Kinh nghiệm quản lý, thu gom và xử lý dầu nhờn của châu Âu

07:00 | 09/04/2014

1,204 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng 8/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Cổ phần Dầu nhờn PV Oil (PV Oil Lube) cùng Tập đoàn Prista Oil (Bulgaria) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quản lý, thu gom và xử lý dầu nhờn của các nước châu Âu” để bảo vệ môi trường và thực trạng hiện nay tại Việt Nam.

Chủ trì hội thảo là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Chủ tịch Công ty Prista Oil. Tham dự có đại diện cấp cao Bulgaria, các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị nghiên cứu khoa học, đại diện Công ty Prista Oil, Công ty thu gom và xử lý Dầu thải Quốc gia Bulgaria...

Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến giúp PV Oil Lube có thêm kinh nghiệm trong tái chế, sử dụng dầu nhờn.

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều có quy định chặt chẽ trong việc sản xuất, phân phối, thu hồi và xử lý, tái chế dầu thải. Ở Mỹ, hàng năm lượng dầu thu hồi trên 1,4 triệu m3, sau khi tái chế có thể sử dụng cho trên 50 triệu xe hơi/năm, tại châu Âu lượng dầu thải thu hồi xử lý là trên 2,5 triệu tấn/năm.

Tại Việt Nam, việc quản lý, thu gom, xử lý dầu nhờn đã sử dụng để bảo vệ môi trường là một lĩnh vực vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc giải quyết vấn đề này không chỉ giữ gìn được môi trường trong sạch mà còn cải thiện được hình ảnh Việt Nam đối với quốc tế trong lĩnh vực thu hút đầu tư công nghệ cao sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo quy định của Việt Nam, dầu nhờn qua sử dụng được xem là chất thải nguy hại và phải được thu gom, xử lý theo quy định bởi các đơn vị được cấp phép hành nghề đáp ứng các quy định về quản lý, thu gom và xử lý chất thải nguy hại. Do đó, hội thảo lần này cũng thẳng thắn nhìn nhận tất cả các khía cạnh các cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật liên quan.

Prista Oil là tập đoàn dầu khí hàng đầu tại Bulgaria, hiện đang sở hữu và vận hành nhiều nhà máy xử lý dầu nhờn tại Bulgaria, Ucraina, Uzbekistan theo công nghệ cao đạt tiêu chuẩn Châu Âu (EU). Các sản phẩm là các loại dầu gốc chất lượng cao, tương đương chất lượng nhóm II theo quy định phân loại chất lượng dầu gốc của Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API - American Pretoleum Institute). Mô hình hoạt động của những nhà máy xử lý dầu nhờn thải tại Bulgaria giúp Việt Nam có thể tiệm cận với công nghệ tiến tiến châu Âu.

Tham luận tại hội thảo, ông Kalin Runtev, Giám đốc Prista Oil Ucraina cho biết: Một nhà máy hoặc một cơ sở tái chế dầu nhờn đã qua sử dụng muốn được chính phủ Ucraina hoặc bất cứ nước nào tại châu Âu đều phải trình lên các cấp thẩm quyền một chương trình hành động cụ thể về số lượng dầu tái chế và phải xác định được hiệu quả. Vị trí xây dựng nhà máy cũng hết sức được quan tâm và yêu cầu nhà máy đó phải sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, nếu không sẽ không cấp phép xây dựng và hoạt động.

Đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình cấp phép các cơ sở tái chế rác thải nói chung, tái chế dầu nhờn qua sử dụng nói riêng. Các chuyên gia nước bạn cho rằng, kinh doanh dầu nhờn trong lĩnh vực này thường không quan trọng lợi nhuận, “cái lợi” của doanh nghiệp chính là một môi trường quốc gia sạch sẽ, trong lành.

Ở Mỹ, quốc gia sử dụng dầu nhờn và tái chế dầu nhờn có khối lượng lớn nhất thế giới đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, thu gom và xử lý dầu nhờn. Ông Rohit Joshi, Giám đốc Công ty Sequoia cho biết, tại nước Mỹ có nhiều phương pháp tái chế, nhưng phổ biến nhất là: Dùng hydro để tách dầu với cặn; xử lý bằng bột sét, hóa chất...

Đại diện PV Oil Lube cảm ơn những đóng góp ý kiến của các chuyên gia Bulgaria đóng góp cho hội thảo. Những ý kiến đó là bài học bổ ích để PV Oil Lube có thêm kinh nghiệm trong việc tái chế, kinh doanh sản phẩm dầu nhờn đã qua sử dụng.

Phó tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị PV Oil kết hợp các đối tác để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất cho các sản phẩm của mình.

Đ.Chính

DMCA.com Protection Status