Gặp lại “lão tướng” của ngành Dầu khí

07:00 | 10/06/2018

2,614 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tôi có nhiều dịp gặp gỡ và làm việc với ông Phạm Văn Định, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nên khi được giao phỏng vấn ông về Dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là tôi hồ hởi lên đường ngay.   
gap lai lao tuong cua nganh dau khi

Trong ngành xây dựng mỗi khi nhắc tới ông Phạm Văn Định là không ít người trầm trồ giơ ngón tay cái. Cũng phải thôi, bởi ông là một trong những người hiếm hoi đặt dấu ấn tại nhiều dự án lớn trọng điểm quốc gia, bởi sức lôi cuốn từ nhân cách đầy nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc và cực giỏi về chuyên môn quản lý dự án.

Ấy vậy nên dù vài năm không gặp nhau nhưng vừa thấy tôi ở cửa nhà, ông Định đã vồn vã: “Thằng cháu phóng viên hả?”. Thế là câu chuyện của hai chú cháu về thời gian ở rừng U Minh, xây dựng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau cứ thế tuôn tràn đầy hào hứng.

Ông Định bồi hồi kể, hơn 10 năm trước đây, Cà Mau nằm trong danh sách tỉnh nghèo nhất cả nước với GDP năm 2006 chỉ đạt 200 tỉ đồng. Trong đó nông nghiệp chiếm tới hơn tám phần mười. Đặc biệt là hạ tầng giao thông trong tỉnh cực kỳ nghèo nàn, khó khăn, chỉ có đường ôtô thông từ thị xã đến 2 huyện Thới Bình và Cái Nước. Thời điểm đó, cả tỉnh chỉ có hơn 14% hộ dân có điện sinh hoạt...

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về mục tiêu chiến lược sử dụng nguồn khí vùng Tây Nam Bộ để sản xuất điện và đạm phục vụ nhu cầu cả nước và tạo ra sức bật quan trọng giúp tỉnh cực nam Tổ quốc phát triển công nghiệp, Dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, 1 trong 3 dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2006-2010, bắt đầu được triển khai vào năm 2004.

Tổ hợp dự án này bao gồm 3 hợp phần được xây dựng trên diện tích hơn 200ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Đó là đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau lấy khí từ khai thác mỏ PM3 - CAA và từ mỏ Block 46 Cái Nước (phần biển ngoài khơi của Việt Nam) để sản xuất điện và phân đạm. Tiếp đến là Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất 1.500MW. Cùng với đó là Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800 nghìn tấn/năm. Tổ hợp dự án do PVN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 2,5 tỉ USD.

Trên cơ sở nền tảng của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước, sân bay đã được hình thành giúp Cà Mau khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Khi tôi gặng hỏi ông về những gian khó hay kỷ niệm sâu sắc khi xây dựng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, ông Phạm Văn Định chỉ cười và bảo: “Làm dự án, nhất là các dự án của ngành Dầu khí, thì toàn ở chỗ khó khăn thôi. Vậy nên, dù làm hàng chục dự án nhưng tôi vẫn khẳng định rằng, không chỉ Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau hay những dự án sau này thì không phải PVN thì chẳng có doanh nghiệp nào của Việt Nam làm được”.

Còn điều ông Định nhớ nhất không phải là những gian nan thử thách hay cách vượt khó mà là tình cảm, sự ủng hộ nhiệt thành, vô tư của người dân Cà Mau. Đó là điều cực kỳ đáng quý, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm dự án, đi xây dựng các công trình trên khắp đất nước.

Tuy ông Phạm Văn Định nói rất vắn tắt nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được sự tự hào toát ra từ “lão tướng” của ngành Dầu khí, người được ví như “cha đỡ đầu” của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Đây là dự án được hoàn thành sớm hơn kế hoạch trong từng hợp phần, tiết kiệm cho đất nước cả trăm triệu USD so với dự toán. Hơn thế, kể từ khi chính thức khánh thành vào ngày 26-10-2012, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã đem đến sức bật mạnh mẽ không chỉ cho Cà Mau mà cho cả vùng đất chín rồng. Hiện nay, doanh thu lũy kế của cụm công nghiệp này lên tới 28.000 tỉ đồng, chiếm 50% ngân sách của tỉnh và giải quyết việc làm cho 36% số lao động là người dân địa phương. Đặc biệt, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau do PVN đầu tư còn là hình mẫu tổ hợp công nghiệp an toàn, chất lượng và thân thiện với môi trường.

gap lai lao tuong cua nganh dau khi
Nhà máy Nhiệt điện khí Cà Mau 1-2 trong Dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Trong câu chuyện về các dự án của ngành Dầu khí trước đây và hiện nay, có một điểm đặc biệt là ông Phạm Văn Định luôn tỏ ra quan tâm và rất tự hào về những đồng nghiệp trẻ từng cộng tác với ông tại các dự án. Ông kể ra hàng loạt cái tên từ những kỹ sư trẻ, có nền tảng rèn luyện tại địa phương, trình độ chuyên môn cao nay đã có đủ khả năng đảm đương nhiều vị trí quan trọng tại các đơn vị trong Tập đoàn, tại các dự án quan trọng của ngành Dầu khí. Qua lời tâm sự của ông Định, tôi hiểu thêm một tính cách đáng quý của người lãnh đạo, đó là sự công tâm. Ông Định luôn cố gắng đối xử công bằng với tất cả các đồng nghiệp dù họ ở bất cứ vị trí nào, từ đó đánh giá chính xác được khả năng, sự đóng góp của từng người rồi giao việc đúng người. Với ông Định, muốn làm việc với ông phải là người sống có trách nhiệm, nhiệt huyết, trước sau như một.

Khi nhớ đến những “chiến hữu” trong ngành Dầu khí, ông Định nhắc lại một câu nói mà ông đã nói tại Vũng Áng cách đây 3 năm khi “được cho” nghỉ hưu: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn của những người có học thức. Các anh sống và đối xử đúng với người có học”. Có thể nhiều người thoạt nghe câu nói này sẽ nghĩ đây là điều đương nhiên, quá dễ hiểu, nhưng nếu biết rằng, ông Phạm Văn Định là trường hợp duy nhất trong lịch sử ngành Dầu khí đã 2 lần xin được nghỉ hưu vì tuổi tác và gặp bạo bệnh tưởng như không thể vượt qua là ung thư dạ dày. Nhưng khi đó ông đang đảm nhiệm triển khai một dự án quan trọng về nguồn điện của ngành nên lãnh đạo Tập đoàn đã liên tục động viên ông cố gắng ở lại, giúp dự án vượt khó khăn. Mặc dù bị cắt toàn bộ dạ dày, mất hơn 50% sức khỏe, nhưng ông Định vẫn giữ lời hứa, đưa dự án vượt khó, về đích đúng yêu cầu của lãnh đạo Tập đoàn.

Tôi xin mượn câu nói của phu nhân ông Định khi nhắc về người chồng của mình để kết thúc bài viết này: “Chú có 40 năm công tác thì đến hơn 39 năm sống trên công trường”. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, ông Phạm Văn Định là một trong những gương sáng về sự hy sinh hết mình cho các dự án, công trình dầu khí.

Trên cơ sở nền tảng của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước, sân bay đã được hình thành giúp Cà Mau khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thành Công

DMCA.com Protection Status