Dự án Biển Đông 01:

Lửa thử vàng, gian nan thử... trí tuệ!

07:00 | 08/03/2017

1,267 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 2016 là một năm có nhiều dấu ấn đẹp của Dự án Biển Đông 01: Là năm kết thúc một chiến dịch khoan kéo dài 5 năm; là năm dự án kết thúc giai đoạn xây dựng và đi vào vận hành khai thác; là năm Dự án Biển Đông 01 khai thác với sản lượng thiết kế đỉnh 2 tỉ m3 khí và ngày 26-7-2016, đánh dấu 3 năm đi vào hoạt động, dự án đã khai thác 5 tỉ m3 khí và hàng chục ngàn tấn condensate…

Cho đến cuối năm 2016, Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã chứng minh được, đây là một dự án dầu khí đạt hiệu quả cao về kinh tế, có hiệu suất vận hành vào loại cao nhất thế giới và tuyệt đối an toàn.

Các nhà kinh tế đã tính ra rằng, cứ 1 thùng condensate, 1m3 khai thác ở đây thì Chính phủ Việt Nam đã có 55% lợi nhuận, còn lại là của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và của nhà đầu tư Gazprom. Và tính theo kiểu “đếm cua trong lỗ” thì chỉ sau 9 năm đưa vào vận hành, Dự án Biển Đông 01 sẽ thu hồi vốn. Với một dự án dầu khí lớn như ở Biển Đông 01, vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD chỉ sau 9 năm đã thu hồi vốn thì đó là một con số lý tưởng mà rất ít những dự án dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới đạt được như vậy.

Nhưng điều đáng nói hơn, đây là một dự án mà hoàn toàn do đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam thiết kế, thi công và vận hành trong một bối cảnh cấu tạo địa chất ở mỏ vào loại hiếm gặp nhất trên thế giới, bởi áp suất cực kỳ cao và nhiệt độ cũng rất cao.

lua thu vang gian nan thu tri tue

Sự khó khăn phức tạp về kỹ thuật cũng như mức độ nguy hiểm của mỏ khiến tập đoàn dầu khí danh tiếng của Anh - BP phải bó tay. Từ cuối năm 1992, Tập đoàn BP danh tiếng bậc nhất trong làng dầu khí thế giới và Conoco Phillips đã tiến hành thăm dò, tìm kiếm ở Hải Thạch - Mộc Tinh. Họ đã tìm ra khí với trữ lượng khá nhưng oái oăm thay, dòng khí ở đây bị nén ở áp suất 420 atmotphe và nhiệt độ 1200C. Với áp suất và nhiệt độ này thì trên thế giới chưa ai dám khai thác cả, bởi quá ư nguy hiểm. Và họ đã chuyển giao toàn bộ tài liệu thăm dò khảo sát trong gần một chục năm và đã chi phí cho dự án này hơn 500 triệu USD nhưng vẫn không được một lít dầu nào. Cũng xin nói thêm, trong nhiều năm qua, không ít công ty, tập đoàn dầu mỏ đã thất bại thê thảm khi thăm dò, tìm kiếm dầu ở vùng biển thềm lục địa Việt Nam… Tổng số tiền mà họ đã mất trắng khi tìm kiếm không ra mỏ dầu, hoặc có dầu nhưng không đạt giá trị thương mại thì cũng phải ngót nghét… 2 tỉ USD. Nghề khai thác dầu là thế đấy. Là nghề siêu lợi nhuận, nhưng cũng là lại nghề siêu rủi ro… Chỉ một giếng khoan không tìm thấy dầu là mất toi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.

Đã có rất nhiều bài báo, hội thảo, công trình nghiên cứu viết về nguyên nhân thành công của Dự án Biển Đông 01 và chắc chắn rằng, sau này trong biên niên sử của Petrovietnam cũng có những trang xứng đáng dành cho dự án này.

Vừa rồi, dự án không được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, nhưng điều đó không làm giảm giá trị của Dự án Biển Đông 01 đối với sự phát triển của Tập đoàn nói riêng và của đất nước nói chung.

Đội ngũ những người thực hiện dự án đã đóng góp cho lịch sử dầu khí thế giới những giải pháp xử lý mới, hiệu quả, sáng tạo đối với một mỏ dầu khí có cấu tạo địa chất rất đặc biệt như ở Hải Thạch - Mộc Tinh.

Dự án này đã thực sự thành công hay chưa, có còn điều gì e ngại không? - Tôi nêu câu hỏi này với anh Lý Văn Dao - Trưởng phòng Vận hành Khai thác BIENDONG POC.

Không phải suy nghĩ lâu, anh khẳng định luôn: “Đây là một dự án thành công về mọi mặt, thành công từ quản lý dự án, thiết kế, chế tạo lắp đặt. Việc dự án hoạt động an toàn tuyệt đối đã thể hiện được trí tuệ, sức mạnh của ý chí, sức sáng tạo của những người thợ Dầu khí Việt Nam”. Anh cung cấp cho chúng tôi những con số hết sức có hồn, đó là từ khi đưa vào vận hành tháng 7-2013 cho đến nay, Biển Đông 01 luôn vận hành với một chỉ số cao ngất ngưởng. Năm 2013, chỉ tiêu đặt ra là đạt chỉ số vận hành 91% nhưng đã thực hiện 97,6%. Năm 2014, chỉ tiêu đặt ra là 94%, đã vận hành 99,1%. Năm 2015, vận hành đạt 97,9%. Năm 2016 kế hoạch là 96%, đã vận hành 99,4%.

Tôi lại hỏi anh rằng, qua thành công của Dự án Biển Đông 01 cho đến nay thì có thể rút ra được bài học gì.

Anh nói: “Cũng đã có rất nhiều người hỏi chúng tôi về bài học và nguyên nhân dẫn đến thành công. Nếu chẻ ra thì rất nhiều bài học, nhưng theo tôi, bài học lớn nhất mà chúng tôi thấy được đó là phải biết đặt niềm tin vào con người Việt”.

Tại sao lại đặt niềm tin và muốn tin thì phải có cơ sở, chứ không tin một cách mù quáng, duy ý chí. Bởi lẽ, đây là một dự án khó khăn bậc nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Nếu chúng ta không tin vào trí tuệ và bản lĩnh của người Việt mà cái gì cũng đi thuê, thì nói thật không biết đến bao giờ dự án này mới xong mà chi phí thì không… đùa được. Người nước ngoài họ có trình độ khoa học kỹ thuật cao, nhưng với những dự án phức tạp thì chính sự thận trọng một cách thái quá đã làm bó tay họ mà điển hình như là BP. Họ thấy nguy hiểm cho nên họ không dám làm nữa. Để có được niềm tin thì phải có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, có trình độ, có trí tuệ.

Tôi xin nhấn mạnh yếu tố trí tuệ. Chúng ta đều hiểu rằng, rất nhiều người có kiến thức nhưng chưa chắc đã có trí tuệ. Chỉ có những người có trí tuệ mới có thể ngày đêm trăn trở, suy nghĩ tìm tòi, tìm ra được giải pháp đúng, cách làm hay để giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Và chính trí tuệ đã thổi lên được khát vọng chinh phục của họ, làm tăng thêm lòng tự hào và thậm chí ở một góc nào đó là sự kiêu hãnh trong nghề nghiệp. Bởi những người có trí tuệ thì bao giờ cũng nghĩ ra được những con đường đi mới mẻ.

Một vấn đề nữa là đội ngũ lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, chăm lo đến việc xây dựng một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả, tập trung cho việc đào tạo con người, chăm lo đời sống và chế độ đãi ngộ cho anh em. Lãnh đạo thì phải nghĩ đến lính và để cho người lính yên tâm nghĩ đến công việc. Trước đây, khi giàn Biển Đông mới vào vận hành thì cũng có một người nước ngoài, nhưng việc của họ không phải là điều hành sản xuất, những việc họ làm hầu như không liên quan đến việc vận hành giàn, còn bây giờ chúng tôi đã có những giàn trưởng rất trẻ.

Ví dụ như Nguyễn Thanh Tĩnh, anh vốn là đốc công của một giàn liên doanh với Nhật Bản. Khi chúng tôi tìm được Tĩnh đưa về, Tĩnh cũng chưa tự tin lắm. Được giao nhiệm vụ làm giàn trưởng nhưng Tĩnh đã dám dấn thân và Tĩnh đã có một chỗ dựa đó là lãnh đạo tin tưởng. Hoặc như anh Đoàn Mai Lâm là giàn trưởng, vốn là kỹ sư động lực nhưng lãnh đạo đã nhìn ra tố chất “thủ lĩnh” của Đoàn Mai Lâm và đã tập trung đào tạo cho Lâm. Bây giờ anh đã trở thành một giàn trưởng trẻ và giỏi”.

lua thu vang gian nan thu tri tue
Giàn trưởng giàn Biển Đông 01 Nguyễn Thanh Tĩnh

Từ ngày đưa vào vận hành từ giữa năm 2013 đến nay, giàn cũng có một đôi lần bị trục trặc. Nhưng sự trục trặc đó không phải do lỗi của thiết kế mà đó là sự trục trặc về kỹ thuật phát sinh, nhưng cũng đã xử lý được ngay.

Lý Văn Dao cũng nói nhiều với tôi về cách đào tạo cán bộ chủ chốt của BIENDONG POC. Đó là mỗi một người chỉ huy phải am hiểu kiến thức quản trị doanh nghiệp, nhưng cũng phải có kiến thức chuyên môn. Người lãnh đạo giỏi là người biết sử dụng những người có chuyên môn giỏi, chứ còn chưa chắc người lãnh đạo giỏi đã cần có kiến thức chuyên môn thật giỏi.

Tổng giám đốc Trần Hồng Nam khi nói về bài học thành công của dự án cũng nói nhiều về yếu tố con người và sự tự tin.

Tự tin ở đây đầu tiên là tin mình sẽ làm được và sẽ phải tin mình chắc chắn làm được. Và phải làm thế nào để anh em tin nhau, cấp trên tin cấp dưới, và cấp dưới cũng đặt niềm tin vào cấp trên, đó chính là nghệ thuật lãnh đạo. Và tất cả đều phải xuất phát từ cái Tâm.

Chính sự tự tin này đã giúp cho anh em vượt ra được rất nhiều khó khăn, trong đó có cả những vấn đề kỹ thuật. Chỉ riêng việc anh em tìm ra được cách chế tạo một loại xi măng có thể giãn nở được trong điều kiện áp suất cao, nhiệt độ lớn đã là một thành công rất lớn về mặt công nghệ, mà trên thế giới còn chưa có. Đây là một loại xi măng trám ống khoan, loại xi măng này không được đông quá nhanh khi đang chảy xuống giếng, lại phải đủ nặng để chìm xuống dưới dung dịch khoan và phải đủ thời gian đông kết nhanh khi đã đến nơi cần phải trám. Giải quyết được vấn đề này là cả một công nghệ cực kỳ phức tạp và một sự nghiên cứu ròng rã hàng năm trời của anh em. Sản phẩm cũng đã được đưa đi kiểm tra các trung tâm hiện đại nhất trên thế giới. Nếu tổng kết chiến dịch khoan đồng thời đánh giá những giải pháp những vấn đề kỹ thuật ở BIENDONG POC thì chắc chắn đây là một sự kiện khoa học công nghệ tầm cỡ thế giới của ngành khai thác dầu khí.

Tuy nhiên, với một dự án như ở Biển Đông 01 thì sự rủi ro là một điều luôn thường trực. Cho đến bây giờ Trần Hồng Nam không thể quên được cảm giác lo lắng hồi hộp và căng thẳng đến nỗi không ăn nổi một cốc mỳ khi vào thời điểm mở van nối dòng khí từ dưới mỏ lên. Mặc dù đã chuẩn bị rất cẩn thận, kiểm tra cực kỳ kỹ lưỡng nhưng chỉ có Diêm Vương mới biết dưới lòng đất sẽ xảy ra những chuyện gì. Trong suốt mấy năm qua, chỉ có hai lần giàn bị trục trặc kỹ thuật, nhưng đó không phải do lỗi của chế tạo giàn. Và hai rủi ro nhỏ này cũng không ảnh hưởng đến khả năng vận hành của giàn. Theo Trần Hồng Nam, ước mong của anh em đã làm một Dự án Biển Đông 01 thì sẽ được mang kinh nghiệm của mình làm cho một dự án khác. Có một điều không thể không nói đến là trong quá trình thực hiện dự án, giữa kế hoạch và thực tế luôn luôn khác nhau cho nên đòi hỏi người chỉ huy phải hết sức linh hoạt, nhưng phải cực kỳ thận trọng.

Điều mà Trần Hồng Nam tự hào nhất trong quá trình thực hiện dự án này đó là một dự án thể hiện nội lực thật của người Việt Nam.

Nói về hướng tới đây, Trần Hồng Nam cho biết, hiện nay Dự án Biển Đông 01 đang vận hành cực kỳ tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, sản lượng khí và condensate rất ổn. Nhưng lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo Biển Đông 01 đã phải tính đến sự suy giảm sản lượng trong khoảng vài năm tới, bởi chẳng có mỏ nào mà giữ sản lượng cao mãi được. Muốn có được dự án “gối đầu” thì ngay bây giờ phải tính đến mở rộng tìm kiếm thăm dò để chuẩn bị cho khoảng 10 năm.

Trần Hồng Nam cũng nói thêm về đào tạo con người.

Theo anh, muốn đào tạo được những kỹ sư, những cán bộ kỹ thuật giỏi thì điều đầu tiên họ phải học để trở thành một người thợ giỏi, bất kể người đó đã có bằng cấp loại gì. Người chỉ huy trong nghề thăm dò, khai thác không thể là người “chỉ tay năm ngón”. Là chỉ huy, anh vừa phải hiểu cái tổng thể nhưng lại biết được tính năng tác dụng và vị trí của từng bộ phận nhỏ nhất, thậm chí phải thạo cách siết một con bu-lông. Người Việt Nam vốn sáng dạ, thông minh, cần cù, chịu khó. Thường ở các liên doanh, người nước ngoài cũng rất nể người Việt Nam, cho nên phải làm thế nào khơi dậy được sự cạnh tranh lành mạnh trong chính những người Việt với nhau và phải làm sao để mọi người luôn có câu hỏi tại sao việc này người ta làm được mà mình không làm được.

Dự án Biển Đông 01 đang vận hành hoàn hảo. Mọi việc có vẻ như đang “thuận buồm xuôi gió”, nhưng với lãnh đạo, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Biển Đông 01 thì họ vẫn đang nung nấu trong lòng một khát vọng được chinh phục những mỏ mới, đó là được thể hiện trí tuệ Việt, tài năng Việt ở những công trình mới.

Kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017:

Năm 2017, BIENDONG POC xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu chủ yếu của công ty, đồng thời tích cực chủ động trong công tác tối ưu hóa quá trình sản xuất và tiết giảm chi phí trong tình hình giá dầu vẫn đang ở mức thấp. Công ty sẽ tập trung vào việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và từng bước gia tăng sản lượng của các giàn khai thác, đảm bảo hiệu quả kinh doanh ngày càng cao của doanh nghiệp.

BIENDONG POC xây dựng kế hoạch năm 2017 với các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Phấn đấu không có tai nạn về người và sự cố gây mất giờ công lao động. Tổng tỷ lệ tai nạn không vượt quá 0.3/200.000 giờ lao động; giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, không có bất cứ sự cố về môi trường cấp độ 1 (dưới 20 tấn);

- Sản lượng khai thác dự kiến: 2 tỉ m3 khí và 402 ngàn tấn condensate;

- Tiếp tục thực hiện công tác vận hành, khai thác một cách liên tục, an toàn, hiệu quả trong năm 2017 và thời gian vận hành thiết bị đạt trên 96%;

- Thực hiện chiến dịch biển cho công tác khảo sát các thiết bị và đường ống ngầm định kỳ hằng năm trong chiến dịch biển năm 2017; thực hiện phóng thoi làm sạch và kiểm tra tình trạng ăn mòn đường ống 12” và 20”;

- Thực hiện thiết kế, thi công chế tạo trên bờ và lắp đặt ngoài biển hệ thống ống gom đầu giếng cho giếng MT-7P; thực hiện duy tu bảo dưỡng thiết bị vận hành định kỳ theo thời gian hoạt động (2K/4K/8K) cho EGCs và GTG; phát triển và tiến hành chương trình quản lý ăn mòn cho các giàn;

- Tiếp tục triển khai và thực hiện Interity Management system; tiến hành rà soát HAZOP định kỳ (5 năm);

- Hoàn thành các công tác sau chiến dịch khoan: kiểm đếm vật tư còn lại (gồm chủ yếu là vật tư dự phòng), xây dựng kế hoạch và tiến hành bảo trì bảo dưỡng; lập báo cáo tổng kết thi công khoan;

- Đề xuất và theo phê duyệt thực hiện các chương trình tự đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự Việt Nam;

- Chuẩn bị và thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm của BIENDONG POC theo tinh thần Hợp đồng PSC và Thỏa thuận JOA với hai bên góp vốn là Petrovietnam và GPEPI;

- Thực hiện công tác giám sát chi tiêu chương trình thực hiện ngân sách năm 2017 hiệu quả và tiết kiệm;

- Tiếp tục theo đuổi kế hoạch khoan giếng thăm dò Kim Cương Bắc và tham gia vào các nghiên cứu tiền khả thi phát triển mỏ Kim Cương Bắc.

Nguyễn Như Phong

DMCA.com Protection Status