Đột phá trên thành phố nổi

08:25 | 30/11/2011

661 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với những nỗ lực đáng khâm phục, CBCNV của Xí nghiệp Khai thác Dầu khí thuộc LD Việt Nga Vietsovpetro đã tạo ra bước đột phá vượt qua khó khăn, khẳng định sức mạnh của một tập thể luôn xung kích nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong tình hình, sản lượng khai thác dầu khí chung của các mỏ đang suy giảm, để hoàn thành sản lượng khai thác 6.410.000 tấn dầu trong năm 2011 theo kế hoạch mà Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho là một công việc cực kỳ khó khăn với Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (XNKTDK) thuộc LD Việt Nga – Vietsovpetro. Tuy nhiên, với những nỗ lực đáng khâm phục, CBCNV của xí nghiệp đã tạo ra bước đột phá vượt qua khó khăn, khẳng định sức mạnh của một tập thể luôn xung kích nơi đầu sóng ngọn gió. Với những đóng góp to lớn của xí nghiệp, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Giai đoạn nước rút

Những tháng cuối năm, XNKTDK đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành kế hoạch năm. Trong tình hình chung, các mỏ dầu khai thác đang ở vào giai đoạn cuối, độ ngập nước lớn, trữ lượng dầu giảm mạnh thì việc hoàn thành kế hoạch năm trở nên vô cùng khó khăn.

XNKTDK đã tìm mọi cách để hoàn thành kế hoạch khai thác. Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tăng hệ số thu hồi dầu như: Đẩy nhanh tốc độ khai thác, khoan thêm giếng mới, hạn chế tối đa thời gian dừng khai thác của các giếng,… nhưng sản lượng dầu vẫn không đạt như mong muốn. Trong quý I/2011 việc tăng sản lượng chỉ đạt 735 tấn, quý II là 5.000 tấn, những con số rất khiêm tốn. Để hoàn thành kế hoạch, XNKTDK phải đạt mục tiêu khai thác khoảng 18.000 tấn dầu/ngày đêm. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực sản lượng dầu khai thác chỉ đạt khoảng 17.600 tấn/ngày đêm. Nguy cơ không hoàn thành kế hoạch đang cận kề.

Bài toán được đặt ra cho XNKTDK nói chung và Xưởng Tăng sản lượng của xí nghiệp nói riêng là phải tiếp tục đưa ra các giải pháp để tăng sản lượng khai thác dầu. Phương pháp xử lý axít vùng cận đáy giếng để làm thông giếng, rửa sạch vùng cận đáy giếng, khơi dòng ở các giếng khai thác trên các giàn nhẹ (BK/RC) là phương pháp khả quan hơn cả. Các giếng này trước đây hầu như chưa được thực hiện xử lý axít do công suất các cẩu ở những giàn nhẹ không thể đưa các thiết bị xử lý axít nặng hàng chục tấn lên giàn và các giàn này thường được thiết kế gọn nhẹ, diện tích không đủ cho thực hiện xử lý axít…

Xí nghiệp Khai thác, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Đây được xem là một bài toán khó, phải giải quyết được câu hỏi làm sao thực hiện được xử lý axít ở các giếng nơi giàn nhẹ để nâng cao sản lượng khai thác dầu của giếng, tăng hệ số thu hồi dầu cho khu vực, đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc hoàn thành kế hoạch năm. Nhận thấy có đầy đủ năng lực để thực hiện việc này, XNKTDK đã quyết định triển khai phương pháp xử lý axít trên BK/RC bằng tàu dịch vụ và được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và LD Việt Nga –Vietsovpetro.

Với phương pháp này, các thiết bị phục vụ việc xử lý axít như: máy bơm, ống dẫn, hóa phẩm, máy khuấy… đều được lắp đặt ở tàu, sau đó dùng ống mềm chuyên dụng bơm axít để nối lên giàn khoan và lắp thêm đường ống dẫn ra giếng khoan, như vậy là đã sẵn sàng để thực hiện xử lý axít cho giếng ngay tại tàu dịch vụ.

Tháng 6/2011, kế hoạch thực hiện xử lý axít bằng tàu dịch vụ đã được đưa ra, công tác chuẩn bị cũng được tiến hành. Dự kiến, đến tháng 7 sẽ nhận ống mềm bơm axít chuyên dụng từ nhà cung cấp để triển khai các bước tiếp theo của kế hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm giao hàng nhà cung cấp không có sản phẩm và đề nghị dời đến tháng 11 mới cung cấp. Nhận thấy yêu cầu cấp thiết của công việc, ông Từ Thành Nghĩa, Giám đốc XNKTDK đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng với đối tác trên và thay đổi nhà cung cấp. Ống mềm bơm axít được nhập từ EU về trong thời gian ngắn kỷ lục là 20 ngày, nhờ đó mà công việc được triển khai kịp thời.

Ngày 12/9, ống mềm được đưa về và ngay trong ngày 13/9, con tàu VT 03 đã được lắp đặt các thiết bị xử lý axít rời cảng Vietsovpetro; công nghệ xử lý axít bằng tàu dịch vụ ở các giếng khai thác trên giàn nhẹ BK/RC lần đầu tiên được đưa vào áp dụng tại 4 giếng đang cho sản lượng rất thấp hoặc gần như không hoạt động ở giàn nhẹ RC-1 và BK8 của Vietsovpetro. Việc xử lý đã đem lại hiệu quả cao, sản lượng tăng lên hơn 400 tấn/ngày đêm. Những hiệu quả mà phương pháp này mang lại đã thúc đẩy khí thế làm việc của các công nhân, kỹ sư ở các giàn khoan và là một giải pháp cứu cánh, giảm áp lực hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí của Vietsovpetro.

Đội xử lý axít bằng tàu dịch vụ của Xưởng tăng sản lượng XNKTDK

Hiện tại, phương pháp này đã được thực hiện cho nhiều giếng ở cả giàn nhẹ và giàn cố định, tiện lợi, an toàn, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao. Có những giếng sản lượng từ 70 tấn/ngày đêm sau khi xử lý đã tăng lên đến 1.200 tấn/ngày đêm. Trong 9 tháng đầu năm 2011, kết quả tăng sản lượng của XNKTDK đạt 32.000 tấn dầu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xử lý axít vùng cận đáy giếng cho 4 giếng vào tháng 10, kết quả tăng sản lượng 10 tháng đã đạt hơn 46.000 tấn, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch năm.

Để thực hiện việc này, một đội chuyên xử lý axít bằng tàu dịch vụ thuộc Xưởng Tăng sản lượng của XNKTDK đã được lập ra. Họ được mọi người ở các giàn khoan ví như đội biệt động, làm việc không mệt mỏi ngày đêm; từ sáng sớm đã có mặt và thường làm đến nửa đêm mới quay về. Những công nhân, kỹ sư trong đội thường bắt đầu chuyến hành trình ra biển từ lúc 9-10 giờ đêm, để khi tàu ra đến giàn khoan thì trời sáng và họ bắt tay luôn vào công việc, xong việc họ lại nhổ neo về đất liền.

Có mặt ở Cụm giàn Công nghệ Trung tâm (CNTT) số 2, nơi đảm trách nhiệm vụ khai thác, vận chuyển xử, lý dầu và khí cho các giàn ở vòm bắc mỏ Bạch Hổ. Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến sức làm việc đáng khâm phục của đội quân xử lý axít trong đợt làm cuối cùng của năm trước mùa gió chướng. Cụm giàn khoan như một thành phố nổi, vững chãi giữa biển khơi, xung quanh là những giàn nhẹ, những con tàu lẩn khuất trong màn sương mờ dày đặc. Sóng biển chỉ gợn lăn tăn như những đàn cá nô đùa trên mặt nước. Gió biển mang hơi nước mặn bám vào tóc và da rin rít. Nhóm công nhân, kỹ sư da rám nắng, quần áo bám đầy dầu nhớt vẫn miệt mài với công việc.

Khi chúng tôi có mặt, chiếc tàu VT 03 chở theo thiết bị xử lý axít đã neo đậu vào giàn CNTT số 2 từ bao giờ. Giữa biển cả mênh mông con tàu có trọng tải hàng ngàn tấn cũng trở nên nhỏ bé, những con người lại càng nhỏ bé hơn trên chiếc cẩu khổng lồ để di chuyển lên xuống giữa tàu và giàn khoan. Thời tiết tốt, công việc bơm axít diễn ra khá thuận lợi nhưng để bơm xong 4 bình axít cho giếng số 2, đội tăng sản lượng phải làm việc liên tục từ sáng sớm đến tận nửa đêm.

Đêm đến, những giàn khoan rực sáng giữa biển khơi, những người thợ dầu khí ví đó là những khách sạn năm sao giữa biển đêm. Gió biển thổi mạnh và lạnh hơn. Từ phía xa, những giàn khoan lân cận cũng lên đèn sáng bừng một góc biển. 23h30 tiếng bộ đàm liên lạc giữa những thành viên trong đội xử lý axít vẫn liên tục vang lên để theo dõi các thông số cuối cùng sau khi hoàn tất việc bơm axít. Mọi người hăng say làm việc không kể ngày đêm. Những người thợ quan niệm “làm hết việc chứ không phải làm cho hết giờ”. Những đôi mắt thiếu ngủ vẫn háo hức chờ đến giờ phút gọi dòng giếng số 2 để đón dòng dầu tuôn chảy. Đó là giờ phút thiêng liêng, vui sướng nhất của những người thợ dầu khí, làm họ quên đi tất cả mệt nhọc sau những giờ lao động vất vả.

Ông Nguyễn Duy Hoạt, Xưởng Tăng sản lượng, Đội trưởng Đội Xử lý axít bằng tàu dịch vụ cho biết: Đây là đợt xử lý axít bằng tàu cuối cùng trong năm vì gió chướng bắt đầu thổi mạnh từ tháng 11. Vào mùa này mọi người thường không đi biển vì giông bão nổi lên nhiều, biển động, sóng gió có thể hất văng các bình axít hoặc đẩy tàu rời vị trí khi đang tiến hành bơm; sẽ rất nguy hiểm nếu các ống bơm bị đứt và bắn văng axít ra ngoài. Đây là công việc vất vả, ngoài việc phải đi sớm về khuya, sợ nhất vẫn là những “cơn giông địa phương” bất ngờ nổi lên khi sóng yên biển lặng, trở tay không kịp sẽ rất nguy hiểm.

Những dòng dầu quý giá

Công nghệ xử lý axít ở các giếng khai thác trên BK/RC bằng ống mềm là phương pháp lần đầu tiên được áp dụng trên giàn nhẹ RC-1 và BK-8 ở LD Việt – Nga Vietsovpetro. Phương pháp này có kết quả tốt đã mở đầu cho sự đột phá trong công nghệ xử lý axít của Vietsovpetro. Nếu không thực hiện được việc này, những dòng dầu sẽ mãi mãi nằm lại trong lòng đất không lấy lên được.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng Địa chất XNKTDK, việc sử lý axít với những giếng khai thác ở các giàn cố định đã được thực hiện từ rất lâu. Vietsovpetro hoàn toàn có đủ năng lực để đảm đương việc này. Những ngày đầu khi sản lượng khai thác lớn, đạt 12 – 13 triệu tấn dầu/năm thì không ai nghĩ đến việc xử lý axít với các giếng ở giàn nhẹ vì việc tăng sản lượng lên vài chục tấn lúc đó chỉ như muối bỏ bể. Vào thời điểm đó, bằng các phương pháp khác cũng có thể giúp tăng sản lượng hơn nửa triệu tấn dầu/năm. Tuy nhiên, đến nay đã áp dụng đủ các phương pháp tăng sản lượng nhưng hiệu quả rất thấp, đối với các giếng ở giàn cố định đã được thực hiện xử lý axít nhiều lần nên tiếp tục xử lý axít thì hiệu quả cũng không cao. Việc xử lý axít ở các giếng khai thác trên giàn nhẹ là có tiềm năng nhất để tăng sản lượng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay.

Ông Từ Thành Nghĩa, Giám đốc XNKTDK

Để khoan 1 giếng mới có sản lượng khoảng 100 tấn dầu/ngày đêm thì chi phí khoảng 20 triệu USD. Hoặc nếu thuê nước ngoài thực hiện xử lý axít cho một giếng bằng tàu dịch vụ cũng tốn khoảng 200.000USD/giếng. Do đó, việc thực hiện phương pháp xử lý axít bằng tàu dịch vụ của Vietsovpetro là biện pháp tăng sản lượng tiết kiệm và hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn, chất lượng trong khi đó chi phí chỉ bằng 1/3 so với chi phí thuê của nước ngoài.

Thành công trong xử lý axít ở các giếng khai thác trên giàn nhẹ đã mang lại những dòng dầu quý giá trong thời điểm mà từng m3 dầu trở nên vô cùng quan trọng. Việc này đã làm cho khí thế làm việc ở Cụm giàn CNTT số 2 trở nên háo hức hơn. Các bộ phận đều hăng say với công việc để đón những dòng dầu nóng từ dưới lòng đất đưa lên. Tại đây, tiếng máy móc chưa bao giờ ngừng vang lên, thời điểm nào cũng có người đang làm việc. Công việc của các công nhân, kỹ sư ở giàn được chia thành 2 ca bắt đầu từ 6h 30 đến 18h30 và từ 18h30 cho đến tận sáng hôm sau.

Ông Từ Thành Nghĩa, Giám đốc XNKTDK cho biết: Sản lượng khai thác dầu khí của XNKTDK chiếm 42 – 43% sản lượng khai thác của toàn Tập đoàn. Với truyền thống luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các năm, trong năm 2011 mặc dù tình hình hết sức khó khăn, XNKTDK sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được Nhà nước và LD Việt Nga – Vietsovpetro giao cho. Dự kiến đến cuối năm, việc tăng sản lượng dầu khai thác bằng phương pháp xử lý vùng cận đáy giếng sẽ đạt khoảng 70.000 tấn, tăng 50% so với năm ngoái, đây là con số kỷ lục trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, việc thực hiện thành công xử lý axít nơi giàn nhẹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo đảm tăng hệ số thu hồi dầu cho tầng móng mỏ Bạch Hổ và đảm bảo thời gian khai thác lâu dài hơn, hiệu quả hơn, tăng tuổi thọ của mỏ.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, XNKTDK luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và trở thành cái nôi đào tạo cán bộ chủ chốt, chuyên gia kỹ thuật, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, XNKTDK còn có khả năng cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí với chất lượng cao; trung bình mỗi năm Xí nghiệp thu được khoảng 50 - 60 triệu USD từ thực hiện các dịch vụ bên ngoài, đóng góp vào nguồn thu của Xí nghiệp và tăng thu nhập cho CBCNV. Phương pháp xử lý axít bằng tàu dịch vụ là một trong những dịch vụ mà XNKTDK đẩy mạnh thực hiện trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới với việc ứng dụng nhiều công nghệ kỹ thuật mới nhất, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của xí nghiệp trên thị trường.

Xí nghiệp Khai thác Dầu khí được thành lập ngày 13/2/1987 trên cơ sở Xưởng Khai thác Dầu khí của Vietsovpetro. Trong 24 năm hoạt động, xí nghiệp đã không ngừng lớn mạnh về quy mô sản xuất và tổ chức quản lý, với đội ngũ CBCNV khoảng 1.700 người; thực hiện khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Xí nghiệp hiện đang quản lý hoạt động của 14 giàn cố định, 2 giàn công nghệ trung tâm, 16 giàn nhẹ… Tổng quỹ giếng của xí nghiệp là 324, trong đó có 222 giếng dầu, 58 giếng bơm ép nước, 7 giếng quan trắc, 21 giếng đóng và 16 giếng hủy; sản lượng khai thác dầu khí bình quân của toàn mỏ hiện nay là 18.000 tấn dầu/ngày đêm, sản lượng khí đưa vào bờ đạt 4 triệu m3/ngày đêm, bơm ép nước bình quân đạt 30.000 m3/ngày đêm.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status