Kỷ niệm xuất dầu trên biển

11:12 | 22/08/2017

687 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong số những người làm công tác giao dầu thô xuất khẩu giai đoạn đầu tiên của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu thiết bị và Kỹ thuật Dầu khí (Petechim) nay là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) có ông Hồ Minh Ánh (hiện là Phó trưởng ban Dầu thô PVOIL). Nhân kỷ niệm 9 năm thành lập PVOIL, ông kể lại những kỷ niệm khó quên trong giai đoạn này.

Tháng 6-1986, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu thiết bị và Kỹ thuật Dầu khí thành lập Phòng Xuất khẩu dầu thô (gọi tắt là phòng xuất). Lúc này anh Hồ Minh Ánh là một thành viên của phòng xuất, được giao nhiệm vụ đại diện người bán (shipper) thực hiện việc giao nhận và làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc xuất khẩu dầu thô tại trạm rót dầu không bến FPSO Crưm (sau đổi tên là Trạm rót dầu không bến Chí Linh) cách bờ biển thành phố Vũng Tàu hơn 60 hải lý (gần 100km)…

Trạm rót dầu FPSO Crưm là trạm rót dầu không bến đầu tiên của ngành công nghiệp dầu khí non trẻ Việt Nam. Trong quá trình làm công tác giao dầu thô xuất khẩu ngoài khơi, Hồ Minh Ánh cùng các đồng nghiệp đã chứng kiến nhiều câu chuyện hy hữu, có cả hiểm nguy và có những kỷ niệm không bao giờ quên.

ky niem xuat dau tren bien

Vào đêm rằm Trung thu (7-10-1987), sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu lô dầu thô mỏ Bạch Hổ (bao gồm làm bộ chứng từ xuất khẩu hàng hóa), đại diện cảng vụ Vũng Tàu (Vũng Tàu Harbour Master) đã trao cho thuyền trưởng tàu nhận dầu giấy rời cảng; cả đoàn làm thủ tục bao gồm: 1 đại diện chủ hàng, 1 đại diện kiểm dịch, 1 đại diện biên phòng cảng, 1 đại diện hải quan cảng Vũng Tàu, 1 hoa tiêu và một đại lý hàng hải cùng hai nhân viên cơ quan kiểm định đã chìm vào giấc ngủ sâu sau một ngày làm việc căng thẳng.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 8-10-1987, thủy thủ gác boong tàu Crưm báo động và thông báo có một ghe nhỏ (dài khoảng 7-10m) cập vào mạn sau tàu Crưm và trên tàu chở rất nhiều người Việt Nam bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Tất cả gần như lả đi vì đói và lạnh, chỉ có vài thanh niên còn khỏe. Ngay lập tức, họ được các thủy thủ người Nga dưới sự chỉ huy của sĩ quan phó 2 tàu Crưm đưa lên tàu. Ngay sau đó, bác sĩ trực trên tàu tiêm thuốc bổ, chống sốc và hồi sức được ăn cháo do nhà bếp trên tàu nấu.

Sáng hôm sau, trong khi chờ trực thăng từ đất liền ra đón trở về, anh Hồ Minh Ánh tranh thủ trao đổi với những người được cứu hộ lên tàu trong đêm qua. Anh hồi tưởng: “Họ kể rằng, 37 người trong đêm tối trời 24-9-1987 (tức ngày 2-8 âm lịch) đã dại dột nghe theo chủ tàu rời bờ Nha Trang lên chiếc ghe đánh cá để vượt biên trên biển đi tìm vùng đất hứa. Sau nửa tháng lênh đênh trên biển, chịu bao sóng gió, thiếu thức ăn, nước uống và điều kiện vệ sinh thì chiều 7-10-1987, từ xa tài công ghe đánh cá nhìn thấy những thủy thủ người Nga trên boong, người nào người đó đỏ như con tôm luộc, cởi trần nhưng đi giày với vớ (tất chân) và lầm tưởng là tàu chở hàng nước ngoài nên cập vào mạn tàu nhờ giúp đỡ”. 37 người sau khi được bác sĩ trên tàu Crưm chăm sóc chờ tàu dịch vụ từ Vũng Tàu ra đưa trở lại đất liền.

Giờ ngẫm lại thấy rằng, thật may mắn cho 37 người đi vượt biên trên cùng chuyến ghe nhỏ năm ấy đã cập vào tàu Crưm tìm sự trợ giúp, nếu không không biết số phận của họ sẽ ra sao.

Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai được ông Hồ Minh Ánh kể lại là khi chứng kiến một sự cố trong công tác giao dầu thô ngoài biển. Ngày ấy, khi chiếc ca-nô của cảng vụ Vũng Tàu chở đoàn thủ tục 10 người từ bờ ra tàu nhận dầu đang neo đậu tại phao số 0, cách ngọn đèn hải đăng trên núi Lớn hơn 3 hải lý về phía nam. Do sóng to gió lớn, các thành viên trong đoàn thủ tục buộc phải đeo ba-lô đựng đồ dùng cá nhân và phương tiện làm việc như máy tính, bộ đàm chờ ca-nô dâng lên điểm cao nhất, khi được hô nhảy, lập tức từng người nhảy ra khỏi ca-nô và bám vào thang dây được thả từ trên boong tàu nhận dầu xuống sát mặt biển với khoảng 20m chiều cao, từng người một phải dẫm lên đầu nhau nhanh chóng trèo lên boong tàu.

Tuy nhiên, do không may mắn, hoa tiêu Tôn Thọ Khương (một Anh hùng Lao động, người có kinh nghiệm trên 30 năm làm hoa tiêu và được đồng nghiệp suy tôn là sói biển), thường xuyên dẫn dắt những con tàu chở hàng có trọng tải từ vài nghìn đến 100 nghìn tấn cập các cảng tại miền Nam, tuột tay khỏi thang dây và ngã xuống biển. May mắn là với kinh nghiệm lão luyện, hoa tiêu Tôn Thọ Khương đã nhanh chóng bắt được chiếc phao do thủy thủ tàu chở dầu văng xuống và cuối cùng cũng leo lên được boong tàu chở hàng, tiếp tục công việc dẫn dắt tàu chở dầu có trọng tải 100 nghìn tấn cập cảng rót dầu không bến an toàn.

Kỷ niệm 30 năm ngày xuất khẩu lô dầu thô đầu tiên được khai thác tại thềm lục địa của đất nước và kỷ niệm 35 năm ngành thành lập Tổng Công ty Xuất nhập khẩu thiết bị và Kỹ thuật Dầu khí (tiền thân của Tổng Công ty Thương mại Dầu khí và Tổng Công ty Dầu Việt Nam), công tác giao nhận dầu thô ngoài biển (khâu cuối cùng của một hợp đồng xuất khẩu dầu thô cho bạn hàng, đối tác) vẫn luôn là một nhiệm vụ chính, đầy trọng trách và nhiều thử thách.

Ngày nay, bên cạnh những cán bộ có thâm niên, những thế hệ cán bộ trẻ trong đội ngũ giao nhận dầu thô thuộc Ban Xuất khẩu dầu thô PVOIL, Chi nhánh PVOIL Vũng Tàu ngày càng giỏi về mọi mặt. Bên cạnh đó, những cơ quan liên quan như Tổng Công ty Bay dịch vụ miền Nam, các công ty dịch vụ tàu biển luôn cập nhật những trang thiết bị mới nhất, tiên tiến nhất đã đồng hành cùng PVOIL để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

P.V

(Ghi theo lời kể của ông Hồ Minh Ánh)

DMCA.com Protection Status