Một thời dầu khí

14:31 | 28/11/2012

3,763 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Hơn nửa thế kỷ đã qua đi kể từ ngày Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 được thành lập, ngày 27/11/1961 - nay được mang tên “Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam”. Nhân dịp này, hai cán bộ lão thành của ngành chia sẻ với bạn đọc Báo Năng lượng Mới về một thời dầu khí.

Ấm áp tình người

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Quốc gia:

Đối với tôi, kỷ niệm đẹp nhất và cũng chính là kýá ức sâu sắc nhất về thời kỳ công tác ở ngành Dầu khí là tình người, tình đồng nghiệp và sự đầm ấm của đại gia đình Dầu khí Việt Nam. Tôi cảm nhận rất sâu sắc điều đó, bởi vì việc tôi được chuyển về làm việc trong ngành Dầu khí có thể coi là trường hợp hiếm hoi - một nhà khoa học chẳng có vai vế chính trị gì đột nhiên được đặt vào vị trí đứng đầu ngành sản xuất kinh doanh lớn và quan trọng.

Tôi về Tổng Công ty Dầu khí từ tháng 5/1992 và công tác tại đây đến tháng 9/2000 thì nghỉ hưu. Từ môi trường thuần túy nghiên cứu khoa học là Viện Khoa học Việt Nam chuyển sang môi trường sản xuất kinh doanh được nhiều người coi là một sự thay đổi đột ngột, ai cũng tin chắc cá nhân tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trên vị trí là người lãnh đạo. Có lẽ thế thật. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy khá nhẹ nhõm khi nhận được quyết định. Có băn khoăn chăng là phải rời bỏ công việc nghiên cứu khoa học đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi. Cũng có thể đó là định mệnh, bởi vì dù có một số kiến thức nhất định về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật liên quan đến chế biến dầu khí, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ làm việc trong ngành Dầu khí. Nhất là thời kỳ đó ở Tổng Công ty Dầu khí cũng chưa có dự án chế biến dầu khí nào được triển khai xây dựng. Về chuyên môn, tôi lại được đào tạo về khoa học cơ bản tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và Trường ĐH Tổng hợp Moskva từ khi là sinh viên cho đến tiến sĩ khoa học, khả năng làm nghiên cứu ứng dụng chắc chắn không tốt. Nhưng không hiểu sao tôi thấy rất bình tâm khi bước chân vào ngôi nhà 69 Nguyễn Du để ra mắt cán bộ chủ chốt của bộ máy điều hành Tổng Công ty. Đó là vào một ngày cuối tháng 5/1992, khi anh Trần Xuân Giá, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, dẫn tôi đến Tổng Công ty để giới thiệu với lãnh đạo đương nhiệm (anh Thiên, anh Hiệp) và các trưởng phòng, ban. Trong số những người có mặt hôm đó tôi chỉ có quen anh Thiên và biết sơ sơ anh Hiệp; các lãnh đạo phòng, ban thì tôi không biết ai cả.

Sau buổi ra mắt đó, tôi trở về TP Hồ Chí Minh để thu xếp bàn giao công việc và đến ngày 10/6 tôi bắt đầu công việc mới. Vì là công việc mới lạ nên tôi hết sức để tâm đến nhiệm vụ của mình, trong đó có việc tìm cách thu nhận một số hiểu biết cần thiết về lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Nhiều bạn bè và người thân lo cho tôi là không “trụ” nổi trong môi trường mới được coi là khác biệt nhiều với Viện Khoa học Việt Nam. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, con người thì ở đâu cũng vậy, phức tạp hay không là do hành vi những con người đó tạo ra. Bẩm sinh hầu như không ai bị ảnh hưởng của môi trường sống (tạm gọi là triết lý sống cho nó oai) là bất kỳ ở đâu, tập thể nào, nếu mình đối xử tốt với những người xung quanh thì cũng sẽ nhận được sự đối xử như vậy. Tôi biết điều đó không phải luôn luôn đúng, nhưng về cơ bản là đúng, ngoại lệ không nhiều và chỉ mang tính cá biệt. Vì vậy, tôi nghĩ, tôi phải thích nghi với mọi người.

Ít ngày sau trong một buổi gặp mặt khá đầy đủ cán bộ chủ chốt của tổng công ty, tôi đã nói đại ý: Từ cơ quan khoa học về đây nhận nhiệm vụ là rất mới, mong các bạn (tôi vẫn gọi anh chị em trong tổng công ty như vậy) hết sức hợp tác; tôi không yêu cầu các bạn thích nghi với tôi mà tôi phải thích nghi với các bạn. Tôi nhấn mạnh từ “thích nghi” với ý rất chân thành, rằng người thủ trưởng muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải biết thích nghi với cấp dưới của mình; công việc thì đã có nguyên tắc, nhưng thực thi công việc thì phải biết thích nghi với những người cộng tác với mình.

Về sau cũng đã có lần, trong một buổi họp giao ban, tôi nói với các cán bộ chủ chốt là: Ở tổng công ty này, vai trò quyết định thành bại là thuộc về các bạn chứ không phải tôi. Nói thế có thể không thật chính xác (vì thành bại phải do cả tổng công ty quyết định), nhưng không phải là sai, bởi vì không có sự hợp tác và hết lòng của các cộng sự thì người thủ trưởng không thể thành công.

Rất may mắn cho tôi là “triết lý” sống đó đã thực sự giúp tôi vượt qua được những khó khăn và thách thức trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi về Tổng Công ty không gây bất cứ xáo trộn nào về nhân sự, cũng không đưa một người nào từ cơ quan ngoài về. Thế mà chỉ sau mấy tháng tôi đã cảm thấy rất an tâm là mọi người hết sức hợp tác và thân thiện, quan hệ giữa tôi và anh chị em cộng sự thật sự cởi mở và chân thành. Suốt hơn 8 năm làm lãnh đạo Tổng Công ty tôi luôn luôn cảm thấy hạnh phúc là được làm việc với những cộng sự rất có năng lực và hợp tác chân thành. Có lần tôi bị cấp dưới “thử thách”, đó là tại Moskva hè năm 1993, trong buổi liên hoan sau khi bế mạc phiên họp của Hội đồng Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, mỗi anh trưởng phòng đều “chúc sức khỏe” tôi bằng một ly rượu. May mà nhờ những năm được “rèn luyện” ở Liên Xô nên tôi vẫn trụ được, nghĩa là không tỏ ra say, 5 giờ sáng hôm sau vẫn dậy được để ra sân bay đi tiếp sang Paris làm việc với mấy công ty Pháp. Buổi liên hoan đó có lẽ cũng là một sự kiện làm ấm thêm tình cảm giữa tôi và các đồng nghiệp trong tổng công ty.

Điều tôi luôn tâm niệm là thật hạnh phúc vì tại Tổng Công ty tôi đã được làm việc với những cộng sự giỏi về chuyên môn, năng lực quản lý tốt, ngoại ngữ giỏi. Nhiều người đánh giá thế hệ chúng tôi là thế hệ vàng của ngành dầu khí có lẽ cũng không phải là quá khen. Được tiếp xúc với một số cán bộ quản lý các doanh nghiệp khác tôi thật sự cảm thấy tự hào là ngành ta thật may mắn có được đội ngũ tài ba như vậy. Trong phần kết luận của Phần thứ ba bộ Lịch sử Dầu khí Việt Nam (Phần về Tổng Công ty DKVN 1990-2006), với nhiệm vụ chủ biên, tôi đã viết: “Có thể là định mệnh, mà cũng có thể là cơ hội thiên phú đã đưa ngành Dầu khí Việt Nam đối mặt với môi trường hoạt động kinh doanh quốc tế rất sớm, đội ngũ cán bộ có điều kiện cọ xát với các doanh nhân giỏi của các công ty dầu khí hàng đầu thế giới, nhanh chóng thu thập những bài học kinh nghiệm cần thiết trong môi trường cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường”… “Đó là vốn quýá nhất mà các thế hệ dầu khí đã tích lũy từ ngày đầu thành lập ngành rồi tiếp tục được nuôi dưỡng và bồi đắp trong suốt những chặng đường đã đi qua… đem lại những thành công hết sức ngoạn mục”.

Người ta bảo: “Về hưu rồi mới biết anh là ai”. Là người về hưu, tôi thật sự hạnh phúc vì hầu như tất cả những người đã từng cộng tác với tôi trong đại gia đình dầu khí, kể cả những người có quan hệ công việc trực tiếp và những người chỉ có quan hệ công việc gián tiếp, thậm chí chỉ biết nhau chứ chưa có cơ hội giao tiếp với nhau, mỗi khi tiếp xúc với tôi đều có thái độ đối xử thân mật và chân tình.

Bài học từ một chuyến công tác

Nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Đăng Liệu:

Trong 35 năm theo nghiệp dầu khí, tôi có may mắn được đi nhiều nơi dọc chiều dài đất nước Việt Nam thông qua các chuyến khảo sát. Thời gian đầu là để khảo sát địa hình, địa chất địa vật lý; sau này bao gồm cả khảo sát tình hình kinh tế và xã hội. Mỗi chuyến đi đều có nhiệm vụ cụ thể và thường là ngắn ngày. Trong số những chuyến khảo sát gấp gáp vất vả đó, đôi khi cũng có chuyến đi rất ấn tượng và đáng nhớ. Dưới đây tôi xin kể về một chuyến khảo sát ở Nam Trung Bộ hồi tháng 11/1975, khi đất nước vừa giải phóng.

Để chuẩn bị triển khai dự án thăm dò địa vật lý khu vực biển ven bờ miền Trung và Đông Nam Bộ dự kiến vào đầu năm 1976, nhiệm vụ chọn vị trí và xác định tọa độ của các điểm định vị trên bờ được đặt ra từ cuối năm 1975. Ở vào thời gian đó, việc sử dụng rộng rãi các thiết bị xác định tọa độ trên cơ sở sử dụng tín hiệu vệ tinh chưa được như hiện nay, nên tọa độ các điểm định vị sau khi được lựa chọn sẽ được đo dẫn từ mạng lưới các mốc trắc địa quốc gia (còn được gọi là điểm tựa) gần nhất. Ở miền Nam trước ngày 30/4/1975 thông tin về các điểm tựa này do Nha Địa dư Đà Lạt quản lý (sau này là Cục Đồ bản thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng). Việc thu thập các tài liệu và thông tin liên quan đến các điểm tựa ở khu vực bờ biển liên quan đến việc triển khai dự án và kết hợp xác định đặc điểm vị trí của các điểm định vị trên bờ từ Phan Rang đến Vũng Tàu, được giao cho đoàn công tác có 5 người, gồm ông Trần Quốc Vinh chuyên gia trắc địa đảm trách về chuyên môn (sau này là Phó tổng giám đốc Tổng Công ty PVEP), tôi lo khâu tổ chức chuyến đi và 3 cán bộ biệt phái bên an ninh lo khâu thủ tục và an ninh chuyến đi.

Ngày đầu tiên của chuyến khảo sát, mặc dù phải dậy rất sớm để rời Sài Gòn (sau là thành phố Hồ Chí Minh) đi Đà Lạt, nhưng các thành viên trong đoàn đều rất vui vẻ; trên xe không lúc nào ngớt tiếng cười. Sau khi nghỉ ăn trưa một cách vội vã ở thị trấn Bảo Lộc, Lâm Đồng, đoàn công tác đã có mặt tại Nha Địa dư Đà Lạt vào đầu giờ làm việc chiều. Công việc được tiến hành suôn sẻ; với sự trợ giúp của cán bộ phụ trách và nhân viên thừa hành của Nha Địa dư, đoàn đã tìm thấy và sao chép được các thông tin cần thiết của các điểm tựa ở khu vực bờ biển Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, Vũng Tàu… Tối hôm đó, tại phòng ăn ở khách sạn, đoàn đã thảo luận và thống nhất kế hoạch ngày hôm sau, trong đó có việc xác định giờ khởi hành là 7 giờ sáng. Cũng cần nói thêm là, mặc dù Đà Lạt khi đó không đông khách du lịch như hiện nay, nhưng ở cùng khách sạn với chúng tôi hôm đó cũng có khá đông người. Ngoài ra, để tới Phan Rang đoàn phải đi qua đèo Ngoạn Mục, là nơi đường đi khá cheo leo và thường có sương mù bao phủ vào buổi sáng.

Với tâm trạng thoải mái sau một đêm ngủ khá ngon giấc, sáng hôm sau khi nghe báo thức tôi vẫn chưa muốn dậy. Sợ các cán bộ an ninh và lái xe ngủ quên, vào lúc 5 giờ 30 phút tôi đã gọi điện thoại để báo thức; 6 giờ 30 phút, sau khi đã ăn sáng mà chưa thấy các cán bộ an ninh xuống phòng ăn, tôi đã gọi điện thoại đôn đốc và nhận được trả lời là “cứ yên tâm”. Gần 7 giờ, tôi, ông Vinh và lái xe đã sẵn sàng lên đường, sau khi đã trả phòng ngủ, thanh toán với khách sạn về các chi phí ăn nghỉ của cả đoàn và kiểm tra xe cộ. Do vẫn chưa thấy các cán bộ an ninh xuống ăn sáng, tôi lại gọi điện thoại lên phòng ngủ và lần này nhận được trả lời là “tối qua ngủ mệt quá nên dậy muộn”. Quả thật, khi đó tôi rất sững sờ và có đôi chút nghi ngờ cộng với ngán ngẩm.

Lần đó ngồi chờ ở phòng lễ tân của khách sạn và không biết giờ nào sẽ đi, tâm trạng của tôi rất bồn chồn, lo lắng không biết chuyện gì đã và sẽ xảy ra cho đoàn công tác. Nhưng rồi, các cán bộ an ninh cũng lần lượt xuống ăn sáng và trả phòng; và vào khoảng 8 giờ 30 phút thì cả đoàn lên xe và xe lăn bánh theo hướng Phan Rang. Trên suốt chặng đường từ Đà Lạt đến Phan Rang trong xe hầu như không có tiếng nói, trừ một vài tiếng thì thào nho nhỏ.

Sau bữa ăn trưa đơn giản ở thị xã Phan Rang, trên cơ sở các thông tin chỉ dẫn nhận được ở Nha Địa dư Đà Lạt, đoàn đã lao ngay vào công việc tìm kiếm dấu tích các mốc trắc địa quốc gia, ghi chép về hiện trạng của các điểm tựa đã thấy dọc bờ biển từ Phan Rang qua Phan Thiết và về Hàm Tân. Đồng thời, đoàn đã tiến hành khảo sát và viết mô tả về vị trí địa lý, tình hình dân cư xung quanh các địa điểm mũi Kê Gà, Mũi Né, La Gi… đã được dự kiến đặt các thiết bị định vị cho dự án. Vào trước lúc mặt trời lặn, sau khi đã kết thúc việc khảo sát ở khu vực Hàm Tân, đoàn đã thực hiện được hầu hết các nhiệm vụ của chuyến khảo sát.       

Khi lên xe để về lại Sài Gòn với tâm trạng phấn chấn bởi đã hoàn thành nhiệm vụ của chuyến công tác; cũng như không muốn để lập lại không khí căng thẳng trên xe như buổi sáng, tôi đã chủ động đặt vấn đề về lý do chậm trễ hồi sáng của các cán bộ an ninh. Câu trả lời đơn giản là: Trước mỗi chuyến đi quan trọng, lại phải qua các địa phận còn có nhiều rủi ro về an ninh, thì việc tiết lộ lịch trình cụ thể là điều tối kỵ. Thật bất ngờ, nhưng quả thật nó đã là một bài học có giá trị đối với tôi, đặc biệt trong những năm tháng tham gia công tác quản lý trong ngành Dầu khí.

Nguyễn Tiến Dũng (ghi)

 

DMCA.com Protection Status