Kỷ niệm sâu sắc trong ngành Dầu khí

07:05 | 03/09/2015

3,801 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong 40 năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Dầu khí, những thành viên trong đại gia đình Dầu khí Anh hùng đã và đang vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhắc đến những thành quả đó, không thể quên những con người đã và đang ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi để có được những sáng kiến, sáng chế, những phát hiện mới đóng góp cho công cuộc “tìm dầu” gian khổ nhưng đầy vinh quang. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Báo Năng lượng Mới trân trọng giới thiệu với độc giả kỷ niệm sâu sắc của “Những người tìm lửa”.
ky nie m sau sac trong nganh da u khi

TS Trần Lê Đông, nguyên Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro: Nhớ mãi công trình bơm ép nước

Từng là người lãnh đạo cao nhất của XNLD Vietsovpetro, gặt hái được nhiều thành công nhưng TS Trần Lê Đông chỉ kể cho chúng tôi nghe về giai đoạn khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua của mình. Từ năm 2003 đến 2007, XNLD phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mỏ dầu đã qua thời khai thác đỉnh năm 2002, sản lượng dầu khai thác ở các mỏ hiện tại suy giảm liên tục, độ ngập nước diễn biến phức tạp, trong khi gia tăng trữ lượng không bù đắp đủ sản lượng dầu khai thác do phạm vi hoạt động của của XNLD bị hạn chế.

TS Đông nhớ lại: “Trước yêu cầu vừa phải bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất được cấp trên giao, vừa phải bảo đảm khai thác mỏ an toàn, tôi đã luôn phải theo sát thực tế, tổ chức nghiên cứu và đề xuất những giải pháp hợp lý, tối ưu để khai thác dầu tầng móng mỏ Bạch Hổ và Rồng như: áp dụng giải pháp vận chuyển dầu an toàn từ mỏ Rồng về mỏ Bạch Hổ để duy trì khai thác liên tục mỏ Rồng trong thời gian sửa chữa tàu chứa Chí Linh. Ngoài ra, XNLD còn áp dụng thành công phương pháp khai thác gaslift vào các giếng ở RP-3 mỏ Rồng; sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất như khoan ngang, các chương trình phần mềm chuyên dụng, bơm ép nước để duy trì áp xuất vỉa…”.

Trong đó, công trình khoa học “Giải pháp bơm ép nước” đã đăng ký độc quyền sáng chế khoa học là công trình để lại nhiều dấu ấn nhất. Khi Vietsovpetro có chủ trương bơm ép nước vào móng, một số chuyên gia dầu khí của nước ngoài đã phản đối, cho rằng, nước bơm ép sẽ tràn ngập các giếng khai thác và sẽ không kiểm soát được quá trình này. Nhưng sau một thời gian nghiên cứu,  cuối cùng Ban Lãnh đạo XNLD Vietsovpetro đã chọn giải pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa. Thế là, XNLD Vietsovpetro phải “đơn phương độc mã” trên đường tìm kiếm giải pháp. Chúng tôi chỉ biết trông cậy hoàn toàn vào đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của mình. Sau một thời gian nghiên cứu, thí nghiệm Viện Khoa học và Thiết kế đã cho ra một kết luận chắc chắn: Dùng phương pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa ở tầng móng vùng mỏ Bạch Hổ hoàn toàn có thể thực hiện được, trên cơ sở phải tuân thủ triệt để ba nguyên tắc sau đây. Một là, bơm đúng chỗ phần dưới tầng chứa dầu. Càng sâu càng tốt, vì tầng chứa dầu ở đây không có nước đáy cho nên phải tạo ra tầng nước đáy để đẩy dầu lên; Hai là, bơm đúng lúc. Khi bắt đầu khai thác là phải bơm ngay để duy trì áp suất vỉa từ đầu. Bởi vì, nếu để áp suất vỉa xuống thấp có thể các vết nứt nẻ sẽ khép lại, khi đã khép lại thì không thể mở ra được nữa, nước ở vùng đáy khi bơm vào cũng không thể đẩy dầu có hiệu quả. Đây là đặc trưng khác hẳn với những vỉa dầu ở tầng trầm tích; Ba là, bơm đúng khối lượng. Đây là nguyên tắc cực kỳ quan trọng, phải tính toán sao cho dòng nước chỉ được đi xuống đáy mà không thể tràn vào kẽ nứt để gây ngập các giếng khác.

Đến cuối năm 1993, kết quả thí nghiệm bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa trong tầng móng của Viện Khoa học và Thiết kế XNLD Vietsovpetro đã được ứng dụng tại vùng mỏ Bạch Hổ. Nhờ phương pháp này, hệ số thu hồi dầu từ 15-18% được nâng lên 35-38%, rồi 40,3%, theo kết quả mô hình hóa năm 2003. Như vậy, ngay khi ứng dụng nó đã cho hiệu quả kinh tế rất cao, mang tính đột biến rõ rệt.

ky nie m sau sac trong nganh da u khi

Ông Bỳ Văn Tứ, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ: “Đứa con đầu lòng” mang nặng đẻ đau

Sau khi kết thúc khóa học tại Rumani, tôi về nước và nhận phân công công tác tại Tổng cục Hóa chất. Thời điểm đó, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cử ông Nguyễn Đông Hải sang Tổng cục Hóa chất và tôi cũng là một trong những người được giao nhiệm vụ hỗ trợ thành lập Ban Dầu mỏ - Khí đốt. Tháng 9-1975, Tổng cục Dầu khí được thành lập trên nền tảng Ban Dầu mỏ - Khí đốt và Liên đoàn Địa chất Dầu khí 36 của Tổng cục Địa chất và tổ chức Dầu khí ở miền Nam.

Trong những dự án, những công trình đã được tham dự, triển khai, tôi có ấn tượng và kỷ niệm mạnh mẽ nhất với công trình Nhà máy Đạm Phú Mỹ - đứa con đầu lòng của ngành hóa dầu Việt Nam.

Nước ta là một nước nông nghiệp, nhưng lúc bấy giờ chúng ta lại chỉ có duy nhất Nhà máy Đạm Hà Bắc, sản xuất urê từ nguyên liệu than đá, đáp ứng chưa tới 1/10 nhu cầu của nền nông nghiệp. Vì thế, việc xây dựng một nhà máy đạm phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp là vô cùng cấp bách. Thế nhưng khi Chính phủ quyết định giao cho Tổng Công ty Dầu khí thực hiện Dự án Xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ, tính toán ban đầu cho thấy hiệu quả đầu tư của dự án rất thấp. Chúng tôi đã từng rất băn khoăn, bởi trong bối cảnh đó, thách thức lớn nhất là làm thế nào dự án đạt được hiệu quả mong muốn, vì đây là công trình đầu tiên của ngành hóa dầu nên mọi sự khởi đầu rất gian nan, từ việc lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà thầu, đàm phán hợp đồng, quản lý dự án…

Đề án đã xong, chương trình đã có, thậm chí khi triển khai, Chính phủ đã đưa dự án sản xuất phân đạm vào chương trình kêu gọi đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn và thời điểm đó giá phân bón thế giới đang ở mức thấp, nếu xem xét đơn thuần về hiệu quả kinh tế thì dự án có độ rủi ro cao, thiếu hấp dẫn, cho nên không có nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm đầu tư dự án. Thời điểm ấy cũng là một trong những giai đoạn vô cùng khó khăn của Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam thuộc khâu sau khai thác của ngành dầu khí, tổng mức đầu tư 445 triệu USD, công suất 740.000 tấn urê/năm. Chúng tôi lựa chọn liên danh nhà thầu quốc tế Technip (Italia) - Samsung (Hàn Quốc) để thực hiện dự án.

Có người nói Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ thành công là gặp may. Nhưng để gặp được may cũng không đơn giản. Dự án được đưa ra, đã có không ít những ý kiến phản đối, thậm chí có nhiều người cản trở dự án, nếu như không có niềm tin vững chắc là “sản xuất phân đạm phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước”, có lẽ nhiều kỹ sư đã phải bỏ cuộc. Để có thể vượt qua những khó khăn, đối với tôi, phương châm chỉ gói gọn trong câu “Dĩ bât biến, ứng vạn biến” với “cái bất biến”, niềm tin mãnh liệt là dự án chắc chắn sẽ thành công.

Tháng 12-2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chính thức khánh thành, đúng tiến độ, chất lượng tốt, giá trị quyết toán tiết kiệm 65 triệu USD so với tổng dự toán được duyệt, thấp hơn hạn mức đầu tư tới 106 triệu USD. Sản phẩm Đạm Phú Mỹ xuất hiện trên thị trường đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường phân đạm trong nước. Thêm vào đó, giá lương thực và phân bón trên thế giới liên tục tăng cao trong các năm sau đó, vừa giúp dự án nhanh chóng thu hồi vốn, vừa giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thu lợi lớn. Tình hình khủng hoảng lương thực trên thế giới ngày một gay gắt càng chứng tỏ quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ hết sức đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn chiến lược sáng suốt và dài hạn.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ ra đời không chỉ giúp đất nước mỗi năm tự sản xuất 700 đến 800.000 tấn phân urê, mà quan trọng hơn, đây chính là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ cho ngành hóa dầu của cả nước, một lĩnh vực chỉ mười năm trước đối với Việt Nam còn hoàn toàn mới mẻ. Với kinh nghiệm có được từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ, nước ta tiếp tục xây dựng hàng loạt công trình khác như Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình.

Đối với tôi, niềm vinh dự lớn lao khi được tham gia tổ chức, xây dựng Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ và coi đây là dự án tâm đắc nhất và trọn vẹn nhất trong cuộc đời làm ở ngành Dầu khí của mình. Đáng nhớ nhất là những đồng nghiệp đã cùng tôi đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để thực hiện nhiệm vụ và sau bao nhiêu năm mỗi người một nơi vẫn tìm đến nhau gặp mặt hàng năm trong tình cảm thân thiết. Trong số đó có những người đã khuất, những người mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo, nhưng những kỷ niệm đẹp thì còn mãi…

ky nie m sau sac trong nganh da u khi

Ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Chuyện “kén rể” của ngành Dầu khí

Trước thời khắc đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, ngày 20-7-1975, Bộ Chính trị họp lần thứ nhất  tại Sài Gòn bàn về: Phương hướng phát triển kinh tế Việt Nam sau thống nhất.  Có một chương lớn bàn về phát triển ngành Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, trong đó đã vạch ra chính sách hợp tác với nước ngoài (những nguyên tắc cơ bản về lựa chọn đối tượng hợp tác, hình thức hợp tác và địa bàn hợp tác). Nội dung Hội nghị này đã được tổng kết thành Nghị quyết 244-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khái niệm Dầu khí ở thời điểm đó đối với nhiều người còn khá mới mẻ. Thế nhưng, Đảng và Nhà nước ta đã có tầm nhìn mang tính chiến lược khi quyết định ban hành Nghị quyết cho phép ngành Dầu khí hợp tác đa phương với nước ngoài.

Công tác chuẩn bị chọn đối tác mà mọi người vẫn gọi vui là “kén rể” của ngành Dầu Khí bắt đầu từ đây. Là một trong những thành viên đầu tiên làm nhiệm vụ nghiên cứu phát triển ngành, tôi nhớ mãi thời gian chuẩn bị cho cuộc đánh dấu dấu mốc của ngành Dầu khí. Năm 1971, tôi về nước sau khi được cử đi học về dầu khí ở Rumani. Mặc dù đất nước vẫn còn chiến tranh nhưng câu hỏi: Đất nước thống nhất, chúng ta sẽ phát triển dầu khí như thế nào? Chúng tôi đã đặt ra.

Tôi rất may mắn là có kiến thức từ khi được cử sang học ở Rumani, rồi sau này là thời gian công tác ở Ban Dầu mỏ và Khí đốt, cộng với việc được tham gia nghiên cứu ở Algeria… tôi đã chuẩn bị cho mình kha khá vốn liếng. Thời gian ở Algeria, chúng tôi đã xuống hiện  trường từng mỏ  trên  sa mạc để nghiên cứu, tìm hiểu về cơ cấu tổ chức khai thác các mỏ dầu khí ở nước bạn.

Với tuổi trẻ, chúng tôi hăm hở, bị chìm đắm trong ngành Dầu Khí của bạn để tìm hiểu cái cốt lõi tổ chức hoạt động một ngành có tính quốc tế rộng rãi. Ấn tượng nhất là tổ chức gọn nhẹ tập trung vào nhiệm vụ chính của một công ty dầu khí quốc gia. Các công ty dịch vụ chuyên ngành tham gia trên cơ sở hợp đồng dịch vụ kinh tế - thương mại. Được bạn Algeria nhiệt tình giúp đỡ, được làm việc trong môi trường nhiều công ty quốc tế, là cơ hội hiếm có để chúng tôi thu lượm kiến thức cho mình và báo cáo lãnh đạo khi về nước. Nó cũng đã giúp tôi rất nhiều trong lĩnh vực hoạt động kinh tế đối ngoại sau này.    

Trở lại với sự kiện Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được thành lập thì theo chỉ đạo của Nghị quyết số 244-NQ/TW  là phải tiếp xúc với các công ty nước ngoài để đàm phán, ký kết các hợp đồng. Đặc biệt, những hợp đồng đang bị bỏ dở ở miền Nam Việt Nam, phải làm sao để đối tác quay trở lại tìm kiếm khai thác một cách nhanh nhất.

Mục tiêu là thế, nên Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt tiếp xúc rộng rãi với các công ty là đối tác nước ngoài. Lúc này, là thời điểm “nghệ thuật kén rể” được tung ra. Tự thân những kỹ sư như chúng tôi phải làm từ những công việc nhỏ nhất như viết thư mời, lên phương án định hướng nếu đối tác vào Việt Nam thì chúng ta sẽ bàn về cái gì? Ở thời điểm đó, có khó khăn là chúng ta đang phải chịu sự cấm vận Mỹ. Vì vậy, việc “chọn rể” cũng phải cân nhắc.

 Sau nhiều lần họp bàn, chiến lược được đưa ra đầu tiên đó là lựa chọn các đối tác là các công ty dầu khí quốc gia, tìm đất nước đang có mối quan hệ tốt với mình, mời họ tham gia hợp tác như: Đức,Ý, Pháp, Canada… Thứ 2, chọn đối tác là những công ty dầu khí độc lập, tức là các công ty lớn đã có thiện cảm với mình như BP của Anh, Deminex của Đức, BHP của Úc… Nghĩa là trước khi tìm đối tác, mình phải hiểu rõ được họ. Ở thời điểm đó, cách “kén rể” như vậy được nhiều người ủng hộ. Dù lần kén rể đầu không nhiều kinh nghiệm, nhưng bằng sự chuẩn bị chu đáo, đề phòng sẵn các phương án xảy ra thì lần đầu tiên, ngành Dầu khí kén được 3 “chàng rể” vào năm 1978. Đó là: Bow Valley một công ty độc lập của Canada, AGIP của Ý và Deminex của Tây Đức, cùng hợp tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên diện tích 30.000km2 của 5 lô trên thềm lục địa phía Nam.

ky nie m sau sac trong nganh da u khi
Xây lắp chân đế giàn khoan dầu khí ở Tiên Hưng - Thái Bình

Tuy nhiên, không phải lần “kén rể” nào cũng suôn sẻ. Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là trong Dự án Phát triển khí Nam Côn Sơn. Việc đàm phán với đối tác ở dự án này mất khá nhiều thời gian. Hồi đó, có 3 đối tác tham gia đàm phán gồm: ONGC của Ấn Độ, StatOil của Na Uy và BP của Anh. Lúc đó, với tư cách là Trưởng đoàn  Đàm phán, được phép mời đại diện các phòng, ban của Petrovietnam  đến chứng kiến lễ ký kết “Thỏa thuận nguyên tắc”. Sau hơn 1 tuần đàm phán, mọi việc tưởng như xong xuôi thì ngay buổi trưa hôm đó, đối tác phía Ấn Độ muốn sửa hai chữ trong văn bản thỏa thuận. Thực ra hai chữ bằng tiếng Anh trong văn bản  có nghĩa giống nhau, nhưng tiếng Anh của người Ấn Độ “cổ” nên họ muốn thay đổi từ ngữ theo ý của lãnh đạo họ. Tôi không đồng ý vì bốn bên đã mất bao công sức đàm phán tạo được sự đồng thuận. Trước lúc ký kết, không nhất thiết phải thay đổi để “chiều lòng” một ý kiến thiểu số. Sự việc đẩy không khí trở nên căng thẳng khi tôi tuyên bố có thể hủy buổi ký nếu ONGC không rút lui yêu sách. Sau 20 phút giải lao uống cà phê, mọi người về vị trí làm việc, tôi nảy ra sáng kiến,  phải làm điều gì đó để tự giải tỏa sự căng thẳng này. Với tư cách “chủ nhà”, tôi đề nghị mỗi đại diện đối tác kể một câu chuyện tiếu lâm. Thế là lần lượt mọi người  kể một chuyện tiếu lâm của nước mình  và tất cả cùng cười. Sau tiết mục kể chuyện tiếu lâm, văn bản  đã được ký kết không sửa chữa và đó là thỏa thuận  mở đầu cho những bước tiếp theo của Dự án Nam Côn Sơn. Từ đó để thấy, một chi tiết dù rất nhỏ song cũng có thể làm tổn hại  một dự án,  tất nhiên mình cũng phải biết lúc nào nhu, lúc nào cần cương.

Trong suốt 37 năm công tác, để nói “người con rể” mà tôi ưng nhất thì đối tác nào cũng tạo ấn tượng. Đa phần các “con rể” đều đúng đắn và khá sòng phẳng. Thực tế, ban đầu họ cũng lo ngại vì ngành Dầu khí của Việt Nam còn non trẻ, hạ tầng cơ sở thiếu, kém nhiều mặt. Thế nhưng, qua thời gian thì dần dần PVN đã “lấy lòng” được các  đối tác. Những đối tác đã “thân như máu thịt” phải kể đến Liên bang Nga. Mối quan hệ khăng khít này bắt đầu từ năm 1981, khi Tổng cục Dầu Khí cùng Bộ Công nghiệp khí Liên Xô thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô, hơn 6.000 cán bộ chuyên gia Nga đã sang Việt Nam làm việc. Trong 25 năm của Hiệp định 30 năm, Vietsovpetro đã phát hiện ra  tầng dầu mới, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam. Đến nay, Liên doanh Dầu khí Việt - Nga đã khai thác trên 200 triệu tấn dầu thô và trên 20 tỉ m3 khí đồng hành, cung cấp cho các nhà máy điện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Mỹ và Nhà máy Sản xuất đạm Phú Mỹ.

 Làm được điều này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải có niềm tin và tạo dựng được niềm tin với đối tác. Vượt xa khỏi cách làm kinh doanh mang tính ăn thua đơn thuần, đó là hợp tác cùng phát triển.

 

Nhóm Phóng viên

(Năng lượng Mới 452+453)

DMCA.com Protection Status