Ngành Dầu khí Việt Nam:

Khoa học & công nghệ là động lực phát triển

07:00 | 07/03/2013

360 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI được đánh giá là bước đột phá các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước.

Quan điểm mới, tư duy mới

Ngày 28/2/2013, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 với hai chuyên đề có liên quan mật thiết tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của PVN trong giai đoạn mới là chuyên đề “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” và “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Có thể nói, Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành là sự kiện mà cộng đồng các nhà khoa học của Việt Nam đang rất mong chờ, với kỳ vọng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước bắt kịp nhịp đập và hơi thở thực tiễn hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, phát triển bền vững và bối cảnh quốc tế về toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức.

Các nhà khoa học Việt Nam và Quốc tế chụp ảnh lưu niệm bên lề hội nghị KH&CN của PVN

Từ khi Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về KH&CN ra đời, KH&CN nước ta đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng và phát triển tiềm lực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống. Đến nay, các quan điểm và định hướng lớn về KH&CN của Nghị quyết Trung ương 2 vẫn đang được triển khai và vẫn còn nguyên giá trị.

Tuy nhiên, đất nước đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn phát triển CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; mặc dù cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đã có rất tâm huyết, nhiều nỗ lực, song cũng còn rất nhiều bất cập và vướng mắc trong quá trình thực hiện để KH&CN có thể thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động KH&CN nhìn chung còn trầm lắng, đầu tư chưa tương xứng, chưa tạo được môi trường minh bạch trong hoạt động KH&CN, cơ chế quản lý chậm được đổi mới, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý...

So với Nghị quyết Trung ương 2, Nghị quyết Trung ương 6 có rất nhiều điểm mới, điểm đột phá đối với KH&CN, đã chỉ ra được những hạn chế hiện nay, đặc biệt là những vấn đề đang cản trở sự phát triển của KH&CN như cơ chế tài chính, trọng dụng nhân tài, công tác quản lý Nhà nước…

Điều mấu chốt là Nghị quyết Trung ương 6 với một hệ quan điểm, tư duy mới sẽ tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong cơ chế tài chính, để cơ chế tài chính thực sự phục vụ cho phát triển KH&CN; để thu hút, trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ..., tạo điều kiện thuận lợi hơn, tạo cơ chế thông thoáng hơn để họ có thể phát huy tài năng và tâm huyết, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển chung.

Nghị quyết Trung ương 6 là sự đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN; đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với quan điểm đầu tư cho nhân lực KH&CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước sẽ có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN, ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN.

Nhà nước sẽ đặc biệt chú trọng vấn đề nghiên cứu ứng dụng và triển khai, coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN, quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đổi mới nhận thức của cả hệ thống

Dầu khí là ngành kinh tế kỹ thuật hàng đầu của đất nước, tập trung nguồn lực KH&CN lớn nhất và tập hợp đội ngũ cán bộ KH&CN đông đảo nhất, vì lẽ đó, Nghị quyết Trung ương 6 sẽ có sức ảnh hưởng lớn và tác động vô cùng quan trọng, sẽ mở ra một trang mới về phát triển KH&CN cho ngành.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới vận chuyển, chế biến, kinh doanh, dịch vụ, phân phối các sản phẩm dầu khí ở trong nước và đang vươn mạnh mẽ ra thị trường thế giới. KH&CN luôn đóng một vai trò hết sức to lớn trong hoạt động của ngành, bởi đây là ngành hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, toàn diện nhất. Nhiều thành tựu mới nhất của nền KH&CN thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của ngành Dầu khí Việt Nam.

Trong Chiến lược tăng tốc phát triển của PVN, KH&CN là 1 trong 3 giải pháp đột phá quan trọng nhất, được coi là động lực thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển. Do đó, Đảng ủy Tập đoàn xác định việc triển khai học tập, quán triệt sâu rộng trong toàn Tập đoàn và xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 mang một ý nghĩa hết sức quan trọng.

Để có thể đưa Nghị quyết Trung ương 6 vào thực tiễn, KH&CN phải được nhận thức là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp lãnh đạo và mọi thành viên trong Tập đoàn, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của KH&CN trong chiến lược phát triển của Tập đoàn phải được nâng cao, phải tập trung chỉ đạo xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên phát triển KH&CN đồng bộ và nhất quán trong toàn hệ thống; đội ngũ lãnh đạo và quản lý phải luôn có ý thức nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, tìm cách giải phóng sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN; cán bộ làm công tác KH&CN phải luôn có khát vọng cống hiến khoa học và đam mê các phát minh trong nghiên cứu khoa học để có được những nghiên cứu ứng dụng thật sự giá trị và mang lại ý nghĩa thực tiễn, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN nhằm tận dụng và phát huy nguồn nhân lực bên ngoài để phát triển tiềm lực KH&CN Dầu khí của Việt Nam.

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status