Hủa Na bừng sáng mùa xuân thứ ba

06:43 | 13/02/2013

793 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Mùa xuân 2013 có lẽ là mùa xuân đẹp nhất trên thủy điện Hủa Na. Nơi đây đang chứng kiến một công trình lớn mạnh được gây dựng bởi biết bao công sức của hàng ngàn con người tham gia xây dựng. Sau 3 năm lao động không biết mệt mỏi bằng bàn tay, khối óc của mình, họ đã hoàn thành thêm một niềm tự hào cho đất nước…

Trở lại điểm sáng Tây Nghệ An

Tôi có may mắn được nhiều dịp về công tác tại thủy điện Hủa Na, vinh dự bởi đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Lần trở về với tâm trạng khác khi được chứng kiến hình hài của thủy điện Hủa Na đang hiện rõ với một màu xanh bao phủ núi rừng, sông nước. Cửa thác nước đổ xuống ầm ào như dải lụa trắng tung bọt trắng xóa… tất cả tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh lấp lánh trong ánh nắng nơi miền Tây xứ Nghệ.

Từ trên đỉnh hạ lưu đập tràn, tôi cùng anh Phan Trọng Phú, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na (HHC) thảnh thơi phóng tầm mắt nhìn ngắm toàn cảnh thủy điện, nơi chỉ mấy tháng trước đây còn là một đại công trường với ngổn ngang thiết bị và máy móc thi công gầm vang núi rừng. Hình ảnh đó nay chỉ còn trong ký ức những người làm thủy điện.

Đứng đây mới thấu hiểu, thấm thía công sức của các anh như thế nào, đó là những gian lao vất vả gánh vác một sứ mệnh lớn với lòng nhiệt huyết gắn bó với công trình thủy điện từ những ngày đầu xây dựng. Khi tôi hỏi bí quyết thành công của Hủa Na hôm nay, anh Phú cười: “Thủy điện là một câu chuyện dài kể ra thì không bao giờ hết, bí quyết của chúng tôi là ở sức mạnh của cả một tập thể, của sự hào hứng và khát khao được cống hiến phải từ mỗi cá nhân mới làm nên thành công này.” Tôi hiểu tâm sự của anh Phú, 3 chữ “làm thủy điện” là một câu chuyện dài đầy khó khăn vất vả.

Đến bây giờ, nhiều người vẫn không quên được cuộc chuyển rời rầm rộ lớn chưa từng thấy được xem như một “kỳ tích”. Họ vẫn tự hỏi tại sao chỉ trong vòng 10 tháng mà có thể di dời được 1.361 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ của 14 thôn, bản thuộc 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn được chuyển đến nơi ở mới. Câu trả lời ngắn gọn đó là sự đồng thuận, của sức mạnh tập thể đã làm nên kỳ tích ấy để công việc tích nước hồ chứa được thực hiện sau 5 tháng.

Công nhân Thủy điện Hủa Na kiểm tra thông số kỹ thuật sau khi hòa lưới điện quốc gia vào ngày 1/2/2013

Đây có thể nói là quyết tâm rất lớn của chủ đầu tư, các tổng thầu sông Đà, Lilama và đặc biệt là chính quyền tỉnh Nghệ An và bà con sinh sống tại 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ huyện Quế Phong đã tạo điều kiện bàn giao mặt bằng để xây dựng dự án.

Từng là cán bộ tham gia xây dựng thủy điện Yaly và Sơn La trong nhiều năm, anh Nguyễn Huy Vượng, Phó trưởng phòng thủy điện và năng lượng tái tạo, Ban Điện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: “Sau khi tiếp nhận dự án, Tập đoàn Dầu khí với vai trò cổ đông chi phối từ tháng 4/2009 và bàn giao triển khai thực tế từ tháng 8/2009 có thể nói rằng đây là quãng thời gian hết sức khó khăn vất vả. Ngoài chuyện di dân ra khỏi khu vực vùng lòng hồ, thủy điện Hủa Na còn phải triển khai một khối lượng công việc khổng lồ cũng nan giải, khó khăn không kém, đó là đổ bê tông 3,8km đường hầm trong một điều kiện địa chất cực kỳ phức tạp do công tác khảo sát chưa tốt của chủ đầu tư cũ ảnh hưởng đến tiến độ, biến động tỷ giá khiến lãi suất tăng cao.v..v. Tuy gặp phải một số khó khăn ngoài dự kiến nhưng tiến độ thi công vẫn nằm trong sự kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu. Bởi vậy, thủy điện Hủa Na vẫn đảm bảo mục tiêu phát điện theo đúng kế hoạch”.

Cùng với sự chỉ đạo hỗ trợ mức cao nhất của Tập đoàn, các Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Bắc Á (cũng là cổ đông tham gia dự án) đã chia sẻ khó khăn tiếp đủ vốn cho công trình. Sự thành công của dự án còn do lựa chọn các nhà thầu, các nhà tư vấn chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm thi công các công trình thủy điện. Trong đó tổng thầu xây dựng Tập đoàn công nghiệp Xây dựng Việt Nam; tổng thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam; nhà thầu cung cấp các thiết bị nâng hạ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung.

Thời điểm này, thủy điện Hủa Na đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia tổ máy số 1 và tổ máy số 2 vào trung tuần tháng 3/2013. Để đón sự kiện quan trọng đó, có thể hình dung khối lượng các anh đang phải làm rất lớn. Hầu như khu nhà công vụ chỉ đón các anh về nghỉ vào bữa tối, từ 5h sáng các anh đã xuống kiểm tra các hạng mục, rồi giao ban đôn đốc hết sức khẩn trương đến tối muộn mới về.

Sau ba năm dồn sức cho công trình, Hủa Na hôm nay không còn bộn bề công việc như trước nữa, khát vọng phát điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thành hiện thực.

Ổn định đời sống các khu tái định cư

Một thực tế đáng mừng là đến nay, các khu tái định cư (TĐC) vùng lòng hồ đã dần hiện rõ hình hài. Theo đánh giá của chính quyền địa phương và HHC thì các căn nhà xây mới cho người dân vùng bị ảnh hưởng đã cơ bản đáp ứng về điều kiện nơi ăn, chỗ ở. Để minh chứng cho điều đó, tôi cùng các cán bộ Tập đoàn và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) đã đến thăm một số điểm TĐC xa nhất thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ trước đây. Sau một giờ đồng hồ xuôi dòng sông Chu bằng xuồng cao tốc rồi di chuyển bằng ô tô.

Là một người 6 năm gắn bó với bà con từ những ngày còn đi vận động, mở đất để khai thông dự án, anh Trịnh Bảo Ngọc, Phó giám đốc HHC đưa chúng tôi lần lượt vào thăm các khu TĐC như Na Lướm, Huôi Chà La, Nậm Nui, Nậm Dừa, Khủn Na… Có thể thấy các hộ dân đều có nhà ở chắc chắn và rộng rãi, có điểm khiến chúng tôi hình dung như đang dừng chân ở thị trấn nhỏ với đầy đủ điện, đường, trường, trạm, trẻ em nô đùa bên lớp học.

Anh Ngọc cho biết: “Hiện nay, các hộ dân đã cơ bản có nơi ở mới, việc đền bù cho dân được chia thành các dạng, một phần nhận tiền đền bù sẽ tự túc xây nơi ở, các hộ không có điều kiện thì được xây dựng nhà cấp 4 hoặc nhà sàn bằng bê tông cốt thép theo mẫu đã được bà con lựa chọn. Ngoài diện tích nhà ở rộng rãi (hộ 1 đến 2 khẩu: 36m 2 , hộ 3 đến 5 khẩu: 60m 2 , hộ trên 6 khẩu: 80m 2) còn được xây dựng thêm các công trình phụ”.

Tại điểm tái định cư Huội Sin - Huội Lạn có tới 114 hộ dân xã Ðồng Văn nằm dưới chân đập thủy điện di chuyển về, là điểm tái định cư có đông dân nhất, đồng chí Vi Văn Quốc, Bí thư chi bộ cho biết: Ðến nay dân bản đã cơ bản an cư nơi TĐC mới. Chủ đầu tư ngoài chi trả tiền đền bù đầy đủ còn hỗ trợ dân tiền vận chuyển, các chính sách của Nhà nước về đền bù được thực hiện đầy đủ. Ðến điểm định cư mới dân bản vui hơn vì giao thông đi lại thuận tiện, các công trình phục vụ sinh hoạt hằng ngày như nước sinh hoạt, điện, giao thông, nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa cộng đồng...

So với năm ngoái tôi đến thăm, thì nay các khu TĐC ở Thông Thụ đã có thêm trường học, trạm y tế và nhà văn hóa… đó chính là sự khác biệt lớn về đời sống của bà con. Ngoài việc có khang trang do được đền bù hỗ trợ thỏa đáng, nhiều hộ còn dư tiền gửi ngân hàng, đầu tư cho sản xuất, con em đi học trường lớp khang trang, không phải trèo đèo lội suối đi lại khó khăn như trước. Ở Khuổi Sai cũng vậy, bà con dân Bản phải nói rằng đang có cuộc sống sung túc. Đường đến điểm TĐC được trải nhựa, đường trong khu dân cư và đường ra khu sản xuất được bê tông hóa; cùng với điện, nước sản xuất, nước sinh hoạt được dẫn bằng ống thép tráng kẽm, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa và đưa đến từng nhà. Nhiều gia đình còn sắm thêm xe máy, mở hàng tạp hóa buôn bán kinh doanh cũng không kém gì ngoài thị trấn…

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bất cập tại một số điểm TĐC là đường đi lại còn gặp nhiều khó khăn do tiến độ thi công chững lại do một số vấn đề liên quan đến vốn. Bên cạnh đó, do yếu tố khách quan, người dân ở một số điểm chưa được phân bổ đất sản xuất nên hiện nay đời sống của nhiều hộ dân bị hạn chế. Theo anh Ngọc, những việc cần làm sau tái định cư còn rất nhiều việc phải làm, ví dụ như việc thổ nhưỡng, thâm canh cho bà con không thể một sớm một chiều có thể làm được mà phải có thời gian, thậm chí là rất dài.

Thấu hiểu công tác hậu tái định cư còn nhiều khó khăn, Chủ tịch HĐQT HHC, ông Nguyễn Mạnh Hùng trăn trở: “HHC luôn xác định nhiệm vụ tiếp theo là ổn định đời sống và điều kiện phát triển sản xuất lâu dài, bền vững cho các hộ tái định cư là hết sức nặng nề. Điều chúng tôi luôn mong mỏi nhất đó là thực hiện được tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống nơi TĐC mới tốt hơn nơi ở cũ. Vì vậy, chúng tôi cùng chính quyền địa phương phải làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp bà con trong việc chuyển đổi nghề đạt hiệu quả, thì mới tránh được những mặt trái. Biết là khó nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện”.

Nghe anh Hùng nói, tôi vẫn tin rằng chất lượng đời sống của bà con vùng đất Quế Phong sẽ sớm được nâng cao, cải thiện bởi điện sẽ thắp sáng những bản nghèo, mang đến sự văn minh cho bà con, trợ giúp các em nhỏ được học hành. Trải qua 3 năm nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách với bàn tay, khối óc thể hiện một trí tuệ Việt bền bỉ. Những người xây dựng thủy điện Hủa Na đã mang lại một niềm tự hào cho đất nước.

Mạnh Kiên

DMCA.com Protection Status