Ghi ở buổi tọa đàm với các “trưởng lão”

07:00 | 30/08/2014

759 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cổ nhân có câu “Soi vào tấm gương bằng đồng thì thấy được râu tóc của ta. Soi vào lịch sử thì thấy việc ta làm hôm nay là đúng hay sai?”; rồi “Ôn cố tri tân” - ôn lại việc cũ, để biết việc mới đang làm là đúng hay sai?

Năng lượng Mới số 352+353

Tôi cứ suy ngẫm về điều đó, khi được may mắn dự buổi tọa đàm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đương nhiệm với các vị “trưởng lão” trong ngành Dầu khí - đó là các cụ, các ông, các bà đã từng là lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Buổi tọa đàm mang tiêu đề “Lịch sử và Ðịnh hướng phát triển của ngành Dầu khí”.

Số lượng các bậc “trưởng lão” của ngành Dầu khí qua các thời kỳ theo danh sách được mời là 22 người, nhưng lần này vắng một số vị tuổi cao, sức yếu, không thể tới được, cho nên lãnh đạo Tập đoàn sẽ cử cán bộ tới để xin ý kiến.

Các “trưởng lão” có mặt trong buổi tọa đàm hôm nay là ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; ông Trần Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn; ông Phạm Quang Dự, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Nhậm, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; ông Hoàng Văn Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; bà Phan Thị Hòa, nguyên Thành viên Hội đồng Thành viên, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn.

 

Ghi ở buổi tọa đàm với các “trưởng lão”

Nụ cười của hai “trưởng lão” Trần Ngọc Cảnh (trái) và Ngô Thường San

Có thể khẳng định rằng, tên tuổi của các bậc “trưởng lão” này gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Dầu khí trong khoảng 40 năm trở lại đây. Ðó là những người học thật, có khát vọng thật và đã làm việc với một tinh thần trả ơn Tổ quốc. Nói câu này nghe có vẻ hơi sáo rỗng, nhưng đó là chuyện rất thật của các bậc “trưởng lão”. Bởi lẽ trong những năm đất nước còn chiến tranh, trong khi lớp lớp thanh niên lên đường ra trận, thì Ðảng, Nhà nước đã đưa họ đi học để chuẩn bị cho tương lai của ngành Dầu khí sau này. Chính vì vậy, khái niệm “làm việc để trả ơn Tổ quốc” luôn là một động lực để giúp cho các “trưởng lão” vượt lên tất cả những khó khăn, xây dựng một ngành Dầu khí đi từ không đến có, từ chỗ chỉ biết thăm dò, khai thác, nay đã thực hiện được chuỗi giá trị khép kín: Từ thăm dò, khai thác đến chế biến, dịch vụ…

Chủ trì buổi tọa đàm là Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HÐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn và Tổng giám đốc Ðỗ Văn Hậu.

Vấn đề... có 4 vấn đề!

Với một sự khiêm nhường, Chủ tịch HÐTV Nguyễn Xuân Sơn vẫn giữ nguyên cách xưng hô với các vị “trưởng lão” là gọi bác, xưng em. Trong lời khai mạc tọa đàm, Chủ tịch nêu lên 4 vấn đề để các xin “trưởng lão” cho ý kiến. Ðó là: Nhìn vào lịch sử phát triển của ngành Dầu khí, chúng ta rút ra được những bài học gì và những bài học đó có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong tương lai; Ðịnh hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong tương lai là thế nào; Ðể thực hiện được các định hướng đó thì chúng ta cần những giải pháp gì và để thực hiện được những giải pháp đó, cần đề xuất, kiến nghị gì với lãnh đạo Ðảng, Chính phủ và với Tập đoàn?

Ðây quả thật là những vấn đề rất lớn và mang tính chiến lược. Ðể giải đáp cho thật thấu đáo những ý kiến của Chủ tịch thì thời gian tọa đàm chỉ một ngày có lẽ hơi gạn.

Tổng giám đốc Ðỗ Văn Hậu báo cáo với các “trưởng lão” là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có chuỗi dầu khí khép kín ở 5 lĩnh vực cốt lõi: Thăm dò - Khai thác, Công nghiệp Khí, Công nghiệp chế biến, Công nghiệp Ðiện và Dịch vụ Dầu khí. 3 năm vừa qua, Tập đoàn đã phấn đấu quyết liệt để đưa sự phát triển của Tập đoàn theo đúng quỹ đạo. Vì vậy, tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi là chúng ta có thể yên tâm. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta tự bằng lòng, mà vẫn phải điều chỉnh, trong đó có việc xem xét mở rộng, việc tái cơ cấu là tất yếu. Nhưng “tái” cái gì, “tái” như thế nào, thì mặc dù chúng ta đã làm, đang làm và tiếp tục làm quyết liệt với một tinh thần khẩn trương nhưng không được vội vã, quyết liệt nhưng không duy ý chí. Trong 10 năm, 20 năm tới, Tập đoàn chúng ta đi tới đâu, làm được gì và bổ sung gì. Rồi theo từng lĩnh vực cụ thể rằng, điện phải như thế nào, dịch vụ phải tập trung vào cái gì… Và quan trọng nhất là phải nhìn vào những thất bại mà Tập đoàn đã vấp phải trong lịch sử để soi rọi, rút ra bài học kinh nghiệm cho ngày hôm nay.

Ðiểm tựa và... thúc đẩy!

Người phát biểu đầu tiên là ông Nguyễn Xuân Nhậm.

Ông kể lại một câu chuyện cũ, khi Tập đoàn mở rộng sản xuất như triển khai xây dựng Nhà máy Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Cà Mau đã có không ít ý kiến phản đối. Thậm chí, có người còn báo cáo lên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước rằng, nếu như để cho Tập đoàn sản xuất đạm từ khí thì mỗi năm lỗ khoảng 51 triệu USD (so với việc nhập khẩu). Chỉ vì một thông tin không chuẩn xác ấy, mà lãnh đạo Tập đoàn đã phải tới báo cáo cho Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Nhưng họ không biết rằng, nếu không đưa khí vào sản xuất đạm thì chỉ riêng khí đốt bỏ ở một số mỏ mỗi năm cũng mất ngót nghét 20 triệu USD. Ngày ấy, nếu Chính phủ không mạnh tay quyết định thì có lẽ cũng chẳng có Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Cà Mau như bây giờ. Trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí qua các thời kỳ, có những việc chúng ta thất bại. Nhưng soi rọi lại thì sự thất bại đó hầu hết không phải do chúng ta không biết làm, không biết tính, mà có những điều không thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Không có một ngành nghề nào chứa đựng nhiều rủi ro như ngành Dầu khí.

Trong 5 lĩnh vực cốt lõi, theo ông, thì Thăm dò - Khai thác là quan trọng nhất, phải coi đây là điểm tựa cho tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, thời gian tới, Tập đoàn phải dồn lực cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Trong nước thì phải cố gắng khai thác “mót”, “vét”, đồng thời mở rộng hợp tác khai thác ở các vùng chồng lấn. Phải coi việc đầu tư tìm kiếm, thăm dò ở nước ngoài là tất yếu. Nhưng quan trọng là phải tính được lực của ta vươn ra nước ngoài đến đâu, lấy khâu đầu - Thăm dò Khai thác là điểm tựa; lấy các khâu sau - Chế biến, Ðiện, Khí, Dịch vụ là thúc đẩy.

Hiện nay, một số công trình không đạt được kết quả như mong muốn thì không phải là lúc bới móc, tìm lỗi bởi các thế hệ lãnh đạo trước cũng có phần trách nhiệm đối với những công trình này. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải ứng xử như thế nào với những công trình kém hiệu quả, có nên coi đây là những “ung nhọt” cần cắt bỏ hay không.

Ðoàn kết... và đoàn kết!

“Trưởng lão” Ngô Thường San hóm hỉnh nói rằng, đây là “Hội nghị Diên Hồng”, là thể hiện nét văn hóa đặc biệt của Tập đoàn Dầu khí, ấy là người già vẫn được tôn trọng, được đóng góp trí tuệ cho thế hệ mới và những người lãnh đạo thế hệ mới không bao giờ quên những người đi trước. Ông nhấn mạnh một yếu tố mới nghe thì tưởng không có gì mới, nhưng lại là vấn đề cốt lõi: Ðó là tình hình khai thác dầu khí và các các hoạt động khác ngày một khó khăn, thì hơn lúc nào hết, Tập đoàn phải đoàn kết từ trên xuống dưới. Ðoàn kết trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, đoàn kết trong từng đơn vị. Bài học của quá khứ cho thấy, giai đoạn nào lãnh đạo đoàn kết thì việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đều suôn sẻ. Khi nào “ông chẳng bà chuộc” là y như rằng có chuyện ngay.

Ông bày tỏ sự băn khoăn trong mười năm tới, động lực nào cho Tập đoàn Dầu khí phát triển. Thời hoàng kim của Tập đoàn đã qua, như các mỏ suy giảm sản lượng, trữ lượng tìm kiếm mới chưa đủ bù cho suy giảm, Luật Ðầu tư không đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài; rồi đầu tư ra nước ngoài chưa đạt được như kỳ vọng, rủi ro ngày một lớn, giá dầu lên xuống thất thường và đặc biệt là âm mưu bành trướng, độc quyền Biển Ðông của người láng giềng Trung Quốc. Tình hình này buộc chúng ta phải lao ra thăm dò ở vùng nước sâu. Nhưng ai cũng biết thăm dò ở vùng nước sâu là vô cùng tốn kém, độ rủi ro rất lớn.

Ông đề nghị việc đầu tư ra nước ngoài phải có chọn lọc và tổ chức phối hợp liên ngành. Theo ông, đa ngành, đa nghề không phải là tội lỗi, mà vấn đề là quản trị, quản lý thế nào. Quan điểm về thăm dò khai thác ở vùng nước sâu xa bờ cần phải được làm sáng tỏ. Có những việc ông cảm thấy khó hiểu, ấy là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đủ tiềm lực và điều kiện để điều tra về tiềm năng dầu khí thì không được giao làm, mà lại giao cho Bộ Khoa học - Công nghệ, rồi Bộ này lại thuê nước ngoài. Thế là tốn thêm mấy chục triệu USD. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, các đơn vị trong Tập đoàn phải phối hợp, hợp lực với các doanh nghiệp trong nước có liên quan để cạnh tranh với nước ngoài, chứ không phải liên danh với nước ngoài để cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước.

Trồng người như... trồng lúa?

Vị “trưởng lão” Trần Ngọc Cảnh tuy việc đi lại có khó khăn do bệnh tật, nhưng vẫn rất minh mẫn và đặc biệt là những lập luận của ông vẫn hết sức sắc sảo. Ông quan niệm rằng, đầu tư trong nước phải được ưu tiên đặc biệt vì tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo ra được việc làm và an toàn. Còn đầu tư ra nước ngoài thì phải coi đây thực chất là đầu tư tài chính, do đó không nên “rải mành mành”. Ông nói vui rằng, các vị lãnh đạo Tập đoàn bây giờ là người lái xe, còn mình là người đứng trên vỉa hè nhìn xe chạy. Việc lái như thế nào cho đúng đường, an toàn và đến đích là việc của lái xe, còn những người đứng trên vỉa hè thì chỉ nhìn và có ý kiến rằng, chỗ này nên chạy nhanh hay chậm, nên sang phải hay trái. Tiền đề mà lãnh đạo Tập đoàn đang làm hôm nay chính là để cho các thế hệ sau này.

Về sự phát triển của ngành công nghiệp Lọc - Hóa dầu, ông kiến nghị phải thúc đẩy sự phát triển ngành Hóa dầu vì ngành này tạo ra nhiều nguyên liệu cho các ngành khác. Còn nếu chỉ chăm chăm vào lọc dầu, rồi tới đây xây dựng cả Khu Lọc - Hóa dầu Long Sơn nữa, dầu phải xuất khẩu là chính thì xuất đi đâu?

Ông cũng kiến nghị về công tác cán bộ là phải đầu tư bài bản cho nhân sự. Ông ví von rằng, công tác đào tạo con người, cũng như trồng lúa… Phân urê thì tốt thật, nhưng bón vừa đủ thôi. Bón nhiều thì lúa lốp, trông thì xanh tươi nhưng không cho ra hạt thóc. Ðào tạo cán bộ cũng vậy. Không phải cứ lương thật cao, chế độ đãi ngộ thật “oách” mà đã “gây” được người tài? Bên cạnh việc trẻ hóa đội ngũ quản lý, phải tăng cường việc đưa cán bộ đi cơ sở. Cán bộ trẻ bây giờ muốn làm quản lý, nhưng lại ngại đi, ngại luân chuyển, chỉ thích ôm máy tính. Ai cũng biết, riêng ngành Dầu khí thì cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý không thể thiếu kinh nghiệm được.

Ông Phạm Quang Dự cho rằng, hiện nay, điều quan trọng nhất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là phải gia tăng trữ lượng và đây là mục đích sống còn. Ðể tăng trữ lượng, chúng ta phải tăng cường vào các lĩnh vực khai thác dầu khí phi truyền thống. Ví dụ, ngày trước có ai nói rằng dầu chứa trong tầng đá móng đâu. Nhưng Việt Nam đã làm được một điều mà thế giới phải thán phục là tìm được dầu trong tầng đá móng. Việc này đã thay đổi nhiều quan niệm về địa - vật lý dầu khí. Vậy nên chúng ta phải tăng cường tìm kiếm các tiềm năng dầu khí trên đất liền và cả vùng núi.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chứ không phải là “ngành Dầu khí Việt Nam”

“Trưởng lão” Nguyễn Hiệp lại đề cập đến vấn đề bấy lâu nay hình như chưa ai nghĩ đến. Ðó là phải phân biệt cho rõ ràng “ngành Dầu khí Việt Nam” và “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”. Nếu nói là “ngành Dầu khí Việt Nam” thì còn gồm cả các đơn vị kinh doanh xăng dầu quân đội, Petrolimex… Còn nói Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì có 5 lĩnh vực như chúng ta đang làm hiện nay. Phải xây dựng định hướng phát triển Tập đoàn Dầu khí, chứ không phải định hướng phát triển “ngành Dầu khí”.

Ông thẳng thắn nêu ý kiến, làm gì cũng phải tách bạch rõ ràng giữa công ích, lợi ích kinh tế và chính trị. Tập đoàn chúng ta là tập đoàn sản xuất kinh doanh nên yếu tố lợi nhuận phải được đưa lên hàng đầu. Ông kiến nghị khi xây dựng kế hoạch chiến lược, nên có sự liên kết với 2 tập đoàn Than và Ðiện. Hay nói một cách dễ hiểu 3 tập đoàn Dầu khí - Than - Ðiện là kiềng ba chân cho lĩnh vực năng lượng Việt Nam. Sự phát triển của tập đoàn này sẽ phụ thuộc, ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển của tập đoàn kia. Nếu xây dựng kế hoạch chiến lược Tập đoàn một cách đơn phương thì liệu có “vênh” với Tập đoàn Ðiện lực và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản hay không?

Ghi ở buổi tọa đàm với các “trưởng lão”

Bà Phan Thị Hòa trao đổi với “trưởng lão” Nguyễn Hiệp và Trần Ngọc Cảnh

Ông nêu ý kiến rằng, dầu khí phi truyền thống và truyền thống phải gắn kết với nhau. Vì vậy, cần tăng cường đầu tư cho dầu khí truyền thống, tăng hệ thống thu hồi dầu trong tầng chứa, nhưng phải tìm cách “kiếm dầu trong tầng sinh”. Từ thực tế thăm dò khai thác dầu khí, ông linh cảm rằng, dầu khí có ở bất kỳ chỗ nào có thể chứa. Vì vậy, phải đầu tư xây dựng một đơn vị chuyên tâm về lĩnh vực địa vật lý. Ông nhắc lại chuyện sau giải phóng miền Nam, chỉ có một chiếc máy tính IBM 350 mà dung lượng bộ nhớ chỉ bằng một chiếc điện thoại hạng bét bây giờ, ấy vậy mà chúng ta đã xử lý được rất nhiều tài liệu liên quan đến địa - vật lý. Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là tấm gương về xây dựng xử lý địa - vật lý.

Về kinh tế dầu khí, ông cười mà rằng: Chúng ta làm kinh tế dầu khí không giống ai. Ðổi mới bây giờ là hết đà rồi, nay phải có động lực. Tái cấu trúc không đơn giản là cắt gọt, sắp xếp, mà phải xây dựng được bộ máy tổ chức hoạt động tốt. Ông cũng ủng hộ những ý kiến là phải cắt đi những công trình, dự án hiệu quả kém.

Phất cao “hai ngọn cờ...”

Bà Phan Thị Hòa - mới được tham gia vào hàng ngũ “trưởng lão” ít tháng nêu quan điểm rất rõ rằng: Xây dựng kế hoạch, quản lý khai thác phải bám sát thực tiễn và chú ý về sự thay đổi. Việc phân bổ chi phí cho việc “phất cao 2 ngọn cờ”: ra vùng nước sâu và khai thác vùng nước nông phải tính toán lại. Bà cũng lưu ý về việc rất thận trọng giải các bài toán khi đàm phán về giá khí. Bà bày tỏ sự băn khoăn về việc làm thế nào để giữ chân người tài. Theo bà, việc đảm bảo thu nhập cho người giỏi là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải tạo môi trường lao động tốt để họ phát huy được trí tuệ, khả năng của mình. Môi trường lao động tốt đó chính là sự dân chủ, công khai, minh bạch. Nếu không cẩn thận, vài năm nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự chảy máu chất xám.

Ông Hoàng Văn Hoan bày tỏ sự tin tưởng vào tiền đề tương lai của Tập đoàn Dầu khí và thế hệ lãnh đạo trẻ hiện nay sẽ tiếp tục đưa Tập đoàn bước những bước vững chắc. Ông kiến nghị Chủ tịch Tập đoàn phải bắt tay vào việc ngay, không nên kéo dài thời gian “thăm dò”. Cần tập trung xây dựng ngay kế hoạch 5 năm, 10 năm tới, không để chúng ta giật mình trước những biến động của thế giới và khu vực. Ông cũng kiến nghị phải thành lập bộ phận “xử lý ung thư” - ấy là phải mạnh dạn xử lý những công trình, dự án không hiệu quả.

Một điều thú vị là các vị “trưởng lão” trình bày những suy nghĩ, quan điểm của mình đều “nói vo”, hoặc mấy nét gạch đầu dòng, nhưng chẳng thấy ai nói vấp, chẳng thấy ai lúng túng. Những suy nghĩ, ngôn từ cứ tuôn ra như nước chảy. Ðiều đó chứng tỏ rằng, những điều mà các vị “trưởng lão” trình bày tại buổi tọa đàm này đã được nung nấu từ rất lâu.

Không được phép thất vọng

Buổi tọa đàm kéo dài đến quá Ngọ. Sợ các “trưởng lão” mệt, Tổng giám đốc Ðỗ Văn Hậu đề nghị sẽ tiếp tục thảo luận vào buổi chiều và ngày hôm sau. Tổng giám đốc cảm ơn các vị “trưởng lão” đã có những lời phát biểu rất tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với vận mệnh của Tập đoàn. Lãnh đạo Tập đoàn sẽ tập hợp ý kiến của các “trưởng lão” để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển của Tập đoàn.

Tổng giám đốc cung cấp thêm một số thông tin về hoạt động của Tập đoàn để các “trưởng lão” rõ thêm, trong đó có việc thăm dò, khai thác ở vùng nước sâu xa bờ. Hóa ra là đối với thăm dò, khai thác ở vùng nước sâu, Tập đoàn đã làm từ mấy năm nay và, việc này không có gì lạ. Nhưng rất tiếc, các giếng khoan ở vùng nước sâu chưa đạt kỳ vọng mong muốn. Thăm dò khai thác dầu khí là thế đó! Thất bại của ngày hôm nay có khi là thành công của ngày mai và không bao giờ được phép thất vọng.

Ở trên đất liền, Tập đoàn đang nghiên cứu khí sét, thăm dò ở vùng trũng An Châu, ở miền Trung. Nhưng không nên ảo tưởng, vì nếu tìm ra khí sét ở Bắc Bộ thì chắc chắn không ai dám khai thác lúc này. Bởi lẽ một giếng khoan ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ có chi phí cao gấp 10 lần ở Mỹ, đặc biệt là trong việc đền bù, giải tỏa và thực hiện chế độ chính sách với dân.

Tổng giám đốc bày tỏ sự lạc quan về sự phát triển của ngành Dầu khí trong khoảng 20 năm tới. Ông nhấn mạnh, chúng ta là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chứ không phải thực hiện chức năng của ngành Dầu khí Việt Nam.

Dầu thì đúng là có khó khăn về trữ lượng. Nhưng khí đốt thì vài ba chục năm nữa là “xông xênh”.

Tổng giám đốc Ðỗ Văn Hậu cũng chỉ ra những khó khăn trong thời gian sắp tới và thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, nghề Dầu khí là thế, năm sau bao giờ khó khăn hơn năm trước, tháng sau lúc nào cũng khó hơn tháng trước, ngày mai khó hơn ngày hôm qua và thậm chí giờ sau khó hơn giờ trước. Không có ngành nào môi trường lao động khắc nghiệt, chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc như ngành Dầu khí. Nhưng môi trường ấy sẽ là ngọn lửa thử vàng để tạo ra những con người dám nghĩ dám làm và luôn có khát vọng cháy bỏng là tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc.

N.N.P

DMCA.com Protection Status