Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Một thời gian khó

21:46 | 19/08/2017

1,145 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Có một người đã đi cùng lịch sử ngành Dầu khí và cả lịch sử hình thành, phát triển Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR). Đó là Tiến sĩ - Anh hùng Lao động Ngô Thường San, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. Chúng tôi đã gặp ông để được nghe kể về một thời gian khó trăm bề của BSR…  

Khó khăn trăm bề

Những năm 90 của thế kỷ trước theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Việt Nam phải xây ngành Dầu khí đồng bộ, toàn diện từ khâu tìm kiếm - thăm dò - khai thác đến chế biến lọc hóa dầu… Ở lĩnh vực lọc hóa dầu, Nghị quyết 15 nhấn mạnh, Việt Nam phải có nhà máy lọc hóa dầu để chế biến dầu thô, tạo giá trị gia tăng hạn chế xuất khẩu thô tài nguyên. Nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ còn ở tình trạng rất khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu tiền, đến nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng - vận hành NMLD. Giải pháp được Đảng và Nhà nước đưa ra là hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới. Có hai tập đoàn lớn là Total (Pháp) và Petronas (Malaysia, bao gồm cả Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan…) muốn hợp tác với Việt Nam làm lọc hóa dầu.

mot thoi gian kho
Một góc công trường xây dựng các phân xưởng công nghệ NMLD Dung Quất (ảnh: Ngọc Lâm)

Lúc này, ông Ngô Thường San với vai trò là Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (TCT DKVN) được tham gia tổ đàm phán với Total và Petronas. Ông San nhớ lại, khi đàm phán, Total đưa ra điều kiện Việt Nam phải xây dựng NMLD ở Long Sơn (Vũng Tàu) vì cho rằng, vị trí này gần mỏ dầu Bạch Hổ, có cơ sở vật chất với hệ thống cảng biển khá đồng bộ, cộng với gần địa điểm tiêu thụ dầu lớn nhất cả nước là TP HCM. Tập đoàn Total đề nghị Việt Nam để họ được quyền phân phối sản phẩm xăng dầu sau khi NMLD đi vào vận hành. Nhưng phía ta không đồng ý với các điều kiện do Total đưa ra. Bởi trong tình cảnh đất nước lúc bấy giờ ai nắm quyền phân phối xăng dầu là nắm quyền điều phối nền kinh tế đất nước.

Tiếp đến, công tác đàm phán với Petronas cũng không thành công vì phía đối tác đòi hỏi quá nhiều ưu đãi giảm trừ thuế nên Chính phủ quyết định giao cho TCT DKVN tự tìm nguồn vốn, tự đầu tư. Khổ một nỗi lúc này lãnh đạo cũng như tất cả nhân sự trong TCT DKVN chưa ai có kinh nghiệm thực tiễn về công nghệ và vận hành NMLD.

BSR ở Quảng Ngãi và sắp tới là khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) với mỏ khí Cá Voi Xanh đi vào hoạt động sẽ tạo thành tổ hợp về lọc và hóa dầu. Bình Sơn và Chu Lai sẽ trở thành trung tâm chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam.

Dù chưa có kinh nghiệm và đang thiếu thốn trăm bề nhưng cấp trên chỉ đạo thì phải thực hiện. Ông Ngô Thường San cùng đoàn công tác về thị sát Bình Sơn (Quảng Ngãi) mọi người vô cùng ngạc nhiên với những gì diễn ra trước mắt. Bình Sơn đầu những năm 90 quá nghèo, hoang sơ. Trên đồi cao nhìn xuống toàn cảnh chỉ thấy vài căn nhà nhỏ lụp xụp, vài bụi dứa ven biển trơ trụi, cát trắng một màu. Thêm nữa, Bình Sơn lúc này rất khô cằn, không có nước, dẫu có đập Thạch Nham nhưng chỉ là một vũng bùn. Nước thiếu trầm trọng, cây lúa cằn cỗi. “Tôi lên một ngọn đồi cao nhìn xuống thành phố Vạn Tường tương lai thì hỡi ôi, vô cùng ngạc nhiên, ngơ ngác vì chẳng có cơ sở vật chất gì, ngoài những đồi trọc. Nhưng phải hiểu một điều rằng, con người miền Trung tuy vất vả nhọc nhằn, cây cỏ ở đây tuy khô cằn phải sống trên vùng sỏi đá cát trắng nóng bỏng nhưng khi có mưa, có nước thì vươn lên mạnh mẽ, tươi tốt. Đó cũng là đặc tính và khí chất rất đặc biệt của người miền Trung”, ông San nói với chúng tôi

Khi đoàn đến thăm huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi, nghe các lãnh đạo địa phương kể người dân miền Trung bao đời khổ, hy sinh rất nhiều trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giờ chỉ ao ước đất nước giàu mạnh và mong cho người dân Quảng Ngãi bớt khổ, người dân miền Trung giàu lên.

Thời điểm này, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà Tổng giám đốc TCT DKVN hay gọi thân mật là anh Sáu Dân trực tiếp nghe báo cáo về các vị trí sẽ lựa chọn để làm nhà máy lọc dầu đầu tiên, gồm: Vân Phong (Khánh Hòa), Long Sơn (Vũng Tàu), Vũng Rô (Phú Yên), Hòn La (Quảng Bình), Bình Sơn (Quảng Ngãi), Đà Nẵng… Nhưng cuối cùng Thủ tướng quyết định chọn cảng nước sâu Dung Quất vì những lý do về địa chính trị, phát triển kinh tế cho cả vùng miền Trung và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nhưng mọi chuyện không hề suôn sẻ. Bởi ngày đó chọn vị trí Bình Sơn - Quảng Ngãi làm NMLD đã có nhiều tranh cãi, phản đối và cả các công ty dầu khí tư bản cũng không đồng ý vị trí này. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn này là đúng đắn.

Nhọc nhằn kiếm tiền làm nhà máy lọc dầu

Chọn được vị trí để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu rồi, bắt tay vào làm gặp quá nhiều khó khăn, trắc trở. Có lần ban lãnh đạo TCT DKVN làm việc với Chính phủ để báo cáo hiện trạng và kế hoạch triển khai, ông Ngô Thường San báo cáo tất cả các khó khăn mà TCT phải đối mặt: Nhu cầu vốn đầu tư quá lớn; không có nhân lực đủ trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ lọc hóa dầu, chưa có kinh nghiệm quản lý đầu tư một công trình lớn như NMLD; cơ sở hạ tầng tại Quảng Ngãi chưa có… Đồng chí Trần Đức Lương - lúc đó ở cương vị Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp có hỏi Tổng giám đốc Ngô Thường San rằng, Tổng giám đốc có quyết tâm làm không? Chúng tôi trả lời, đồng thời cũng khẳng định quyết tâm: “Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ thì phải quyết tâm làm”, ông Ngô Thường San nhớ lại.

mot thoi gian kho
Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga phát biểu tại Kỳ họp thứ II Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga (20-5-1999)

Về nhân sự, ta có thể thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn nhưng vấn đề tài chính thì vô cùng nan giải. Khó! Bởi từ năm 1996 giá dầu Bạch Hổ xuống rất thấp, có lúc chỉ còn 9USD/thùng (65-70 USD/tấn) cộng với tình hình kinh tế đất nước lúc đó cũng vô cùng khó khăn khi miền Trung vừa trải qua các trận bão lụt kinh hoàng trong các năm 1993, 1997, 1998… Thiên tai càng làm cho đời sống người dân miền Trung thêm điêu đứng. Trong tình hình đó, ông Ngô Thường San tiếp tục báo cáo với Thủ tướng Phan Văn Khải: “TCT DKVN hiện không có tiền để triển khai. Tiền ở đâu bây giờ”. Sau khi nghe lãnh đạo TCT DKVN báo cáo tình hình, Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cho đi tìm vốn vay nước ngoài. Ông San kể: “Chúng tôi đem Đề án NMLD Dung Quất qua Nhật Bản trình bày, họ tiếp rất nhiệt tình nhưng cho rằng, đề án không khả thi nên không hồi âm. Chúng tôi qua châu Âu hỏi vay Quỹ EU nhưng họ chỉ cho vay 70 triệu USD để làm đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Về tôi báo cáo với Thủ tướng. Anh Sáu Khải chỉ đạo, có tiền đến đâu làm đến đó”.

Kể từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến thời điểm năm 2016 đã đạt doanh thu thuần 776,5 nghìn tỉ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 132 nghìn tỉ đồng. Hiện BSR có tổng giá trị tài sản hơn 3 tỉ USD và sắp tiến hành IPO.

Trong tình cảnh tiến thoái lượng nan về tài chính như thế, may mà còn một tia hy vọng. Đoàn lãnh đạo TCT DKVN qua Moskva gặp lãnh đạo AO Zarubezhneft - đối tác Nga trong Liên doanh Vietsovpetro và đề nghị họ mở rộng sang lĩnh vực lọc hóa dầu. May mắn là phía Nga hứa sẵn sàng rót vốn đầu tư, số tiền đầu tư NMLD được trích từ phần lợi nhuận phía Nga trong Liên doanh Vietsovpetro. Chính phủ Nga đồng ý và đề nghị đưa vào chương trình hợp tác Liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga. Về nước ông Ngô Thường San báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và được sự nhất trí chọn phương án hợp tác với Nga.

Trong dư âm niềm tự hào của 20 năm về trước, ông San vẫn ghi nhớ niềm vinh dự khi được tham gia trong tổ soạn thảo 2 hiệp định hợp tác Liên Chính phủ trong lĩnh vực dầu khí - về thăm dò, khai thác dầu khí trong khuôn khổ Vietsovpetro và về triển khai thành lập liên doanh xây dựng công trình lọc hóa dầu.

Ngày 25-8-1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thay mặt Nhà nước Việt Nam sang Moskva và cùng Tổng thống Liên bang Nga B. Yeltsin ký kết Hiệp định hợp tác xây dựng và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Mọi chuyện thuận lợi, Công ty Liên doanh Việt - Nga (Vietross) được thành lập để triển khai xây dựng và vận hành nhà nhà máy lọc dầu số 1 tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, sau đó do phát sinh một số vấn đề không thống nhất về quan điểm và cách thức thực hiện dự án nên tháng 1-2003 Vietross chấm dứt hoạt động. Tháng 2-2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Dự án NMLD Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư và giao cho TCT DKVN tiếp tục làm.

Gắn bó máu thịt với NMLD

Trải qua bao khó khăn, vất vả tưởng chừng không vượt nổi nhưng với lòng tin và sự quyết tâm rồi cũng thành công, để có một BSR hôm nay với tổng giá trị tài sản hơn 3 tỉ USD và sắp tiến hành IPO như một giấc mơ. Nhắc về BSR để nhớ về sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị lúc bấy giờ, của các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị, Chính phủ, TCT DKVN - nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai dự án, quyết tâm của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và bà con nhân dân ở địa phương rất ủng hộ ban quản lý dự án trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông còn nhớ, thời điểm Ban Quản lý Dự án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhiều người dân ở Bình Sơn nói: “Để có NMLD bà con sẵn sàng nhường đất để làm nhà máy”.

mot thoi gian kho
Kỳ họp thứ II Hội đồng Quản trị Công ty liên doanh NMLD Việt-Nga tháng 5-1999

NMLD Dung Quất có được những thành quả hôm nay không thể không nhắc đến thế hệ cán bộ - kỹ sư dầu khí trẻ đầy nhiệt huyết, hoài bão, sẵn sàng về Bình Sơn công tác. Vì thời điểm thành lập bộ phận nòng cốt triển khai dự án, rất nhiều cán bộ trong ngành ở Hà Nội, TP HCM và Vũng Tàu từ chối về Quảng Ngãi làm việc vì quá nhiều khó khăn, Tổng giám đốc Ngô Thường San đã thuyết phục nhiều kỹ sư trẻ về. Có nhiều anh em xem NMLD Dung Quất gắn bó với mình như máu thịt và chính sự quyết tâm cao, trí tuệ, sáng tạo cộng với sự hy sinh của các kỹ sư trẻ ngày đó là những nhân tố quan trọng để xây dựng nền tảng lớn cho BSR.

Vươn tới tầm cao mới

Gần 20 năm xây dựng và phát triển, nay BSR đã có một đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, khát vọng vươn xa, làm chủ được công nghệ lọc - hóa dầu, trưởng thành nhanh sau 3 đợt bảo dưỡng tổng thể, gần 10 năm vận hành an toàn nhà máy với sản lượng vượt công suất thiết kế, quản trị doanh nghiệp theo quy trình và tiêu chuẩn quốc tế. Đó là niềm tự hào không chỉ của BSR mà là của toàn ngành Dầu khí Việt Nam.

Công ty Liên doanh Việt - Nga (Vietross) được thành lập vào ngày 25-8-1998 để triển khai xây dựng và vận hành NMLD số 1 tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD.

Theo ông Ngô Thường San thì thời kỳ khó khăn nhất của BSR đã qua, giờ đây đã xin được cơ chế tự chủ thì tương lai đang rất rộng mở cho NMLD Dung Quất. Một chân trời mới cho NMLD trong bối cảnh hội nhập, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới về chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, tính đa dạng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe tiêu chuẩn môi trường, tạo thương hiệu BSR - “nhiên liệu Made in Vietnam”. “Tôi tin tưởng tập thể lãnh đạo và người lao động ở BSR luôn đoàn kết, quyết tâm cao để phát triển nhà máy lên tầm cao hơn khi nâng cấp và mở rộng” - nguyên Tổng giám đốc TCT DKVN Ngô Thường San khẳng định.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, nhìn một cách tổng thể, nếu Thái Bình ở miền Bắc là cái nôi hình thành ngành Dầu khí, Bà Rịa - Vũng Tàu ở miền Nam là nơi phát triển lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí “Upstream”, thì BSR ở Quảng Ngãi và khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) với mỏ khí Cá Voi Xanh giàu tiềm năng là cái “nôi” hình thành lĩnh vực “downstream” của ngành Dầu khí. Bình Sơn - Chu Lai sẽ thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ lọc - hóa dầu và chế biến khí sâu lớn nhất cả nước.

Như vậy, sau bao nhiêu năm từ ngày thực hiện mong ước của Bác Hồ, đến hôm nay, bức tranh toàn diện của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã được định hình. Sự hình thành một ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế đất nước thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được ghi trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, là kết quả lao động sáng tạo, trách nhiệm của nhiều thế hệ những người lao động dầu khí.

Vẫn còn bao trăn trở, suy tư về ngành Dầu khí hiện nay nhưng ông luôn có một niềm tin vào tương lai phát triển, như mong ước của bao thế hệ người làm dầu khí. Bức tranh toàn diện của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã được định hình và đang phát huy vai trò chủ lực của nền kinh tế.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status