DNNN trong nền kinh tế thị trường - Góc nhìn từ ngành năng lượng

PVN - Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ

09:49 | 24/09/2018

4,396 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong 3 trụ cột của ngành năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được xem là “người anh cả”. PVN không chỉ là nòng cốt trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ. Những công trình, dự án của PVN trên khắp mọi miền Tổ quốc đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội, tạo động lực cho công nghiệp địa phương phát triển.
pvn cong cu dieu tiet kinh te vi mo quan trong cua chinh phu Giữ “mạch nguồn nuôi sống” nền kinh tế
pvn cong cu dieu tiet kinh te vi mo quan trong cua chinh phu Giá khí đầu vào tăng: Đạm Cà Mau có thể chịu cú sốc lớn

Đầu tiên phải khẳng định những năm qua, PVN luôn là doanh nghiệp có đóng góp ngân sách hằng năm lớn nhất cả nước. Thông qua nguồn đóng góp này, PVN đã gián tiếp tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác phát triển. Những năm đầu đất nước mở cửa, khi nền kinh tế còn đang đứng trước bộn bề khó khăn, sản xuất công nghiệp hầu như không có, phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn thì việc khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên năm 1986 đã góp phần giải quyết một phần không nhỏ nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

Sự kiện này đánh dấu một bước tiến lịch sử của ngành công nghiệp Dầu khí khi đưa Việt Nam vào bản đồ các nước xuất khẩu dầu thô, thúc đẩy những bước đi đầu tiên của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí những năm sau đó, ngành Dầu khí đã mang lại nguồn lực ngoại tệ lớn cho ngân sách quốc gia để từ đó cụ thể hóa các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

pvn cong cu dieu tiet kinh te vi mo quan trong cua chinh phu
Toàn cảnh NMLD Dung Quất

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước hằng năm tuy có giảm nhưng vẫn lớn nhất và chiếm tỉ trọng cao nhất. Năm 2016, trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chịu tác động mạnh từ hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như biến động kinh tế toàn cầu, để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo nguồn thu ngân sách, Chính phủ đã giao PVN khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô. Hay như trong năm 2017, trước những dự báo đầy khó khăn về tăng trưởng kinh tế, một lần nữa câu chuyện khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô cũng đã được đặt ra.

Đặc biệt, giai đoạn 2007-2017, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì PVN vẫn duy trì đà tăng trưởng, phát triển góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Số liệu được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ghi nhận: Trong giai đoạn 2007-2017, PVN duy trì mức tăng trưởng bình quân 15-20%. Nộp trung bình 20% tổng thu ngân sách hằng năm. Tổng tài sản toàn Tập đoàn là 760 ngàn tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất gần 440 ngàn tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm. Hệ số nợ/tổng tài sản (hợp nhất tại thời điểm 30-9-2016) là 0,4 lần, bảo đảm an toàn cao cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Và cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), PVN đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và an ninh - quốc phòng…

Vị trí, vai trò của PVN trong nền kinh tế là vô cùng quan trọng, chuyển dần từ trực tiếp sang gián tiếp, nhiều hoạt động của ngành Dầu khí như sản xuất điện, khí, phân bón… đã trở thành nền tảng cho các ngành, lĩnh khác của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ… phát triển. Và chắc rằng, nếu không có nguồn ngoại tệ từ hoạt động khai thác dầu thô những năm đầu mở cửa cũng như hơn 30 năm đất nước đổi mới, hội nhập, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước khó đạt được như thời gian qua.

Cùng với sự lớn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, sau hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Dầu khí Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc khi đã xây dựng, phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh chuỗi công nghiệp Dầu khí cho đất nước, trở thành “đầu tàu kinh tế” quốc dân và đi đầu trong kinh tế biển của đất nước. Nếu như năm 1986, ngành Dầu khí khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam từ giàn MSP-1 thì đến năm 1988 phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm và mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á. Tiếp sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc… cũng lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác. Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế, làm thay đổi rất lớn về đối tượng thăm dò dầu khí truyền thống.

Ngoài việc phát triển khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, ngành Dầu khí đã phát triển mạnh nhiều lĩnh vực quan trọng khác như công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm dầu khí… với doanh thu hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ khác của đất nước, những sản phẩm này đã và đang góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, khí và phân đạm.

Trong số các sản phẩm năng lượng hiện nay, mặt hàng xăng dầu chỉ xếp sau mặt hàng điện về mức độ “nhạy cảm” đối với các hoạt động của nền kinh tế. Nếu ví điện là “máu” nuôi sống “cơ thể” là nền kinh tế, là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thì xăng dầu cũng là thứ “thức ăn” không thể thiếu để “cơ thể” đó “sống, vận động được”. Điều này đã được khẳng định trong những năm gần đây khi giá xăng dầu tăng hay giảm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và tạo nên những tác động nhất định đối với các hoạt động của nền kinh tế. Xăng dầu vì thế là mặt hàng chiến lược, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các nguồn năng lượng quốc gia, nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Hay như mặt hàng khí chẳng hạn. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm từ khí để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của nhân dân thì nhiều sản phẩm khí còn là nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành, lĩnh vực sản xuất khác của nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất điện, phân đạm.

Trong hệ thống điện quốc gia, bên cạnh các nguồn điện thủy điện, nhiệt điện than… thì nhiệt điện khí luôn được xem là nguồn điện chiến lược, đảm bảo sự cân bằng trong cung ứng điện toàn hệ thống. Như đã biết, từ nhiều năm nay, do sự mất cân bằng về nguồn điện cũng như tốc tăng trưởng quá nhanh của các tỉnh khu vực phía Nam, hằng năm ngành điện phải thực hiện truyền tải một lượng điện lớn từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Tuy nhiên, vì đường “vận chuyển” điện quá dài nên hiệu quả cũng như tính linh hoạt trong việc huy động thường thấp, rủi ro lại cao, nên dù giá điện khí có cao hơn các nguồn điện khác thì việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định cho các nhà máy điện khí vẫn được xem là một trong những giải pháp đảm bảo cung ứng điện của ngành điện. Nhưng cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên tinh thần chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, PVN vẫn đang bán khí cho các nhà máy điện khí với giá “ưu đãi”, một giá nhằm giảm tải chi phí giá sản xuất, qua đó giảm áp lực tăng giá điện cũng như áp lực chi phí cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế. Ở đây cũng phải nhấn mạnh rằng, PVN hiện đang là nhà sản xuất điện lớn thứ 2, chỉ sau EVN với sản lượng vào khoảng 20 tỉ kWh năm.

pvn cong cu dieu tiet kinh te vi mo quan trong cua chinh phu
Đóng gói phân urê tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Đối với mặt hàng phân đạm cũng thế, việc đảm bảo nguồn cung phân đạm với giá thành hợp lý được xem là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển và tỉ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp vào nền kinh tế. Tổng giám đốc Đạm Cà Mau Bùi Minh Tiến tại một cuộc hội thảo bàn về vấn đề phân bón giả, kém chất lượng đã khẳng định: Đối với sản xuất phân bón trong nước thì sản xuất phân urê chiếm một vị trí quan trọng. Nếu như trước năm 2012, khi trong nước chỉ sản xuất được 1 triệu tấn phân bón từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ (800 nghìn tấn) và Đạm Hà Bắc (gần 200 nghìn tấn), Việt Nam phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn này, tình hình nhập khẩu diễn biến rất phức tạp với sự biến động khó lường của giá, sốt giá... Nhưng từ năm 2012, khi Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800 ngàn tấn và sau đó là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc tiếp tục mở rộng công suất, các nhà máy trong nước đã sản xuất đủ, thậm chí là vượt so với nhu cầu. Tình hình sử dụng phân bón nói chung và urê nói riêng trong nước nhờ thế rất ổn định, góp phần lớn vào phát triển nông nghiệp.

Ngành Dầu khí ngoài việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho đất nước thông qua các sản phẩm dầu khí, điện, đạm, xăng dầu... việc đưa vào vận hành các dự án dầu khí trọng điểm luôn góp phần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp kinh tế khác trong nước cùng phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở các địa phương và các vùng lân cận nơi triển khai dự án. Sự góp mặt của những công trình, dự án trọng điểm dầu khí tại mỗi vùng đều đã làm thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương.

Có dịp vào làm việc trong Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến sự đổi thay thần kỳ tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Nếu như năm 2011, khi lần đầu chúng tôi đặt chân đến đây thì quãng đường dài chừng 80km từ TP Quảng Ngãi vào nhà máy thực sự là một thử thách. Đường là đường cấp phối với lởm chởm ổ gà, ổ voi với những hộc đá to tướng hai bên. Gặp ngày nắng ráo thì xe cộ chạy qua sẽ tạo lên một thứ bột mịn đỏ quạch, bay ngập trời, bám chặt vào các tán lá dày đặc. Trời mưa thì trơn trượt, đi lại vô cùng khó khăn. Những ngôi nhà sàn nghèo nàn, cũ nát nằm thưa thớt, bám dọc hai bên đường. Thời tiết, địa hình, địa chất ở khu vực này cũng vô cùng khắc nghiệt. Nắng nóng vỡ đầu, mưa dầm thối đất. Cuộc sống của người dân vì thế bao đời vẫn nghèo, vẫn khổ.

Nhưng giờ đây, với sự góp mặt của thủy điện Đắkđrinh, bức tranh kinh tế - xã hội địa phương đã thay đổi hẳn. Quãng đường 80km từ TP Quảng Ngãi vào thủy điện Đắkđrinh đã được trải nhựa, kéo dài đến các thôn, bản tái định cư của dự án, nối liền đến các trung tâm xã. Người dân cũng được cấp đất làm nương trồng lúa, sắn, ngô. Lưới điện quốc gia được kéo đến từng nhà. Xã nào, bản nào cũng có nhà văn hóa, trường mầm non, sân thể thao… Cuộc sống nhờ đó từng bước được cải thiện, cái nghèo, cái đói từng bước được đẩy lùi.

Hay như ở Cà Mau - vùng cực Nam của Tổ quốc - vốn là một vùng sông nước mênh mông, bồng bềnh, chằng chịt, dọc ngang kênh rạch với bạt ngàn màu xanh ngút tầm mắt. Sự có mặt của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã làm thay da đổi thịt cả vùng, mang lại nguồn thu ngân sách lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm cho Cà Mau. Bức tranh tràm đước Cà Mau giờ có thêm những nhà máy, đường ống dẫn khí, nhà điều hành, khu phụ trợ cùng những ống khói sừng sững, những con đường nhựa, con đường bê tông trải dài; những ngôi nhà tranh lợp mái dừa cũng đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà mái ngói, nhà bê tông kiên cố. Nhiều trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, hệ thống đường điện hạ thế, những cây cầu bê tông, cốt thép kiên cố mới được dựng lên đã góp phần thay đổi diện mạo từ đô thị đến vùng nông thôn vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau.

Quả thật, có tận mắt chứng kiến, có tận mắt đi sâu tìm hiểu thì mới thấy việc Đảng và Nhà nước cũng như PVN chọn U Minh Hạ làm nơi đặt cụm công nghiệp đầu tiên của tỉnh cực Nam Tổ quốc mang ý nghĩa thật lớn lao. Nó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế và còn mang cả ý nghĩa nhân văn. Kể từ khi có Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến vô cùng mạnh mẽ. Không chỉ trực tiếp đóng góp vào ngân sách Nhà nước, nguồn thu của địa phương mà nó đã tạo ra sức hút và động lực cho các ngành dịch vụ khác phát triển như hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, giao thông, du lịch và các loại hình dịch vụ khác, làm ấm lên toàn cảnh bức tranh kinh tế của vùng Đất Mũi.

Mỗi dịp đến với vùng đất nơi cực Nam của Tổ quốc này, được ngồi xuồng ghe xuôi ngược theo các con sông lớn, nhỏ đi về Ngọc Hiển, Năm Căn… rồi ra Đất Mũi, suốt dọc đường đi, đâu đâu cũng nhìn thấy những đổi thay mặt mẽ của mảnh đất này. Nhiều công trình trong số đó mang đậm dấu ấn của PVN. Dấu ấn đó đã được người dân nơi đây nhắc tới bằng lòng cảm mếm vô hạn. Thậm chí, ngay cả trong câu vọng cổ mà cô hướng dẫn viên du lịch Đất Mũi cất lên khi chúng tôi đặt chân lên mảnh đất này cũng da diết, bổng trầm đến lạ thường:

“Đón dòng khí từ ngoài khơi xa về vùng rừng U Minh Hạ

Khí - Điện - Đạm Cà Mau nhân lên mãi niềm vui…”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status