Lắp thành công “trái tim” Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau

13:41 | 15/09/2016

2,623 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTime) – Ngày 14/9, Ban Quản lý Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau lắp thành công Tháp tách metan, etan (De-ethanizer, T-1501), đây được ví như “trái tim” của Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau.
lap thanh cong trai tim nha may xu ly khi ca mau
Tháp De-ethanizer được cẩu lên bởi 2 cần cẩu 550 tấn và 250 tấn

Sau nhiều ngày thực hiện công tác lắp ghép, chuẩn bị, đến 13h30 ngày 14/9, tháp De-ethanizer, T-1501 được 2 cần cẩu có tải trọng 550 tấn và 250 tấn dựng lên, chuyển vào chân đế.

Công tác di chuyển tháp được thực hiện dưới sự giám sát của lãnh đạo Ban Quản lý Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau, Công ty Khí Cà Mau và các đơn vị liên quan.

Sau đúng 1 giờ đồng hồ, tháp được lắp thành công vào chân đế trong niềm vui của Chủ đầu tư, các nhà thầu và đội ngũ cán bộ, công nhân viên trực tiếp thực hiện.

lap thanh cong trai tim nha may xu ly khi ca mau
Tháp được di chuyển đến chân đế

Giai đoạn hoàn thành tháp De-ethanizer, T-1501 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ dự án Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau. Với mục tiêu đầu ra sản phẩm của Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau là LPG và Condensate, nên việc hoàn thành lắp đặt tháp De-ethanizer đóng vai trò như một “trái tim” của toàn hệ thống.

Tháp De-ethanizer có chức năng tách khí metan và etan. Cụ thể, khi khí đầu vào đi vào nhà máy bao gồm C1 (metan), C2 (etan), C3, C4 (LPG), C5, C6 (condensate), tháp sẽ tách thành phần nhẹ nhất C1, C2, là thành phần chính để cấp cho Nhà máy Điện, Đạm, còn lại là LPG thương phẩm sau khi được xử lý.

lap thanh cong trai tim nha may xu ly khi ca mau
Lắp thành công tháp vào chân đế

Tháp hoạt động theo nguyên lý, khí đầu vào đi qua tháp, sẽ được tách ra thành khí metan, etan chuyển lên đỉnh tháp, tách LPG và Condensate đi xuống đáy tháp dưới dạng chất lỏng.

Tháp De-ethanizer có chiều cao 42,3m, đường kính 2,4m. Sau khi hoàn thành, dự kiến lưu lượng khí đi qua tháp khoảng 219 tấn/giờ, lượng LPG và Condensate 115 tấn/giờ.

lap thanh cong trai tim nha may xu ly khi ca mau
Cố định tháp vào chân đế

Khí sau khi được xử lý, sẽ chuyển đi cấp cho Nhà máy Điện lực Dầu khí Cà Mau 1, Cà Mau 2 và Nhà máy Đạm Cà Mau.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy xử lý Khí Cà Mau được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) làm chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau. Việc xây dựng Nhà máy xử lý Khí Cà Mau (GPP Cà Mau) là một phần trong trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2025.

Dự án đầu tư được triển khai trong năm 2016 bao gồm xây dựng một nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau dự kiến được hoàn thành vào giữa năm 2017.

Nguyễn Hiển

DMCA.com Protection Status