Lọc dầu Dung Quất - Những hồi ức khó quên

21:45 | 04/08/2017

856 lượt xem
|
Tháng 8-1994, khi Phòng Chế biến Dầu khí được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (sau này là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) thành lập để triển khai các hoạt động khâu sau, tôi rời Văn phòng để chuyển sang phụ trách phòng này.

Các hoạt động khâu sau của PVN khi đó hầu như chưa có gì, chủ yếu tập trung vào việc xuất dầu thô Bạch Hổ (PVN bắt đầu khai thác dầu từ năm 1986) và kinh doanh một số loại dầu nhờn pha trộn từ dầu gốc nhập ngoại. Hoạt động chế biến, kinh doanh sản phẩm khí cũng chưa có gì, vì tới năm 1995 mới có khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ. Cũng trong năm 1994, Chính phủ quyết định chọn Dung Quất, Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) số 1 trong khu kinh tế trọng điểm miền Trung.

Sau khi có quyết định của Chính phủ về địa điểm, trong năm 1995-1996, với chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài, PVN đã cùng với nhiều đối tác có uy tín trong lĩnh vực lọc, hóa dầu như Total, LG, Petronas, Conoco, Stone & Webster, CIDC và CPC hoàn thành Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (Fre-FS) rồi Báo nghiên cứu khả thi chi tiết Dự án NMLD số 1 (DFS), nhưng tới cuối năm 1996, các đối tác nước ngoài xin rút khỏi dự án do không đạt được thỏa thuận về ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt về thuế, bù lỗ và phân phối sản phẩm. Sau 2 năm tìm kiếm đối tác liên doanh không đạt kết quả, đầu năm 1997 PVN lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi chi tiết theo hình thức Việt Nam tự đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 7-1997, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đầu tư Dự án NMLD số 1 tại Dung Quất với tổng mức đầu tư tạm tính 1,5 tỉ USD và giao cho PVN làm chủ đầu tư. Sau đó 8 năm, vào tháng 6-2005, Chính phủ quyết định điều chỉnh Dự án Đầu tư NMLD lên 2,5 tỉ USD và tháng 8-2009 Chính phủ phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án lên 3,05 tỉ USD do đã có nhiều biến động về giá cả, tỷ giá ngoại tệ, đồng thời bổ sung thêm khối lượng công việc và đưa vào tổng mức đầu tư phí thu xếp tài chính cho dự án.

loc dau dung quat nhung hoi uc kho quen

Năm 1998 đã diễn ra khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, do khả năng tự thu xếp tài chính trong nước hạn chế, dự án gặp khó khăn về nguồn vốn nên tháng 8-1998, Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã thống nhất thành lập Công ty Liên doanh Việt - Nga (Vietross) xây dựng và vận hành NMLD số 1 tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD. Nhưng sau đó, do phát sinh một số vấn đề không thống nhất về quan điểm, cách thức triển khai dự án nên tháng 1-2003, công ty liên doanh chấm dứt hoạt động. Tháng 2-2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức Việt Nam tự đầu tư. Trên cơ sở đó, PVN đã quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án để quản lý thực hiện theo quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ năm 1997.

Trong những năm 1999-2003, Liên doanh Vietross đã thuê nhà Tư vấn Foster Wheeler lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) NMLD và tổ chức đầu thầu 7 gói thầu EPC của nhà máy, trong đó 6 gói thầu đã trao cho các công ty của Việt Nam và Nga, riêng gói thầu lớn nhất về công nghệ (gói số 1) đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, do nảy sinh nhiều vấn đề liên quan tới đấu thầu gói thầu này nên đầu tháng 3-2002, hai phía tham gia liên doanh đã quyết định thành lập Tổ chuyên gia kiểm tra hồ sơ dự thầu của Tổ hợp Technip. Phía Nga cử ông Matveev.V.N, Phó tổng giám đốc làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra, còn phía Việt Nam khi đó đang trong bối cảnh “có bão lớn” nên tôi được chỉ định làm Tổ trưởng. Đây là thời gian để lại dấu ấn rất sâu đậm trong tôi, vì bối cảnh làm việc lúc đó rất phức tạp và đầy căng thẳng.

Với đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực Việt Nam và Nga khoảng 60 người và sự tham gia của 2 nhà tư vấn Foster Wheeler (Anh) và Quad (Mỹ), liên tục không ngừng nghỉ trong 3 tuần, ở khu nhà thuê riêng tại khách sạn Thắng Lợi, chúng tôi đã kiểm tra kỹ lại hàng nghìn tài liệu dự thầu trong vòng bảo vệ, giám sát nghiêm ngặt của các lực lượng an ninh, hoàn toàn cách ly với bên ngoài. Cuối tháng 3-2002, Tổ chuyên gia đã trình 2 phía báo cáo kiểm tra để trình lên các cơ quan cấp trên. Căn cứ báo cáo này, Chính phủ đã quyết định chọn Tổ hợp Technip thực hiện gói thầu EPC số 1. Các anh Nguyễn Hoài Giang, Đinh Văn Ngọc, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Quang Hòa, Đặng Việt Long… khi đó là những kỹ sư còn rất trẻ đã có nhiều đóng góp tích cực trong Tổ kiểm tra cũng như quá trình đàm phán Hợp đồng EPC sau này.

Tháng 5-2005, Hợp đồng EPC gói thầu số 1+4 (Khu Công nghệ và Nhập dầu thô SPM) đã được ký giữa PVN với Tổ hợp Nhà thầu Technip gồm Technip France, Technip Geoproduction, JGC, Technicas Reunidas do Technip France đứng đầu. Sau đó 3 tháng, các gói thầu số 2 và 3 (Khu bể chứa dầu thô và bể chứa sản phẩm) được giao thêm cho Tổ hợp Technip với tổng giá trị 4 gói thầu khoảng 2 tỉ USD và thời gian thực hiện 44 tháng, sau này được điều chỉnh lên 52 tháng. Ngày 30-5-2010, NMLD Dung Quất chính thức được bàn giao cho chủ đầu tư và đi vào vận hành thương mại.

Như vậy, sau 13 năm kể từ ngày có quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, NMLD Dung Quất đã hoàn thành và đi vào hoạt động thương mại. 13 năm đầy cam go, vất vả, kiên trì, căng thẳng. Cam go vì chủ đầu tư phải làm việc với các nhà thầu nước ngoài đầy kinh nghiệm lọc lõi, trong khi các nhà thầu Việt Nam lại hạn chế về năng lực và chưa quen làm theo hình thức Hợp đồng EPC; vất vả vì sức ép tiến độ, tâm lý, rất nhiều khó khăn mới nảy sinh, quá nhiều vướng mắc về cơ chế, quy định, thiếu nhiều loại định mức... ảnh hưởng tới công tác giám sát và tiến độ; kiên trì vì 13 năm đối một dự án là quá dài và mệt mỏi trong điều kiện làm việc xa nhà, vất vả và đầy rủi ro.

Tôi còn nhớ rất rõ những ngày mới bắt đầu dự án, nhiều người không tin vào sự thành công và cũng “cố gắng” không phải tham gia dự án vì chẳng được gì, vất vả, xa nhà, không rõ “tương lai”, mà có khi lại mang “vạ” vào thân. Chỉ có những kỹ sư trẻ, những người nhiệt huyết và say sưa với sự nghiệp lọc dầu là còn kiên trì bám trụ và cùng nhau theo đuổi dự án. Tôi còn nhớ rõ những ngày cùng các anh Đinh Văn Ngà, Lê Minh Tuân, Phạm Anh Tuấn, chị Võ Thị Liên đi khảo sát vịnh Việt Thanh dưới cái nắng chói chang của ngày hè miền Trung. Nhớ những buổi nghe các anh Lê Xuân Huyên, Trần Ngọc Hà tranh luận về sơ đồ công nghệ, nghe anh Nguyễn Hoài Giang say sưa về hệ thống C&I, những ngày xét thầu căng thẳng chọn nhà bản quyền công nghệ, nhà tư vấn quản lý dự án (PMC) tại khu nhà nghỉ Hồ Tây, rồi phiên họp Tổ chuyên viên Hội đồng Công ty Liên doanh tới nửa đêm tại khách sạn Horison, tạm ngả lưng trên nền nhà rồi để sáng sớm hôm sau hội ý tiếp.

Rồi những ngày cùng Tổ Kiểm tra chuẩn bị báo cáo trong tiếng gà gáy sáng vọng từ làn sương mờ lãng đãng sáng sớm trên Hồ Tây, cả những ngày cùng anh Trương Văn Tuyến đi họp kick-of tại trụ sở nhà thầu, cả đoàn “ngã ngửa” khi đi ăn trưa về thấy tiền để trong cặp của mọi người bị móc sạch ngay tại trụ sở nhà thầu, làm việc xong cả đoàn lóc cóc đi metro về khách sạn do nhà thầu “tiết kiệm chuyến xe”. Rồi cùng các anh Lương Đức Hảo, Nguyễn Công Tín đi Indonesia để thiết lập chương trình đào tạo OJT cho cán bộ vận hành sau này, tiếp đó là những ngày ở Kuala Lumpur giúp tháo gỡ hàng trăm vướng mắc kỹ thuật cho đội dự án của anh Nguyễn Đăng Kiển tại 1 trong 9 trung tâm thiết kế của nhà thầu.

Nhiều người trong chúng tôi không bao giờ quên những ngày chuẩn bị và báo cáo đầy căng thẳng với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, khi đó là Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án Dầu khí trọng điểm Nhà nước để tháo gỡ ách tắc cho các gói thầu đê chắn sóng, khu cảng xuất sản phẩm... những đêm cùng cán bộ và kỹ sư đón giao thừa tại công trường khi bước vào giai đoạn cao điểm xây dựng, rồi những ngày cùng anh Hà Duy Dĩnh phát động phong trào thi đua lao động sản xuất thật là sôi nổi trên công trường… và còn rất nhiều hồi ức khó thể nào quên được.

Vậy mà đã gần 20 năm kể từ ngày những cán bộ, chuyên gia kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý quy tụ về dưới một mái nhà chung tại Quảng Ngãi. Biết bao khó khăn, vất vả xen lẫn niềm vui đã đi qua. Trong số những người đã cùng tôi làm việc, có nhiều người đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang công tác khác, nhưng thật là cảm động và vui mừng khi chúng ta đã cùng nhau tạo dựng nên một công trình thật đáng quý cho đất nước. Chúng ta đã rút ra được rất nhiều bài học quý báu về công tác chuẩn bị đầu tư, công tác tổ chức thực hiện dự án và đặc biệt là công tác thi đua, khen thưởng kịp thời.

Điều tự hào, tâm đắc nhất trong tôi là những con người đó, những bạn trẻ đầy nhiệt huyết ngày nào nay đã trưởng thành và nắm giữ nhiều trọng trách. Họ đang từng bước làm chủ nhà máy, làm chủ công nghệ, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, cho Tập đoàn và đầy tự tin tiếp bước con đường mà thế hệ chúng tôi đã bước đầu tạo dựng, để xây dựng ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam vươn tới những tầm cao mới.

Hoàng Xuân Hùng

DMCA.com Protection Status