Hai kỷ niệm khó quên

07:16 | 21/09/2017

706 lượt xem
|
Mặc dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng nhắc lại chuyện ngày đầu xây dựng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, cặp mắt ông như bừng sáng, ông nhớ đến từng chi tiết, như vừa xảy ra mới đây. Ông là TS Nguyễn Kim Hiệu, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Về những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình xây dựng NMLD Dung Quất, ông bảo: Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có hai điều “đóng đinh” theo ông suốt cuộc đời, mỗi khi ngẫm lại càng thấy đấy là những giá trị lớn, không thể “cân, đo, đong, đếm” bằng tiền.

hai ky niem kho quen
TS Nguyễn Kim Hiệu

Điều thứ nhất, việc lựa chọn địa điểm để xây dựng NMLD Dung Quất. Ông bảo, đây là một lựa chọn khó khăn của Chính phủ, mà người chịu trách nhiệm chính là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chuyện này thì báo chí viết nhiều rồi. Sự đúng đắn cho quyết định dũng cảm, đầy khó khăn ấy cũng đã được minh chứng bằng chính NMLD hôm nay. Tuy nhiên, có một chi tiết mà báo chí chưa viết đến, hoặc có viết cũng chỉ viết qua về sự khó khăn của Quảng Ngãi nói riêng, về miền Trung nói chung lúc bấy giờ, chứ chưa phân tích thực thấu đáo.

Chọn Dung Quất để xây dựng NMLD, chứ không phải nơi nào khác, theo phân tích của ông, chính là để giữ cho tình hình chính trị xã hội ổn định. Những lần theo đoàn công tác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi khảo sát, ông đã chú ý quan sát kỹ mọi biểu hiện của người đứng đầu Chính phủ. Ông nhận ra trong từng cử chỉ, sự suy tư và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, để rồi đến ngày 9-11-1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xây dựng NMLD số 1.

Quyết định này, nói như ông là quyết định “lịch sử”, làm cho chiếc “đòn gánh miền Trung” thêm vững chãi. Theo phân tích rất hình ảnh của ông, miền Trung là chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước. Khi mà cả hai đầu cùng phát triển mạnh mẽ, nếu chiếc “đòn gánh” không được “gia cố” thì “gãy” lúc nào chẳng hay! Ông dùng từ “gia cố” là có ý nói làm cho lòng dân yên, nếu không “gia cố” thì đòn gánh “gãy”. Chiếc “đòn gánh” bị “gãy” không chỉ ảnh hưởng mà còn để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

Ông bảo, tầm nhìn của Thủ tướng là ở chỗ đó, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ vì sự phát triển chung, suy cho cùng là tạo sự đồng đều trong phát triển của mọi vùng miền trong cả nước. Một khi không còn sự chênh lệch quá xa về kinh tế thì xã hội sẽ phát triển.

Chính vì vậy, khi Dự án NMLD gặp những “đoạn trường” tưởng như không thể thực hiện được, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đã nghỉ hưu), năm 2005 vẫn viết thư cho Quốc hội, tái khẳng định quyết tâm sắt đá của mình về việc lựa chọn Dung Quất để xây dựng NMLD. Có lẽ từ sự phân tích thấu đáo của Thủ tướng; cùng với quyết tâm chính trị rất cao của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Quốc hội đã quyết định lần thứ 2 về việc xây dựng NMLD Dung Quất.

Điều thứ hai “đóng đinh” trong ông, chính là lòng dân, là quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ngãi trong việc thực hiện quyết định của Chính phủ.

Ông kể rằng, ngay sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 658/QĐ -TTg về địa điểm xây dựng NMLD số 1, cả tỉnh Quảng Ngãi đã cùng “xắn tay” vào cuộc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vùng dự án.

Chưa có một dự án nào mà lòng dân đồng thuận như thế. Cũng chưa có một dự án nào mà giai đoạn giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh, gọn, ít khiếu kiện như Dự án Xây dựng NMLD Dung Quất. Nhiều hộ dân vì lợi ích chung đã hy sinh mảnh đất mình đang ở từ bao đời cho dự án để chuyển đến nơi ở mới.

hai ky niem kho quen

Khi Dự án Xây dựng NMLD lâm vào cảnh “ba chìm, bảy nổi”, thì nỗi lo ngày một trĩu nặng trên vai những nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, ông và các đồng chí của mình phải nuốt nước mắt vào trong, khi nhìn vào cặp mắt rưng rưng của những hộ dân, nghe giọng nói nghèn nghẹn của họ. Cả một vùng quê rộng lớn giờ thành bãi cát trắng mênh mông, hoang vắng, cỏ mọc um tùm.

Nhìn cảnh ấy, mình như thấy có tội với dân. Trong khi ấy, tại các kỳ họp Quốc hội khóa XI, nghị trường nóng ran về việc có tiếp tục xây dựng NMLD hay dừng lại. Ông bảo, nghị trường Quốc hội “nóng một”, thì “ruột gan” lãnh đạo Quảng Ngãi “nóng mười”. Người dân vừa thoát ra khỏi chiến tranh, đất nước nghèo, địa phương nghèo, chẳng có gì để hỗ trợ cho những hộ lâm vào túng thiếu sau khi giải tỏa.

Dự án mà bị Quốc hội “bác” thì “ăn nói” sao với người dân đây. Sự hy sinh của họ, họ không đòi hỏi, nhưng liệu dân có còn tin vào chủ trương, chính sách… hàng loạt những vấn đề đặt ra như vậy. Lãnh đạo địa phương phân công nhau xắn tay vào việc, người thì bám dân, người thì lo chuẩn bị đầy đủ tài liệu có tính thuyết phục cao để báo cáo với lãnh đạo các cấp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, ngoài nhiệm vụ thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình tại Quốc hội, còn tranh thủ vận động “hành lang” để tìm sự đồng thuận… Ông bảo, cả Quảng Ngãi như “nín thở”, khi ngày 8-6-2005, tại Quốc hội diễn ra một cuộc chất vấn căng thẳng dành cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải (khi ấy đang là ĐBQH khóa XI thuộc đoàn Quảng Ngãi). Rồi cả Quảng Ngãi như vỡ òa khi Quốc hội khóa XI đã thống nhất ban hành Nghị quyết về việc tập trung chỉ đạo xây dựng NMLD số 1 Dung Quất. Đây là nghị quyết thứ 2 của Quốc hội về NMLD Dung Quất. Nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc xây dựng NMLD số 1 Dung Quất trong năm 2008, đưa nhà máy vào sản xuất trong năm 2009.

Nghị quyết nêu rõ: “Quốc hội nhận thấy việc chưa tập trung chỉ đạo đúng mức công tác chuẩn bị, triển khai và giám sát thực hiện Dự án Xây dựng NMLD số 1 Dung Quất để dự án bị chậm nhiều năm, gây lãng phí lớn về kinh tế, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp phải xử lý là khuyết điểm lớn của Chính phủ và Quốc hội, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng các công trình quan trọng quốc gia”.

Giờ mọi việc đã “xuôi chèo mát mái”, ngẫm lại thời cam go, thử thách đã qua, hai điều mà ông nói “đóng đinh” trong ông theo ông suốt cuộc đời ngày càng sáng tỏ. Một quyết định sáng suốt; một lòng dân đồng thuận, chẳng khác gì dòng thác cuốn băng lực cản để về đích thắng lợi.

Theo TS Nguyễn Kim Hiệu, chọn Dung Quất để xây dựng NMLD là một quyết định “lịch sử” để giữ cho tình hình chính trị xã hội ổn định, làm cho chiếc “đòn gánh miền Trung” thêm vững chãi, tạo sự đồng đều trong phát triển của mọi vùng miền trong cả nước.

Đặng Trung

DMCA.com Protection Status