Ghi trên đại công trường NMNĐ Thái Bình 2

08:00 | 12/04/2016

609 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong cái lạnh se sắt cuối đông, tôi cùng đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở lại Thái Bình để chứng kiến những ngày sôi động nhất trên công trường dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2. Nơi đây, những người xây dựng nguồn điện dầu khí đang ngày đêm trăn trở vì một mục tiêu đảm bảo tiến độ của nguồn điện lớn nhất vùng Duyên hải Bắc Bộ.     

Tăng tốc, tăng tốc hơn nữa

Xuôi dòng sông Trà Lý chúng tôi đến huyện Thái Thụy, mảnh đất giáp ranh tạo bởi tam giác Thái Bình, Hải Phòng và Biển Đông. Chỉ vài năm trước, nơi đây vốn là vùng trũng về kinh tế, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” thì nay hàng loạt những nhà máy lớn như Trung tâm Điện lực Thái Bình, Hệ thống thu gom khí Tiền Hải - Hàm Rồng, Nhà máy Sản xuất Amon Nitrat… với hàng chục công ty trong nước và quốc tế có trụ sở hoạt động tại đây.

ghi tren dai cong truong nmnd thai binh 2
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Quốc gia kiểm tra tiến độ Dự án NMNĐ Thái Bình 2

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm Tổng thầu EPC. Đây là dự án trọng điểm quốc gia sẽ đóng góp khoảng 7,2 tỉ kWh điện thương phẩm mỗi năm, đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình và vùng Đồng bằng sông Hồng. Tính đến hết tháng 3-2016, tổng tiến độ dự án đã đạt hơn 68%, đi vào giai đoạn lắp đặt các thiết bị chính của nhà máy. Để đảm bảo tiến độ dự án, trong cả dịp tết Nguyên đán vừa qua, hàng trăm lãnh đạo Ban QLDA, Tổng thầu PVC, kỹ sư, công nhân của Lilama 69-1, PVC - IC, PVC - MS… những đơn vị trực tiếp thi công Tổ máy số 2 của NMNĐ Thái Bình 2 vẫn miệt mài làm việc “xuyên tết”. Chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 5-2015), các anh đã hoàn thành lắp đặt gần 6 nghìn tấn kết cấu thép, hàng trăm tấn thiết bị áp lực. Các dấu mốc quan trọng như lắp đặt dầm chính, bao hơi, hạ đặt roto hai tổ máy số 1 và số 2… đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra 15-45 ngày.

Để có những “bước tiến thần tốc” trong xây dựng và lắp đặt, cán bộ, công nhân viên đang tham gia xây dựng tại Thái Bình đã có nhiều sáng kiến đáng nể. Tại giàn kết cấu thép của Tổ máy số 2, tôi bắt gặp anh Ngô Phú Phong, Đội trưởng Đội Lắp số 9, một trong những thợ cả của Lilama 69-1. Khuôn mặt đầy sương gió, giọng nói trầm ấm đặc trưng người dân miền biển, anh Phong bộc bạch: “Tổ máy số 2 NMNĐ Thái Bình 2 là một trong những tổ máy phát điện lớn nhất mà chúng tôi thực hiện. Trước đấy, vì đã có kinh nghiệm lắp đặt lò hơi của NMNĐ Vũng Áng 1, Nghi Sơn 1 nên anh em rất tự tin đảm nhận nhiệm vụ này. Nhưng thực tế thì việc thi công gặp nhiều khó khăn do thời tiết ven biển nơi đây nắng nóng, mưa nhiều, vả lại để tuân thủ thiết kế nên mặt bằng thi công khá chật hẹp nên đỏi hỏi phải có những biện pháp kỹ thuật phù hợp và hiệu quả như dùng tời thủy lực, dòng dọc trượt theo dầm chính thay cho cần cẩu”.

Cụ thể, anh Phong cho biết thêm, để lắp đặt vách sinh hơi, thông thường phải sử dụng cẩu lớn 600 tấn hoặc cẩu tháp 50 tấn để lắp đặt. Theo đúng quy trình thì phải dùng cẩu đưa thiết bị từ trên nóc nhà máy xuống vị trí lắp đặt. Phương án này tốn kém về chi phí cần cẩu, hơn nữa với đặc thù không gian hẹp tại công trình NMNĐ Thái Bình 2 không thể sử dụng cẩu 600 tấn và cẩu tháp 50 tấn. Cái khó ló cái khôn, Đội Lắp máy số 9 đã tính toán và áp dụng phương án lắp đặt vách sinh hơi bằng tời điện, tời thủy lực di chuyển bằng bàn trượt đặt trên dầm chính. Thế là các công nhân lắp máy LILAMA trở thành các “siêu nhân nhện” khi bám tời di chuyển linh hoạt theo 2 phương dọc và ngang trên khắp các thiết bị sinh nhiệt. Từ đó, Đội 9 của LILAMA đã nhanh chóng hoàn thành lắp đặt toàn bộ vách sinh hơi và bộ quá nhiệt Platen.

Nghe chuyện lắp đặt vách sinh hơi, tôi lại nhớ lại cái hôm được chứng kiến lắp đặt bao hơi Tổ máy số 2. Khi biết tôi là phóng viên Báo Năng lượng Mới, anh Dương Văn Tài, Đội trưởng Đội Lắp đặt kết cấu thép của LILAMA đã cắc cớ đố tôi, cái gì gây khó khăn nhất trong giai đoạn lắp đặt kết cấu thép và thiết bị? Mặc cho tôi đoán hươu đoán vượn cho đến khi chịu hết nổi vì tò mò thì cái ông nổi tiếng đùa dai này mới thủng thẳng nói gọn lỏn: “Gió”. Thấy tôi vẫn chưa “tâm phục khẩu phục” vì nghĩ rằng gió thì ở đâu mà chẳng có, gần biển gió có mạnh lên một tí thì… đã làm sao.

Với nụ cười tủm tỉm, dùng cái giọng đều đều như trêu tức, anh Tài giảng giải: “Các thiết bị được gọi là “siêu trường siêu trọng” như bao hơi chẳng hạn có chiều dài hơn 30m, đường kính hơn 2m. Nói nôm na thì nó to bằng cả một cái nhà 60m2. Vì vậy muốn lắp đặt các thiết bị này cần phải tính toán cả độ “đón gió” của nó khi đưa lên vị trí. Thêm vào đó, đưa cái bao hơi này lên cao hơn 60m lại mất thời gian tròm trèm tới 1 ngày. Mà vùng cửa biển Thái Bình thì gió máy lại thay đổi từng giờ… Tất cả những yếu tố ấy cộng lại bắt buộc anh em phải tính toán cực kỳ kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị, rồi trong suốt thời gian nâng bao hơi, cứ lên cao 1m là phải kiểm tra đồng bộ các thông số, căn chỉnh thiết bị mới có thể đảm bảo an toàn, chính xác tuyệt đối đấy nhé”.

Nghe xong tôi thật sự tâm phục khẩu phục, đúng là “cách nghề một trời một vực”. Có hiểu thêm được một góc bé tí tẹo trong cả một dự án đồ sộ này thì mới biết là các anh đã gian nan thế nào mới có thể rút ngắn tiến độ vài giờ theo mục tiêu của dự án là “tăng tốc, tăng tốc hơn nữa”.

Vẫn còn nhiều gian nan

Những người làm dự án luôn lo nhất 3 vấn đề, đó là dòng tài chính, nhân lực và tiến độ. Chỉ cần một trong ba vấn đề trên có trục trặc nho nhỏ cũng có thể khiến dự án phải dừng, giãn, thậm chí là thất bại. Ấy vậy nhưng trong suốt những năm qua Ban QLDA, Tổng thầu PVC đã cùng lúc phải xắn tay “thu va hào vén” làm cả ba việc trên. Nói không ngoa rằng các anh đang “vừa xay bột, vừa bế em lại… lau cả nhà” nữa.

Từ khi chính thức khởi công đến nay, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã 2 lần phải xem xét, điều chỉnh nguồn tài chính của dự án là tổng mức đầu tư (TMĐT). Việc này đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của dự án. Đầu tiên việc TMĐT được lập trên cơ sở thiết kế kỹ thuật. Khi thiết kế điều chỉnh sẽ kéo theo hàng loạt hạng mục xây dựng, thiết bị rồi lại phải bóc tách khối lượng, chứng minh khối lượng khi thi công thực tế. Mặt khác, do biến động tỉ giá ngoại tệ nên giá trị hợp đồng EPC đã ký thấp hơn thực tế nên lại phải điều chỉnh đơn giá nhân công, ca máy, lương tối thiểu của Nhà nước… khiến việc huy động nhân sự, xử lý tạm ứng thi công cho các nhà thầu gặp khó khăn, mất nhiều thời gian đàm phán. 

Nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của việc điều chỉnh TMĐT, Trưởng ban QLDA NMNĐ Thái Bình 2, Nguyễn Thành Hưởng khẳng định: “Là dự án điện cấp bách, chủ đầu tư, tổng thầu và các nhà thầu phụ đã, đang và cần tiếp tục nỗ lực để bám sát tiến độ. Do đó, việc điều chỉnh TMĐT của dự án là cấp thiết và có những ảnh hưởng rất lớn đến chủ đầu tư, tổng thầu nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn để triển khai các công việc. Cụ thể: Phải có đủ nguồn lực và chi phí để tiếp tục triển khai công trình NMNĐ Thái Bình 2, là tiền để để Bộ Công Thương có hướng dẫn thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù tại quyết định 2414, là cơ sở để PVN điều chỉnh hình thức giá trị hợp đồng EPC theo cơ chế đặc thù, hạn chế việc kéo dài thời gian thực hiện có thể phát sinh thêm các chi phí về lãi vay, bảo hiểm, quản lý, trượt giá nhân công, máy thi công, vật liệu… Việc điều chỉnh TMĐT của dự án có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng xuyên suốt cả quá trình triển khai và thực hiện dự án không chỉ đối với chủ đầu tư mà còn cả đối với tổng thầu và các nhà thầu tham gia thực hiện”.

Trong khi chờ các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ thẩm định, xem xét phê duyệt TMĐT điều chỉnh dự án, Ban QLDA đã lập tức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền thanh toán của hợp đồng EPC. Trong đó đáng kể là điều chỉnh mốc thanh toán phù hợp với các hợp đồng thầu phụ, thời điểm thu hồi tạm ứng… đã góp phần không nhỏ trong việc tháo gỡ khó khăn tài chính cho tổng thầu và đưa các hợp đồng thầu phụ có hiệu lực pháp lý thực hiện, đảm bảo tiến độ triển khai nhiều hạng mục quan trọng của dự án.

Tuy những giải pháp trên đã đem lại những hiệu quả nhất định khiến dự án hoạt động ổn định, đảm bảo tiến độ nhưng đó vẫn chỉ mang tính tạm thời. Để có thể giải quyết và xử lý được vấn đề cốt lõi của dự án là có đủ nguồn kinh phí tiếp tục triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước vẫn cần Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt tổng đầu tư, điều chỉnh TMĐT, có hướng dẫn cơ chế thực hiện 2414 và điều chỉnh hình thức giá hợp đồng EPC.

Đất nước đang trong quá trình phát triển, PVN cùng các nhà thầu đang nỗ lực từng ngày để triển khai xây dựng nhiều công trình nguồn điện có công suất lớn, công nghệ tiên tiến. Bởi vậy sẽ không thể tránh khỏi được những bất cập do thiếu kinh nghiệm thực tế. Để vượt qua những thách thức đó không chỉ đòi hỏi những người làm dự án phải dốc hết tâm sức mà còn có sự hỗ trợ và cảm thông từ các cấp lãnh đạo Nhà nước. Chúng tôi ấn tượng mãi cái tâm nguyện rất giản dị của những người dầu khí trên công trường NMNĐ Thái Bình 2 mà trong mỗi đợt giao ban các anh vẫn nhắc nhở nhau là “làm sao để xứng đáng được ghi tên mình vào sự thành công của dự án”.

Thành Công

Năng lượng Mới 513

DMCA.com Protection Status