Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam

10:21 | 25/05/2018

1,861 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hội nghị khoa học do Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) tổ chức ngày 22-5-2018 với chủ đề “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam” đã thể hiện góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về thực trạng, cơ hội và thách thức, xu thế phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tại hội nghị, các diễn giả tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn của VPI như: Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao; quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

khai thac va su dung hieu qua ben vung tai nguyen dau khi viet nam
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Anh

Trong phiên toàn thể “Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí, hướng tới sự phát triển bền vững”, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, phân tích các thách thức đối với lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là khâu thượng nguồn, dự báo xu hướng giá năng lượng đến năm 2040, từ đó đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác tái cơ cấu, tối ưu hóa danh mục đầu tư, xây dựng chiến lược cho toàn bể trầm tích, ứng dụng công nghệ mới… để giúp các công ty dầu khí tiết giảm chi phí và có thể cạnh tranh tốt hơn trong môi trường giá dầu thấp.

Trên cơ sở đó, Petrovietnam cũng trình bày định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. VPI trình bày các định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Petrovietnam trong thời gian tới.

Các bài trình bày trong Phân ban tìm kiếm thăm dò dầu khí “Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp” đã tổng hợp các số liệu, phân tích cơ hội và định hướng tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong thời gian tới, thể hiện các kết quả nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về địa chất, địa vật lý, địa hóa... cũng như ứng dụng các công nghệ mới phục vụ và nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí. Ngoài các dạng đá chứa phổ biến, các nghiên cứu cũng đã tập trung vào đặc trưng các dạng đá chứa phi truyền thống như đá chứa carbonate bị biến đổi mạnh, đá cát kết chặt sít, đá móng hang hốc nứt nẻ cũng như các kỹ thuật nhận dạng, xác định sự phân bố và chất lượng đá chứa, đặc biệt là ở các khu vực phức tạp (nước sâu, xa bờ), các mỏ dầu khí nhỏ, cận biên, các mỏ khí gồm các vỉa khí nhỏ, đa tầng… Các bài trình bày cũng cho thấy kết quả ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến đã góp phần đáng kể làm tăng hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò và thẩm lượng các khu vực.

Phân ban khai thác dầu khí “Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam” đã tập trung thảo luận các giải pháp công nghệ nhằm kiềm chế đà suy giảm sản lượng, cải thiện hiệu quả khai thác và gia tăng hệ số thu hồi dầu cho các mỏ tại Việt Nam.

Phân ban “Xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao tại Việt Nam” thảo luận các vấn đề về khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực xử lý, chế biến khí tự nhiên giàu CO2. Các chuyên gia đến từ những nhà cung cấp công nghệ, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực xử lý, chế biến khí giàu CO2 đã cung cấp thông tin mới nhất về các giải pháp công nghệ, các định hướng nghiên cứu phát triển hiện nay, qua đó giúp cho các nhà khoa học, nhà quản lý của VPI, Petrovietnam trao đổi, thảo luận để xác định các hướng đi phù hợp, khả thi cho việc sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên giàu CO2 tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phân ban “Quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động” đã trao đổi, thảo luận các mô hình, phương pháp tiếp cận, công nghệ tiên tiến trong quản trị rủi ro trên thế giới; vấn đề nhận diện các rủi ro hiện nay, xu hướng phát triển cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động tiêu cực của các rủi ro.

khai thac va su dung hieu qua ben vung tai nguyen dau khi viet nam
TS Nguyễn Hữu Trung thuyết trình đề tài tại Phân ban Khai thác dầu khí

Theo TS Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI, trong 40 năm qua, VPI đã và đang hỗ trợ Petrovietnam và ngành Dầu khí Việt Nam tạo ra một tương lai đảm bảo năng lực cạnh tranh cao và bền vững bằng cách tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài sản và nghiên cứu để tạo ra những đột phá lớn. Tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài sản bao gồm đánh giá đầy đủ tiềm năng dầu khí trong toàn bộ thềm lục địa và lãnh thổ, duy trì hoạt động an toàn, ổn định với rủi ro trong tầm kiểm soát, tối ưu chi phí vận hành và tăng cường/nâng cao thu hồi dầu. Trong khi đó các đột phá về khoa học công nghệ đã và đang đạt được gồm có việc tìm thấy và khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, nghiên cứu năng lượng thay thế bao gồm nhiên liệu sinh học và khí hydrate, lập và triển khai các dự án quy mô lớn và có vai trò thay đổi ngành Dầu khí và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là áp dụng công nghệ số.

TS Nguyễn Anh Đức cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay thế bộ não con người bằng trí tuệ nhân tạo. Việc áp dụng công nghệ số chắc chắn sẽ giúp Petrovietnam có năng lực cạnh tranh bền vững trong tương lai. Với cơ sở dữ liệu lớn về toàn bộ các hoạt động dầu khí tại Việt Nam, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, có kỹ năng tốt và cơ sở hạ tầng hiện đại, VPI sẽ giúp Petrovietnam thực hiện thành công việc chuyển đổi áp dụng công nghệ số thông qua xây dựng quy trình ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu và thiết lập hệ thống thu thập và xử lý số lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực.

“Những định hướng nghiên cứu và phát triển dài hạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Petrovietnam mà còn cho ngành Dầu khí trong việc tối đa hóa giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam” - TS Nguyễn Anh Đức khẳng định.

TS Nguyễn Hữu Trung - chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam

Việc nghiên cứu các giải pháp kiềm chế đà suy giảm sản lượng, cải thiện hiệu quả khai thác và gia tăng hệ số thu hồi dầu đối với các mỏ dầu khí hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành Dầu khí.

Tầng đá móng granite nứt nẻ là tầng chứa dầu chính chiếm hơn 50% sản lượng dầu khai thác tại Việt Nam. Các vỉa chứa dầu chủ yếu áp dụng giải pháp thứ cấp bơm ép nước, song do tính không đồng nhất của vỉa chứa cao, đặc biệt là bơm ép nước trong tầng đá móng nứt nẻ có thể trở nên kém hiệu quả hơn khi các giếng khai thác bị ngập nước. Bơm ép hóa chất và bơm ép khí là giải pháp khả thi nhất để nâng cao hệ số thu hồi dầu, đặc biệt là đối với các vỉa chứa clastic; đồng thời cần có kế hoạch triển khai EOR tổng thể theo từng khu vực.

TS Phan Minh Quốc Bình - Phó viện trưởng VPI, Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam

Các nghiên cứu ban đầu của VPI cho thấy tổng trữ lượng có thể thu hồi của khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao (lên đến trên 30%) ở Việt Nam khoảng 200 tỉ m3. Để sử dụng hiệu quả nguồn khí thiên nhiên giàu CO2, các nhà khoa học trong nước và thế giới đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ để xử lý khí, đặc biệt là chuyển hóa CO2 thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm thiểu việc thải CO2 trực tiếp ra môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính và nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững nguồn tài nguyên khí tự nhiên. Hội nghị của VPI đã tập trung thảo luận các vấn đề về khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực xử lý, chế biến khí tự nhiên giàu CO2, từ đó xác định các hướng đi phù hợp, khả thi cho việc sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên giàu CO2 tại Việt Nam trong thời gian tới.

TS Nguyễn Hồng Minh - Phó viện trưởng VPI

Để có hệ thống quản trị tốt, quản trị rủi ro cần phải thực hiện theo chuẩn mực quốc tế, gắn với các mục tiêu của chiến lược kinh doanh, bảo đảm ngăn ngừa, hoặc điều chỉnh kịp thời hoạt động khi rủi ro ảnh hưởng tiêu cực và kịp thời nắm bắt cơ hội nếu rủi ro có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả sản xuất kinh doanh. Môi trường dầu khí hiện nay có nhiều biến động: giá cả, cung cầu, công nghệ, địa chính trị và nhiều yếu tố khác.

Từ các mô hình, phương pháp tiếp cận, công nghệ tiên tiến trong quản trị rủi ro trên thế giới, hội nghị đã trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng quản trị rủi ro hiện nay của Việt Nam, so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó đề ra các bước đi để xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến tại Petrovietnam, đề ra các hướng nghiên cứu, tư vấn cơ bản của VPI trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược đã đặt ra.

Việt Hà

DMCA.com Protection Status