Lời nhắn gửi từ Dung Quất

07:42 | 11/07/2017

1,920 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khởi công xây dựng, người dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ngoài sự hân hoan, phấn khởi, vẫn không tránh khỏi sự lo lắng khi nhà máy hoạt động, việc xả thải ra môi trường thế nào? Cuộc sống của ngư dân ra sao? Tất cả những nỗi niềm ấy dần dần được giải tỏa…

Gần chục năm nay, kể từ khi NMLD Dung Quất chính thức đi vào vận hành, không có bất cứ sự cố nào về môi trường xảy ra. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Hình mẫu đã có từ NMLD Dung Quất, tất cả các dự án đã, đang và sắp xây dựng, phải triển khai công tác bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ. “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là mệnh lệnh cho các bộ, ngành, các địa phương và cả với các nhà đầu tư.

Dung Quất ngày ấy, bây giờ

Dung Quất sẽ vẫn mãi là “nàng công chúa” ngủ quên, nếu nơi đây không trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, NMLD số 1 của đất nước và cảng biển nước sâu, cùng hàng loạt sự hiện diện của các nhà máy khác.

Cách đây chưa lâu, nói đến việc xây dựng cảng biển ở đây là điều không tưởng. Ngày nay Dung Quất đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của Quảng Ngãi. Lịch sử phải khắc ghi công ơn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã có quyết định sắt đá cho xây dựng NMLD tại đây.

Và lịch sử cũng không thể không nhắc tới công lao của TS Trương Đình Hiển. Anh cùng các đồng nghiệp đã đổ biết bao mồ hôi công sức để cho ra đời đề tài nghiên cứu khoa học về xây dựng cảng biển nước sâu, làm cơ sở cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng NMLD Dung Quất.

loi nhan gui tu dung quat
Hồ nước thải của NMLD Dung Quất

Để đi được đến đích, TS Trương Đình Hiển đã vượt qua rất nhiều thử thách. Nghe bản trình bày của ông, đã có nhiều ý kiến của lãnh đạo địa phương cho rằng “không tưởng”. Nếu xây được cảng biển nước sâu, thì người Pháp, người Mỹ đã xây lâu rồi!

Thời đó, Bộ Giao thông Vận tải giúp Quảng Ngãi tìm địa điểm xây dựng cảng, cũng chỉ có một địa chỉ duy nhất là: Sa Kỳ. Rồi chuyên gia nước ngoài cũng trả lời “Quảng Ngãi không thể có địa điểm để xây cảng biển nước sâu; không có địa điểm làm NMLD”. Trong báo cáo của các giáo sư, tiến sĩ được Quảng Ngãi mời vào làm việc cũng khẳng định điều đó.

BSR đã xây dựng một hệ thống xử lý nước thải hiện đại, với công suất 560m3/giờ, bằng một tổ hợp khép kín: Nước thải được xử lý bằng công nghệ sinh học và hóa lý qua bể lắng, rồi đến bể lọc, các chất ô nhiễm trong nước được xử lý triệt để trước khi xả ra hồ chứa. Trước khi thải ra môi trường phải được kiểm tra lần cuối về lưu lượng pH, COD…

Song, với con mắt của một nhà khoa học tận tụy với nghề, TS Trương Đình Hiển đã lăn lộn trên thực địa, tiếp tục hoàn thiện báo cáo của mình. Theo ông: Vịnh Dung Quất có độ sâu tự nhiên 10-20m không kể thủy triều. Nếu có thể xây dựng 1,5km đê chắn sóng ở núi Co Co thì tổng chiều dài các bến cảng có thể đến 19,8km, công suất cảng có thể đạt 100 triệu tấn/năm. Mặt bằng kho bãi và khu công nghiệp trên 100km2, nền đất tốt, thuận lợi cho xây dựng.

Ngày nay, NMLD Dung Quất đang vươn mình mạnh mẽ cùng sự phát triển của cảng nước sâu Dung Quất đã làm bừng sáng lên một vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; làm thay đổi toàn diện cơ cấu nền kinh tế của Quảng Ngãi, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, hằng năm phải nhận viện trợ từ Trung ương, trở thành tỉnh đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Song có một thứ như sự bất biến vốn có, đấy là môi trường biển không hề thay đổi, dù chịu nhiều tác động từ ngoại cảnh.

Hình mẫu về bảo vệ môi trường

Không hề quá lời khi nói về NMLD Dung Quất như vậy. Một nhà máy khổng lồ khi hoạt động, đồng thời cùng lúc thải ra môi trường 3 loại chất thải gồm: nước thải, khí thải và chất thải rắn.

Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên, trong một lần giới thiệu với các đại biểu tham quan hồ nước thải của NMLD Dung Quất cho biết: Cá đang được nuôi tại đây là loại cá chép Nhật Bản. Hỏi anh sao lại phải mua tận Nhật Bản cho tốn kém. Nghe anh giải thích mới hay, đây là loại cá hết sức nhạy cảm với môi trường. Loại cá khác có thể chịu đựng được một vài thông số “quá ngưỡng”, riêng loại cá này thì không. Vì vậy nó được các anh ở nhà máy gọi vui là “thanh tra môi trường”.

loi nhan gui tu dung quat
TS Trương Đình Hiển (trái) và cộng sự khảo sát trên vịnh Dung Quất năm 1992

Tất nhiên, nuôi cá chép Nhật Bản cũng chỉ là một biện pháp giám sát theo cảm quan. Cái chính vẫn là công nghệ, vẫn là ý thức của những người vận hành công đoạn xử lý nước thải. Theo tìm hiểu của chúng tôi: Nguồn nước thải trước khi vào hồ chứa phải qua công đoạn xử lý trước đó.

Tại đây BSR đã xây dựng một hệ thống xử lý nước thải hiện đại, với công suất 560m3/giờ, bằng một tổ hợp khép kín: Nước thải được xử lý bằng công nghệ sinh học và hóa lý qua bể lắng, rồi đến bể lọc, các chất ô nhiễm trong nước được xử lý triệt để trước khi xả ra hồ chứa. Trước khi thải ra môi trường phải được kiểm tra lần cuối về lưu lượng pH, COD…

Cùng với việc xử lý nước thải là xử lý khí thải và chất thải rắn. Chủ tịch Hội đồng Thành viên BSR Nguyễn Hoài Giang cho biết: Để gom được toàn bộ khí thải độc hại từ các phân xưởng công nghệ, BSR đã phải đầu tư xấp xỉ 28 triệu USD, theo công nghệ tiên tiến của các nước G7, đảm bảo các dòng khí thải ra môi trường, các chỉ số theo đúng tiêu chuẩn quy định.

Hằng năm, nhà máy thải ra lượng chất thải rắn trên dưới 450 tấn. Tất nhiên, không phải cứ có bao nhiêu là đưa đi xử lý bấy nhiêu, mà phải thu gom, phải phân loại, loại nào độc hại nhiều, loại nào độc hại ít, loại nào không độc hại, lưu giữ khi đủ khối lượng mới bàn giao cho nhà thầu chuyên ngành xử lý. Vì vậy, quá trình thu gom lưu giữ phải cách ly hẳn với môi trường. Quản lý không chặt, lưu giữ không đúng quy trình, để “rò rỉ”, phát tán ra môi trường, thì nguy hiểm chẳng khác gì “tù trốn trại”.

Gần chục năm nay, kể từ khi NMLD Dung Quất chính thức đi vào vận hành, không có bất cứ sự cố nào về môi trường xảy ra, chính là nhờ sự đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường hiện đại và đồng bộ. Trong chuyến thăm và kiểm tra BSR vào tháng 8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi: “Đây là hình mẫu về công tác bảo vệ môi trường”.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Có thể nói KKT Dung Quất ngày nay như một công trường xây dựng lớn. Niềm vui vẫn không làm giảm đi sự lo toan của lãnh đạo địa phương và cả những người dân bình thường về công tác bảo vệ môi trường. Vẫn biết rằng, mỗi một dự án được triển khai đều phải qua các bước thẩm định hết sức chặt chẽ, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường.

loi nhan gui tu dung quat
TS Trương Đình Hiển giới thiệu những bức ảnh về quá trình đi tìm cảng biển Dung Quất tại triển lãm 5 năm NMLD Dung Quất tổ chức tháng 2-2014 tại Quảng Ngãi

Nhiều bài học về ô nhiễm môi trường, do một số dự án gây ra vẫn đang nóng hổi, còn nguyên giá trị đối với việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường với các dự án đã, đang và sắp triển khai tại KKT Dung Quất.

“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là mệnh lệnh cho các bộ, ngành, các địa phương và cả với các nhà đầu tư. Việc phát triển kinh tế, việc đầu tư các dự án mới, suy cho cùng làm cho đời sống nhân dân ngày một cải thiện hơn về vật chất, tinh thần và cả môi trường sống. Coi nhẹ môi trường sống của nhân dân, dự án dù có “khổng lồ” đến đâu cũng là vô nghĩa.

Lời nhắn gửi từ Dung Quất, là: Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Hình mẫu đã có từ NMLD Dung Quất, mong tất cả các dự án đã, đang và sắp xây dựng, phải triển khai công tác bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ.

Địa lợi Dung Quất

loi nhan gui tu dung quat
Bến cảng số 1 Dung Quất - Quảng Ngãi

Vịnh Dung Quất cách huyện lỵ Bình Sơn khoảng 18km đường bộ và 20km đường sông. Dung Quất còn có tên gọi khác là Vũng Quýt.

Dung Quất được bao bọc bởi dãy núi Nam Trâm và mũi Co Co rất thuận lợi cho ngư trường khai thác hải sản. Ngư dân có thể khai thác quanh năm ở vịnh này.

Vịnh Dung Quất là 1 trong 7 vịnh đẹp nhất nước ta. Tại đây có bãi Bóng, bãi Xếp, bãi Lớn, bãi Nhỏ còn nguyên vẹn vẻ đẹp sơ khai kỳ thú. Mỗi sớm mai, bình minh nhô lên khỏi biển, vịnh bồng bềnh với vẻ đẹp nguyên khôi của “nàng công chúa” chưa thức giấc. Khi hoàng hôn xuống, là lúc ngư dân làm nghề câu mực nhẹ thả mái chèo trên mặt biển phẳng lặng như ao.

Từ dưới biển ngước nhìn lên núi Nam Trân. Vách dá dựng đứng như một bức tường thành che chắn bão dông. Nơi đây, hằng năm vào ngày 4-1 âm lịch, ngư dân thường tổ chức lễ hội đua thuyền. Thuyền được khắc biểu tượng các linh vật như: Long, Li, Qui, Phượng với nhiều hoa văn rực rỡ. Đua thuyền ở đây không hẳn chỉ là trò thi tài, mà còn là hành vi thực hiện một nghi lễ với thủy thần, mang ý nghĩa cầu ngư.

Khu kinh tế Dung Quất ngày nay

loi nhan gui tu dung quat

Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã có 132 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 10,5 tỉ USD. Trong đó có 28 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 4 tỉ USD, 104 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỉ USD.

Định hướng phát triển từ nay đến năm 2020, KKT Dung Quất phấn đấu: Thu hút đầu tư 2,5-3,5 tỉ USD (vốn thực hiện 60-70%); Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt 3-4%/năm; Thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 31.500 tỉ đồng; Hàng hóa thông qua cảng khoảng 18 triệu tấn/năm; Giải quyết việc làm khoảng 35.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu 600-800 triệu USD. Phát triển đô thị Vạn Tường đạt một số tiêu chí của đô thị loại IV, đô thị Dốc Sỏi đạt một số tiêu chí của đô thị loại V.

Hiện nay, hàng loạt các dự án đang được triển khai tại đây, trong đó phải kể đến các dự án lớn như: Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, với vốn đầu tư trên 1,83 tỉ USD; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất có tổng vốn đầu tư 60.000 tỉ đồng; Dự án Khu công nghiệp đô thị Dung Quất có vốn đầu tư trên 2.000 tỉ đồng.

Lâm Quý

DMCA.com Protection Status