Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau

Góp phần thay đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững

07:40 | 30/09/2016

884 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, một dự án trọng điểm của Việt Nam về dầu khí được khởi công xây dựng ngày 26-7-2008, chưa đầy 4 năm sau, tháng 1-2012 nhà máy đã chính thức cho ra sản phẩm urê thương mại đầu tiên. Nhân dịp tròn 8 năm bắt đầu Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, 5 năm phát triển Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVCFC.  

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh

PV: Tập đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau (BQL) đã làm việc rất hiệu quả và có quan hệ rất chuẩn với nhà thầu Vũ Hán thực hiện Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau thành công, xin ông chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giám sát, hợp tác với nhà thầu nước ngoài khi họ tiến hành dự án ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Thành: Với mức vốn đầu tư ban đầu 900 triệu USD, Nhà máy Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm sự ổn định và chủ động về phân bón cho phát triển nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung và thực tế khi đưa nhà máy vào hoạt động đã chứng minh quyết định sáng suốt và đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Một dự án phải đáp ứng được 3 tiêu chí: đáp ứng được tiến độ, chất lượng cùng với việc thực hiện công tác an toàn sức khỏe môi trường và chi phí giá thành dự toán của dự án.

gop phan thay doi nen nong nghiep theo huong ben vung
Chủ tịch PVCFC Nguyễn Đức Thành

Khi cộng tác với nhà thầu Trung Quốc hay bất cứ các nhà thầu khác, điều quan trọng là sự hợp tác, giám sát chặt chẽ và có tình, có lý của chủ đầu tư. Chúng ta xác định sau khi ký hợp đồng, nhà thầu với mình giống như hai người chèo chung 1 con thuyền, cùng 1 mục đích. Theo 7 thói quen thành đạt của Stephen Richards Covey, mình ở vai trò là người gánh vác, phải vừa đấu tranh, vừa thuyết phục để tổng thầu luôn cùng trên “con thuyền” ấy, đảm bảo tiến độ, chất lượng và giá thành. Nhà thầu luôn có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận, không chỉ nhà thầu Trung Quốc, nhà thầu châu Âu cũng thế.

Trong quá trình làm việc mình vừa đấu tranh, vừa thuyết phục họ để bảo đảm được những nguyên tắc đã đề cập trong hợp đồng, thấy yêu cầu nào của họ chính đáng thì mình cũng tự xắn tay vào cùng thực hiện để giữ đúng tiến độ và giá thành không bị đội lên. Bên mình phải nắm các vấn đề liên quan đến dự án rất chắc chắn, đặc biệt là hợp đồng, thuyết phục họ tôn trọng nội dung của hợp đồng và nếu có vấn đề gì họ đặt ra vượt cái tầm của mình, mình phải nhờ đến chuyên gia để phân tích, lý giải cho mình. Sau khi mình đã có được những minh giải chính xác, mình họp với nhà thầu, vừa lý giải, vừa thuyết phục. Đối với nhà thầu Trung Quốc, bước đi đầu tiên là mình phải làm rõ tất cả các điều khoản thông qua các nhóm công tác: nhóm hợp đồng về thương mại, nhóm về tài chính, nhóm về công nghệ, nhóm về luật…

Đặc thù của dự án là có rất nhiều nhân lực từ khắp nơi tập trung về và làm việc cùng với nhau trong một thời gian khoảng độ 1 vài năm, xong lại bắt đầu đi nơi khác nên rất cần những yếu tố về kinh nghiệm, trải nghiệm trong công việc, vai trò của người đứng đầu dự án khi ấy là Trưởng ban Quản lý dự án Lê Mạnh Hùng (hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn) rất quan trọng, anh nắm bắt rất chắc các nguyên tắc của quản lý dự án, quy định hợp đồng, hồ sơ… từ đó dẫn dắt, chỉ huy, đấu tranh, giải tỏa mọi vướng mắc liên quan đến dự án trong quá trình thực hiện. Mọi cá nhân trong dự án phải hiểu rõ, thấy rõ được công việc của mình cũng giống như đối tác cần phải thực hiện nghĩa vụ và mục đích của mình. Trong quá trình làm dự án, BQL dự án tổ chức họp thường xuyên để rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc, cụ thể là tiến độ. Không chỉ nắm tất cả mọi việc, BQL dự án phải đấu nối chặt chẽ với cơ quan quản lý cấp trên, đồng thời phải sử dụng chất xám, các cơ quan chuyên ngành hẹp và sâu, các nhà khoa học Việt Nam rất giỏi, công nghệ, kỹ thuật, mình còn có các viện nghiên cứu, các trường đại học, mình phải tận dụng chất xám của họ.

Ngay sau khi thành lập Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, BQL đã lập 1 khu phụ trợ thi công khoảng 10ha ở bên cạnh nhà máy để tập kết vật tư, thiết bị và xây dựng lán trại công nhân. Hạn chế tối thiểu sự “giao tiếp” của nhà thầu với bên ngoài. Trong 1 khu ấy, chính quyền địa phương (tại Cà Mau) cũng tiện quản lý, với việc sớm lập đồn công an, công tác an ninh trật tự gần như được giữ tuyệt đối, không để xảy ra tổn hại gì đến công trường, đảm bảo an ninh và tiến độ cho dự án, tránh thất thoát, mất mát. Có thể nói, đây là bước đi quan trọng mà ngành Dầu khí đã cùng với tỉnh Cà Mau đi trước 1 bước.

Sau 2 năm nhà máy đi vào vận hành, trách nhiệm của nhà thầu mới kết thúc, có thể khẳng định, Nhà máy Đạm Cà Mau trở thành một minh chứng về sự hợp tác tốt giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa Petrovietnam, với BQL dự án và nhà thầu Vũ Hán nói riêng. Sau này, khi nhà thầu Vũ Hán trúng thầu nhà máy có công suất tương tự ở Cuba, họ đã dẫn 1 đoàn công tác Cuba sang thăm nhà máy và nghe những thuyết trình của mình và lấy đó như thành công tiêu biểu trong các nhà máy họ đã làm nhà thầu khắp nơi trên thế giới.

Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau thành công phải tính đến sự chỉ đạo đồng bộ của Petrovietnam, sự chuẩn bị bài bản của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) trong việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự vận hành để nhân sự tham gia dự án trưởng thành vượt bậc, ngoài chuyện đáp ứng được chất lượng quản lý, vận hành, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Nhà máy Đạm Cà Mau đã được nhà thầu cung cấp thiết bị là Toyo Engineering (Nhật Bản) mời đi cùng sang chạy thử nhà máy ở Venezuela như các chuyên gia. Nhà máy Đạm Cà Mau cũng đã có một đội ngũ ra hỗ trợ tham gia chạy thử thành công Nhà máy Đạm Ninh Bình và tham gia đào tạo nhân lực cho Nhà máy Nitrat Amon của Vinachem, tham gia hỗ trợ vận hành cho PVTEX.

Sáng tạo không giới hạn

PV: Một trong những thành công hay xem như dấu ấn của PVCFC đối với nền nông nghiệp Việt Nam là đạm dinh dưỡng. Xin ông chia sẻ về loại đạm đặc biệt này?

Ông Nguyễn Đức Thành: Sau 5 năm, thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đã khẳng định được vị thế của mình trong từng bước đi vững chắc. Đạm Cà Mau trở thành thương hiệu được sự tín nhiệm của người tiêu dùng trong cả nước, đồng thời xuất khẩu ra thị trường khu vực như Campuchia, Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc, Nhật Bản... PVCFC hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng hàng đầu Việt Nam và khu vực. PVCFC chọn hướng đi sản xuất đạm dinh dưỡng, cung cấp cho cây trồng và cung cấp dinh dưỡng để cải tạo đất. Cây sử dụng đạm dinh dưỡng sẽ khỏe hơn, chống chọi với sâu bệnh, chống chọi với biến đổi thời tiết. Sản phẩm còn có thể cạnh tranh được tốt với các nhà sản xuất nước ngoài.

PV: Sau 5 năm xây dựng và phát triển PVCFC, ông có thể nói gì về văn hóa cùng sự khác biệt của PVCFC với các doanh nghiệp khác?

Ông Nguyễn Đức Thành: Sự khác biệt đầu tiên là dinh dưỡng, nói đến PVCFC là nói đến sự dinh dưỡng, là những giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, cho đất, là dinh dưỡng con người, thường xuyên bồi đắp về chuyên môn, văn hóa, trí tuệ thông qua chương trình văn hóa tái tạo công ty và học tập, triển khai 7 thói quen thành đạt của Stephen Richards Covey. PVCFC không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, bên cạnh lợi nhuận, nghĩa vụ với nhà nước, còn có lợi nhuận cho con người trong cái tổng thể ấy, chính là giá trị văn hóa, tạo môi trường làm việc thân thiện, nhân văn.

PVCFC đã phát huy tối đa nội lực, đào tạo được một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, nhiệt huyết, đủ trình độ năng lực quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, sự phát triển của bộ phận kinh doanh, với khả năng nhanh chóng nắm bắt các quy luật kinh tế thị trường, các mô hình quản trị hiện đại, các phương pháp kinh doanh tiên tiến đã xây dựng được hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với hàng trăm đại lý cấp 1, cấp 2 và cửa hàng, đảm bảo khả năng cung ứng hàng nhanh chóng, kịp thời và đến tận tay bà con nông dân. Đội ngũ nhân lực trình độ cao, tác phong chuyên nghiệp là bằng chứng về tài năng, trí tuệ, yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào những thành tựu mà PVCFC đã đạt được trong những năm qua.

PV: Nói về tài năng, trí tuệ, nội lực - có thể thấy PVCFC đã tổ chức thành công cuộc thi Eureka hiệu quả và rất thực tiễn?

gop phan thay doi nen nong nghiep theo huong ben vung
Chủ tịch Nguyễn Đức Thành tại một hoạt động an sinh xã hội của PVCFC

Ông Nguyễn Đức Thành: Kể từ khi PVCFC đi vào hoạt động, đã nhanh chóng xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng khoa học công ty; tổ chức nhiều cuộc thi khuyến khích tinh thần sáng tạo, xét duyệt và công nhận gần 600 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích đáng kể về kinh tế cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cuộc thi Eureka chính là tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, sở trường của họ để tạo nên môi trường làm việc năng động hơn. Eureka đáp ứng cải tiến công việc, có thể sáng kiến cải tiến không chắc hiệu quả cao nhưng được mọi người trân trọng, nhìn nhận, đấy là phần thưởng tinh thần không hề nhỏ cho mỗi người lao động.

Chúng tôi cho rằng, để kích thích tính sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi CBNV, không gì tốt hơn là truyền “lửa” cho họ bằng một bầu không khí thi đua sôi nổi, chứ không đơn thuần chỉ là kêu gọi, khuyến khích các đơn vị, cá nhân tích cực tham gia phong trào. Từ đầu năm 2015, PVCFC bắt đầu phát động cuộc thi sáng tạo “Eureka”, lan tỏa tinh thần “Sáng tạo là không giới hạn” đến toàn thể CBCNV PVCFC trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty như quản lý, kinh doanh, kỹ thuật công nghệ, an toàn PCCC và môi trường... PVCFC luôn chú trọng thu hút và áp dụng triển khai nhiều ý tưởng, sáng kiến, sáng chế ở tất cả các bộ phận, từ những người công nhân cho đến cán bộ quản lý.

Ở khía cạnh khác, cuộc thi còn hướng đến việc góp phần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững, tôn trọng sự khác biệt, tinh thần đam mê sáng tạo được khích lệ tối đa. Phong trào thi đua ở PVCFC luôn có sức hấp dẫn, tràn đầy hơi thở cuộc sống, lôi kéo người lao động vào những cuộc đua, tạo hứng khởi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở PVCFC, mỗi ngày làm việc là một ngày vui và đó cũng chính là bí quyết nhỏ tạo nên những thành công của PVCFC - một doanh nghiệp trẻ đại diện cho thế hệ lao động mới có trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

PV: Đợt hạn, mặn khốc liệt vừa diễn ra ở miền Tây, PVCFC đã chung tay, góp sức, hỗ trợ người nông dân rất thiết thực, nói đến PVCFC, không thể không nhắc đến văn hóa sẻ chia với người nông dân của PVCFC?

Ông Nguyễn Đức Thành: PVCFC xác định người nông dân là đối tác, bạn hàng chiến lược lâu dài. Công ty chủ trương trích một phần lãi của mình hỗ trợ người nông dân, có những sự hỗ trợ lâu dài như tìm kiếm quy trình, giống lúa thích hợp, xây dựng trường học, nhà tình thương, tình nghĩa. Sau đợt hạn mặn lịch sử, ngay những ngày đầu tháng 3-2016, PVCFC kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ phân bón cho nông dân nhằm giúp bà con nông dân bớt đi gánh nặng nguồn vốn tái sản xuất vụ hè thu 2016. PVCFC đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia hướng đến những người dân đang từng ngày cần nước để uống, sinh hoạt.

Thấu hiểu sự khó khăn và nhiều thách thức mà bà con nông dân phải đối diện, cùng sứ mệnh “cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng, góp phần thay đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững”, Đạm Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng nhà nông thông qua việc cung cấp các giải pháp lâu dài mà PVCFC hướng đến chính là nỗ lực nghiên cứu, tạo ra những dòng phân bón mới, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây trồng và phù hợp với từng loại thổ nhưỡng khác nhau, kể cả những vùng đất đai bị hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, PVCFC cũng phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp nghiên cứu ứng dụng khoa học để phát triển những loại cây trồng giống mới có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt phù hợp với tình hình thực tế hiện tại.

Trong 5 năm qua, cùng với hàng trăm cuộc hội thảo, PVCFC đã phổ cập mô hình trình diễn giúp người nông dân hiểu về kỹ thuật, hiểu về sản phẩm Đạm Cà Mau. PVCFC xác định rất rõ, sự hỗ trợ lâu dài với người nông dân phải là thương hiệu, hàng hóa, giá thành hợp lý, dịch vụ... bên cạnh chất lượng, dịch vụ mang lại cho nông dân ngày càng tốt hơn. Từ sự xác định người nông dân là đối tác, bạn hàng chiến lược lâu dài, PVCFC phải có được những hành xử thích hợp và bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

7 MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA PVCFC

Mục tiêu chiến lược

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phân phối bền vững để tiêu thụ hiệu quả toàn bộ sản phẩm do Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất; Xây dựng và phát triển thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” trở thành thương hiệu hàng đầu trong nước và khu vực; Đầu tư có hiệu quả các dự án phục vụ đa dạng hóa sản phẩm; hình thành Trung tâm Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các sản phẩm phân bón phục vụ nông nghiệp và cung cấp dịch vụ khách hàng.

Mục tiêu tổ chức, quản lý

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: “Ân cần - Thân thiện, Chuyên nghiệp - Sáng tạo, Trách nhiệm - Hài hòa”; Hoàn thiện và phát huy hiệu quả sử dụng các hệ thống quản trị tiên tiến trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (ERP, RBI, CMMS, KPI...) vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu sản xuất

Vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau hiệu quả, an toàn, ổn định (105% công suất thiết kế); Nghiên cứu nâng công suất nhà máy Đạm Cà Mau, tối ưu hóa và đa dạng hóa sản xuất để nâng cao hiệu quả và duy trì tuổi thọ của thiết bị trong từng giai đoạn.

Mục tiêu kinh doanh

Duy trì chiếm lĩnh tối thiểu thị trường Tây Nam Bộ 65%, Đông Nam Bộ 30%, thị trường Campuchia 50% trong giai đoạn 2015-2020. Mở rộng thị trường xuất khẩu phân đạm tại Thái Lan và các nước châu Á khác gần Việt Nam; Xây dựng kênh phân phối hiệu quả, phát triển ra hầu hết các địa phương trên toàn quốc cho sản phẩm Đạm Cà Mau; Tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết hoạt động kinh doanh khép kín từ khâu giống - phân bón - chế biến - dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị dịch vụ và vị thế của công ty.

Mục tiêu đầu tư mở rộng và phát triển

Tiếp tục nghiên cứu và đầu tư chiều sâu các dự án sản xuất phân bón nhằm cải tạo đất để làm giàu chất dinh dưỡng trong đất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; Nghiên cứu và xem xét đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm mới dựa trên nguồn nguyên liệu từ các nhà máy lọc hóa dầu; Khai thác và đầu tư mở rộng các hệ thống kho bãi, hậu cần và thiết bị công nghệ của nhà máy nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Tìm kiếm cơ hội và đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh phân bón, hóa chất trong và ngoài nước.

Mục tiêu tài chính

Xây dựng hệ thống quản trị tài chính tiên tiến; Phát huy tối đa hệ thống ERP phục vụ công tác báo cáo quản trị và tham mưu quản trị tài chính doanh nghiệp; Các chỉ tiêu tài chính luôn an toàn và kiểm soát chặt chẽ rủi ro tài chính; Sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo vốn luôn được bảo toàn và phát triển.

Mục tiêu quan hệ cộng đồng

Xây dựng hình ảnh thân thiện của công ty đối với cộng đồng, đặc biệt là với nông dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, gắn lợi ích của người dân làm nông nghiệp với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty; Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Tập đoàn và của công ty. Hướng tới nằm trong nhóm công ty dẫn đầu về công tác an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Thuận Thiên

Năng lượng Mới 561

DMCA.com Protection Status