Một lần đến thăm BP

08:12 | 21/01/2016

735 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Một buổi chiều cuối tháng 9, tôi được sứ quán Anh tại Hà Nội điện sang Bruxelles nơi tôi đang là phóng viên thường trú của TTXVN tại EU, mời tôi sang Luân Đôn dự cuộc hội thảo về dầu khí do hãng BP cùng bộ kinh tế Anh tổ chức vào đầu tháng 10.

Trước hội thảo hai ngày tôi đáp chuyến tàu cao tốc Eurostar từ thủ đô Vương quốc Bỉ sang Luân Đôn.

Tầu chạy rất nhanh với tốc độ trên 300 km/giờ, kể cả chui qua eo biển Manche, hết hơn hai tiếng đồng hồ là tới Luân Đôn. Tới  sân ga gặp cán bộ lễ tân của BP đón và đưa về nghỉ tại một khách sạn nhỏ gần phố Oxford, ở ngay trung tâm thủ đô. Anh Xuân Hiệu, phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Paris cũng đã có mặt ở khách sạn này. Chúng tôi là hai nhà báo được BP mời đích danh sang dự cuộc hội thảo của họ ở Luân Đôn. Dự cuộc hội thảo này còn có anh Ngô Thường San, đại diện cho Petrovietnam, nay là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Thăm  BP chúng tôi mới biết thêm được nhiều thông tin về tập đoàn dầu khi hàng đầu này.

BP là một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, thành lập từ năm 1908. Ngày nay BP hoạt động tại trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp năm châu, bốn biển với hàng chục nghìn kỹ sư, công nhân, nhân viên. BP đang thăm dò 77.000 km2 trên các vùng biển xa. Mỗi ngày khai thác khoảng 3,2 triệu thùng dầu. Hệ thống nhà máy lọc dầu của BP có thể lọc 1.721 thùng/ngày. Ngoài ra còn sản xuất ra trên 14 triệu tấn hóa dầu/năm kể cả nhựa đường. Lượng khí đốt cũng đạt hầng triệu m3/ngày. Năm 2014 doanh số của BP đạt trên 33 tỷ USD mang về số tiền lãi khoảng gần 24 tỷ USD.

mot lan den tham bp

BP quan hệ với Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước với nhãn hàng dầu nhờn Castrol. Sau đó là những hợp đồng cùng Petrovietnam khai thác nhiều giếng dầu và khí ở Nam Côn Sơn.

Cuộc hội thảo được tổ chức gần sân vận động Wembley. BP lúc đó sắp lắp đặt giàn khoan ở Nam Côn Sơn nên cuộc hội thảo tập trung nói về việc này và mời báo chí hai nước tuyên truyền cho dự án Nam Côn Sơn của họ. Sau cuộc hội thảo này  BP mời chúng tôi tới dự cuộc hội thảo thứ hai tại thành phố Aberdin thuộc Xcôtlen, ở gần mỏm phía Bắc nước Anh. Tại cuộc hội thảo này người dự hiểu biết thêm về các họat động đa dạng của ngành dầu khí Anh. Kết thúc cuộc hội thảo thứ hai này BP mời chúng tôi ra thăm giàn khoan Bruce của họ ở biển Bắc giáp lãnh hải Na Uy.

Đây là chuyến bay dài gần 300 km ra ngoài khơi biển Bắc bằng máy bay lên thẳng nên việc chuẩn bị bay cho đoàn chúng tôi rất kỹ. Trước khi bay chúng tôi được xem một phim tài liệu về cách thức mặc bộ quần áo phao màu da cam, những việc phải làm khi bị rơi xuống biển và cách trèo lên tàu cứu hộ như thế nào nếu dạt sang vùng biển Na Uy thì xử sự ra sao… 

Xem xong phim cảm thấy “hơi bị run” nên khi bay cũng hồi hộp. Nhìn xuống biển Bắc thấy nước biển đen ngòm, sóng nổi lên dữ dội, thỉnh thoảng có vài ba con tàu qua lại và những giàn khoan chi chít đang họat động. Ở vùng này có tới 300 giàn khoan làm việc suốt ngày đêm. Trời tháng 10 nhưng nhiệt độ ngoài trời cộng với gió mạnh đang ở mức 3 độ C.

Máy bay hạ xuống sân đậu của giàn khoan. Chúng tôi bước xuống thì được ngay một nhân viên nhà giàn dẫn xuống tầng 3 của khu nhà giàn.Trời bên ngoài lạnh ngắt, gió thổi rất mạnh tưởng có thể bay cả người xuống biển, nhưng bên trong nhà giàn không khí ấm áp dễ chịu. Tiếp đó chúng tôi được dẫn đi thăm 5 tầng của giàn khoan. Đi nhanh một vòng mà cũng hết cả tiếng đồng hồ. Tiếng ồn ào của sóng, của gió và của động cơ giàn khoan làm chúng tôi muốn nói với nhau điều gì cũng phải ghé sát vào tai nhau thì mới nghe rõ. Đây là một giàn khoan lớn của BP. Sau này một giàn khoan tương tự nhưng nhỏ bằng nửa đã được dựng lên ở Nam Côn Sơn và hàng ngày nó chuyển vào bờ hơn 1 triệu mét khối khí tự nhiên cho các nhà máy điện đạm Phú Mỹ ở Cà Mau.

Trong bữa ăn trưa cùng nhau tại một phòng rộng, chúng tôi trò chuyện với các kỹ sư và công nhân BP tại giàn khoan và được biết họ cũng chia ca kíp ra làm việc ngoài  giàn khoan hai tuần lễ rồi được đưa về đất liền làm việc hai tuần sau đó lại ra khơi theo lịch phân công công việc. Ngoài giàn khoan gần như chỉ toàn đàn ông làm việc, chỉ có một bác sĩ  và một cấp dưỡng là nữ. Đoàn chúng tôi ra thăm giàn khoan cũng có một nữ phiên dịch của Petrovietnam, nên các chị gặp nhau chuyện trò khá vui vẻ. Có một chi tiết thú vị là công nhân trên giàn đi giày do Việt Nam sản xuất, họ vui vẻ nói với chúng tôi vậy.

Buổi chiều chúng tôi bay về đất liền. Tại cảng Aberdin chúng tôi gặp và trò chuyện với 3 chàng trai Việt đang được hãng BP cho thực tập 6 tháng để sau này là hạt nhân cho đội ngũ lao động tại giàn khoan Nam Côn Sơn. Nhà báo Xuân Hiệu, người cùng đồng hành với tôi nói với anh Ngô Thường San rằng chúng tôi có lẽ là hai nhà báo Việt Nam đầu tiên đặt chân tới một giàn khoan của BP tại biển Bắc. Tôi cũng nghĩ như Xuân Hiệu.

Anh San gật gù nói: "Đúng vậy, hai anh là các nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt ở giàn khoan này. Sau này về nước chúng tôi sẽ mời các phóng viên ra thăm các giàn khoan của chúng tôi ở nhiều địa điểm khác nhau trên lãnh hải của chúng ta để các nhà báo viết về các giàn khoan đang hoạt động làm giàu cho đất nước…”.

 

Nguyễn Như Kim (Nguyên Trưởng ban Biên tập tin Thế giới TTXVN)

DMCA.com Protection Status