Giàn PVD-11 trên sa mạc Sahara

06:00 | 03/05/2017

1,501 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhìn qua cửa sổ máy bay từ độ cao 1.100m, sa mạc Sahara trải dài ngút tầm mắt với 1 màu xám xịt duy nhất của cát bụi. Lúc mới ra khỏi Hassi, bên dưới đang còn thấy đường nhựa, sau chừng 25 phút bay thì chỉ còn thấy đường mòn trên cát bụi sa mạc và hệ thống ống dẫn dầu lộ thiên chằng chịt đan chéo như mạng nhện bên dưới, lâu lâu lại thấy mấy con xe tải chạy tung bụi mù trời như lốc xoáy.

Bên dưới vẫn là những bụi cỏ ống và bụi cây giống cây trắc bá, cách nhau chừng mấy chục mét lại có một cây như vậy trơ gan chống chọi với cái nắng hung bạo trên sa mạc.

Sau 45 phút trên trời, máy bay bay chậm lại và hạ độ cao xuống dần sát mặt đất. Từ trên trời cao vời vợi, thấy giàn PVD-11 của chúng ta một mình sừng sững như kiểu “nhất TRỤ kình THIÊN”, xung quanh thấy nhiều lều trại, dễ chừng hơn vài chục cái, màu trắng xám với mấy ống xả của máy phát điện phun khói và bên cạnh là gần 2.000 tấn thiết bị, máy móc, cần cẩu, xe tải được sắp xếp khoa học phù hợp cho việc vận hành, với một cái hồ nước trong veo xanh ngắt chừng 450m2 bề mặt.

gian pvd 11 tren sa mac sahara
Tác giả (thứ 5 từ trái sang) chụp ảnh cùng anh em PVD dưới chân giàn PVD - 11

Cái hồ này chứa nước khoan và công nghệ. Chủ mỏ đào cái hồ cỡ 20x25x2m, lót vải địa vật lý chống thấm dưới đáy, khoan một cái giếng bên cạnh sâu chừng gần nửa cây số và hút nước chứa vào hồ để sử dụng trong suốt thời gian thi công giếng khoan, tất nhiên là nước khá mặn, không thể uống được, màu trong xanh đẹp vô cùng và in hình nền mây trời thăm thẳm.

Máy bay tiếp địa và chạy trên cát chừng 100m thì dừng lại. Đường băng là nền cát sỏi sa mạc, họ đổ thêm 1 lớp đá phấn cho cứng và tạo nên 1 đường băng dã chiến hết sức kinh tế.

Sa mạc phẳng lỳ, không có gì che chắn, nên lộng gió thổi từ bốn phương tám hướng, tạo sức mạnh cho hàng nghìn tỉ hạt bụi cất cánh tung vào bầu không khí nóng khô người. Có 3 xe ôtô loại 2 cầu và chừng gần vài chục bộ đội địa phương mặc quần áo rằn ri, tay lăm lăm súng AK-47 chờ ở bãi đáp máy bay để hộ tống chúng tôi trên quãng đường chừng 6km về PVD-11. Mới 9 giờ nhưng cái nắng chói chang ghê rợn đã bao trùm khắp sa mạc.

Ánh nắng chói chang từ trên trời đổ xuống, cộng với sức nóng từ các hạt cát li ti trên mặt sa mạc tung lên, tạo thành một hỗn hợp nóng đến kỳ lạ và vô cùng khó tả, chỉ thấy như trước mặt là một vùng ảo ảnh hừng hực ánh hào quang chói lóa nhức mắt.

Tới nơi, một đoàn anh em áo bảo hộ màu đỏ sau lưng nổi dòng chữ PV Drilling ùa ra đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng, ôm nhau giữa miền sa mạc heo hút, thật là cảm động hết chỗ nói. Anh Trường - trợ lý giàn trưởng, anh Thắng, anh Trọng, anh Hô, anh Cường, anh Cương, anh Chuyên, anh Trình trông hoạt bát, nhanh nhẹn và cười tươi như hoa, mặc dù đã 2-3 tuần xa cách thế giới sầm uất của thành thị.

Đưa cái túi hành lý vào lều, tôi leo lên giàn khoan, tuy đã trải qua 5 năm chịu đựng khí hậu khắc nghiệt của Sahara, nhưng đứa con thứ 2 PVD-11 của chúng tôi vẫn còn đủ khỏe để xuyên thủng lòng đất 5-6 cây số. Tuy màu sơn có cũ kỹ đi chút xíu vì dung dịch khoan bắn vào, nhưng các thiết bị vẫn đang “ngon lành” do được chăm sóc cẩn thận bởi các bàn tay vàng của anh em bên đó.

Lúc này giàn đang kéo bộ khoan cụ, vì dung dịch gốc dầu nên phải vuốt sạch bộ cần, thành ra không thể kéo nhanh được, mặc dù đã có bộ váy che kín, nhưng dung dịch vẫn bắn tung tóe khắp mặt bàn rotary, anh em phải cào sạch, người lấm lem, đen nhẻm dầu mỡ, chỉ còn cặp mắt là sáng long lanh và nụ cười tươi như hoa mua tím ven vệ đường đồi núi miền trung du chúng ta vậy. Ban trưa nhiệt độ lên tới 53-54oC nên mọi thứ chất lỏng trong dung dịch khoan cũng mau khô và cứng ngắc. Cái nóng 54oC có thể hình dung như sau: Các lan can thép xung quanh, vô tình chạm bàn tay trần vào đó thì như một luồng điện giật, tay phải thụt ngay lại.

Một con đường trên sa mạc dẫn vào khu vực cũng được tạo thành do xe chạy, hai bên đường để các vật liệu cần ống, đầu đường vào sân cách PVD-11 chừng 300m là gần chục cái lều bạt làm chỗ đồn trú cho một đại đội lính địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ khu mỏ và đảm bảo an toàn cho toàn khu vực. Bộ đội được trang bị súng tiểu liên AK-47 báng gấp, trung liên băng đạn dài và thượng liên băng đạn tròn như cái đĩa. Bộ phận nhà bếp cũng ở bên trại lính, họ nấu nướng bên đó và mang thức ăn sang Restaurant - Camping phục vụ anh em đội khoan ngày 4 bữa: sáng - trưa - tối - khuya.

Thức ăn chỉ có quanh đi quẩn lại bánh mì khô cứng sau khi cắt ra chừng vài chục phút, thịt bò, cừu nướng hoặc gà, một ít rau salad trộn cà chua, khoai tây rán, trên bàn có lọ muối, tiêu, dầu ô liu. Họ không xơi món cá, vịt, lợn nên quân ta thèm thứ này kinh khủng.

Sau doanh trại bộ đội là một bãi rác thải, ban chiều có 5 con lạc đà loại một bướu không biết từ đâu lang thang tới, đang sục đầu tìm những thứ chén được để lùa vào dạ dày kép lẹp; vỏ dưa, lá rau héo, bìa thùng giấy, mẩu bánh vụn, vỏ khoai tây, cà chua, mấy chú lạc đà thưởng thức một cách ngon lành và mãn nguyện lắm.

gian pvd 11 tren sa mac sahara
Đường băng là nền cát sỏi sa mạc

Ngoài mấy con lạc đà may mắn tìm được nguồn thức ăn thừa, quanh bãi rác còn một đàn quạ suốt ngày kêu la chí chóe, tuyệt nhiên không thấy con ruồi nào lai vãng, phải chăng cái nắng nóng như lò sấy đã thiêu đốt hết lũ ruồi vô tích sự?

Điện thoại ngoài sa mạc coi như vô tác dụng. Mạng wifi vô cùng yếu ớt, chỉ ngồi tại văn phòng mới có tí sóng. Về lều ngủ chỉ cách văn phòng 1m là hết wifi. Không tivi, không trà lá bia bọt. Ban đêm tiếng dế nỉ non đến phát ớn, bọn dế chui xuống gầm camping tránh nóng và có nước thải sinh hoạt để chúng thưởng thức, đi theo lũ dế là rắn đuôi chuông săn mồi. Rắn vùi mình trong cát bụi, chờ mấy con dế đoản mệnh đi ngang miệng thì phóng đầu ra đớp. Cuộc sống, sinh hoạt và làm việc của anh em ta bên đó thiếu thốn và khó khăn chồng chất, vậy mà đều hoàn thành kế hoạch, đúng là những anh hùng trên sa mạc, xa cách chúng ta mười mấy ngàn kilômét về mặt địa lý, muộn hơn chúng ta 6 giờ về mặt thiên văn, khác biệt chúng ta về mặt xã hội. Muôn vàn khó khăn chồng chất phía trước đang chực chờ, phun cái nặng nề, phức tạp lên PVD-11. Hoan hô đội khoan, các anh là những dũng sĩ, làm đẹp thương hiệu PVD trên xứ người. Lịch sử PVD sẽ ghi tên tuổi và dấu ấn những anh hùng, vì mồ hôi mặn chát và sức lực thời trai trẻ của các anh đã đổ xuống cát bụi trên sa mạc Sahara.

Buổi tối ăn xong, tầm 8 giờ tối, lúc không khí đã khá dịu, anh em ta họp giao ban, kiểm điểm công việc ca ngày và nhiệm vụ ca tối, tôi cũng tham gia, động viên và biểu dương tinh thần vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của tất cả các anh ngày đêm lăn lộn, chống chọi với cái nóng và cát bụi nơi sa mạc.

Hoan hô các anh, những chàng trai thép của PVD oai hùng, siêng năng, cần mẫn.

7 giờ sáng thứ 5, ngày 26-7-2012, ăn tạm mấy lát bánh mì cứng ngắc với trứng tráng cùng ít lát cà chua chín nục (chắc là do mấy nhân viên nhà bếp người bản địa cắt ra từ đêm để ăn Ramadan). Lúc này mặt trời đã gắt gao, dội cái nóng hầm hập lên sa mạc và hàng ngàn tỉ hạt cát trắng li ti như thủy tinh phản chiếu ánh sáng chói chang. Một con xe 2 cầu, loại xe địa hình, màu trắng, bánh béo, băng trước là vị lái xe đã đứng tuổi với một phụ lái, khá mập mạp và lù lì ít nói. Băng ghế sau tôi và anh Bình an tọa. Vì thời tiết gió bụi nên hôm nay máy bay không ra, mà tôi với anh Bình trở lại Hassi bằng đường bộ, vượt sa mạc trên quãng đường xa vời vợi đầy thử thách.

Trước chúng tôi là xe mở đường, có trung đội trưởng và 5 lính tháp tùng, máy bộ đàm đường dài, súng AK-47 ghếch nòng hai bên cửa sổ.

Đằng sau cũng có 2 xe nữa hộ tống, lính ngồi kín trong đó, súng ống lăm lăm trên tay sẵn sàng tác chiến khi hữu sự.

Mặc dù họ bảo vệ chúng tôi suốt chiều dài chặng đường hơn trăm kilômét giữa sa mạc không có gì định vị, không có gì làm mốc ngoài mặt trời, nhưng họ cũng chẳng có lấy một lời chỉ dẫn nào cả, chẳng hạn khi xảy ra đụng độ giữa lũ cướp sa mạc thì chúng tôi (khách) phải làm gì, thao tác ra sao, nghe lệnh ai và xử lý tình huống như thế nào? Mấy chú lính này im như thóc trong bồ, nổ máy xe là chạy bạt mạng tung bụi mù mịt. Xe sau cách xe trước chừng 50-70m, hoặc phải chạy so le nhau chừng vài chục mét mới tránh được rừng bụi phun ra từ sau xe đằng trước. Giá như họ phát cho tôi và anh Bình mỗi người một khẩu AK và một máy bộ đàm có lẽ còn hay hơn và vững tâm hơn.

Chạy được chừng 30 phút, đoàn xe bỏ đường mòn, cắt chéo sang trái, xuyên qua bãi cát mịn sa mạc, tới một công trường đang xây dựng cái gì đó mà sắt thép và xi măng ngổn ngang nhưng không thấy người đâu cả, chỉ thấy đàn quạ đen ngòm kêu la inh ỏi đậu xung quanh thiết bị và tới một khu trại lính khác, có hàng rào thép gai bùng nhùng bao quanh và cổng bảo vệ với bộ đội bồng súng canh giữ. Cái xe chỉ huy chui vào trong, không biết để làm gì, 3 xe chúng tôi đợi bên ngoài chừng chục phút, con xe bên trong chạy ra và tất cả lại lên đường.

Đoàn xe chạy không theo hướng cụ thể nào, lúc lên bắc, lúc rẽ sang tây, hồi lại ngoặt xuống nam, tôi nhìn trên la bàn trong máy Samsung Ace II và theo dõi ánh nắng mặt trời thấy như vậy.

Sau chừng 90 phút xông pha trên cát sa mạc, đoàn xe bắt gặp con đường nhựa rộng rãi mới hoàn thành, bon bon 120km/h, hai bên đường không có cột mốc nên chúng tôi không thể biết con đường này đi đâu, về đâu? Tay lái xe tắt điều hòa và kéo kính, cái nóng gần trưa lùa vào xe ngột ngạt kinh hồn. Chạy trên “xa lộ” chừng nửa tiếng, xe chỉ huy đằng trước dừng lại, viên chỉ huy lấy bộ đàm quân sự nói chuyện với ai đó chừng 5 phút, xong, đánh xi-nhan sang trái, bỏ xa lộ, đoàn xe lại cắt ngang, lăn bánh trên cát bụi sa mạc, vượt qua nhiều ống dẫn khí và dầu. Tôi đoán là có sự chỉ huy nào đó, cho rằng phía trước trên xa lộ có gì bất bình thường, nên họ cho đoàn xe chúng tôi rẽ ngang sang hướng khác.

Khoảng 8 giờ 50 phút, sau khoảng nửa tiếng luồn lách trong cát bụi sa mạc, đoàn xe lại gặp một con đường nhựa cũ kỹ, hẹp, nhiều rào barie chắn nửa đường và có viết chữ Arập loằng ngoằng gì đó tôi không đọc được, tuy nhiên đoàn xe cứ chạy 80-90km/h đều đều. Rất tiếc là xe xóc quá nên không tài nào chụp ảnh được. Trước mặt thấp thoáng màu xanh cây phi lao và cây chà là. Trời ạ, đó là một ốc đảo (Oasis). Tự lúc sinh ra trên cõi đời, đến giờ tôi mới thấy Oasis, hoàn toàn khác xa so với sự hình dung của chúng ta qua từng trang sách địa lý phổ thông hay qua phim ảnh. Đoàn xe chạy sát ốc đảo. Con đường cát bụi chạy chìm sâu chừng 1m giữa Oasis, chia ốc đảo ra hai phần, hai bên bờ họ vun cát, cắm cây sậy và che kín bằng cành lá cây chà và làm bờ rào ngăn cát tấn công.

gian pvd 11 tren sa mac sahara
Sân bay “ dã chiến” gần khoan trường

Bên trong “làng” ốc đảo chỉ có cây chà là được trồng thẳng lối, từng buồng quả nặng trĩu màu vàng óng ả. Nhưng than ôi, phía sau những vườn chà là ấy là hàng loạt ngôi lều siêu ổ chuột, chiều ngang chừng 3-4m, chiều cao chừng ấy và dài chừng chục mét, xung quanh xây hình hộp chữ nhật bằng gạch bloc không tô vữa, không cửa sổ, không có nóc, họ lợp bìa carton, ván ép, lá chà là, bao tải xác rắn trông nhếch nhác và hoang dại đến cùng cực. Trẻ em nhem nhuốc, lùng thùng trong áo thụng, đen nhẻm và gầy gò, nô đùa trên cát nóng. Tuyệt nhiên không thấy nhà trẻ, nhà mẫu giáo hay trường học, với trạm xá đâu cả. Hay là tại ít dân quá nên chính quyền bỏ quên? Cũng chẳng thấy khẩu hiệu hay nhà hàng, quán xá cà phê hay karaoke chi cả. Cái ốc đảo mà tôi và anh Bình băng qua có chừng vài ba chục lều ổ chuột. Tuyệt nhiên không thấy con vật gì chạy loăng ngoăng, ngoại trừ mấy con chó gầy nhom tha thẩn nằm dưới bóng cây chà là thở dốc.

Ngoài cây chà là với dăm ba cây phi lao, tuyệt nhiên không thấy màu xanh của rau cỏ? Chẳng hiểu con người sống trong những cái lều kia họ tìm kiếm hạnh phúc và kế sinh nhai bằng phương pháp gì nhỉ? Rất tiếc là chúng ta không được dừng chân để vào thám thính xem cuộc sống và sinh cảnh xã hội bên trong khu ốc đảo có những gì bí ẩn nữa không? Chừng vài ba phút, đoàn xe đã gửi những đám bụi lại phía sau cho ốc đảo. Phía trước có ngọn lửa báo hiệu một công trình dầu khí đang vận hành. Đó là một trạm trung chuyển, được bao bọc bằng nhiều hàng rào thép gai bùng nhùng kiên cố, trạm này tách sơ bộ đầu thô (Separator station) gom từ các giếng trong khu vực. Xung quanh trạm có xây chòi và lính gác bồng súng đứng trên đó. Phải chăng cái ốc đảo kia là thân nhân của những người làm việc ở trạm tách này đến đây hợp lý hóa gia đình dựng nên? Có thể lắm chứ. Sau dăm bảy chục năm nữa, biết đâu tại cái ốc đảo nghèo khó này sẽ trở nên một thị trấn như kiểu Hassi Mesaoud chẳng hạn.

Gần 10 giờ, xa xa đã thấy một vài xe ôtô đi ngược chiều chúng tôi chạy tới với vận tốc kinh hồn, đường nhựa phẳng lì, chứng tỏ thị trấn Hassi Mesaoud đã gần kề, vì phía trước có nhiều đụn cát cao nên che hết tầm nhìn. 10 giờ 20, đoàn xe đã vào căn cứ của GBS oil company, qua cổng bảo vệ, kiểm tra an ninh, dò mìn… trong khuôn viên khá mát mẻ và bình lặng vì có màu xanh của thảm cỏ do con người chăm sóc. Chúng tôi xuống xe đặc chủng của quân đội, bắt tay tạm biệt mấy anh lính rằn ri đã nhiệt tình hộ tống chúng tôi trên quãng đường xa vời vợi 3 tiếng đồng hồ trên sa mạc, không có sóng điện thoại, rất may là hoàn toàn không có trở ngại gì và leo lên con xe pick-up quen thuộc của PVD-DD chạy về văn phòng, tới nơi chừng 11 giờ kém 5 phút.

(Xem tiếp kỳ sau)

Văn Đức Tờng

Năng lượng Mới 567

DMCA.com Protection Status