Hội Dầu khí Việt Nam khảo sát địa chất Đông Bắc Lào

18:25 | 02/04/2014

1,165 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong ngành Địa chất, việc khảo sát thực địa là một trong những phương pháp thu thập thêm thông tin để bổ sung cho quá trình nghiên cứu trước đó. Từ ngày 28/3 đến 1/4/2014, Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) đã tổ chức chuyến đi khảo sát địa chất Đông Bắc Lào với nhiều ý nghĩa thiết thực, được đánh giá là cuộc khảo sát có quy mô rộng và chất lượng cao.

Các nhà địa chất dầu khí Việt Nam khảo sát trên một điểm lộ ở Đông Bắc Lào

Dựa vào bản đồ địa chất và khoáng sản vùng Bắc Lào mà Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam giúp Lào lập với tỷ lệ 1/200.000, các nhà địa chất đã đưa ra lộ trình  với nhiều điểm lộ, đó là chặng Điện Biên - Luangprabang – Xieng Khouang. Tấm bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản này chiếm trên 70% lãnh thổ Lào. Các điều tra trước đó đã giúp phát hiện nhiều vùng quặng có quy mô lớn, như muối mỏ, thạch cao, bauxit, sắt ở Xieng Khouang, than nâu và đồng ở Bắc Lào. Kết quả đó đã được Chính phủ Lào đánh giá cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước bạn Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nhà nước, hai dân tộc.

Trải qua hành trình gần 1.500km, đoàn khảo sát do ông Ngô Thường San, Chủ tịch VPA dẫn đầu cùng các thành viên trong Ban chấp hành VPA, các nhà địa chất đã khảo sát những điểm lộ trên vùng rừng núi Lào. Nhà địa chất Trần Văn Trị, Ủy viên Ban chấp hành VPA cho biết: Cấu trúc địa chất ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta có liên quan chặt chẽ tới địa chất ở Đông Bắc Lào. Cuộc khảo sát này nhằm mục đích nghiên cứu các đới tầng địa chất trên đất liền Việt Nam và Đông Bắc Lào, góp phần liên hệ nghiên cứu địa chất phần đất liền nước ta.

Trên các đới tầng địa chất dọc tuyến đường khảo sát từ Điện Biên Phủ qua Phongsaly đến Udomxay, đoàn đã khảo sát các vùng trầm tích Mesozoi nhằm tìm hiểu các hệ thống dầu khí như tầng sinh, tầng chứa, tầng chắn dọc các vết lộ và điểm dừng theo tuyến khảo sát. Trên các tuyến đường quốc lộ, nhiều trầm tích chứa than đá phiến sét cũng lộ ra có tuổi Trias muộn, Jura sớm, có khả năng liên quan đến tầng sinh.

Nằm trên các trầm tích này, đoàn cũng đã khảo sát các trầm tích vụn, thô lục địa màu đỏ có biểu hiện muối mỏ, thạch cao – tuổi Jura muộn Creta. Hành trình từ Udomxay về Luangprabang, đường rất xấu và địa hình phức tạp nhưng đoàn vẫn kịp khảo sát một số điểm lộ như phức hệ đá phiến xilic, đá vôi, xen kẹp với các đá núi lửa có tuổi Permi, phân bố rộng dọc đường gần thung lũng sông Mê Kông đến Luangbrabang. Những cấu tạo này được tạo thành trong bối cảnh kiến tạo cung rìa lụa địa cổ.

Cố đô Luangbrabang là điểm dừng chân tiếp theo của đoàn. Nơi đây, đoàn đã đi khảo sát thác Kuang Si. Thác là quần thể nhiều thác lớn nhỏ tập trung tại núi Kuang Si, cách trung tâm Luangprabang 29 km về phía Nam. Đây là một thắng cảnh hấp dẫn nhất của xứ sở Triệu Voi với những hồ nước tự nhiên tuyệt đẹp, được xếp vào danh sách những hồ bơi thiên nhiên đẹp nhất hành tinh. Thác Kuang Si được hình thành trên vùng núi đá vôi, tạo thành các bậc từ trên núi cao xuống. Đoàn đã khảo sát quá trình phong hóa hòa tan các đá cacbonat tạo thành những nhũ đá, măng đá. Ngoài ra, quá trình khảo sát còn cho thấy những gờ bậc thang với những độ cao thấp khác nhau. Các nhà địa chất liên hệ với đá móng cacbonat ở bể Sông Hồng. Ngoài những trầm tích cacbonat, ở đây còn gặp đá núi lửa trung tính xen kẽ các đá trầm tích khác.

Điểm cuối cùng đoàn khảo sát của VPA thực địa là Cánh đồng Chum ở Xieng Khouang. Nơi đây đang có khoảng 52 địa điểm với hơn 2.000 cái chum lớn nhỏ. Cái lớn nhất có đường kính 2,5 m và cao tới 2,57 m, nặng đến hàng tấn. Đa phần những chiếc chum không có nắp với đủ dạng vuông tròn, không cái nào giống cái nào. Hiện mới chỉ có ba điểm được đưa vào khai thác du lịch gồm Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua, các địa điểm khác phần vì quá ít, phần vì vẫn còn rất nhiều bom mìn còn sót lại trong chiến tranh chưa được rà phá nên chưa mở cửa tham quan. Hiện nay, lịch sử về sự hình thành Cánh đồng Chum vẫn còn là một bí ẩn. Các nhà địa chất Việt Nam đã khảo sát và cho rằng, các chum được đục đẽo từ loại đá sạn kết, một số chum có cả cuội kết. Các chum này không phải có xuất xứ từ khu vực Xieng Khouang mà lấy từ nơi khác. Độ gắn kết của đá, độ cứng là một giả thuyết chứng minh luận điểm trên.

Chặng đường khảo sát Đông Bắc Lào khá dài, các nhà địa chất ngành Dầu khí đều đã cao tuổi nhưng đã thể hiện trí tuệ tập thể, đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về địa chất Đông Bắc Lào, làm phong phú thêm các luận điểm về địa chất. Chủ tịch VPA Ngô Thường San đã cảm ơn các nhà địa chất đã vượt lên mọi khó khăn về tuổi tác, đường xa để góp ý cho Hội những phản biện mới về địa chất Đông Bắc Lào. Chủ tịch Ngô Thường San mong rằng, với tình hữu nghị anh em Việt – Lào bền chặt, sắp tới Hội Dầu khí Việt Nam sẽ có nhiều công trình nghiên cứu, tư vấn giúp Lào trong việc tìm kiếm, khai thác khoáng sản.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status