Mất 2,6 tỷ đôla/năm vì phân bón giả, kém chất lượng

16:25 | 04/07/2016

453 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Theo các chuyên gia, thiệt hại tính toán được bằng tiền do phân bón giả, kém chất lượng gây ra làm nước ta mất đi khoảng 2,6 tỷ USD/năm. Ngoài ra còn có hàng loạt thiệt hại và hậu quả khác không thể đo đếm chính xác được.

Ngày 02/07 vừa qua, tại TP Vũng Tàu, Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại quốc gia (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia); Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và đơn vị đồng hành- Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo “Phân bón giả - Tác hại thật”.

Tại hội thảo này, các nhà quản lý, nhà khoa học cùng đông đảo đại lý, bà con nông dân vùng Đông Nam Bộ đã lần lượt nêu ra những tồn tại và những kiến nghị nhằm ngăn chặn vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành hiện nay.

mat 26 ty dolanam vi phan bon gia kem chat luong
Hội thảo “Phân bón giả - Tác hại thật”

“Ma trận” phân bón

Theo thống kê, thị trường phân bón tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 các chủng loại phân. Đây chính là một tồn tại vô cùng lớn trong thị trường phân bón ở Việt Nam bởi với số lượng quá nhiều các chủng loại phân bón như vậy đã gây khó khăn cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân.

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới bức xúc nói: “Việc gì chúng ta phải cho tồn tại số lượng chủng loại phân bón nhiều như vậy? Ngay cả chúng tôi là các nhà khoa học nhiều năm trong nghề mà còn khó phân biệt, thì làm sao bà con nông dân không “hoa cả mắt?”

Đặc biệt, vì “ma trận” chủng loại phân bón này khiến thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại và “phát triển” những loại phân bón giả, nhái và phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 10-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố TCCS.

mat 26 ty dolanam vi phan bon gia kem chat luong
Ông Hồ Quang Thái - Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia

Trong những năm gần đây, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường đã phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

Còn theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thì vấn đề phân bón giả, kém chất lượng cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1000 tấn phân bón các loại. Ông Lam cũng cho biết, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng biểu hiện nhiều ở việc ghi nhãn mác mập mờ, “sản xuất bằng cuốc, xẻng mà ghi là công nghệ Mỹ”.

“Thiệt hại đổ lên đầu nông dân!”

Đó chính là trăn trở của TS Nghĩa khi nói đến những tác hại to lớn của phân bón giả, kém chất lượng đối với nông dân.

Theo tính toán sơ bộ thì phân bón giả, kém chất lượng làm nước ta mất đi 2,6 tỷ USD/năm. Mà đây mới chỉ là những thiệt hại có thể tính toán được bằng tiền, ngoài ra còn những thiệt hại không thể đo đếm chính xác được cũng như những hậu quả to lớn cho sức khỏe con người, môi trường…kéo dài không chỉ một mà trong nhiều thế hệ…

mat 26 ty dolanam vi phan bon gia kem chat luong
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường

Phân bón giả, kém chất lượng làm cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút vì phần chi phí thì tăng thêm mà thu nhập thì thấp đi. Những hóa chất và nguyên liệu không phải là chất dinh dưỡng trong phân giả, kém chất lượng còn đưa vào đất những chất độc hại làm thoái hóa đất, làm ảnh hưởng tới chất lượng nông sản và kéo theo mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín của nông sản xuất khẩu.

Mặt khác, với hiện tượng rửa trôi và xói mòn do cường độ mưa sẽ kéo những chất độc từ phân bón giả ra ngoài kênh mương hoặc trực đi xuống tầng nước ngầm sẽ làm ảnh hưởng tới động vật thủy sinh, tôm cá và sức khỏe con người. Đặc biệt, có thể dẫn đến ung thư nếu người dân sử dụng nước ngầm có nhiễm kim loại nặng và hàm lượng N03 cao.

Về phía doanh nghiệp chân chính, đại diện PVFCCo, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, thương hiệu phân bón Phú Mỹ, cho biết: “Hiện nay thị trường phân bón đang diễn biến hết sức phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh, việc nghiên cứu, đầu tư các máy móc, công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp chân chính.

Tránh bằng cách nào?

Tại chương trình hội thảo “Phân bón giả - Tác hại thật” vừa qua, nhà quản lý và các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trực tiếp thông tin, hướng dẫn cho bà con nông dân cách phân biệt phân bón thật – giả, để bà con có những kiến thức cơ bản tự bảo vệ mình khỏi nạn phân bón giả cũng như cung cấp cho bà con các thông tin pháp luật, chế tài xử phạt với việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả.

mat 26 ty dolanam vi phan bon gia kem chat luong
Các nhà quản lý và các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trả lời thắc mắc của bà con

Trong đó, một số kinh nghiệm phòng tránh mua phân bón giả kém chất lượng đơn giản, dễ làm nhất đã được TS Nghĩa chia sẻ tới bà con như sau: Không mua các loại phân bón hoặc các chế phẩm của những người bán dạo hoặc đến tận vườn; nên lựa chọn những loại phân của các doanh nghiệp và công ty uy tín; lựa chọn đại lý có uy tín ở địa phương và chỉ mua những loại phân mình đã biết, không nghe theo lời chỉ dẫn của đại lý với những loại phân mình chưa hề biết, không mua phân bón vì ham khuyến mãi, tặng quà…

Nếu nghi ngờ về chất lượng phân bón, bà con nên bón thử cho những loại rau ngắn ngày, thì chỉ 5-7 ngày là có thể biết được kết quả. Và đặc biệt, TS Nghĩa và đại diện Trung tâm khuyến nông các tỉnh khuyên bà con nông dân là khi bón phân nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác để khi xảy ra sự cố có bằng chứng, vật chứng. Và bà con cần liên hệ ngay Thanh tra Sở Nông nghiệp hoặc quản lý thị trường địa phương nếu phát hiện, nghi ngờ cửa hàng buôn bán, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Bác Nguyễn Hữu Năm, một nông dân sản xuất giỏi tại Bình Phước thì chia sẻ kinh nghiệm của chính mình với các nông dân khác: phải chịu khó tìm hiểu thông tin, trước khi sử dụng các loại phân bón mới, có thể mang mẫu phân bón đi thử chất lượng hoặc chỉ bón cho một phần nhỏ diện tích để đối chứng.

mat 26 ty dolanam vi phan bon gia kem chat luong
Bác Nguyễn Hữu Năm, một nông dân sản xuất giỏi tại Bình Phước đặt câu hỏi với các chuyên gia

Ông Hồ Quang Thái - Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng khuyến nghị bà con nông dân nên vào trang web của các cơ quan nhà nước để nghiên cứu, tìm hiểu các nhà máy sản xuất, các loại phân bón hoặc liên hệ với nhà máy để tìm hiểu trước khi mua.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học và bà con nông cũng đưa ra những kiến nghị để tăng cường quản lý, ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng như có quy định cụ thể và yêu cầu đơn vị SXKD phân bón giả, kém chất lượng phải bồi thường thiệt hại cho nông dân; quy hoạch, quy chuẩn lại để chỉ có tối đa khoảng 200 loại phân bón, thuận tiện cho quản lý của cơ quan chức năng và sử dụng của nông dân; tuyên truyền, cung cấp thông tin để các tổ chức Hội tại các địa phương biết, không bị lợi dụng trong việc tiếp cận, bán phân bón giả, kém chất lượng cho nông dân…

Chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật” bắt đầu được thực hiện từ tháng 04-2016.

Bước đầu, chương trình “Phân bón giả tác hại thật” được biết đến rộng rãi như một thương hiệu tiên phong trong hoạt động đẩy lùi nạn phân bón giả nói chung; tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận và truyền thông.

Bước sang giai đoạn 2, chương trình đi sâu vào thực tế bằng việc đi đến các tỉnh thành, tổ chức Hội thảo và chương trình cụ thể để bà con nông dân trực tiếp tham dự, tìm hiểu thông tin.

Trúc Vân

DMCA.com Protection Status