Hiệu quả từ đào tạo chuẩn quốc tế

07:00 | 28/02/2017

947 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Việc đào tạo theo xu hướng hội nhập quốc tế tại Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) và Trường Đại học Dầu khí (PVU) được nhìn nhận như một giải pháp hữu hiệu nhằm cung ứng dịch vụ đào tạo chất lượng cao, tạo niềm tin và thu hút người học, mở ra cho người học những cơ hội có việc làm trong và ngoài nước với mức lương hấp dẫn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao của ngành Dầu khí. Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu chia sẻ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Thanh Trung, Khoa An toàn - Môi trường (AT-MT) PVMTC và TS Nguyễn Trung Chí - Trưởng bộ môn Địa chất - Địa vật lý Khoa Dầu khí PVU về phương thức tổ chức và hiệu quả đạt được từ việc đào tạo theo chuẩn quốc tế.

KS Nguyễn Ngọc Thanh Trung: Áp dụng sáng tạo OPITO

hieu qua tu dao tao chuan quoc te

Những năm trước, người lao động muốn có được việc làm tại các liên doanh, các công ty dầu khí nước ngoài phải tham dự các lớp học an toàn đạt chuẩn quốc tế tại các cơ sở đào tạo bên ngoài lãnh thổ Việt Nam với chi phí cao, gây nên sự thất thoát một nguồn ngoại tệ lớn. Chính vì thế, PVMTC đã chuẩn hóa các khóa đào tạo an toàn theo chuẩn quốc tế (OPITO) để đáp ứng kỳ vọng vào việc cung ứng dịch vụ đào tạo chất lượng cao của đông đảo các công ty, nhà thầu cũng như người lao động trong và ngoài nước.

Việc này góp phần đổi mới hoạt động đào tạo tại nhà trường nói riêng và trong ngành Dầu khí nói chung. Đặc biệt là góp phần đáng kể vào việc duy trì chất lượng đào tạo ở Khoa AT-MT của PVMTC luôn đạt ở mức cao nhất. Số lượng học viên đến học tại PVMTC ngày càng tăng. Hằng tuần, đều có học viên nước ngoài đến đăng ký học; uy tín, thương hiệu và vị thế của nhà trường trong khu vực Đông Nam Á cũng vì thế được nâng cao.

Đặc biệt, với Khoa AT-MT, việc đào tạo theo chuẩn quốc tế có vai trò rất quan trọng vì những kiến thức và kỹ năng về an toàn lao động vốn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong quản lý, điều hành, tác nghiệp của mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hội nhập của đất nước nói chung và ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng. Nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài sẵn sàng trả chi phí cao cho nhân viên của mình theo học những chương trình đào tạo an toàn có chất lượng quốc tế và mang lại hiệu quả thật sự, trong khi hệ thống đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề của nước ta hiện nay có nhiều hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu này.

Để có được kết quả đáng khích lệ như hiện nay, dưới sự ủng hộ và chỉ đạo sâu sát của các cấp, lãnh

Hơn 40 năm qua, PVMTC liên tục phát triển và khẳng định được vị thế quan trọng trong sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí nói riêng và sự phát triển đất nước nói chung.

Với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị hiện đại, đồng bộ, đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm… trường có khả năng đáp ứng các yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án, công trình của ngành Dầu khí, các công ty, nhà thầu dầu khí trong, ngoài nước và các tổ chức kinh tế khác.

Trong những năm qua, trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho hơn 160.000 lượt học viên. Bên cạnh công tác đào tạo, PVMTC còn cung cấp nhiều loại hình dịch vụ kỹ thuật như: lặn, khảo sát, xây lắp, sửa chữa, bảo dưỡng và kiểm định các công trình dầu khí; dịch vụ thiết kế hệ thống, lắp đặt, bảo dưỡng, hiệu chuẩn, kiểm định các phương tiện đo lường, điều khiển tự động hóa và các dịch vụ bảo dưỡng các thiết bị công nghiệp…

đạo khoa đã thực hiện theo phương pháp 4C: Con người, Cơ sở vật chất, Công cụ quản lý và Chuẩn hóa.

Trong đó con người được xác định là yếu tố mang tính chất quyết định nên luôn được Ban Giám hiệu PVMTC quan tâm và đầu tư có trọng điểm cho đội ngũ giáo viên, CBCNV. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên trẻ ở Khoa AT-MT muốn có thể đứng lớp giảng dạy thì phải tham gia với vai trò trợ giảng trong tối thiểu một năm, được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, vi tính và ngoại ngữ, được tổ bộ môn dự giờ góp ý, rút kinh nghiệm, được truyền đạt những kinh nghiệm thực tế, lòng yêu nghề và sự tự tin khi đứng lớp. Bên cạnh đó, đội ngũ vận hành và thợ lặn cũng được đào tạo những khóa học đặc thù với các chứng chỉ đạt chuẩn theo quy định để đáp ứng việc vận hành trang thiết bị an toàn và hiệu quả.

Về cơ sở vật chất, nhà trường đã đầu tư kịp thời và đầy đủ để phục vụ cho công tác đào tạo, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo tại Khoa AT-MT nói riêng và toàn trường nói chung. Sau những tiết học lý thuyết sôi nổi, học sinh được sử dụng ngay những mô hình và trang thiết bị có chất lượng hàng đầu trên thế giới. Có thể kể đến một số hạng mục và trang thiết bị quan trọng như: cụm bể bơi huấn luyện phức hợp tại Bãi Dâu; cụm nhà khói và bãi tập phòng cháy chữa cháy tại Bà Rịa; túi thở thoát hiểm khẩn cấp dưới nước (EBS); bộ thở cứu nạn (SCBA); mô hình búp bê toàn thân kết nối máy tính AMBU…

Về công cụ quản lý, bên cạnh hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; để đáp ứng yêu cầu đặc thù của OPITO; khoa đã biên soạn, áp dụng và duy trì thành công hệ thống quản lý chất lượng QMS. Tuy nhiên, mỗi lần OPITO có cập nhật và chỉnh sửa trong tiêu chuẩn thì hệ thống này được chỉnh sửa và bổ sung phù hợp.

Đặc biệt, công tác chuẩn hóa là một chuỗi các hoạt động của quá trình đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc tế và cũng là chuỗi hoạt động khó khăn, phức tạp nhất.

Sau khi vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động dạy và học, đồng thời thực hiện quá trình tự thẩm định chất lượng đào tạo. Toàn bộ hồ sơ và bằng chứng được gửi sang Tổ chức OPITO để đánh giá từ xa. Trong quá trình đánh giá thực tế, giáo viên phải giảng dạy và giao tiếp với học sinh hoàn toàn bằng tiếng Anh, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ giáo án và đề cương đã được phê duyệt.

hieu qua tu dao tao chuan quoc te
TS Nguyễn Trung Chí giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về 2 công trình khoa học công nghệ của Tập đoàn được Giải thưởng Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khởi đầu một dự án triển khai và xin công nhận đạt chuẩn quốc tế cho một khóa học/ngành học đã khó, nhưng duy trì thành công chứng nhận, mang lại những hiệu quả thực sự còn khó hơn rất nhiều. Hằng năm, Tổ chức OPITO đều thực hiện một đợt đánh giá có thông báo trước (đánh giá thường niên) và ít nhất một đợt đánh giá đột xuất (đánh giá bất thường). Nếu xảy ra bất cứ vấn đề nào vi phạm với cam kết và quy trình chuẩn ban đầu thì ngay lập tức cơ sở đào tạo đó sẽ bị rút giấy chứng nhận và OPITO sẽ thông báo đến tất cả các tổ chức đào tạo thuộc mạng lưới OPITO trên toàn thế giới biết. Đây cũng là một ưu điểm về sự công khai, minh bạch và khách quan của một tổ chức mang tầm cỡ quốc tế.

Thêm vào đó, dự kiến vào năm 2017, Tổ chức OPITO sẽ đưa vào áp dụng hình thức “Học viên bí mật” đòi hỏi các trung tâm đào tạo phải luôn duy trì việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí để đảm bảo dịch vụ đào tạo chất lượng cao nhất.

Đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường. Trong những năm tới, trường sẽ phấn đấu có 3 ngành nghề đào tạo đạt chuẩn quốc tế và khu vực. Điều đó cho thấy tập thể giáo viên, CBCNV trong toàn trường khẳng định quyết tâm trong việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng xác định đào tạo theo chuẩn quốc tế không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn giá trị và tính nhân văn của việc đào tạo theo chuẩn quốc gia. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo không phải là tạo ra một nền giáo dục đào tạo hoàn toàn khác biệt với cái cũ, để loại trừ cái cũ. Nói như vậy, phát triển các khóa học và ngành học theo chuẩn quốc tế cũng không có nghĩa là dung hòa các chuẩn mực đã có thể làm “khác” hay “tương tự” mà phải có phương pháp thực sự làm thay đổi chất lượng đào tạo hiện nay tại các cơ sở dạy nghề nói chung và tại PVMTC nói riêng theo hướng hội nhập và toàn cầu hóa.

hieu qua tu dao tao chuan quoc te
Tiết học thực hành tại Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí

Bất cứ nghề nghiệp nào và thuộc lĩnh vực nào đều quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, trước hết đó là trách nhiệm, kế đến là lợi ích, uy tín và danh dự. Sản phẩm của chúng tôi là con người, nên vấn đề phải đảm bảo học sinh ra trường có chất lượng cao nhất: đó là lương tâm và cũng là trách nhiệm cao cả mà đất nước và xã hội đã, đang và luôn kỳ vọng vào đội ngũ những người làm công tác giáo dục - đào tạo.

TS Nguyễn Trung Chí: Kỹ sư dầu khí tốt nghiệp PVU có nhiều ưu thế

hieu qua tu dao tao chuan quoc te

Khoa Dầu khí PVU được phép đào tạo 4 chuyên ngành là: địa chất dầu khí, địa vật lý dầu khí, khoan - khai thác dầu khí và lọc - hóa dầu. Năm 2016, PVU đã cho ra lò khóa đầu tiên gồm 23 kỹ sư địa chất dầu khí, 21 kỹ sư địa vật lý dầu khí, 40 kỹ sư khoan - khai thác dầu khí, 40 kỹ sư lọc - hóa dầu với thành tích 85% khá giỏi có trình độ ngoại ngữ 5.5 IELTS trở lên, đáp ứng yêu cầu của ngành Dầu khí Việt Nam.

Nói như vậy, bởi vì chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của PVU xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và theo yêu cầu thực tế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Để làm được điều này, ngoài việc xây dựng chương trình đào tạo hết sức cơ bản, hiện đại chúng tôi phải xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của PVN về kiến thức chuyên sâu, kỹ năng thực hành thực tế, kỹ năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác; đào tạo lý thuyết cơ bản gắn với thực tế sản xuất kinh doanh của PVN, đồng thời cập nhật các kiến thức, công nghệ hiện đại cho cán bộ giảng viên và sinh viên.

Không những chỉ có chương trình đào tạo cơ bản, hiện đại, phù hợp với thực tế ngành Dầu khí Việt Nam mà chúng tôi còn có đội ngũ cán bộ giảng dạy vững vàng về lý thuyết, có kinh nghiệm và quan trọng hơn cả là có tâm huyết - vừa giảng dạy vừa rèn luyện thực tế, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu chuyên sâu để hỗ trợ cho lý luận sách vở.

Có được thành quả như đã nêu, ngoài chương trình đào tạo và cán bộ giảng dạy cơ hữu, thỉnh giảng là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia cao cấp từ các đơn vị của PVN, các trường đại học trong và nước ngoài thì PVU còn có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nơi thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp của các đơn vị Liên doanh Vietsovpetro (VSP), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và các đơn vị liên doanh JOC, POC… trong và ngoài PVN mà đặc biệt là của PVMTC chia sẻ giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng làm việc… hỗ trợ tối đa cho PVU dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của PVN.

Công tác đào tạo và nghiên cứu của Khoa Dầu khí, PVU phát triển theo các lĩnh vực chuyên sâu về tìm kiếm thăm dò - khai thác dầu khí (E&P) và chế biến dầu khí là 2 trong số 5 lĩnh vực chính của ngành Dầu khí Việt Nam mà Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn 2035 và Quyết định số 1748 và 1749 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển PVN đến 2025 và định hướng đến 2035 đó là: “Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao”.

Để cung cấp nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành Dầu khí Việt Nam về đào tạo và nghiên cứu 2 lĩnh vực E&P và chế biến dầu khí. Cụ thể, để nâng cao chất lượng đào tạo, các bộ môn đã bổ sung và nâng cao các học phần thực hành, thực tập các môn cơ sở ngành và chuyên ngành gắn với thực tế sản xuất kinh doanh của PVN, động viên sinh viên và giảng viên đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, bắt buộc thực hiện 2 đồ án chuyên ngành về E&P trong nhiều đối tượng đặc biệt là đá móng, dầu khí truyền thống và phi truyền thống trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam nhằm gia tăng trữ lượng.

hieu qua tu dao tao chuan quoc te
Lễ tốt nghiệp khóa 1 PVU

Tương tự như vậy đối với công nghệ khoan - khai thác như EOR, các mỏ nhỏ, cận biên một cách hiệu quả. Chuyên ngành lọc - hóa dầu cũng giao đề tài và đồ án chế biến dầu khí truyền thống và phi truyền thống (nhiên liệu sinh học…) cho sinh viên thực hiện. Các kỳ nghỉ hè sinh viên được giao nhiệm vụ thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp ở các đơn vị sản xuất kinh doanh và nghiên cứu của PVN, công ty liên doanh, công ty dầu khí nước ngoài… dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia kỹ sư giỏi đã làm cho kiến thức và kỹ năng của sinh viên nâng cao rõ rệt theo chương trình đào tạo.

Đây chính là sự khác biệt và hơn hẳn của kỹ sư tốt nghiệp PVU so với các trường đại học khác có đào tạo về ngành Dầu khí. Giúp cho sinh viên PVU có thể đáp ứng ngay vị trí công việc của đơn vị sản xuất, nghiên cứu hay làm dịch vụ kỹ thuật của ngành Dầu khí Việt Nam mà không mất thời gian và chi phí đào tạo lại (khoảng 2 năm) cho công việc của đơn vị tuyển dụng.

Theo hướng này và với mục tiêu đến năm 2020 đăng ký kiểm định ABET, thì chương trình đào tạo của PVU còn 4 năm và xây dựng theo chương trình đào tạo của một trường đại học về dầu khí của Mỹ có bổ sung các học phần của Việt Nam và Liên bang Nga và chúng tôi đang thực hiện cho khóa 5, năm học 2016-2017.

Chúng tôi hy vọng rằng, việc đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu trong 5 năm qua và những năm tiếp theo của PVU sẽ đáp ứng tốt hơn nữa mục tiêu phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam.

Ðến nay, PVU đã thực hiện đào tạo trình độ đại học hệ chính quy cho gần 450 sinh viên với các chuyên ngành địa chất - địa vật lý, khoan - khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu... Hằng năm trường đều cử sinh viên thi Olympic các môn Toán, Vật lý, Hóa học… toàn quốc và đạt được nhiều giải cao. Cụ thể: Olympic Toán (4 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba và 2 giải Khuyến khích); Olympic Vật lý (9 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 1 giải Khuyến khích) và 2 lần đạt giải Nhất toàn đoàn Vật lý, đạt điểm cao kỷ lục; Olympic Hóa học (1 giải Nhất, 5 giải Nhì, 3 giải Ba, 1 giải Khuyến khích); giải Nhất Olympic các môn Khoa học Mác - Lênin…; đạt nhiều giải ở các kỳ thi tay nghề và đại diện Việt Nam thi quốc tế. Trường đã có 27 sinh viên được nhận học bổng đi du học tại Nga và Pháp. Năm 2016 trường tổ chức lễ bế giảng trao bằng kỹ sư cho 124 sinh viên khóa I.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status