác khoa học - kỹ thuật dầu khí với mong muốn đồng hành và đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của ngành, nên mọi hoạt động của Hội đều gắn với các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ở nhiệm kỳ II, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đạt những thành tựu quan trọng, cơ bản hoàn thành những mục tiêu cốt lõi xây dựng Tập đoàn đồng bộ, hoàn chỉnh chuỗi giá trị của ngành Dầu khí, hoạt động trong nước và mở rộng ra cả nước ngoài, có đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của đất nước, ngân sách Nhà nước, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

Nhưng ngoài những thành tựu trên, chúng ta cũng đã chứng kiến Tập đoàn trải qua giai đoạn thăng trầm, nếu không nói là cuộc khủng hoảng đầy khó khăn khách quan và chủ quan từ năm 2015 đến nay. Có thể nói chưa lúc nào PVN phải đương đầu với những khó khăn như hiện nay. Tập đoàn phải tổ chức sản xuất kinh doanh (SXKD) trong điều kiện thuận lợi ít, nhưng khó khăn, bất cập, thách thức nhiều: giá dầu thô lao dốc sâu dự báo còn kéo dài nhiều năm chưa phục hồi, sản lượng dầu ở nhiều mỏ chủ lực đang ở thời kỳ khai thác suy giảm, hoạt động thăm dò, khai thác phải triển khai ra vùng nước sâu, xa bờ, nhiều rủi ro, an ninh không ổn định, đầu tư nước ngoài thu hẹp, doanh thu dịch vụ kỹ thuật sụt giảm, giá thành thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng tăng, nhưng đòi hỏi phải duy trì sự phát triển bền vững khi tiềm lực yếu, thiếu sức cạnh tranh. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả SXKD, doanh thu, đóng góp ngân sách Nhà nước của Tập đoàn, gây tình trạng thiếu việc làm ở nhiều đơn vị trong ngành Dầu khí, tác động tiêu cực đến tâm lý người lao động.

Đồng hành cùng Tập đoàn, Hội Dầu khí Việt Nam luôn tập trung tìm giải pháp cùng tháo gỡ khó khăn, nhằm ổn định tâm lý người lao động, huy động các nguồn lực, kiến nghị các cơ chế hỗ trợ nâng cao hiệu quả SXKD của các đơn vị, những biện pháp để nhanh chóng tạo được sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong hoạt động phản biện, Hội đã đóng góp ý kiến xây dựng các đề án về chiến lược phát triển toàn ngành cũng như trong các lĩnh vực hoạt động cốt lõi, phản biện cho các đề án đánh giá trữ lượng và phát triển mỏ trong và ngoài nước.

Hội cũng đã thực hiện theo đơn đặt hàng của Tập đoàn xây dựng Quy chế bổ sung về “Phân cấp và xét duyệt trữ lượng dầu, khí và condensate”, hoàn thành biên soạn lần thứ 2 công trình khoa học tổng hợp về “Địa chất và tài nguyên dầu khí Việt Nam”, cũng như “Quy chế xét duyệt và khen thưởng các công trình khoa học công nghệ” cấp Tập đoàn.

Về tổ chức, Hội cũng đã xây dựng và phát triển hiệu quả mạng lưới các chi hội thành viên, tập hợp lực lượng làm công tác khoa học công nghệ, quản lý kinh tế trong lĩnh vực dầu khí ở các địa bàn nơi có các công trình dầu khí…

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội còn trăn trở vấn đề gì?

TS Ngô Thường San: Sự suy giảm về kết quả SXKD, đóng góp ngân sách Nhà nước, một số công trình đầu tư không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành Dầu khí Việt Nam. Để lấy lại lòng tin của lãnh đạo, của công luận như thời kỳ “hoàng kim của dầu khí” người dầu khí chỉ có thể khắc phục bằng thành quả lao động của mình, bằng sự nâng cao hiệu quả đầu tư, kết quả SXKD, bằng những đột phá về giải pháp khoa học công nghệ. Đó cũng là trách nhiệm của các hội viên cá nhân cũng như các hội viên tập thể của Hội Dầu khí Việt Nam.

dong gop quan trong vao su nghiep xay dung va phat trien nganh dau khi
Hội Dầu khí Việt Nam khảo sát thực địa tại đảo Cô Tô
Ở nhiệm kỳ II, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng, cơ bản hoàn thành những mục tiêu cốt lõi xây dựng Tập đoàn đồng bộ, hoàn chỉnh chuỗi giá trị của ngành Dầu khí, hoạt động trong nước và mở rộng ra nước ngoài, có đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của đất nước, ngân sách Nhà nước, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

PV: Chủ tịch có thể chia sẻ một số định hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới?

TS Ngô Thường San: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đã chỉ ra quan điểm, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để xây dựng và phát triển ngành/Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Qua gần 3 năm thực hiện, tình hình PVN so với thời điểm xây dựng Chiến lược đã khác đi rất nhiều theo hướng thuận lợi ít đi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Vì thế, Hội kiến nghị Tập đoàn rà soát lại toàn bộ tình hình hoạt động trong từng lĩnh vực cốt lõi, đánh giá tình hình triển khai, các khó khăn, thách thức, các vấn đề cần giải quyết đối với từng lĩnh vực, đâu là động lực cho sự phát triển, tạo thế và lực, sức cạnh tranh của Tập đoàn trong hội nhập, các giải pháp mang tính đột phá, khả năng thu xếp vốn và tổ chức thực hiện như thế nào? Song song với đó, cần tổng kết rút kinh nghiệm về các vấn đề liên quan tới công tác quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc, hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ, xác định khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự là điểm tựa cho sự phát triển.

Trữ lượng dầu khí còn phong phú nhưng tập trung nhiều ở các mỏ nhỏ, các mỏ phi truyền thống, rủi ro cao, ngoài ra do giá dầu giảm nên nhiều mỏ trở thành cận biên kinh tế nếu phát triển khai thác, vì thế cần kiến nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục thăm dò và phát triển các dạng mỏ này để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng. Kiến nghị với Tập đoàn xây dựng những hướng dẫn về giải pháp khoa học công nghệ nâng cao hệ số xác suất thành công, giải pháp về xây dựng mỏ kết nối hệ thống, gọn nhẹ, giảm chi phí tấn dầu thăm dò và khai thác.

Nghiên cứu và đề xuất phương án, giải pháp tái cấu trúc khối dịch vụ kỹ thuật - công nghệ theo hướng tích hợp nội lực và đồng bộ để có thể thực hiện các công trình EPCI kết hợp với nâng cao năng lực duy tu, bảo dưỡng lớn, cung ứng thiết bị để có thể cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Kiến nghị và cùng Tập đoàn nghiên cứu những giải pháp đồng bộ về khoa học công nghệ, thị trường, đa dạng nguồn lực để phát triển ngành lọc dầu kết hợp với hóa dầu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và ở khu vực theo tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.

PV: Chủ tịch có mong muốn gì về những sự hỗ trợ hoạt động của Hội trong những năm tiếp theo?

TS Ngô Thường San: Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Hội Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Hoạt động của Hội luôn hướng vào những mục tiêu chiến lược của Tập đoàn, đồng hành cùng Tập đoàn với trách nhiệm chủ yếu là phản biện độc lập, tư vấn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hiệu quả quản lý, vì thế hiệu quả và sự thành công hoạt động của Hội phụ thuộc vào mức độ gắn kết và hiệu quả phối hợp với Tập đoàn, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn dưới sự lãnh đạo chung của Đảng ủy Tập đoàn và Hội là một tổ chức nghề nghiệp về khoa học công nghệ dầu khí trong hệ thống chính trị chung của ngành Dầu khí Việt Nam. Vì thế rất cần sự chủ động tiếp cận từ các phía, trước tiên từ Hội Dầu khí Việt Nam và các chi hội trực thuộc.

dong gop quan trong vao su nghiep xay dung va phat trien nganh dau khi
Họp Ban Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam

Với yêu cầu phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả của PVN chắc chắn còn nhiều vấn đề cần phải đặt ra trong quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp, trong đánh giá hiệu quả các công trình đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp, Hội kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục khai thác năng lực của Hội được chứng minh qua thực tiễn hợp tác thời gian qua trong công tác tư vấn, phản biện, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện các mục tiêu chiến lược vì sự phát triển bền vững, ổn định của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tiếng nói của Hội, của các nhà khoa học kỹ thuật dầu khí phải là tiếng nói khách quan và có sức thuyết phục đối với dư luận xã hội, hướng người dân ngày càng hiểu đúng, hiểu sâu về ngành Dầu khí, về đường lối của Đảng trong xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, tạo nên lòng tin, sự đồng thuận và ủng hộ đối với các hoạt động của PVN.

Tiếng nói của Hội, của các nhà khoa học kỹ thuật Dầu khí phải là tiếng nói khách quan và có sức thuyết phục đối với dư luận xã hội, hướng người dân ngày càng hiểu đúng, hiểu sâu về ngành Dầu khí, về đường lối của Đảng trong xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, tạo nên lòng tin, sự đồng thuận và ủng hộ đối với các hoạt động của PVN, cảm thông chia sẻ với những khó khăn mà PVN gặp phải.

PV: Nhân dịp này, qua báo Năng lượng Mới, Chủ tịch có nhắn gửi gì đến các hội viên và người lao động Dầu khí?

TS Ngô Thường San: Trong nhiệm kỳ III của Hội, dự báo tình hình khủng hoảng của PVN sẽ được cải thiện từng bước theo chiều hướng tốt hơn, nhưng những khó khăn khách quan như suy giảm giá dầu, khó khăn về nguồn lực của đất nước, nguồn lực nội tại và sức cạnh tranh còn yếu trong quá trình hội nhập sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực gây khó khăn cho hoạt động SXKD và tài chính của Tập đoàn cũng như các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn là hội viên tập thể của Hội Dầu khí Việt Nam. Vì thế Hội rất mong các hội viên nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động để Hội luôn là chỗ dựa trí tuệ cho PVN, đóng góp tích cực vào sự phát triển “Vì sự nghiệp Dầu khí Việt Nam”.

PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Mai Phương

DMCA.com Protection Status