Kỷ niệm Bình Minh

08:49 | 24/04/2016

736 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cách đây 35 năm, công tác thăm dò, tìm kiếm dầu khí trên đất liền ở miền võng Hà Nội - đồng bằng sông Hồng do Công ty Địa vật lý và Công ty Dầu khí I triển khai với sự trợ giúp của Liên Xô đang ở thời kỳ kết thúc. Kết quả đã phát hiện được dấu hiệu dầu mỏ và một mỏ khí tự nhiên tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đồng thời các nhà khoa học đã đưa ra một kết luận rất quan trọng có tính chiến lược: Càng tiến ra biển thì khả năng phát hiện dầu khí càng tăng.  

Đỗ Chí Hiếu (Kỹ sư Địa vật lý, nguyên Chủ tịch CĐ DKVN)

Xuất phát từ tư duy đó, Công ty Địa vật lý đã được Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam cho phép thí nghiệm triển khai công tác địa vật lý biển nông tại khu vực cửa Ba Lạt của sông Hồng trên địa bàn tỉnh Nam Định bằng cách tận dụng các vật tư thiết bị đang triển khai trên đất liền. Nhưng do điều kiện địa hình rất phức tạp, bao gồm sú vẹt, sình lầy, sông ngòi chằng chịt, lại thiếu thiết bị phương tiện thu nổ địa chấn chuyên dùng cho nên công việc gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng tài liệu đạt thấp. Vì vậy, đội địa chấn 5 là đơn vị thi công dự án này phải dừng lại.

ky niem binh minh
Tác giả (giữa) và ông Trương Minh (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các chuyên gia Liên Xô trên tàu Bình Minh năm 1983

Trước tình hình đó, Tổng cục đã đưa ra một quyết định sáng tạo và đúng đắn là: Tiến thẳng ra biển sâu bằng các thiết bị vật tư và lực lượng hiện có. Đây là tiền đề để thành lập lực lượng địa chấn biển đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.

Về mặt tổ chức, lúc đầu là Đội Địa chấn biển trực thuộc Công ty Địa vật lý, về sau được đổi tên thành Đoàn Địa vật lý biển. Địa điểm đóng quân, thời gian đầu tại nhà kho trong cảng Vật Cách, Hải Phòng, sau này được UBND TP Hải Phòng cấp cho một đơn nguyên nhà 4 tầng tại thị trấn Quán Toan.

Để thực hiện dự án này, anh Đỗ Văn Hậu từ Đội Địa chấn 5 được điều về làm công tác chuẩn bị. Tôi (Đỗ Chí Hiếu) sau khi kết thúc Dự án GEMAUX của Công ty CGG (Pháp) tại thềm lục địa phía Nam và triển khai địa chấn trên đất liền ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được Tổng cục điều động bổ sung cho dự án này. Điều thuận lợi của chúng tôi là được đào tạo cơ bản ở Liên Xô và có kinh nghiệm làm địa chấn biển. Sau này Tổng cục có bổ sung thêm anh Vũ Tiến Hải. Như vậy, ban lãnh đạo đoàn gồm Hiếu, Hậu và Hải (hoàn toàn ngẫu nhiên tên của 3 người đều có chữ H ở đầu, nên rất tâm đầu ý hợp).

Công việc được trợ giúp tích cực của đoàn chuyên gia Liên Xô gồm Đoàn trưởng, thuyền trưởng, kỹ sư đứng máy trưởng và kỹ sư bắn mìn (súng hơi).

Cán bộ tàu thuyền Việt Nam gồm có Thuyền trưởng, phó là các anh Nẫm, Trương; anh Tư - Máy trưởng, anh Long - Thủy thủ trưởng, anh Tâu - Liên lạc vô tuyến điện; các kỹ sư đứng máy: anh Hiệp, anh Huy; trắc địa định vị: anh Thường, anh Uy, anh Toại; lực lượng trên bờ gồm: hành chính - anh Biển, kế toán thủ quỹ - anh Thường, lái xe U-oát - anh Vây và một số anh chị em khác. Biên chế của đoàn khoảng 30 người.

Phương tiện đi biển là tàu được hoán cải của tàu đánh cá 240CV tại căn cứ Bến Kiền của Quân chủng Hải quân ở Hải Phòng. Trạm thu địa chấn lúc đầu sử dụng trạm ghi tương tự của Liên Xô Progress, sau đó được thay thế bằng trạm ghi số của Pháp SN 338B, nguồn nổ dùng súng bắn hơi.

Phương pháp thi công áp dụng phương pháp địa chấn điểm sâu chung. Đây là những phương tiện chuyên dùng và phương pháp thi công thực địa hiện đại nhất của Liên Xô và Pháp lúc bấy giờ.

Nhìn tổng thể dự án này có những thuận lợi cơ bản là được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và kịp thời của Tổng cục Dầu khí Việt Nam, của đoàn chuyên gia Liên Xô bao gồm các chuyên gia có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm làm địa chấn biển, tâm huyết với nghề và tận tình giúp đỡ Việt Nam. Cán bộ quản lý và kỹ thuật của đoàn có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, sức khỏe, đồng tâm hợp lực, chung sức chung lòng quyết tâm thực hiện dự án tốt nhất.

Tuy nhiên, đây là dự án tự làm đầu tiên của ngành Dầu khí, yêu cầu kỹ thuật cao, đồng bộ, chính xác giữa các khâu định vị - nổ mìn - thu sóng. Điều kiện khí hậu ở Vịnh Bắc Bộ lại rất phức tạp, mưa bão thất thường, sóng to gió lớn, việc thu nổ địa chấn trên biển chỉ có thể được thực hiện khi sóng cấp 3 trở xuống nên luôn phải chờ cửa sổ thời tiết thích hợp mới ra biển thu nổ được.

Tôi còn nhớ, khi ấy luồng lạch ra vào cảng rất phức tạp, phụ thuộc thủy triều; lực lượng kỹ thuật trên tàu, kể cả lãnh đạo đoàn phải đi theo thì sức khỏe chưa đáp ứng được cho việc đi biển nên thường hay bị say sóng. Thật là nhớ đời những lần say sóng nôn mửa đầy tàu, những đợt tránh bão cạn kiệt lương thực, thực phẩm ở đảo xa, việc lắp ráp đồng bộ các thiết bị chuyên dùng gồm những chủng loại khác nhau nên rất khó khăn, phức tạp, phải làm đi làm lại, thử nghiệm nhiều lần để đáp ứng yêu cầu phân giải cao của địa chấn biển. Vượt qua tất cả những khó khăn trở ngại trên, tàu Bình Minh rồi cũng được hoán cải và lắp đặt các trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ. Sau khi thống nhất các phương án cung cấp khí tượng thủy văn, thông tin liên lạc, hậu cần và chương trình thí nghiệm thực địa trên biển, tàu đã ra khơi tiến hành công tác thu nổ đầu tiên.

Không thể nào tả hết nỗi niềm hân hoan, vui mừng của cả đoàn khi thu được những băng địa chấn thí nghiệm đầu tiên đạt kết quả tốt tại phao số 0 cửa Sông Cấm, Hải Phòng. Anh em có tổ chức một bữa liên hoan nhỏ bằng các tiêu chuẩn chế độ đi biển của mình.

Trên cơ sở này, tàu Bình Minh tự tin rẽ sóng ra khơi tại Vịnh Bắc Bộ, tiến hành công tác thu nổ địa chấn chính thức. Sau hơn 1 năm triển khai dự án, tàu Bình Minh đã thu nổ được 2.500km tuyến địa chấn Điểm sâu chung với chất lượng tốt, làm sáng tỏ cấu trúc địa chất của miền võng Hà Nội phần kéo dài ra biển.

Sau này, khi có các tàu địa chấn hiện đại thì tàu Bình Minh được hoán cải thành tàu dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động dầu khí ở thềm lục địa, đã mang về những đồng đôla Mỹ đầu tiên và hàng triệu đôla cho ngành Dầu khí.

Nói đến nguyên nhân thành công của dự án thì đây là quyết định sáng tạo, kịp thời, đúng đắn và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tổng cục Dầu khí. Các anh Hồ Đắc Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam; anh Trương Minh, Tiến sĩ KHKT, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật của Tổng cục là những chuyên gia địa vật lý đầu ngành luôn quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác thực địa, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về mặt kỹ thuật công nghệ của dự án. Tập thể CBCNV của Đoàn Địa vật lý biển, từ cán bộ lãnh đạo đến người công nhân đều đồng tâm hiệp lực, quyết tâm phấn đấu để thực hiện tốt nhất dự án, luôn kiên định bám sát mục tiêu sáng tạo quyết liệt triển khai thực hiện.

Thấm thoắt đã 35 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi thấy mình thật may mắn và luôn thầm cám ơn tập thể Đoàn Địa chất biển thân yêu và các bạn chuyên gia Liên Xô, những người đã đóng góp quyết định cho sự thành công của dự án. Điều đặc biệt vui mừng là một số cán bộ của dự án sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các tổng công ty trong ngành, số anh em khác, sau thời gian công tác đều mạnh khỏe, sống êm ấm với gia đình. Trong tôi luôn giữ niềm tự hào nho nhỏ là đã đóng góp một viên gạch xây dựng nền móng cho công tác Địa chất biển Việt Nam - đội ngũ tiên phong của ngành Dầu khí.

Sau này có nhiều tàu địa chấn hiện đại của các tập đoàn dầu khí quốc tế đến làm việc tại thềm lục địa Việt Nam, ngành Dầu khí cũng đã có thêm tàu Bình Minh 02 trang bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng tàu Bình Minh vẫn là dấu son, điểm sáng từ thuở “khai thiên lập địa” dầu khí vươn ra Biển Đông bằng lực lượng của chính mình, đầy ắp những kỷ niệm đẹp, sâu sắc và không thể nào quên của chúng tôi.

Năng lượng Mới 516

DMCA.com Protection Status